Chuyện ở sân vườn nhà tôi

Thứ Sáu, 22/05/2020, 07:32
Nhà tôi có một sân vườn trước cửa. Sân vườn nhà tôi không có cây Bonsai, cây thế, cây cảnh, nhưng có cây xanh, có nhiều bóng mát. Mỗi góc vườn, mỗi gốc cây là một kỷ niệm, một con người, một cuộc đời, một nỗi nhớ đầy vơi!

Đứng kiên định trên hàng rào sắt là cây xương rồng, hoa màu lửa - kỷ niệm của ông cậu vợ đã khuất. Nàng mang nó về từ Móng Cái miền biên viễn xa xôi. Bao quanh cây bưởi là bụi hoa lan kiếm của cố nhà văn Dương Duy Ngữ. Bụi hoa mọc trên tường cao, anh phăng phăng bắc thang lên bê tất cả xuống, trao tay tôi, bảo:

- Tôi tặng ông giống lan này, quý lắm đấy!

Sau này khi ông đã ra đi rồi, tôi đọc "Tầm lan" của ông, chợt bâng khuâng tiếc thương, liệu sau này có ai yêu hoa lan và viết về lan hay hơn ông không?

Nhà văn Mai Vũ.

Hoa lan kiếm nở vào mùa thu. Gọi là kiếm nhưng hoa không vươn lên trời mà xuôi xuống như những sợi tơ vàng. Cạnh cây ngọc lan là cây Mẫu đơn trắng, nở hoa quanh năm của nữ sĩ Đoàn Lê, con dân làng Lủ tôi. Cây này Đoàn Lê tặng tôi khi dự trại sáng tác Đồ Sơn 2006.

Đoàn Lê đưa cây cho tôi, đùa:

- Tặng đồng hương.

Tôi đùa lại:

- Hối lộ đấy hả? Không có cái làng Lủ của mình, sao Đoàn Lê có chất liệu để viết "Cuốn gia phả để lại" và bao nhiêu truyện ngắn hay nữa.

Hoa Mẫu đơn nở quanh năm, thơm ngát. Màu hoa trắng tuyết mang nỗi nhớ về người đã khuất.

Chạy dọc hàng rào, hoa đỏ rực làm ấm cả mùa đông là hoa Xích hồng xà bạn tôi tặng. Tôi gọi nó là hoa tháng Mười vì hoa nở vào tháng đó, và cũng là tháng mẹ tôi ra đi. Nép dưới rặng Mai tứ quý là đám cỏ Miên hương mà con gái tôi kiếm từ đồng về. Nó phấp phỏng lo vì: "Làng ta mất cánh đồng rồi bố ạ!"

Cỏ Miên hương hiền như người con gái. Bốn lá mảnh mỏng tang, xoè ra bốn hướng, ở giữa đính nụ hoa nhỏ màu ngà, tựa như một hạt cườm. Ngắt ngọn cỏ lên tay xoa xoa, rồi úp bàn tay lên mặt. Chao ôi! Mùi thơm dịu nhẹ lại thoảng mùi hoa dạ hợp, thật là dễ chịu!

Đứng ở một góc vườn nhưng rất dễ nhìn thấy là cái bếp trấu của Yên Đức. Kỷ niệm những năm 70 của thế kỷ trước, khi cả hai chúng tôi còn công tác ở Uông Bí. Tôi dạy cấp 3, anh cán bộ ngân hàng. Một hôm, anh đến chỗ tôi bảo: "Mai ông đến chỗ tôi, ta xây chuồng gà nhé!". Tôi và anh, kẻ cầm bút, kẻ cầm phấn, nào đã biết xây bao giờ? Vậy mà thành thợ xây. Hì hục suốt từ sáng đến chiều, kẻ trát vách, kẻ lợp tranh. Cuối cùng, chúng tôi cũng làm xong cái chuồng gà 2 ngăn, đủ để nuôi dăm con gà.

Tối, anh đãi tôi bữa cơm canh đậu cà chua vợ anh nấu rất ngon. Anh tiễn tôi ra cửa, tần ngần rồi vớ cái ống gang ở đầu bếp:

- Tôi tặng ông cái bếp trấu.

