Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2-9:

Chuyện chưa kể về tác giả ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh”

Thứ Sáu, 26/08/2016, 07:43
Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, cùng với nhiều bài ca cách mạng khác, khắp nơi lại vang lên một bài hát quen thuộc có giai điệu trầm hùng, hừng hực khí thế cách mạng tiến công: "Cùng nhau đi Hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh"...


Vì là một bài hát nổi tiếng nên nhiều người thấy quen thuộc. Nhưng không nhiều người biết tên tác giả, lại càng ít biết về những gì liên quan đến sự ra đời tác phẩm này cũng như cuộc đời ngắn ngủi của người nhạc sỹ. Đó là bài "Cùng nhau đi hồng binh" của Đinh Nhu, ra đời năm 1930.

Đinh Nhu sinh năm 1910 trong một gia đình nghèo khó, quê ở Hải Dương, nhưng gia đình sống ở Hải Phòng. Nhà chỉ có hai anh em trai. Đinh Nhu là anh. Mẹ Đinh Nhu làm nghề bán hoa tươi ở chợ Sắt. Cả nhà sống trong một căn phòng chật hẹp trên gác 2 đằng sau rạp hát tuồng.

Vì mê nghe hát tuồng nên Nhu mon men làm quen với các cô chú diễn viên. Từ đó, cậu quen biết nhiều người trong giới nghệ sỹ đất Cảng khi ấy. Cậu cũng chơi thân với con ông chủ rạp tuồng này. Thế là tối nào cậu cũng được vào xem, không phải mua vé. Không chỉ hâm mộ, tiếp xúc với các diễn viên, Đinh Nhu còn học lỏm được các ngón đàn của họ.

Nhạc sĩ Ðinh Nhu.

Thấy cậu ham mê âm nhạc, lại ngoan ngoãn nên các cô chú diễn viên rất quý mến, đã sẵn sàng dạy cậu học nhạc, đàn miễn phí. Cậu đã bước đầu chơi được một số nhạc cụ dân tộc như nguyệt, bầu, nhị, sáo, thập lục…

Gia đình Đinh Nhu chẳng may sa cơ, lỡ vận nên cậu phải bỏ học để đi làm lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em trai ăn học. Lớn thêm một chút, Đinh Nhu bắt đầu tham gia các phong trào cách mạng. Năm 1927, cậu hoạt động trong phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đến cuối năm 1929, lúc 19 tuổi, Đinh Nhu bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị kết án tù chung thân và mấy năm sau đầy ra Côn Đảo.

Năm 1930, tại Hỏa Lò, Đinh Nhu được các tù nhân đàn anh rất yêu quý do đàn, hát hay, lại rất tình cảm. Nhu thường dạy họ hát nhiều bài dân ca. Có lần, một người nói với Đinh Nhu: "Này, chú em, chú đàn hát hay, lại thạo nhạc, xem sao có thể nghĩ ra bài hát để anh em cùng hát được không?

Một bài nào đó thật khí thế, có thể cùng hát. Hát dân ca mãi rồi. Hay nhưng không có khí thế". Trước cao trào đấu tranh cách mạng sôi sục của quần chúng sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy, được sự cổ vũ của các chiến sỹ khác cùng bị giam trong ngục, với lời kích thích đó, Đinh Nhu đã sáng tác bài "Hồng quân ca", về sau đổi thành "Cùng nhau đi hồng binh".

Chàng chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi cứ miệng lẩm nhẩm hát, chân đập nhịp xuống sàn, tay kéo nhị theo. Anh cứ hát đi hát lại rất nhiều lần cho trôi chảy. Chỗ nào thấy trúc trắc, lại sửa bằng ổn mới thôi. Các tù nhân khác nghe đi nghe lại nhiều lần đã thuộc. Và đến khi Đinh Nhu hoàn thành bài hát cũng là lúc họ thuộc lòng. Không phải mất thì giờ dạy gì nữa.

