Chúng tôi làm đặc san “Cimexcol trả giá đắt”

Thứ Sáu, 24/11/2006, 10:30

Trước khi Toà xử vụ Cimexcol, chúng tôi gấp rút hoàn thành Đặc san. In 10 vạn bản, chúng tôi phát hành ở TP HCM 5 vạn, còn chở xuống Bạc Liêu - nơi phiên toà xét xử - để phát hành. Xe chở Đặc san đi suốt đêm. 5 giờ sáng xe đã đến trước nơi xét xử. 6 giờ sáng chúng tôi cho bán Đặc san. Mọi người ào ào đến mua.

Thời gian qua xảy ra các vụ án hình sự, kinh tế lớn như: Vụ Khánh Trắng, Epco Minh Phụng, Lâm Trường Sanh, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Mai Văn Dâu, Bùi Tiến Dũng… chúng ta thấy đã xuất hiện một số tổ chức mang tính xã hội đen, vì chúng có hành vi dã man, tàn bạo; có sự câu kết giữa bọn phạm tội và các quan chức Nhà nước để hoạt động và chạy án.

Những vụ việc này làm tôi nhớ lại, cách đây 17 năm (năm 1989), cũng xảy ra một vụ án tương tự như thế. Đó là vụ án xảy ra ở Công ty Xuất nhập khẩu Lâm sản Minh Hải (lúc đó gồm 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) - thường gọi là vụ Cimexcol.

Để chuyển tải thông tin về vụ án và quá trình xét xử ở phiên toà, chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm.

Giữa năm 1989, được sự chỉ đạo của Tổng cục XDLL Công an nhân dân, đồng chí Tổng Biên tập Chu Phùng cử tôi vào thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bài viết về vụ án này để đăng trên báo và Đặc san: "Cimexcol - Trả giá đắt".

Với chức trách là Phó Tổng biên tập, tôi cùng cán bộ, phóng viên thuộc cơ quan đại diện Báo Công an nhân dân tại TP Hồ Chí Minh (Tiến Thụy, Kim Thẩm, Hà Cương, Phương Nam, Công Trường) thực hiện.

Chúng tôi đã tập hợp một số cộng tác viên, trong đó có các cán bộ, trinh sát của Ban Chuyên án viết bài cho Đặc san.

Chúng tôi gặp thuận lợi là đồng chí Lâm Văn Thê (Ba Hương) lúc đó là Thứ trưởng phụ trách phía Nam, trực tiếp chỉ đạo vụ án, rất nhiệt tình ủng hộ. Ban Chuyên án tích cực cung cấp hồ sơ, tài liệu. Chúng tôi đọc hàng ngàn trang hồ sơ, lời khai của các bị can. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng mới hoàn thành và cung cấp cho chúng tôi.

Chúng tôi gặp các trinh sát điều tra vụ án để được cung cấp tài liệu và gặp một số bị can trong trại giam nghe kể về quá trình phạm tội của các bị can.

Nội dung vụ án dần dần hiện lên qua các trang hồ sơ và lời kể của họ.

Dương Văn Ba, quê ở Minh Hải, một người thông minh, sắc sảo và có nhiều thủ đoạn. Năm 1972, mới 30 tuổi, y đã là dân biểu, nghị sĩ Quốc hội, phụ tá (như Thứ trưởng) Bộ Thông tin của chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng miền Nam, Ba làm ký giả ở Báo Tin Sáng. Từ tờ báo này, Ba quen nhiều quan chức tỉnh Minh Hải và Trung ương.

Năm 1980, Ba về Minh Hải làm kinh tế. Qua nhiều chức vụ, cuối cùng làm Phó Giám đốc Công ty Cimexcol. Làm Phó Giám đốc nhưng mọi quyền hành, sắp xếp nhân sự, kinh doanh đều do Ba quyết định. Ông Giám đốc không có quyền gì cả.

Vốn có nhiều kinh nghiệm và từng trải trong hoạt động chính trị thời Thiệu, Ba đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, mua chuộc các quan chức trong tỉnh.

Y còn mua chuộc một số quan chức Bộ Ngoại thương, những người có trách nhiệm trong việc cấp quota, giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho Cimexcol.

Sau gần 10 năm hoạt động, y đã trở thành một "đại gia", một “Mạnh Thường Quân”, có nhiều thế lực trong tỉnh.