Tôi mang cái ống gang về, không biết nấu bằng cách gì cả, vì Uông Bí không có trấu. Tôi chuyển về Hà Nội và mang theo của quý của bạn. Bây giờ người ta đun gas, đun điện, nhưng tôi vẫn quý cái bếp trấu đó. Và bây giờ thì anh đã không còn nữa. Tôi kiếm 3 hòn đá như ba ông đầu rau, đặt cái bếp lên trên, rồi trồng bụi hoa nhài. Tôi vẫn pha trà với hoa nhài đó, ngồi uống trà cùng vợ, mà lòng luôn nhớ về một bạn thơ vùng mỏ đã ra đi với câu nói cửa miệng: "Chứ sao! Thây kệ nó!".

Nhưng nhô cao lên trời xanh là ba cây: Bưởi, Khế và Ngọc lan. Ba cây đứng ba góc của một tam giác.

Vườn trong phố nên rất hiếm. Cứ vào mùa xuân là chim sẻ, chim chích, chim chào mào, chim khuyên lại bay về làm tổ hoặc dạy con tập chuyền cành. Cả vườn líu lo tiếng chim, làm cho căn nhà tôi bừng lên sắc xuân.

Tôi đứng trên ban công nhà, nhìn chim mẹ xoè cánh nhảy quanh chim con, kêu lích chích, lích chích rồi bay vụt ra làm mẫu. Nó bay từ cây bưởi sang cây ngọc lan. Con chim non xoè cánh, hơi nhào về phía trước, rồi lấy lại thăng bằng. Chim bố đứng bên gật gù đầu khích lệ. Thế là con chim non lao vụt ra, theo sau là chim bố. Chú chim non không đủ mạnh bay thẳng mà võng xuống gần mặt đất, nó gượng hết sức bay ngược lên. Cuối cùng, nó cũng bám được vào cành cây. Chuyến bay đầu đời đã thành công. Thế là chim bố mẹ ríu ran hót mừng.

Tôi đứng hàng giờ trên sân nhà, lòng hân hoan như muốn uống căng lồng ngực hương sắc, âm thanh của mùa xuân.

Đôi vợ chồng chim chích là đôi bố mẹ mở đầu dẫn con đến tập chuyền.

Điều đặc biệt là cặp chim bố mẹ này chỉ có một con non duy nhất.

Sớm mai hôm ấy, cả vườn đang tĩnh lặng, bỗng cất lên mấy tiếng: Chích chri! Chich chri! rụt rè phát ra từ ngọn cây ngọc lan. Rõ ràng cặp chim chích này đã từ xa dìu con tới đây.

Tôi lại ra ban công đứng nhìn, ngây ngất vì âm thanh tinh khôi của mùa xuân.

Và kìa, con chim mẹ vừa mớm thức ăn cho chim con. Nó khẽ nguẩy đầu đi. Một vật gì nhỏ, nhẹ như con sâu rơi xuống chiếc lá phía dưới. Con chim bố lao xuống chộp lấy và bay đậu sát con chim con. Bây giờ thì nó mới ăn. Tôi cười. Đúng là nũng nịu trẻ con.

Con chim mẹ nhảy lên, nhảy xuống kêu "Chich chri! Chich chri!" liên hồi rồi bay sang cây khế. Nhưng con chim non không nhúc nhích. Sốt ruột, chim mẹ bay trở lại. Lúc này, con chim non mới chịu bay, hỗ trợ phía sau là chim bố. Nhưng nó bay ngang được một quãng ngắn, bỗng nghiêng cánh rơi lạc xuống sân, như một chiếc lá.

Sân vườn của nhà văn Mai Vũ.

Tôi từ ban công, lập cập chạy tới.

Trời ơi! Kẻ nào đã bắn nó bằng súng cao su? Vừa lúc đó, một chú bé hàng xóm chạy hớt hải đến:

- Chú có thấy con chim chích cháu vừa bắn không? Nó sà vào cây bưởi nhà chú mà.

Tôi sầm mặt. Chẳng lẽ lại bợp cho nó một cái hay sao! Tôi xoè tay ra, cái cánh chim xã ra, rỉ máu vào tay tôi:

- Cháu nhìn đi!

Thằng bé đờ mặt ra, mặt tái dần. Nó chưa bao giờ thấy một con chim bị thương là như thế nào? Nó ù té chạy.

