Chuột trong ý niệm của hai họa sĩ tuổi Canh Tý
"Chuột Công chúa" - Giấc mơ của họa sĩ Lê Đình Nguyên
Phải khi ngồi cùng họa sĩ Lê Đình Nguyên trong căn nhà vùng ven Hồ Tây thơ mộng, tôi mới biết rằng anh đích thị cầm tinh con Chuột "Canh Tý", một linh vật của năm 2020. Người ta dễ nhầm lẫn gã họa sĩ lãng tử kỳ tài và đầy cá tính Lê Đình Nguyên tuổi trâu. Vì cả cuộc đời anh gắn với những bức điêu khắc về Trâu nổi tiếng đẹp, kỳ lạ và đầy dấu ấn, thậm chí người ta gọi anh là Nguyên "Trâu điên" bởi sự điên loạn, phá cách đầy ngoạn mục của anh trong những tác phẩm điêu khắc về trâu.
Bởi năm Canh Tý cũng là năm họa sĩ Lê Đình Nguyên tròn 60 tuổi, nên khởi đầu cho một năm tròn lục thập hoa giáp, bước qua thập kỷ mới đầy những dự định của chàng Nguyên "Trâu", anh cho xuất hiện một tác phẩm điêu khắc động "Chuột Công chúa" đầy tinh tế mà có nét ngộ nghĩnh, hóm hỉnh với hình ảnh một cô chuột đội vương miện, khăn voan choàng, áo váy họa tiết bằng đồng xen lẫn, tạo cho người xem hình ảnh về những "giấc mơ hạnh phúc" trong ngày Tết Canh Tý cận kề...
"Chuột Công chúa" của họa sĩ Lê Đình Nguyên. |
Họa sĩ Lê trí Dũng, khi xem "Chuột Công chúa" của họa sĩ Lê Đình Nguyên đã nhận xét: "Chuột là con vật khó vẽ, khó nặn, khó diễn hình nhất trong 12 con Giáp... Nhiều họa sỹ đến năm chuột là bó tay vì khó! Để nghĩ ra một tác phẩm chuột trong dịp đón xuân được công chúng yêu nghệ thuật tiếp nhận hoan hỉ là một thành công của bất kỳ ai trong lao động nghệ thuật. Lê Đình Nguyên từng thành công trên nhiều trận đánh: Tượng, đồ chơi, linh vật, tranh vẽ, ký hoạ...
Tết CANH TÝ này, trong khi nhiều hoạ sỹ chuyên vẽ con Giáp phải "bó tay" (đầu tiên là tôi) thì Nguyên cho chú chuột Canh Tý ra đời. Một chú chuột xinh xắn đeo nơ dài diêm dúa đi chơi xuân, mặt rạng rỡ vui tươi đem hạnh phúc đến cho người xem. Quả chuông vàng cực đẹp trước ngực rung lên báo hỷ đến từng nhà. Chỉ còn biết thốt lên: Đẹp quá!".
Nói về tác phẩm này, họa sĩ Lê Đình Nguyên chia sẻ: Anh tuổi Canh Tý nhưng cũng chưa bao giờ trong sáu mươi năm cuộc đời vừa qua anh có ý nghĩ sẽ vẽ chuột theo cách tượng trưng cho năm tuổi của mình, thậm chí anh lại bén duyên với Trâu, "sống" được là nhờ Trâu. Trong mắt họa sĩ Lê Đình Nguyên, chuột trên thực tế là một con vật xấu cả về ngoại hình lẫn tính cách, chuột sống nơi cống rãnh và thường bị người đời xua đuổi vì sự phá phách của mình.
Nhưng quan trọng hơn cả, anh cho rằng, chuột là một con vật khôn ngoan, lanh lợi, thích ứng được với mọi hoàn cảnh sống, biết vươn lên và có ý chí cho dù có gặp phải sóng to gió lớn cỡ nào. Với quan niệm ấy, anh cũng đã nung nấu một số ý tưởng về cách tạo hình một đôi vợ chồng chuột để chào đón năm Canh Tý.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên. |
Rồi như một cơ duyên, trong một ngày cuối năm tất bật, anh nhận được một lời đặt hàng từ một quý nhân, chị đặt hàng anh tạo hình một cô "Chuột Công chúa" cho ngày Giáng sinh. Người xưa có "Đám cưới chuột" của làng tranh Đông Hồ, nhưng anh không muốn tạo nên một chú chuột theo kiểu dáng cũ, hình ảnh con chuột trong tâm tưởng của anh mang hình dáng đẹp, nữ tính, đáng yêu. Với ý nghĩ đó, anh cho "Chuột Công chúa" đầu như một búp sen, thiện lành và sang trọng.
Anh cũng để "Chuột Công chúa" đội vương miện, chít khăn voan cô dâu và khoác một lớp áo trắng có họa tiết làm điểm nhấn. Để có "Chuột Công chúa" trước thời điểm giao hẹn, họa sĩ Lê Đình Nguyên đã làm việc liên tục trong năm ngày không nghỉ ngơi để tạo hình một "Công chúa Chuột" với dáng vẻ mĩ miều và xinh xắn.