Đinh Nhu hỏi mọi người: "Các anh nghe thấy thế nào? Nếu thấy chưa được cứ nói để em sửa bằng được. Để hát tập thể thì bài phải dễ hát". Mọi người khen hay, có khí thế, dễ thuộc. Ai cũng hát rất hào hứng. Nhưng anh em nói nếu chỉ có một lời thì chưa đầy đủ. Nghe vậy nên Đinh Nhu đã viết tiếp lời thứ 2: "Đời ta không cần lo/ Nhà ta không hề tiếc/ Làm sao cho toàn thắng/ Ta mới sống yên vui…".

Tác giả không có kiến thức gì về sáng tác ca khúc nhưng đã viết nên được một bài hát cực kỳ hàm súc, ngắn gọn, cô đọng. Lòng yêu nước, căm thù giặc và ý chí cách mạng tiến công đến cùng đã được thể hiện sâu sắc trong một giai điệu được xây dựng trên thang âm ngũ cung của âm nhạc dân gian truyền thống. Về sau, bài hát đã bay ra khỏi nhà tù, đến với quần chúng ở khắp nơi.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh 1930-1931, bài hát được hát vang lên trong những cuộc biểu tình rầm rộ. Rồi gần 15 năm sau, trong cao trào kháng Nhật, tiến tới tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, "Cùng nhau đi hồng binh" lại được vang lên hối hả, thúc giục, góp phần tạo nên thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Ở đâu người ta cũng thuộc lòng: "Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng/ Tiến lên quân hồng…".

Sau khi bị giam ở Hỏa Lò, rồi ra tòa lãnh án án tù chung thân, Đinh Nhu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo. Tại đây, anh mang số tù 3641 cùng với các tù chính trị khác sau này là những lãnh tụ của Đảng như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt).

Tại nhà tù lớn nhất Đông Dương này, chàng nhạc sỹ, chiến sỹ cách mạng kiên cường cũng giống như các chiến sỹ khác bị bọn cai ngục tra tấn cực kỳ dã man, chẳng khác gì thời trung cổ. Nhưng anh vẫn cùng với các đồng đội xiết chặt đội ngũ, cất cao tiếng hát và bài "Cùng nhau đi hồng binh" lại luôn được vang lên trong tù.

Sau này, có lần đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kể lại rằng, tại Côn Đảo khi đó, Đinh Nhu rất yêu đời, luôn dạy các tù nhân khác ca hát. Anh còn đi đầu trong phong trào viết báo tường trong tù. Đinh Nhu đã là một nguồn động viên mọi người vượt qua những ngày tháng tăm tối trong tù ngục.

Nhà tù Hỏa Lò, nơi nhạc sỹ Đinh Nhu từng bị giặc Pháp giam cầm.

Năm 1936, ở bên Pháp, Mặt trận bình dân thắng lợi. Tại thuộc địa Việt Nam, thực dân Pháp buộc phải nới rộng tự do, dân chủ. Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra đời. Sau một thời gian phải lui vào hoạt động bí mật từ thất bại của phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, Đảng ta ra hoạt động công khai. Phong trào cách mạng lại được dấy lên và phát triển ở khắp nơi.

Cũng năm 1936, Đinh Nhu cùng với các đồng chí khác bị tù ở Côn Đảo được ân xá. Anh trở về Hải Phòng tiếp tục hoạt động, đi tuyên truyền cách mạng ở khắp nơi và tiếp tục sáng tác một số bài hát phục vụ công việc này. Nhưng các bài về sau không vượt qua được "Cùng nhau đi hồng binh" đã có sức sống mãnh liệt từ trước. Đến năm 1940, phong trào đấu tranh cách mạng lại bị đàn áp và bị địch dìm trong bể máu.

