Chuyện không dễ kể
Qua tâm sự của Mỹ Dạ, tôi hình dung đến một điều gì đó rất tốt đẹp. Đâu chỉ riêng tôi, nhà thơ Xuân Hoàng khi nghe Mỹ Dạ kể chuyện cũng vậy, cũng linh cảm nhà thơ Phạm Tiến Duật có cảm tình đặc biệt với Mỹ Dạ. Rồi có người buột miệng ghép đôi và bất thần xuất hiện câu thơ "...Nằm ngửa nhớ sao, nằm nghiêng nhớ gió/ Bâng khuâng ngồi dậy nhớ Xuân Hoàng". Dạo đó, Mỹ Dạ luôn ngóng ra ngõ chờ thư khi chiều muộn.
Một lần nhà báo Tô Minh Nguyệt, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam từ Hà Nội vào, đi viết bài về Đại đội gái Ngư Thủy. Nhà thơ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị cử Mỹ Dạ đi cùng. Chuyến đi hơn một tuần. Khi hai chị em về, chị Tô Minh Nguyệt kể:
- Tao với Mỹ Dạ đi thực tế chuyến này, tài liệu lấy được khá nhiều, xúc động lắm. Các nữ pháo thủ Ngư Thủy thể nào cũng được phong Anh hùng trong kỳ tới. Nhưng có chuyện riêng này hay lắm, của tao với Mỹ Dạ. Đợi ăn cơm xong tối chị sẽ kể cho Mây nghe.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ. |
Chị nói vậy rồi nháy mắt mủm mỉm cười. Chị Tô Minh Nguyệt xinh xắn, lịch lãm, yêu đời. Chị hơn tôi và Mỹ Dạ chừng năm ba tuổi, là một nhà báo xông xáo, nổi tiếng trong làng báo Thủ đô. Chị là em gái của nhà văn Tô Hoàng. Em trai của chị là anh Tô Hùng, lính thuộc Tiểu đoàn Thăng Long, Tiểu đội biệt động thành Huế, được kết nạp Đảng sau nhiều thành tích mưu trí dũng cảm khi làm nhiệm vụ. Anh đã hy sinh cùng với ba đồng đội tại xóm nghèo Thủy An, Tây ngoại ô Huế, gần chùa Trà Am. Chùa Trà Am là một trong nhiều ngôi chùa linh thiêng. Hương hồn các liệt sĩ hẳn được nương bóng Phật, hưởng hương khói ngày rằm, mồng một... Chị Tô Minh Nguyệt từ Hà Nội vào, tôi cùng hai em trai, có sự giúp đỡ chí tình của Hội Phụ nữ Huế đã đưa anh Tô Hùng cùng ba đồng đội của anh về an nghỉ ở nghĩa trang Liệt sĩ An Cựu.
Ăn cơm xong, cơm rau khoai luộc hồi đó đã là... sang. Ngồi trước sân, sau ngụm trà Thái thơm nức, nóng bỏng, chị Tô Minh Nguyệt kể. Đầu tiên chị kể những câu chuyện cảm động về Đại đội gái Ngư Thủy, sau chị mới hạ giọng:
... Chị với Mỹ Dạ đi dọc bãi biển...
Tôi lắng nghe câu chuyện của chị Tô Minh Nguyệt rất hồi hộp. Chị kể tiếp: "Rời trận địa của Đại đội Ngư Thủy, hai chị em đi từ rừng dương ra mép sóng. Trong tay mỗi người cầm một cành liễu nhỏ. Cành liễu như biến thành cây sáo trúc, còn cả vi vu tiếng gió. Em cứ hình dung đấy là một cành trâm ngọc. Một ống sáo trúc. Là vì chị đang kể câu chuyện văn chương. Văn chương một chút cho ấm lòng có sao đâu em... Mỹ Dạ vẽ gương mặt một người. Chị cũng vậy. Rồi cười, rồi hai chị em trò chuyện cùng họ. Sau nữa thì ngồi ôm gối lặng thinh nghe sóng, nghe chính lòng mình mà bật khóc. Cuối cùng, không thể ngờ là đã xảy ra như vậy. Cũng không rõ Mỹ Dạ hay chị là người đầu tiên biến cành liễu, cành trâm, cành sáo trúc vi vu gió "thành roi"".
Tôi hình dung, đương nhiên roi thì phải quất vào ai chứ. Như đọc được ý nghĩ của tôi, chị Nguyệt cười: "Đúng rồi, là quất vào cát. Trên cát có hai gương mặt, hai con người. Hai người... của Mỹ Dạ và của chị...".
Giọng hài, cái nháy mắt của chị thật không thể tả được cứ gợi tôi hình dung theo tâm trạng của mình... Chị Nguyệt nói tiếp: "Nhưng thực ra, Mỹ Dạ và chị không quất, mà là cái cành liễu, cành trâm... là cành nguyệt quế tự quất lên cát, lên hai gương mặt trìu mến, đầy nhớ nhung... Tưởng tượng nhiều, lý tưởng nhiều để giữ chung thủy trọn đường dài mà em. Thế mà biển, mà sóng hiểu hết. Sóng lặng nghe rồi òa khóc mà xóa. Xóa hết. Em biết không. Sóng xóa hết. Các anh đấy đang là lính, bặt tin biền biệt... rồi các anh ấy sẽ làm chú rể của một đám cưới...".
