Chuyện quanh đoạn kết vở kịch “Bản danh sách điệp viên”

Thứ Năm, 27/10/2005, 08:55

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn hài lòng với phần kết vở “Bản danh sách điệp viên” của đạo diễn Kim Sơn. Bộ trưởng nói: “Nhân dân cần phải biết và chấp nhận sự hy sinh của các chiến sĩ công an”.

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, phong trào văn nghệ quần chúng trong ngành Công an phát triển rất sôi nổi. Có nhiều tiết mục xuất sắc được khán giả trong và ngoài ngành khen ngợi.

Vở kịch “Bản danh sách điệp viên” của Văn Báu (Công an Hà Nội), “Kiện hàng không số” của Khánh Bồng (Công an Hải Phòng), vở chèo “Hương Thiên Lý” của Vũ Khải (Công an Hải Hưng)… rất nổi tiếng, về sau được nhiều đoàn chuyên nghiệp dựng diễn khắp cả nước.

Anh Kim Sơn vốn là một nhà tình báo nổi tiếng, là A14 trong điệp vụ A13 (Bí danh của vụ đánh cháy thông báo hạm Amyot D’Inville) được cử đi học đạo diễn. Thoạt đầu Kim Sơn rất bất ngờ trước nhiệm vụ này. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói: “Làm công an cần được dân hiểu, dân tin yêu và ủng hộ. Nhưng chỉ tuyên truyền huấn luyện và nêu khẩu hiệu thì chưa đủ. Phải bằng văn nghệ mới đi vào trái tim khối óc quần chúng được”.

Thế nhưng Kim Sơn đến Trường Sân khấu - Điện ảnh thì bị lãnh đạo nhà trường từ chối. Họ nói rằng, để trở thành đạo diễn phải có 9 năm làm diễn viên đã. Không thể tùy tiện bước vào học tắt được. Lại có người thân quen nói thẳng với Kim Sơn là: “Cần gì cậu cứ nói thẳng, bọn mình sẽ giúp đỡ, việc gì cậu phải đóng vai học viên cho mệt?”.

Kim Sơn chân thành nói: “Không, mình được cử đi học nghệ thuật thực sự đấy”. Rồi anh trình bày rõ ý kiến của lãnh đạo Bộ, nhưng vẫn không được nhận. Nghe Kim Sơn báo cáo lại, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo nhà trường. Ông đề nghị nếu không được học chính khoa, xin cho anh Kim Sơn học dự thính.

Tuy học dự thính nhưng Kim Sơn vốn có năng khiếu và rất yêu nghệ thuật, từ thời còn là học sinh đã nhiều lần diễn kịch, nên anh vẫn trở thành một đạo diễn giỏi.

Anh Kim Sơn được Cục Tuyên huấn (A34) cử tới làm đạo diễn cho vở “Bản danh sách điệp viên”. Cùng với tác giả Văn Báu, Kim Sơn đã đẩy tình huống kịch lên cao trào. Kim Sơn đã xử lý mở nút cao trào kịch bằng logic thực tiễn là Huệ đã hy sinh trong tay mật thám địch.

Khi lãnh đạo Công an Hà Nội duyệt vở kịch, anh Thảo, anh Nghĩa là Giám đốc, Phó giám đốc Công an Hà Nội đã rất xúc động, đến nỗi không chấp nhận được cái kết thúc bi thảm đó. Các anh cho rằng, Huệ chết, Hăng-ri Thọ ôm trái tim rướm máu nhận nhiệm vụ mới để luồn sâu hơn vào hàng ngũ địch, nó đau đớn tàn nhẫn quá! Hoạt động bí mật mà như vậy thật quá nặng nề. Tổn thất quá lớn, không cầm lòng nổi, dễ bi lụy.

Thế là vở kịch phải sửa lại. Các đồng chí lãnh đạo cùng tác giả và đạo diễn bàn bạc đưa ra nhiều ý kiến cho hồi kết. Để có hậu hơn nên xử lý: Huệ bị địch đày ra Côn Đảo (với hy vọng sau này, đến ngày thắng lợi, trao trả tù binh, hai người sẽ được đoàn tụ).

Hôm tổng duyệt báo cáo lãnh đạo Bộ, màn vừa hạ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn có ý kiến ngay. Ông nói với các đồng chí lãnh đạo Công an Hà Nội cùng tác giả và đặc biệt là đạo diễn Kim Sơn: “Kết thúc như thế là không được. Thực tế cuộc đấu tranh trên mặt trận thầm lặng rất khốc liệt. Biết bao chiến sĩ công an đã hy sinh anh dũng. Một người trung kiên như Huệ sa vào tay địch thật khó tránh được hy sinh. Tổn thất quả là to lớn, nhưng đó là thực tế không thể nào khác được. Nhân dân phải biết và chấp nhận”.

Kim Sơn đã mời Bộ trưởng xem lại phần kết vở kịch khi chưa sửa.

Thế là màn lại được kéo lên.

Các diễn viên xúc động, diễn rất đạt.

Huệ oanh liệt hy sinh.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gật đầu nói: “Phải là như thế”. Rồi ông đưa khăn lau nước mắt

.
.