Chuyện kể về Nữ điệp viên mang mật danh "Hoa lan trắng"

Thứ Ba, 27/09/2011, 08:00
Một nữ điệp viên an ninh trẻ tuổi mưu trí, dũng cảm với mật danh "Hoa lan trắng" đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ. Số phận và câu chuyện tình yêu sâu sắc, thiêng liêng của người nữ điệp viên này đã được thể hiện sinh động trong tiểu thuyết "Điệp vụ hoa lan trắng" của GS - TS Dương Nghiệp Chí vừa được NXB Văn học ấn hành.

Đặc biệt hơn, đó cũng là câu chuyện có thật trong cuộc đời của tác giả được kể lại sau hơn 40 năm. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với tác giả về hoàn cảnh ra đời cuốn tiểu thuyết này.

- Thưa GS - TS Dương Nghiệp Chí, ông được biết đến như một chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao, từng viết nhiều sách giáo khoa, sách chuyên luận dành cho sinh viên các trường đại học trong lĩnh vực này. Nhưng thật bất ngờ khi ông xuất hiện với tư cách tác giả cuốn tiểu thuyết "Điệp vụ hoa lan trắng". Từ đâu ông có ý tưởng đặt bút viết cuốn tiểu thuyết này?

 + Nếu tính riêng về thể loại tiểu thuyết thì đây là tác phẩm đầu tiên. Còn về sách văn học nói chung thì đây là cuốn thứ 2 của tôi. Cuối năm 2010, tôi đã cho ra mắt cuốn tự truyện "Người ở lại" kể về chính cuộc đời nhiều biến cố của mình. Tư liệu đã được tôi chuẩn bị từ lâu, cộng với kinh nghiệm viết sách nên được cái tôi viết khá nhanh. Cuốn đầu tiên cả viết và in trong vòng 6 tháng, cuốn thứ 2 tôi chỉ mất 4 tháng.

Tôi quyết định viết "Điệp vụ hoa lan trắng" với mong muốn thuật lại có tính chất văn học về cuộc đời, sự nghiệp, tình yêu của 2 thế hệ điệp viên an ninh, cũng là 2 người phụ nữ gần gũi thân thiết với cuộc đời tôi mà tôi luôn yêu mến, kính trọng là mẹ vợ và vợ tôi. Ngoài câu chuyện về những chiến công, về sự hy sinh thầm lặng của họ, tôi muốn nói về tình yêu, vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ ở lĩnh vực công tác đặc biệt này. Như trong phần mở đầu tiểu thuyết tôi đã viết: "Hai thế hệ đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Họ sống rất nhân văn. Hy vọng sống sót trong cuộc chiến đấu dù nhỏ nhoi, họ vẫn giữ tình yêu đôi lứa thủy chung, như để nạp thêm một nguồn năng lượng mãnh liệt"...

- Các nhân vật trong tiểu thuyết phần lớn đều là những nguyên mẫu có thật ngoài đời. Tuy nhiên, ai cũng biết tiểu thuyết là một thể loại mang tính hư cấu cao. Ông có thể cho biết có bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu phần trăm hư cấu trong câu chuyện của ông? Và chắc chắn, việc thu thập tư liệu để viết về công việc của một điệp viên hẳn không dễ dàng?

 

+ Có thể nói, hư cấu chiếm khoảng 30% trong câu chuyện này và tập trung ở những chi tiết phụ. Các nhân vật chính đều là những nhân vật có thật nhưng đều được tôi đổi họ tên, quê quán. Vì tính chất công việc nên khi còn sống, vợ tôi không chia sẻ gì. Tôi chỉ biết đó là công việc nguy hiểm, đòi hỏi sự gan dạ, dũng cảm. Sau này, khi đất nước thống nhất, tôi có điều kiện đọc sách, trò chuyện với thủ trưởng và những người đồng đội cũ của vợ. Đặc biệt là những buổi trò chuyện, tâm sự với mẹ vợ tôi - cũng từng là một điệp viên - giúp tôi hiểu hơn về công việc khó khăn này. Mọi thứ cứ tích tụ, lắng đọng dần. Bản thân tôi cũng là người trân trọng quá khứ và có ý thức lưu giữ kỷ niệm của hai vợ chồng. Hàng trăm bức thư chúng tôi gửi cho nhau thời tôi học ở Trung Quốc, đến thời điểm này tôi vẫn thuộc từng câu. Ngày đó chúng  tôi viết thư cho nhau là gửi cho nhau không chỉ để biết thông tin, mà còn là gửi cho nhau niềm tin, nghị lực sống để vượt qua những khó khăn.

- Là người trong cuộc, hẳn ông thấu hiểu hơn ai hết sự hy sinh thầm lặng, những thiệt thòi của người điệp viên và của cả những người thân yêu của họ?

 + Để đến được với nhau, chúng tôi yêu nhau ròng rã 8 năm. Bốn năm đầu xa nhau biền biệt, mỗi người một nơi vì nhiệm vụ học tập, công tác. Sau này, vì đặc thù công việc nên cùng ở Hà Nội nhưng rất ít khi được gặp nhau. Có những đêm tôi lang thang đứng ngoài đường nhìn vào nhà người yêu, chỉ khoảng 10 mét mà không vào được. Hay có thời điểm đến cả 2 năm không có tin tức gì, không biết còn sống hay đã chết. Và có những lúc chúng tôi tưởng phải chia tay nhau mãi mãi. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý định chuyển công việc khác. Khi đó đất nước còn chiến tranh, chúng tôi đều xác định hy sinh tình riêng vì Tổ quốc mặc dù sự xa cách luôn khiến cả hai nhớ nhung, đau khổ.