Tôi chạy vội vào nhà lấy lọ cồn, bôi vào vết xước đang bầm máu.

Vợ tôi từ trên tầng hai nói chõ xuống:

- Mình cho nó uống sữa đi!

Tôi tìm bịch sữa, lấy cái ống hút, nhưng không làm sao mà cậy được cái mỏ nhỏ nhọn, lại mềm như một mầm cây. Cuối cùng, tôi cũng làm được cái việc khó khăn ấy.

Con chim non nguẩy đầu, trớ ra hết chỗ sữa mà tôi vừa mớm cho.

Tôi đành đặt nó lên trên cành mai, hy vọng mẹ nó sẽ sà xuống đón.

Nhưng con chim non không đứng được nữa. Nó lộn xuống dưới, mà hai chân vẫn bám chặt vào cành cây. Tôi đưa hai tay ra đỡ và con chim rơi vào lòng tay tôi nhẹ như một bông hoa.

Tôi khum bàn tay lại để ủ ấm cho nó. Trên đầu tôi, chim bố mẹ bổ nhào xuống kêu thất thanh. Tôi đưa con chim lên cao đầu để cho chúng nhìn thấy. Nhưng tôi nhận thấy cái khối bông mịn trên tay tôi đang lạnh dần. Một cảm giác buồn hiu cứ lan dần lên trong tôi.

Con chim bé nhỏ cố ngóc đầu lên, nấc một tiếng rồi cắm mỏ xuống lòng tay tôi. Nó chết rồi!

Tôi ngắt một chiếc lá ngọc lan, đặt con chim bé nhỏ vào đấy và để ở giữa sân. Tôi lui vào trong nhà, đứng nhìn qua khe cửa sổ. Chim bố mẹ đậu xuống sân. Chim mẹ lấy mỏ chạm khẽ vào mỏ chim con. Chắc nó muốn mớm cho con. Làm thế mấy lần nhưng chim con không nhúc nhích. Khi biết là con mình đã chết, nó bay lên cây. Cánh bay chơi vơi. Rồi từ trên cây bưởi, nó "Chich chri! Chich chri!" những tiếng dài não ruột.

Tôi lấy mấy cái lá ngọc lan, chọn những lá non xanh tơ, tôi khum lại hình một chiếc thuyền nhỏ xíu, hy vọng con thuyền này sẽ đưa nó về nơi nào đó xa xăm. Tôi chôn con chim non tội nghiệp và bé bỏng của tôi dưới gốc cây ngọc lan.

Sáng hôm sau, khi bình minh còn chưa lên thì hai chim bố mẹ đã bay về và bắt đầu hót gọi con.

Bạn đã nghe thấy tiếng hót của con chim mẹ mất con bao giờ chưa?! Nó não nề và ai oán ghê lắm! Hôm sau… Hôm sau nữa vẫn thế!

Nhưng rồi thời gian cứ trôi, cứ trôi… và bây giờ, sân vườn nhà tôi đã yên tĩnh hoàn toàn hẳn rồi.

Tôi nhìn ba cái cây trong vườn nhà, chợt nhận ra: Nếu ở giữa chúng có một cây nữa làm chỗ nghỉ tạm, thì con chim non bé bỏng của tôi vẫn có chỗ đậu, và thế thì chắc là nó sẽ không chết.

Thế là tôi đến chỗ Nguyễn Đình Chính ở Nghi Tàm, mang về một cây đào. Tôi trồng xen vào giữa.

Tôi vừa trồng, vừa tự nhủ: Đào ơi! Mày lớn mau đi để những con chim non dù bị thương, vẫn có chỗ chuyền cành, để không có con chim nào phải chết.

Tôi đang bâng khuâng thì chợt nhìn ra cuối hẻm, chỗ để thùng rác công cộng. Tôi trông thấy chú bé hàng xóm đến bên thùng rác, mở nắp ra và vứt cái súng cao su vào đó. Chú cúi đầu đi, dáng rất tần ngần.

Nhìn thấy cảnh đó, lòng tôi thấy nhẹ nhõm làm sao! Tôi nhìn cây đào vừa trồng, chắc mẩm:

- Mùa xuân sang năm, chắc chim sẽ lại về thôi!

Làng Lủ đầu xuân 2020

Mai Vũ
.
.