Chuyện làng văn nghệ

Thứ Ba, 27/02/2007, 10:30

Nhà văn Tôn Ái Nhân phán đoán bằng những bước chạy thần tốc đã được rèn luyện trong nghiệp vụ chiến sĩ an ninh. Chỉ lát sau anh đã đuổi kịp tên cướp. Rồi nhanh như cắt, bằng miếng võ bất ngờ đánh từ phía sau, anh đã tóm được gáy tên đạo tặc.

Giấy trắng đây rồi! Bút bi nước đây rồi! Bữa điểm tâm buổi sáng còn đấy ngon lành. Nhà văn Tôn Ái Nhân ngồi vào bàn viết. Ừ, có dành toàn bộ thời giờ để viết và cứ nguyên những chuyện mắt thấy tai nghe trong nghề trinh sát mấy chục năm của mình viết lại cũng tự thấy là vui rồi.

Một cuộc đuổi bắt

Nhà văn ngồi thừ trước trang giấy trắng xóa. 15 phút trôi qua. Rồi nửa giờ đồng hồ lặng lẽ trôi qua. Thì bỗng, anh giật thót mình. Dội vào cửa sổ anh đặt bàn viết một tiếng kêu thất thanh của một phụ nữ trẻ: “Cướp! Bà con ơi cướp!”. Mẫn cảm đặc biệt từ nghề nghiệp thuở trai trẻ, nhà văn liền buông bút, chạy ra cửa và vụt cái đã  tới hè phố.

Anh nhận ra ngay một người phụ nữ tóc tai rũ rượi đang kêu cứu  ở ngay bên một góc cây sấu già. Với con mắt nghề nghiệp tinh tường nhạy bén về cuối phố, anh nhận ra một bóng trai trẻ đang cắm đầu cắm cổ đạp chiếc xe đạp mipha trốn chạy. Thủ phạm cướp giật đích thị là hắn rồi.

Nhà văn phán đoán bằng những bước chạy thần tốc đã được rèn luyện trong nghiệp vụ chiến sĩ an ninh. Chỉ lát sau anh đã đuổi kịp tên cướp. Rồi nhanh như cắt, bằng miếng võ bất ngờ đánh từ phía sau, anh đã tóm được gáy tên đạo tặc. Tên đạo tặc ngã huỵch xuống đất. Kéo nó lên, anh thấy khuôn mặt non choẹt của nó méo xệch và tái nhợt.

Người phụ nữ nhận chiếc xe đạp xuýt xoa: “Anh là ai, làm gì, xin cho em biết quý danh, địa điểm để em tới cám ơn ạ?”. Tôn Ái Nhân cười, đáp: “Tôi là nhà văn. Việc bình thường thôi, đâu có phải như Lục Vân Tiên đánh cướp cứu Kiều Nguyệt Nga mà phải ơn với huệ”.

Nói rồi nhà văn quay đi, để mặc người phụ nữ đứng, tay giữ chiếc xe mới thu hồi được, mở hai con mắt tròn xoe, kinh ngạc: “Ủa, nhà văn nói năng hay quá trời, lại giỏi như con nhà võ vậy”.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu  biếu quà tết

Năm ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu lo xin việc cho con gái. Ông giám đốc công ty nọ đã rập rạp có lời hứa nhận con nhà văn vào làm việc. Dịp tết Nguyên đán đến, nhà văn sửa soạn quần áo chỉnh tề đến chúc tết, tỏ lòng cảm ơn ông giám đốc.

Nghĩ nên có chút quà gì buổi đến thăm mừng xuân ông sếp tương lai của con, nhà văn quyết định sẽ mua một cây quất. Nguyễn Minh Châu ra chợ quất thám sát, loanh quanh mãi chọn mua được một cây. Chằng chằng, buộc buộc cây quất sau chiếc xe đạp cọc cạch, nhà văn thẳng... tiến.

Vừa dắt xe vào sân nhà ông giám đốc, Nguyễn Minh Châu bỗng phát hoảng, vô cùng bối rối khi ngước nhìn thấy đầy ắp những đào, những quất tưng bừng đứng sắp hàng dài từ chân cầu thang lên đến sảnh tầng hai phòng ông giám đốc sáng trưng ánh điện - toàn những chậu đào, chậu quất to đẹp siêu hạng. Ngó cây quất quà của mình biếu, nhà văn nhận thức rõ là nó còi cọc... thảm hại. Nguyễn Minh Châu băn khoăn suy tính.

Ông “tưởng tượng” cảnh bê cái cây quất còi cọc “oắt con” này lên trao tặng, nó lọt thỏm giữa những chậu đào, quất siêu hạng kia thì thật... không ra sao cả! Ngập ngừng hồi lâu, nhà văn bèn ra một quyết định: lén đặt cây quất mà mình mới loanh quanh kiếm tìm, kén chọn mãi ở chợ quất vào góc cực kỳ khiêm tốn chân cầu thang, và... tay không vững bước lên. Nhà văn thầm nghĩ mình y như anh lính “tay không bắt giặc” vậy!

Ông giám đốc tiếp nhà văn đến thăm tết rất chân tình, vui vẻ. Nhà văn ra về, ông giám đốc còn thân tiễn xuống tận cổng. Sánh vai bên ông giám đốc qua cái cây quất quà biếu của mình ở chân cầu thang, Nguyễn Minh Châu lén đi cho nhanh, chỉ lo ngài giám đốc tinh ý phát hiện ra nó! Hẳn nhà văn không biết rằng, đối với ông giám đốc nọ, được trò chuyện với Nguyễn Minh Châu là một sự thú vị

Hoàng Thị Tuyên - Nguyễn Trung Thu
.
.