Tôi vừa hình dung vừa buột hỏi:
- Là giấc mơ chứ chị? Giấc mơ của chị hay của Mỹ Dạ?
- Giấc mơ của chị ở phố Hàng Chuối, Hà Nội.
- Còn giấc mơ của Mỹ Dạ?
- Bí mật riêng của Dạ...
Mỹ Dạ ngồi có vẻ đang ngẫm ngợi, thi thoảng cười ngậm kim, ánh mắt nhìn như một ánh sao tự xa xăm lắm. Trăng suông giữa một vùng đồi sim mua đang thì hoa tím rộ thoảng nhẹ làn hương vào mảnh sân nhỏ vốn là khoảnh khắc thanh bình hiếm hoi giữa hai trận bom. Chiến tranh thật khủng khiếp. Lòng chung thủy của con người, của tất cả những người phụ nữ thật vô bờ, không bút mực nào tả xiết... Và cũng phức tạp, sâu thẳm, đau đớn thành vết thương lòng, sự mất mát không gì bù đắp...
Với thơ, có cảm xúc thơ bật dậy tự sâu thẳm của niềm vui giấu kín và cả từ sâu thẳm của nỗi buồn. Mới đây tôi được chị Tô Minh Nguyệt tặng tập truyện ký "Người yêu của lính" (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1997). Trước đó chị đã có năm đầu sách xuất bản: "Người mẹ Hà Nội" (Nhà xuất bản Hà Nội, 1981); "Tình yêu và cuộc sống" (Nhà xuất bản Thanh niên, 1983); "Địa chỉ mùa xuân" (Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1985); "Một thời xa vắng" (Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1993); "Bầu trời xanh" (Nhà xuất bản Phụ nữ, 1997).
Nhà thơ Lê Thị Mây thời trẻ. |
Vậy là trong năm 1997, chị Tô Minh Nguyệt gửi đến độc giả hai tập truyện và ký. Tập "Người yêu của Lính" gồm 21 tác phẩm. Đọc "Người yêu của Lính", lòng tôi rưng rưng xúc động. Kỷ niệm thời lửa đạn chiến tranh ùa về đầy ắp niềm thương nỗi nhớ. Thương chị quá, chị Nguyệt ơi! Yêu chị quá. Thương Mỹ Dạ quá. Yêu Mỹ Dạ quá! Mà cũng thương mình, yêu mình hơn, hiểu mình hơn. Ba chị em trong suốt tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, trái tim mang nặng hình bóng người lính, yêu người lính. Cả triệu người về sum họp với gia đình, nhưng cũng có cả triệu người lính không trở về...
Ông trời ơi!
Trời xanh ơi!
Trời xanh đã ban cho cả triệu và cho riêng số phận ba chúng tôi ba đám cưới trong triệu đám cưới sau 1972, giải phóng Quảng Trị và sau 1975, giành Độc lập thống nhất toàn vẹn non sông. Sau mỗi đám cưới còn biết bao điều chưa nói, không nói được...
Hạnh phúc và tình yêu luôn là thế giới riêng tư, không ngôn ngữ, không đặt trên đầu lưỡi. Chỉ thi ca mới hé lộ được một đôi tia sáng trong bình yên ở lưng chừng trời ký ức. Chị, nhà báo, nhà văn Tô Minh Nguyệt trong bút ký "Mẹ ơi đất nước trải dài", đã viết: "Tôi gửi Em ở lại Huế. Mùa xuân này mẹ đã tám mươi. Tôi hình dung giao thừa cả nhà quây quần... Mẹ ở Hà Nội. Em ở Huế. Tôi ở Sài Gòn. Mẹ ơi, đất nước trải dài, ở đâu cũng đượm hình hài các con. Mẹ ơi! Con tin phút giao thừa, các con mẹ sẽ về với mẹ. Những người chết trẻ linh thiêng lắm".
Tôi giở album tìm tấm ảnh chị Nguyệt chụp mấy bà cháu ở Ga Huế. Mẹ chị, hai cháu nhỏ con chị và tôi. Kỳ ấy mẹ chị Nguyệt chừng đã sắp đến tuổi bảy mươi. Tôi ra ga Huế đón mẹ từ Hà Nội vào thăm con trai ở Nghĩa trang An Cựu. Lần ấy, chị Nguyệt đưa cả hai con nhỏ cùng vào Huế thăm cậu là liệt sĩ Tô Hùng...
Mẹ là nhà giáo về hưu nhiều năm. Người khảnh khao, giấu sự thanh lịch Tràng An trong ánh mắt. Còn tôi thì đã qua thì mà khư khư giữ "phòng không" như thuở còn chiến tranh bom đạn. Và đêm xuống không rời cái máy chữ, tôi thả hồn bấm những phím nhạc thi ca dành cho người lính...