Chuyện ít biết về tác giả ‘Sống như anh”

Thứ Hai, 04/05/2015, 08:00
Ngày 15/10/1964, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi đã làm nên một sự kiện chấn động thế giới. Bác Hồ viết: "Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước...".  

Tôi còn nhớ như in, đó là một buổi sáng cuối năm 1964, sau buổi chào cờ, tôi cùng hàng ngàn học sinh của trường cấp 3 Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đứng lặng yên mặc niệm người anh hùng "như chân lý sinh ra" .

"Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử /Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra …" (Thơ Tố Hữu, viết về Anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Đó là những câu thơ được đọc lên trong buổi sáng đáng nhớ ấy và tôi nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Sau đó ít lâu, chúng tôi chuyền tay nhau đọc tác phẩm "Sống như anh" của nhà văn Trần Đình Vân viết về cuộc đời của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Một tác phẩm nổi tiếng lúc đó,  cuốn hút hàng triệu người, nhất là sinh viên, học sinh.

Tôi quen biết nhà văn Trần Đình Vân - tức nhà báo Thái Duy đã nhiều năm, có nhiều điều chúng tôi cùng tâm đắc, ấy vậy mà hôm nay tôi mới có dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Ông ra tận ngõ đón tôi, gần 90 tuổi, trông ông vẫn nhanh nhẹn, vẫn hào hứng trò chuyện, vẫn đau đáu những điều mà ông quan tâm. Ông say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện cảm động về Bác Hồ, về chị Quyên - vợ của Anh hùng - Liệt sỹ Nguyễn Văn Trổi - về sự ra đời của cuốn truyện "Sống như anh".

Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội văn nghệ giải phóng Miền Nam năm 1966 tại Phủ Chủ Tịch. Ngoài cùng bên phải là nhà văn Trần Đình Vân.

Trong cuộc đời làm báo, viết văn, ông đã nhiều lần được gặp Bác. Có hai lần được Bác Hồ tiếp. Khi cuốn truyện "Sống như anh" của ông được xuất bản, được in hàng triệu cuốn, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, từ miền Nam, ông và nhà văn Phan Tứ được ra Hà Nội, vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ.

Ông kể rằng Bác trò chuyện rất thân tình như người thân trong gia đình, rồi Bác gọi người phục vụ đến và bảo: "Hôm nay tiếp các nhà văn, nhà báo mà không có cà phê sao?".

"Khi người phục vụ mang vào 4 cốc cà phê, Bác ra hiệu còn thiếu một cốc nữa. "Buổi đầu, tôi rất ngạc nhiên vì ngoài Bác ra chỉ có tôi, nhà văn Phan Tứ và một cán bộ nữa. Tôi định thưa với Bác là đủ rồi ạ. Nhưng Bác bảo: "Còn chú Hồng chụp ảnh kia kìa." Tôi nhìn quanh, nhìn mãi mới thấy nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Hồng đang đứng ở một góc xa.

Khi Bác tiễn chúng tôi ra về, tôi rất muốn được chụp một bức ảnh làm kỷ niệm. Tôi dừng lại bên cái ghế đá dưới gốc một cây bàng to ý muốn được chụp ảnh với Bác ở đây. Bác ngước nhìn cây bàng đang mùa quả chín trong Phủ Chủ tịch, bảo chúng tôi cùng ngồi. Đồng chí bảo vệ vội vàng chạy đến nói: "Chỗ này không được đâu thưa Bác, quả bàng đang chín, có thể rụng xuống đầu". Bác cười, nhẹ nhàng bảo: "Không sao, chắc gì quả bàng đã rụng, mà có rụng chắc gì đã trúng đầu" …

Có lần tôi được Bác mời ăn nhãn, ăn kẹo. Thú thực , tôi chỉ ngồi nhìn Bác, nghe Bác nói mà quên cả ăn bánh kẹo hoa quả. Lúc ra về, Bác giúp tôi gói nhãn, kẹo vào chiếc khăn mùi soa để làm quà cho các cháu ở nhà. Tôi mang về chia cho các con làm chúng rất vui…

Khi chị Quyên - vợ Anh hùng - Liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi sang Cuba, Bác gửi Chủ tịch Phiđen một món quà nhờ Quyên mang giùm và trao tận tay. Bác gửi một đôi dép cao su…thật ý nghĩa …Bác Hồ thật tâm lý, tình cảm mà giản dị, chân tình, dù bận trăm công ngàn việc vẫn biết cách quan tâm đến từng người …Tôi nghĩ, dạy con tốt nhất là kể cho các con tôi nghe những câu chuyện về Bác Hồ, những câu chuyện mà bản thân tôi được tận mắt chứng kiến".

