Chuyến phiêu du kỳ lạ và những vần thơ tặng

Thứ Năm, 04/10/2007, 15:40
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn đã từ giã chúng ta vào tháng 3/2006. Sinh thời, tôi được may mắn hầu chuyện cụ nhiều lần tại căn hộ ở phố Đào Duy Từ, Hà Nội (cụ ở với con gái là cô Hoàng Mê Ly).

Trong lớp họa sĩ già từng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cụ là người thọ nhất (97 tuổi). Tôi được biết, từ năm 1941, cụ Ngôn đã rong ruổi trên đường thiên lý với nhà lăn Mê Ly (roulotte Mê Ly). Đây là chiếc xe bốn bánh có mái che và ngựa kéo, diện tích chỉ bằng một chiếc giường to.

Nhà lăn vừa là chỗ ở của gia đình, vừa là phương tiện giao thông. Hồi ấy, gia đình họa sĩ mới có ba người: họa sĩ 32 tuổi, cô vợ 20 tuổi, bé Mê Ly 1 tuổi. Họa sĩ thuê một người, cũng có máu giang hồ thích đi đây đi đó, để đánh xe và chăm sóc ngựa.

Đến các tỉnh lị cụ đều cho xe dừng lại, mỗi nơi khoảng một tháng để vẽ tranh, triển lãm tranh và nói chuyện về hội họa. Cụ Ngôn tâm sự: “Hồi ấy, chỉ cần có giấy căn cước là được phép đi khắp Đông Dương.

Nhưng để tạo thuận lợi, tôi đóng một quyển sổ vàng để ghi cảm tưởng. Số tiền thu được chỉ đủ chi tiêu nhưng thỏa được lòng mong ước đi vẽ cảnh đẹp các nơi. Tuy thu được ít nhưng tôi cũng trích 10% để giúp Hội Truyền bá quốc ngữ của các tỉnh”.

Năm 1941, nhà lăn Mê Ly đến thị xã Thanh Hóa, lúc tôi đang học trung học ở đây. Họa sĩ Nguyễn Như Hoành đang dạy môn họa ở trung học, bạn đồng khóa với họa sĩ Ngôn, đã sôi nổi giới thiệu với học sinh về nhà lăn Mê Ly. Chúng tôi náo nức đi xem triển lãm.

Vé vào cửa chỉ bằng giá nửa cái bánh mì nên bọn học trò nghèo chúng tôi ai cũng được đi xem triển lãm hoặc xem họa sĩ vẽ ký họa cho những vị tai to mặt lớn.Những lần được tiếp kiến cụ Ngôn, tôi nhận thất mặc dù khi ấy cụ đã cao tuổi song da dẻ vẫn hồng hào.

Với phong cách “hào hoa phong nhã”, đặc biệt trí nhớ rất minh mẫn, cụ kể lại: “Hôm nhà lăn Mê Ly làm lễ khởi hành ở trước cổng đền Ngọc Sơn, Hà Nội (ngày 8/2/1942, khởi hành lần thứ 2 vì năm 1941 đã đi các tỉnh quanh Hà Nội), bạn bè đến tiễn rất đông, đa số là văn nghệ sĩ”.

Một số bài thơ bạn bè tặng hôm đó, cụ vẫn còn nhớ để đọc cho tôi ghi:

Nhà thơ Nguyễn Bính:

Đây chiếc xe lăn của bốn trời/ Trăng vàng chan chứa, gió mê tơi./ Hôm nay xe lại lên đường nhỉ/ Hồn nhớ mơ về nhé, bạn ơi!

Nhà thơ Vũ Đình Liên:

Lững thững đường quê vó ngựa lành/ Say màu cỏ lục, ánh trời xanh/ Bút hoa màu nhiệm chờ linh hứng/ Mỗi nét đan thanh một nét tình.

Nhà thơ Đồ Phồn:

Cố đô gửi lòng đôi cương ngựa/ Tạo hóa thu tròn một góc xe

Nhà thơ Đỗ Huy Nhiệm:

Anh thắng xong cương ngựa/ Ngày hôm nay ra đi/ Đi con đường ngàn dặm/ Sống cuộc đời Mê Ly/ Bây giờ mới đi học/ Tuy muộn mà sớm thay/ Khá to là cuốn sách/ Của sông núi cỏ cây/ Lòng tôi vương vó ngựa/ Theo anh muôn dặm dài/ Gió giang hồ đã dậy/ Hỏi ai không u hoài.

Đây là một sự kiện ghi dấu ấn rất đậm trong cuộc đời họa sĩ. ý định của họa sĩ đi khắp Đông Dương nhưng chỉ đi được 4 năm, vì bom đạn nên đành phải quay về.

Nhà lăn Mê Ly ghi dấu ấn đậm nên năm 1977, cụ ông còn tặng cụ bà bài thơ về “Nhà lăn Mê Ly” viết dưới dạng đối thoại:

Em thì lo chuyện làm ăn

Còn anh chỉ mải thơ tranh tối ngày

Em ơi! em tính ngày nay

Riêng anh, anh lại lo ngày mai sau...

... Cho nên anh muốn khi “đi”

Xuôi tay để lại Mê Ly chuyện mình.

Mê Ly, xe vẽ xinh xinh

Đôi ta như bóng với hình lãng du

Mê Ly một thuở tình ru

Bốn năm non nước ngàn thu tiếng còn.

Không phải cụ ông “nịnh” cụ bà đâu. Cụ dùng “một thuở tình ru” rất đúng vì hiếm có một cô gái Hà Nội, sống trong nhung lụa dám theo chồng rong ruổi dặm trường mưa nắng. Thuở đó đã hiếm mà ngày nay càng hiếm.

Mải vui câu chuyện, lão họa sĩ còn tự tay chép tặng tôi một bài thơ tình cụ sáng tác năm 1995, khi cụ bà đã mất được 5 năm. Đây là một bài thơ tình của cụ già 86 tuổi. Khi tôi hỏi, liệu bài này có công bố được không, cụ mỉm cười gật đầu.

(Ly Đa là ai, cô Mê Ly nói thầm với tôi là một bà ở Đà Lạt).

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ kèm theo bức họa cụ vẽ tặng tôi về nhà lăn Mê Ly.

Ly Đa

Làn mắt Ly Đa lai láng tình

Cho ta xao xuyến cả tâm linh

Từ nay mang nặng bầu Thơ, Vẽ

Dâng hiến cho đời nét nét xinh

 

Dâng hiến cho đời nét nét xinh

Công phu này của cả đôi mình

Ly Đa ấp ủ Ngôn trăn trở

Thơ, Vẽ lên hương ngát nghĩa tình

Trịnh Mạnh
.
.