Lợi dụng chức vụ, y đã tham ô và làm thất thoát hơn 20 triệu đôla (lúc đó là rất lớn). Riêng nợ nước ngoài trên 5 triệu đôla không thanh toán được. Vụ án được truy tố với các tội danh: Tham ô tài sản XHCN, cố ý làm trái những nguyên tắc quản lý kinh tế Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ, buôn lậu, buôn bán hàng cấm…

Dương Văn Ba đã có những thủ đoạn mua chuộc cán bộ lãnh đạo rất tinh vi, chẳng khác gì bọn Năm Cam, “Thuyết buôn vua”, Bùi Tiến Dũng …

Ví như: Đối với ông Chủ tịch tỉnh Ba Hùng, Ba khai: "Tôi thường xuyên cho ông Ba Hùng thuốc lá, con gái ông Ba Hùng trị bệnh ở Sài Gòn, tôi giúp đỡ thuốc men, con trai ông Ba Hùng cho mua (thực chất là cho) xe Cúp đời mới".

Giám đốc Nguyễn Quang Sang khai: "Trong cuộc sống bản thân cũng như gia đình ông Ba phục vụ chu tất. Từ xe Chủ tịch đi, do Dương Văn Ba đưa về loại Toyota đời mới; dụng cụ chơi thể thao như vợt, bóng, giày, vớ, quần áo... Dương Văn Ba lo. Lên TP Hồ Chí Minh muốn ra sân banh do Dương Văn Ba bố trí trước và chơi bóng xong, đi ăn cơm khách sạn. Đi Hà Nội cũng do Dương Văn Ba lo vé xe sẵn".

Đối với Phó Chủ tịch Năm Hạnh (sau này là Chủ tịch), Giám đốc Nguyễn Quang Sang khai: "Thủ đoạn của Dương Văn Ba là nắm được vợ và tài xế của anh Năm Hạnh. Thời gian anh Năm Hạnh đi Liên Xô 4 tháng (năm 1987), vợ anh Năm Hạnh thường xuyên ăn ở nhà khách Cimexcol, do Dương Văn Ba bố trí. Ba còn phục vụ chu đáo khi bà đi nghỉ mát, trị bệnh, dư luận cho bà đi sửa sắc đẹp…".

Ba lấy tiền cơ quan xây nhà cho một số lãnh đạo và lão thành cách mạng không phải vì tình nghĩa mà để các vị ủng hộ mình. Ba nói với thuộc cấp: "Mình làm ăn có lúc xuôi chèo mát mái, có lúc rơi xuống sông sâu, vực thẳm. Chính các cụ này vớt mình lên".

Chính vì thế mà lãnh đạo tỉnh định kết nạp Ba vào Đảng và đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Rất nhiều cán bộ, đảng viên trong tỉnh góp ý với lãnh đạo tỉnh phải cảnh giác và xử lý với những việc làm sai trái của Dương Văn Ba, nhưng không ai nghe. Ông Trang Thanh Khả làm đơn tố cáo Dương Văn Ba. Lãnh đạo tỉnh không nghe còn phê ông là bảo thủ, hẹp hòi, cố chấp. Ông uất quá, tự cắt lưỡi, đặt lên đĩa kèm theo tờ giấy ghi "Có lưỡi nói không ai nghe, để lưỡi làm gì". Cắt xong, ông đã chết.

Với tội trạng của Dương Văn Ba và đồng bọn, Bộ Công an đã lập chuyên án điều tra, khám phá ra nhiều tội. 21 bị can đã phải ra hầu toà, trong đó có ông Lê Văn Bình (Năm Hạnh) - Chủ tịch tỉnh.

Các bị cáo đều phải chịu mức án khác nhau. Dương Văn Ba mức án 20 năm tù.--PageBreak--

Trước khi Toà xử án mấy ngày, chúng tôi gấp rút hoàn thành Đặc san. In 10 vạn bản, chúng tôi phát hành ở TP Hồ Chí Minh 5 vạn, còn chở xuống Bạc Liêu - nơi phiên toà xét xử - để phát hành.

Xe chở Đặc san đi suốt đêm. 5 giờ sáng xe đã đến trước nơi xét xử. 6 giờ sáng chúng tôi cho bán Đặc san. Mọi người ào ào đến mua. Đến 8h sáng, khi Toà án bắt đầu xét xử, số Đặc san đã bán nhiều. Đài Phát thanh Bạc Liêu đọc choang choang từng bài viết trong Đặc San.

Đặc san ra đời, nhiều hiểm họa đe dọa chúng tôi.

Trước hết, chúng tôi được bạn bè và bộ phận bảo vệ phiên toà cho biết: Tay chân Dương Văn Ba đã bố trí bọn côn đồ, có hàng chục võ sư đến định gây rối, áp lực trước phiên toà, có ý đồ đánh phóng viên Báo CAND để rửa mặt cho Ba và một số lãnh đạo tỉnh.

Thế là, ở khách sạn, đêm đêm chúng tôi thấp thỏm nghe ngóng, đề phòng bất trắc. Trên đường từ khách sạn đến Toà án, chúng tôi luôn cảnh giới, sẵn sàng đối phó với bọn định hành hung.