- Đọc "Điệp vụ hoa lan trắng", nhiều độc giả ấn tượng với nhân vật Bạch Ly và câu chuyện rất đẹp về cuộc đời bà. Hẳn ông muốn gửi gắm nhiều thông điệp ở nhân vật này?

+ Nhân vật Bạch Ly trong truyện đã sống và yêu rất mãnh liệt, nhưng rồi mất đi khi mới 27 tuổi, khi đứa con trai đầu lòng mới 9 ngày tuổi. Đó cũng chính là câu chuyện cuộc đời của vợ tôi. Ngoài đời, vợ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, kiên quyết, nhưng rất tình cảm, luôn biết cách quan tâm, chăm sóc người khác. Đặc biệt, vợ tôi là người rất yêu văn chương, tư duy về xã hội rất thông minh. Khi vợ tôi qua đời, tôi rất đau khổ. Nhưng chính trong sự mất mát ấy tôi hiểu rằng mình càng cần phải có nghị lực để vươn lên mạnh mẽ trong cuộc sống, sống thay, sống xứng đáng với người đã mất và nuôi con trưởng thành. Chính vì vậy, tôi nuôi ý định viết tiểu thuyết để những hy sinh của những nữ điệp viên như mẹ, như vợ tôi không còn thầm lặng nữa. Chúng ta và thế hệ trẻ sau này có quyền tự hào về một thế hệ đi trước, họ đã tình nguyện hy sinh, không để lại tên tuổi, không cần ghi công, để phục vụ dân tộc.

- Xin cảm ơn ông và chúc ông thành công ở những tác phẩm tiếp theo! 

"Điệp vụ hoa lan trắng" kể về nữ điệp viên Bạch Ly - người đã hoạt động trong mạng lưới điệp viên của nước ngoài ở thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ với mật danh "Hoa lan trắng". Bạch Ly đã mang về nhiều thông tin quý báu cho đất nước. Sức chiến đấu, sự mưu trí, kiên cường của Bạch Ly được hun đúc từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của Bạch Ly tham gia cách mạng từ rất sớm rồi hy sinh. Người mẹ cũng là một điệp viên mưu trí. Mười hai tuổi, Bạch Ly cũng được đưa sang Lư Sơn - Quế Lâm, Trung Quốc để học trong trường "Dục tài học hiệu" - trường nuôi dưỡng nhân tài cho Việt Nam tại Trung Quốc.

Năm 1957, Bạch Ly về nước, học tại trường Chu Văn An, Hà Nội. Tốt nghiệp cấp III, theo nguyện vọng, Bạch Ly được đi học trường An ninh tại Hà Nội và sau đó bắt đầu công tác của một nữ điệp viên. Và tháng 10/1964, Bạch Ly được giao nhiệm vụ hoạt động trong một mạng lưới tổ chức điệp viên tư nhân của Nhật để thu thập tin tức, tài liệu quan trọng liên quan đến cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Nơi thực hiện nhiệm vụ là U Đon - Thái Lan. Cùng với việc ca ngợi sự mưu trí, dũng cảm của nữ điệp viên Bạch Ly, tiểu thuyết "Điệp vụ hoa lan trắng" còn dành phần lớn trang viết về mối tình sâu sắc, mãnh liệt của Bạch Ly và Hoài Lan. Một mối tình kéo dài tới 8 năm, đầy những trắc trở, khó khăn. Điều giúp họ luôn có niềm tin để giữ gìn và xây đắp tình yêu là những lá thư nồng nàn, đầy tâm sự. Qua những lá thư, người đọc hiểu được những suy nghĩ, trăn trở, vẻ đẹp tâm hồn của một thế hệ chiến sĩ cách mạng. Họ yêu nồng nàn, sâu sắc, thủy chung nhưng luôn ý thức được trách nhiệm của mình với dân tộc. Lá thư nào cũng chan chứa tin yêu, như Bạch Ly từng viết: "Trong chuyện yêu thương không bao giờ đầy đủ cũng như không có lúc nào thừa. Dù ta có viết cho nhau hàng vạn lá thư, có trao cho nhau bao báu vật kỷ niệm cũng không bao giờ vơi được nỗi niềm thương nhớ. Ngọn lửa tình yêu không bao giờ tàn trong những chiếc lò làm bằng tim, bằng máu"… Tình yêu ấy luôn đi liền với những lý tưởng và mộng ước rất đẹp: "Và chúng ta ao ước phải chi xuất thần làm được những công việc kỳ diệu, bất hủ để đời. Chỉ có thế chúng ta mới bên nhau muôn thuở, bởi sự đóng góp xứng đáng cho dân tộc. Để mỗi mùa trăng, em đi mắc võng cho anh nằm dưới giàn thiên lý. Rồi mỗi chuyến anh về, nghèo nàn nhưng yêu dấu, lại được bày dọn như cả tấm lòng em trải rộng bên anh". Tình yêu ấy có nỗi buồn, có đau khổ và mất mát nhưng chưa bao giờ bi lụy. Tình yêu và số phận của Bạch Ly là minh chứng tiêu biểu cho một thế hệ chiến sĩ tình báo đã thầm lặng cống hiến quên mình vì Tổ quốc.

Thảo Duyên
.
.