Chúng tôi làm sách về Tướng Nguyễn Sơn
Năm 1990, mặc dù đã có tư liệu, Giáo sư Đinh Xuân Lâm và Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng (nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo) "lấy cớ" tôi là lính Cụ Hồ có quen biết với đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, nhờ tôi "xin" thêm những thông tin về Tướng Nguyễn Sơn để in trong tập 3 "Danh nhân lịch sử Việt
Sau một thời gian thư từ, thư công không có kết quả, có lẽ vì bảo mật chúng tôi đến nhà cô Thanh Hà, kỹ sư, con gái Tướng Nguyễn Sơn để tìm kiếm thêm những con số cho chính xác. Gia đình chị Thanh Hà nêu ý kiến “tốt nhất là để cơ quan có trách nhiệm cung cấp”.
Hai vị giáo sư và tiến sĩ bàn nhau rồi nhất trí “trong phạm vi cho phép của một người làm sử cứ công bố điều đã biết, nếu tư liệu còn thiếu, sai hoặc chưa đúng sẽ bổ sung”. Và tập 3 “Danh nhân Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến đại thắng mùa xuân năm 1975” đã giới thiệu 72 danh nhân lịch sử, quân sự (Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Khang, A Dừa, Thích Quảng Đức, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Bùi Công Trừng,...) ở trang 52 có mục “Nguyễn Sơn, 1908-1956” với trên dưới 400 chữ. Số chữ đó, so với 5 tập sách sau này viết về Nguyễn Sơn thật là quá ít ỏi, nhưng cũng nêu lên được những thông tin: “Tên thật Nguyễn Sơn là Vũ Nguyên Bác, năm 1924 sang Thái Lan rồi đến Quảng Châu, học Trường Hoàng Phố, tham gia Vạn Lý Trường Chinh, sau 1945, Tư lệnh Liên khu 5, rồi Liên khu 4, năm 1948 được phong Thiếu tướng, năm 1950 được cử sang Trung Quốc công tác, năm 1956 về nước, mất tại Hà Nội... Nguyễn Sơn là tác giả nhiều bài viết ký tên Lam Phong, Ngọc Anh, Hồng Thủy...”.
Mấy tháng sau khi sách ra mắt, trong xã hội có mấy nguồn tin: Thứ nhất, đã được phép công bố những điều còn phải giữ về Nguyễn Sơn; Thứ hai, Nguyễn Sơn là một vị tướng có nhiều huyền thoại. Bạn đọc muốn được biết nhiều hơn về những huyền thoại này và cả về cuộc rút lui chiến lược Vạn Lý Trường Chinh của Hồng quân công nông Trung Quốc, lúc xuất quân là 30 vạn người, về đến căn cứ chỉ còn 3 vạn, mà Nguyễn Sơn đã tham gia. Còn thời gian ở Việt
Một số thành viên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị “đột phá” về danh nhân “lắm chuyện” này. Với chức danh mà xã hội giao cho là “đi tìm sự thật”, “không để sót một người có công”, “không được quên đi một đóng góp với Tổ quốc, dân tộc”.
Vận động, lắng nghe, thăm dò, xin phép để cuối năm 1993 - nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh Nguyễn Sơn - Hội Lịch sử tổ chức một lễ tưởng niệm ông, gồm một số nhà khoa học, sử học, nhân chứng... Theo nguyện vọng của nhiều hội viên Hội Lịch sử và kể cả gia đình của Nguyễn Sơn là Ban tổ chức phải làm sao mời được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự, lắng nghe các ý kiến và phát biểu chính thức về Tướng Nguyễn Sơn.
Và tôi được giao nhiệm vụ vào trình bày với Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), mặc dầu Tổng thư ký Hội là Dương Trung Quốc đã quá quen biết Đại tướng.
Ngày 31/12, cuộc sinh hoạt tưởng niệm lần thứ 85 ngày sinh Tướng Nguyễn Sơn được tổ chức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến cùng với trên dưới 200 khách mời. Trong buổi sinh hoạt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài phát biểu về Tướng Nguyễn Sơn, đánh giá: “Cũng như anh Phùng Chí Kiên, anh Nguyễn Sơn đã sớm tham gia cách mạng, là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, là một chiến sĩ cộng sản kiên định, con người có khí phách... chẳng những có tài về quân sự mà còn có khả năng về chính trị, về tuyên huấn, về văn nghệ, coi trọng bạn bè, có chút ngang tàng. Anh đã tham gia tích cực có nhiều ý kiến sâu sắc về đào tạo cán bộ, về tác chiến, xây dựng chủ lực, xây dựng lực lượng dân quân. Anh nói chuyện sôi nổi, hấp dẫn, quý trọng đồng chí, đồng đội, nhiều khi trò chuyện thâu đêm, say sưa, cởi mở. Tiếc rằng, anh ra đi quá sớm. Nhưng trong lịch sử cách mạng Việt
Cũng trong buổi lễ ấy, tôi có bài phát biểu “Tiếp cận Nguyễn Sơn”. Tôi tóm tắt: “19 tuổi, Nguyễn Sơn học Trường Quân sự Hoàng Phố, 24 tuổi dự Hội nghị Tuân Nghĩa của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đi bộ hai vạn năm ngàn dặm Vạn Lý Trường Chinh, 29 tuổi là Chính ủy Trung đoàn - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34... Nguyễn Sơn sống mãi trong đền thờ tâm linh của mỗi người chúng ta. Đó là ngôi đền đẹp và to, có thể vĩnh cửu trong thế hệ mai sau vẫn không nguôi công việc tìm hiểu Nguyễn Sơn”.