Nhà báo Thái Duy tên thật là Trần Duy Tấn, sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Cái tên Trần Đình Vân gắn với tên cuốn truyện "Sống như anh". Nhiều tác phẩm của ông gắn với các giai đoạn lịch sử cách mạng sôi động của dân tộc như "Người tử tù khám lớn" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1985); "Hải Phòng anh dũng" (NXB Văn học); "Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm" (NXB Tri thức, 2008) …

Gần đây là cuốn "Khoán chui hay là chết" do NXB Trẻ ấn hành năm 2013. Những bài viết trong cuốn sách ngồn ngộn tư liệu sinh động về những người nông dân ở Vĩnh Phú (cũ), Hải Phòng…đã mở đầu công cuộc đổi mới bằng "khoán chui".

Thái Duy là một nhà văn, nhà báo đầy tâm huyết với nghề, với những sự kiện nóng bỏng tính thời sự. Ông gắn bó với tờ báo Cứu quốc (sau này là báo Đại đoàn kết) từ năm 1948 đến năm 1995.

Ông có hai người con trai là Trần Hoài Nam, sinh năm 1967 và Trần Duy Tùng, sinh năm 1970. Trần Hoài Nam hiện làm việc ở Bộ Tài chính, còn Trần Duy Tùng đã nhiều năm nay cả gia đình sống và làm việc ở Đức.

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường.

Trò chuyện với tôi, bà Nhâm Thị Hiển, vợ nhà văn, nhà báo Thái Duy cho tôi biết nhiều điều. Bà Nhâm Thị Hiển công tác ở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam suốt một thời gian dài, nơi nhiều nhà văn, nhà thơ, nhiều nghệ sĩ vẫn thường gắn bó, qua lại. Bà nói, chồng bà công tác nhiều năm ở phía Nam, gắn bó mật thiết với những người chiến sĩ trên chiến tuyến, ở chiến trường, trong những ngày gian khổ, ác liệt nhất nên khi ông viết cuốn "Sống như anh" mới có được nhiều chi tiết sống động như vậy. Các con bà sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, gian khổ, thiếu thốn. Từ nhỏ bà đã gửi các cháu vào nhà trẻ, một mình bà vất vả lo toan chăm sóc dạy dỗ. Bà nhớ khi chồng ra Bắc, mua được cái xe đạp, ông đã tập cho các con đạp xe quanh mảnh sân nhỏ trong nhà. Những lần bà đưa hai con ra phố, các con bà ngồi sau xe đạp hớn hở như đi chơi tết. Bà đưa con đi ăn phở, hay vào vườn hoa, vườn bách thú cho các con chơi, các con bà vui lắm.

"Nhà tôi cũng như các con sống giản dị, chân tình, tử tế và rất coi trọng sự trung thực …" - Bà tâm sự.

Nhà báo Thái Duy đã có 5 cháu nội, đều học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn. Ông kể rằng, mỗi lần các cháu ở Đức về thăm ông bà, cả nhà rất vui. Ngoài những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam được hấp thụ từ bố mẹ, các cháu còn học được nhiều điều hay của thế giới văn minh. Bữa ăn, thấy trên đĩa còn thừa thức ăn là các cháu bảo: "Bà ơi, lần sau bà làm đủ ăn thôi nhé, không nên để thừa bà ạ". Thấy trong nhà vệ sinh có điện sáng mà không có người là vào tắt ngay. Ra khỏi nhà tắt điện, ra khỏi phòng tắt tivi …

Suốt mấy tiếng đồng hồ trò chuyện, nhà báo Thái Duy chỉ kể chuyện Bác Hồ. Chuyện ông đã dạy các con mình bằng tấm gương sáng của Bác: "Cần kiệm liêm chính chí công vô tư". Chuyện Bác Hồ từ năm 1919, trong một đề xuất lên nghị viện Pháp, Bác đã đề cao "Thượng tôn pháp luật". Nhà báo Thái Duy đến bên giá sách lấy cuốn "Di chúc Bác Hồ" đọc cho tôi nghe một câu mà ông cho là "tiên tri". Đó là câu nói về cuộc chiến đấu khồng lồ của đất nước chúng ta sau khi thắng các đế quốc to, là "cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi" (trích Di chúc của Bác).

Ông càng nói, càng say sưa, càng như muốn quên đi tuổi tác. Sợ ông mệt, nên tôi xin phép ra về, hẹn lần sau sẽ đến trò chuyện với ông …

Dương Kỳ Anh
.
.