Phiên toà kết thúc, về trụ sở cơ quan Đại diện Báo tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục bị đe dọa.

Nhiều cú điện thoại gọi đến đe dọa: Sẽ ném lựu đạn vào trụ sở, sẽ đánh phóng viên Báo CAND.

Bà Hai Được - một cán bộ lão thành cách mạng ở Minh Hải, thấy Đặc san có chi tiết nói là bà bênh vực Dương Văn Ba đã gửi đơn lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, kiện chúng tôi vu cáo bà. Một cán bộ VKSNDTC đến yêu cầu tôi đưa chứng cứ về việc này. Chúng tôi phải đưa tài liệu chứng minh.

Thấy bức ảnh chụp mình ngồi cạnh Dương Văn Ba và báo đăng việc Dương Văn Ba ưu ái, đưa cô sang Lào biểu diễn, ca sĩ CV dọa đến tự thiêu trước trụ sở cơ quan Đại diện Báo.

Tai họa lớn nhất đối với chúng tôi là: Một đại biểu Quốc hội tỉnh Minh Hải, lên diễn đàn Quốc hội (đang họp khi đó) yêu cầu truy tố Báo CAND vì tội: Dùng báo chí để áp đặt Hội đồng xét xử; khi Toà chưa xử, chưa kết tội, Báo CAND đã đăng tội trạng các bị can, vi phạm Hiến pháp và Luật Hình sự, vì Hiến pháp và Bộ luật Hình sự có điều luật: "Chỉ có Toà án mới có quyền kết tội công dân". Như vậy không thượng tôn pháp luật.

Lúc đó mới qua 2 năm đổi mới, bước đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, nên nhiều người còn mơ hồ về luật pháp, yêu cầu các cơ quan chức năng phải xử lý Báo CAND.

Bộ Văn hoá - Thông tin cử đồng chí Nguyễn Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí làm việc với tôi, lo ngại chúng tôi sẽ bị kỷ luật và bị truy tố.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Bùi Thiện Ngộ 4 lần gọi tôi lên gặp báo cáo về sự việc này để đồng chí trả lời Quốc hội và các cơ quan chức năng. Để trả lời, chúng tôi đăng bài của ông Nguyễn Văn Thảo - Viện trưởng Viện Pháp luật của Bộ Tư pháp - nói Báo CAND đăng tội trạng các bị cáo, nói rõ "Theo cáo trạng của VKSNDTC" , không vi phạm pháp luật.

Một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh bảo vệ Dương Văn Ba, cho rằng: Các cơ quan bảo vệ pháp luật lấy cơ chế cũ để xử những người làm theo cơ chế mới và Báo CAND vi phạm pháp luật. Chúng tôi đăng bài phê phán báo đó: "Ăn cơm ai, mặc áo ai mà chống lại Nhà nước, bao che cho bọn tội phạm". (Giống như sau này có một số báo chạy tội cho Năm Cam).

Sau đó, vì một số sai lầm khác, Tổng Biên tập Báo này bị kỷ luật, bị miễn nhiệm.

Lại rất may cho chúng tôi, trong bài phát biểu tại lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhân nhắc đến vụ Thiên An Môn, đã nói về vụ Cimexcol. Đồng chí nói các thế lực thù địch đang lợi dụng dân chủ, lợi dụng cải cách, định lật đổ Trung Quốc như ở Đông Âu. ở Việt Nam vừa qua trong vụ Cimexcol, có hiện tượng lợi dụng dân chủ, lợi dụng đổi mới, phá hoại nền kinh tế Nhà nước; vô hiệu hoá, đả kích, tấn công các cơ quan pháp luật, tạo điều kiện tâm lý muốn xoá bỏ chế độ ta, chống Nhà nước XHCN ta.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là con rể của tỉnh Minh Hải, rất am hiểu tình hình lãnh đạo tỉnh và vụ Cimexcol nên phát biểu của đồng chí được các đại biểu Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh.

Thế là chúng tôi thoát nạn. Đồng chí Bùi Thiện Ngộ gặp tôi nói: "Các ông mở màn thì rất hay, nhưng đóng màn thì dở ẹc, làm khổ tôi".

Sau này, hàng loạt vụ án xảy ra tương tự như vụ Cimexcol, Báo CAND đều giữ tinh thần chiến đấu, dũng cảm, đấu tranh quyết liệt với bọn tội phạm, kể cả các quan chức phạm tội. Vì thế được bạn đọc tin tưởng, nhân dân yêu mến, coi Báo CAND là người bạn đồng hành trong công cuộc đấu tranh chống tội phạm và tham nhũng

.
.