Đinh Nhu bị bắt trở lại cùng với người em trai của mình là Đinh Hoạt và cùng bị giam ở Nghĩa Lộ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, phong trào chống Nhật của đồng bào ta phát triển mạnh mẽ. Ngày 17-3-1945, tên Phó Công sứ tỉnh Yên Bái tên là Pélia vào trại giam Nghĩa Lộ để trấn an các tù nhân. Nhân cơ hội này, một khẩu hiệu viết bằng tiếng Pháp được anh em tù chính trị giương cao có nội dung: "Hãy thả ngay chúng tôi ra để chống Nhật!".

Ngoài khẩu hiệu, anh em còn đưa ra nhiều yêu sách chính đáng khác. Nhưng Pélia phớt lờ, không đáp ứng, còn xúc phạm các tù nhân. Anh em xông đến, quật ngã tên này rồi nhân đà phá hàng rào, chạy khỏi nhà giam. Viên Phó công sứ Yên Bái hô lính đuổi theo. Chỉ ít phút sau, chúng đuổi kịp và bắn chết 9 chiến sỹ, trong đó có Đinh Nhu. Một số người chạy thoát trong đó có người em trai Đinh Hoạt và các đồng chí Vương Thừa Vũ, Trần Huy Liệu, Văn Tân (nhà sử học)…

9 chiến sỹ ngã xuống. Quân giặc ném xác tất cả các anh xuống hố phân ngựa phía sau trại giam Nghĩa Lộ rồi lấp đất, chôn chung. Người dân thấy vậy rất thương xót, đã thường xuyên đi qua thắp hương trên hố này. Họ đắp đất cao thành nấm mộ lớn và luôn lo chuyện hương khói cho 9 chiến sỹ.

Sau này, nhà sử học lớn Trần Huy Liệu đã viết về Đinh Nhu trong cuốn hồi ký của mình: "Anh Đinh Nhu rất lạc quan, yêu đời, luôn ca hát khiến chúng tôi rất vui, quên cả đau đớn, khổ cực trong tù. Khi bị quân giặc bắn mù mắt, anh vẫn còn hát "Cùng nhau đi hồng binh" và luôn miệng chửi bọn thực dân Pháp...".

Sau ngày, Đinh Nhu cùng 8 liệt sỹ ngã xuống ấy đã được nhân dân Nghĩa Lộ xây tượng đài khá hoành tráng ngay tại địa điểm nấm mồ chôn các anh chung ngày trước. Khám Nghĩa Lộ cũng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và văn hóa, được xây dựng, bảo tồn rất khang trang, để mọi người đến tham quan, tưởng nhớ các chiến sỹ đã hy sinh thân mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có Đinh Nhu.

Người nhạc sỹ, chiến sỹ hoạt động cách mạng sôi nổi đã ngã xuống khi cuộc đời còn quá trẻ, mới 35 tuổi. Đinh Nhu đã kịp để lại một bài hát như lời kêu gọi, thôi thúc hàng triệu người vùng lên đập tan xích xiềng nô lệ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Như vậy là bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" được ra đời từ năm 1930, phát huy tác dụng lớn, rộng khắp ở giai đoạn tiền khởi nghĩa tiến tới Cách mạng Tháng 8 năm 1945 chứ không phải ra đời cùng thời điểm 1944-1945 với các bài như "Cờ Việt Minh" (Vương Gia Khương), "Đoàn vệ quốc quân" (Phan Huỳnh Điểu), "Diệt phát xít" (Nguyễn Đình Thi ), "Du kích ca" (Đỗ Nhuận), "Tiến quân ca" (Văn Cao)… như nhiều người lầm tưởng.

Giờ đây, mỗi khi nghe "Cùng nhau đi hồng binh", chúng ta như được sống lại một thời hào hùng của ông cha, càng biết ơn người nhạc sỹ, chiến sỹ cách mạng trẻ đã để lại một sản phẩm tinh thần vô giá, bất tử cùng thời gian.

Nguyễn Đình San
.
.