Hội Khoa học Lịch sử sau đó quyết định ra sách “Tướng Nguyễn Sơn”. Sách là một tập hợp tiếng nói, tấm lòng của nhà báo Thái An, của các nhà sử học Phạm Xanh, Dương Trung Quốc, nhà thơ Hữu Loan... có bài của người đã mất như thi sĩ Hồ Dzếnh, nhà viết kịch Bửu Tiến, có bài của nhà văn quân đội Trung Quốc Lý Linh... và ra mắt bạn đọc vào tháng 8/1994.
Sách chỉ in được 1.000 cuốn nên mấy tháng sau, không còn sách để mua. Bạn đọc ở Thanh Hóa (quê Hữu Loan), ở Huế, ở Đà Nẵng, Tp.HCM đã phải photo nhiều cuốn để đọc, để tặng nhau...
Riêng tôi có may mắn được biết Nguyễn Sơn và có tình cảm với Nguyễn Sơn. Xin kể thêm một vài câu chuyện về ông:
Khoảng năm 1947, 1948 gì đó, trước khi đi bộ đội, tôi được nghe Nguyễn Sơn nói chuyện với đồng bào huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Lâu lắm rồi, tôi có thể nhớ không chính xác câu chữ nhưng đại ý thế này: Nguyễn Sơn bước lên bàn, giơ thẳng tay lên trời, cả đám đông đứng im lặng hẳn. “Thưa đồng bào, có tin đồn Tây sẽ vào Thanh Hóa. Tin đồn có thể đúng, có thể sai. Cứ cho là đúng đi. Vào Thanh Hóa, Tây chỉ đi được 3 đường: đường biển, đường thủy, đường không. Vào đường biển thì Thanh - Nghệ - Tĩnh không phải nơi nào cũng đổ bộ được. Chỗ khó ta canh phòng. Bãi biển Sầm Sơn ta trông chừng, chôn mìn... Cứ cho là nó vào được đi. Mấy ngàn đứa. Cứ cho nó năm nghìn. Đổ bộ vào, ăn đạn, ăn mìn của quân dân, từ xa đến bờ... mất độ ngàn. Lên đến bờ, xe tăng được mấy cái, đường từ Sầm Sơn lên thị xã đã bị đào đứt, người đi, lính đi còn khó, hai bên đường dân quân du kích bắn tỉa, ném lựu đạn, 15 cây số, đi nhanh một ngày mới đến thị xã. Đến thị xã làm gì? Chẳng làm gì. Nhà cửa đã tiêu thổ kháng chiến rồi. Ở với ai? Dân đi hết. Chúng chỉ còn ở với chuột cống”. Dân hoan hô vỗ tay như sấm...
Năm 1949 - 1950, tôi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Một chiều thu được lệnh sang Trường Trung Cao nghe nói chuyện. Thầy hiệu trưởng Lê Thiết Hùng giới thiệu: “Đồng chí Nguyễn Sơn có một số ý kiến trao đổi với các đồng chí”.
Hôm ấy, Nguyễn Sơn nói, tôi nhớ mãi hai chi tiết. Một, ông bảo chúng tôi là sĩ quan, là quan ai cũng thích vàng son. Vàng là vàng thật, tiền bạc; son là môi, vợ đẹp, con khôn. Không ai trách, chỉ làm sao thích cho đúng. Nhưng trước khi có “vàng son” ấy, phải có công đánh giặc, giết nhiều giặc, giải phóng đất nước, giải phóng đồng bào. Nhiều thành tích, nhiều chiến công sẽ được nhân dân trao tặng cho “vàng son”, là huân chương có màu son đỏ Tổ quốc có vàng, sao vàng dân tộc...”. Thứ hai, ông kể chuyện Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đang đánh đuổi quân Tưởng chạy vãi linh hồn... "Cách mạng Trung Quốc chuyển biến lớn. Ai muốn biết Tàu Tưởng chạy thế nào, xin hỏi anh Thiết Hùng đây”. Ông vỗ vai Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, nói tiếp: “Trước, tôi được phân công sống với Mao Chủ tịch, anh Hùng phải làm tướng cho Tưởng. Khi đánh nhau, tôi đánh anh Hùng phải chạy dài...”, và cả hai ông tướng cùng cười thoải mái.
Đến nay, về Nguyễn Sơn, theo tôi biết đã có thêm mấy cuốn sách: “Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn”, “Cuộc đời Tướng Nguyễn Sơn” do anh Minh Quang, cán bộ ở Bộ Tổng tham mưu, con rể Tướng Nguyễn Sơn viết; “Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương” do bà Kiếm Qua, phu nhân của Nguyễn Sơn, người Trung Quốc viết (tháng 11/2005, bà còn khỏe mạnh sống ở Bắc Kinh); “Luận văn chính trị quân sự”, không kể hàng trăm bài viết trên báo trong nước, ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật.
Tôi còn nghe tin sang năm 2006, với những thông tin mới phát hiện rất quý, rất ly kỳ, sẽ có một cuốn “Tập đại thành về Nguyễn Sơn” dày ngàn trang khổ lớn được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ông mất