Họa sĩ Lê Đình Nguyên không chỉ làm trâu, làm con giáp mà mới đây, anh vừa đoạt giải thưởng họa sỹ xuất sắc nhất trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ 4 (năm 2019) với những tác phẩm tạo hình rối cho vở diễn "Thân phận nàng Kiều" (Đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng). Anh cho rằng, nghệ thuật phải đẹp. phải sang trọng, cho dù đó là một con rối hay là hình tượng các linh vật của năm...
Những chú Chuột no đủ và ấm áp của họa sĩ Tào Linh
Nếu không có cơ hội gặp họa sĩ Tào Linh, người ta sẽ liên tưởng đến một họa sĩ có tính cách mạnh mẽ và nổi loạn, thậm chí hơi... ma quái bởi những hình ảnh trong tranh của anh qua các thời kỳ, qua các giai đoạn đều có những thứ... không giống ai!
Họa sĩ Tào Linh khác biệt và được coi là một "hiện tượng" trong hội họa đương đại. Anh khác biệt ngay từ cách đến với hội họa. Anh tốt nghiệp Đại học Bách khoa, trở thành một kỹ sư điện. Rồi duyên cớ thế nào anh lập công ty truyền thông. Đang làm ăn phát đạt và yên ổn thì một ngày nọ, anh lại tách mình ra khỏi công sở, leo lên tầng áp mái của ngôi nhà trên mạn Kim Ngưu để thỏa niềm yêu thích hội họa, đuổi theo những sắc màu và những ý tưởng vừa điên loạn, vừa hữu hình, vừa vô hình và những khối sắc màu đậm nhạt mà cây cọ dẫn đường chỉ lối.
Họa sĩ Tào Linh. |
Từ ngày đến với hội họa cho tới nay, họa sĩ Tào Linh đã có hàng chục cuộc triển lãm chung và hai cuộc triển lãm riêng mang tên "Gió thu" và "Bầy lặng im". Anh cũng biến đổi chất liệu và phong cách theo từng thời kỳ anh cho là cần thiết phải thay đổi. Anh từng gây thương nhớ và bất ngờ cho nhiều người với hồn vía của cha ông qua những nét vẽ mực Tàu trên giấy dó, và cũng đầy sự hiện đại trong chất liệu giấy gió trong hình ảnh những con phố độc đáo, rất dị hình, những ô vuông, những khối ru bích đầy ẩn ý của họa sĩ.
Họa sĩ Tào Linh cho rằng, nghịch lý, phi lý với anh là chân lý. Anh là người học khoa học nên trước mỗi bức tranh, đó là cả một thời gian ấp ủ và tư duy. Anh không vẽ tranh theo cảm hứng mà anh tư duy logic để có những bước đi nhuần nhuyễn trong tranh của mình. Những bức tranh được anh nung nấu, ấp ủ cả tuần, có khi cả tháng hoặc nhiều hơn thế để có thể tạo ra được một tác phẩm hoàn hảo.
Từ sự logic ấy để nắm bắt thị hiếu khán giả, tranh của anh có thông điệp và mang được những thông điệp khác về đời sống. Gần đây, 20 bức tranh về những chú cá cắm đầu xuống đất của Họa sĩ Tào Linh đã gây được chú ý của giới phê bình và người xem. Giải thích điều này, anh khẳng định, anh chú trọng tính ẩn dụ, hình tượng, anh cũng đề cao sự phi lý để từ đó gợi mỹ cảm cho khán giả xem tranh có được một ý niệm mô phỏng về đời sống...
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: "Các tác phẩm sơn dầu của Tào Linh giống như một ẩn dụ về "mùa thu của đời người". Tính biểu hiện, đương đại và đầy tính triết lý của Tào Linh với chỉ duy nhất một nhân vật, thể hiện một cảm xúc bâng khuâng, những suy nghĩ, cách nhìn của anh về đời sống hiện tại, về thân phận người".
Họa sĩ Tào Linh sinh năm Canh Tý (1960). Cho dù không hề liên tưởng đến việc vẽ linh vật phù hợp với tuổi của mình, nhưng họa sĩ Tào Linh vẽ chuột khiến nhiều người thích thú. Chuột của anh là những khối lập phương, những khối rubic vuông vắn, nhiều màu sắc và thể hiện được sự no đủ, tràn trề của một con vật được cho là không dễ đẹp trong hội họa cũng như nghệ thuật tạo hình.
Tranh “Chuột Canh Tý” của họa sĩ Tào Linh. |
Anh tâm sự: "Tôi tuổi Canh Tý và làm hội họa nhưng tôi thấy rằng, Chuột là một con vật ít tạo ra xúc cảm đẹp và ít liên tưởng cho nghệ sĩ. Tôi tìm được một cách gợi từ thị giác của người xem và khoác lên cho chú chuột trong tranh của mình một tấm áo màu sắc đầy ấm áp và viên mãn, đó cũng một chú chuột ham chơi và sống theo cảm hứng bất chợt như tôi vậy!
Trong cuộc đời, có hai thứ mà tôi theo đuổi, đó là đọc sách và đi lang thang trên khắp các vùng miền. Đó là cách để dung nạp đời sống và kiến thức để có thể hoàn thiện mình trên con đường hội họa nhiều màu sắc này".