Chúc mừng nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang – Đại thọ bách niên và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh
- Trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017
- Nhà thơ Xuân Quỳnh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
- Đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Thuận Yến
- Cố nhà thơ Xuân Quỳnh sẽ được xét bổ sung giải thưởng Hồ Chí Minh
Tới dự buổi gặp mặt có GS.NSND Trần Bảng và GS.TS. NSND Lê Ngọc Canh - hai người bạn thân tình với nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang cùng vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này; GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; nhà văn Hoàng Quốc Hải, người vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2016; NSƯT, đạo diễn Lê Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; ông Nguyễn Minh Thân, Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; cùng các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật dân tộc, các NSND, NSƯT, các nhà văn, nhà báo và người thân, bạn bè của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.
Tại buổi họp mặt, những thước phim về chân dung nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện với nhan đề "Bản giao hưởng mùa xuân dân tộc tuyệt vời" đã được công chiếu như một món quà chúc mừng ông.
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang (bên trái) và GS.NSND Trần Bảng - hai tác giả được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. |
Nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang tên thật là Nguyễn Thế Khoán, sinh năm 1917 tại Bình Định, trong một gia đình yêu nước dòng dõi khoa bảng. Kháng chiến chống Pháp, ông là cán bộ Tuyên văn Trung đoàn 94 ở Liên khu 5. Từ năm 1954, tập kết ra Bắc, Mịch Quang hoạt động trên nhiều lĩnh vực VHNT. Ông đã sớm tiếp thu được những tinh hoa văn hoá truyền thống của quê hương, sau bao năm học tập, lao động sáng tạo không mệt mỏi, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang đã có nhiều đóng góp có giá trị cho nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất năm 1999, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Với các công trình nghiên cứu có giá trị như:"Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng" (1963), "Đặc trưng nghệ thuật Tuồng" (1988), "Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc" (1995), "Kinh dịch và Nghệ thuật truyền thống" (1999), "Khơi nguồn mỹ học dân tộc" (2003) và một số tác phẩm khác, Mịch Quang là một trong những người mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng xây dựng sân khấu học, nghệ thuật học truyền thống.
Là nhà nghiên cứu uyên bác, ông đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật quốc tế đánh giá cao. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa Đào Tấn và trong suốt nửa thế kỷ qua vẫn tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Đào Tấn - nhà yêu nước, nhà hoạt động sân khấu kiệt xuất, nhà thơ lỗi lạc của dân tộc.
Hơn 80 tiểu luận của ông đăng trên các tạp chí đã góp một tiếng nói quan trọng vào việc định hướng nghiên cứu và sáng tác nghệ thuật dân tộc.
Trên lĩnh vực sáng tác, ông là một tác giả xuất sắc có những đóng góp quý báu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua cho sân khấu cách mạng Việt Nam. Từ vở Tuồng đầu tiên "Đường về Lam Sơn" năm 1951, đến vở "Bà mẹ Làng Sen" năm 2004 được Nhà hát Tuồng Khánh Hoà dàn dựng biểu diễn nhân kỷ niệm 114 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mịch Quang đã có hơn 20 kịch bản gồm các đề tài lịch sử, dã sử, hiện đại được các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước (chủ yếu là các đơn vị Tuồng) dàn dựng, biểu diễn. Trong đó phải kể đến các vở "Má Tám", "Hộp truyền đơn", "Vua Hùng kén rể", "Quang Trung", "Phất cờ nương tử", "Giấc mộng hồ hoa", "Thanh gươm hát bội"… được đánh giá cao tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, trên sóng phát thanh truyền hình, được khán giả hâm mộ nghệ thuật Tuồng cả nước yêu thích.
Các đại biểu chúc mừng nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang. |
Khiêm nhường, tận tụy, nhiệt huyết, trí tuệ, một cá tính sáng tạo độc đáo, một chiến sĩ kiên định, triệt để bảo vệ nghệ thuật dân tộc... Đó là những gì đồng nghiệp, bạn bè, học trò các thế hệ thường nói về nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.
Do tuổi cao sức yếu, nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang sáng ngày 20-5-2017 không đến Nhà hát Lớn Hà Nội trực tiếp nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2016 do Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng. Sáng ngày 21-5-2017, đại diện lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - NSƯT, Đạo diễn Lê Chức Phó Chủ tịch Hội và GS Hoàng Chương Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã trao tặng lại Bằng Chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và tặng hoa cho nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang.
Cuộc đời nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang không học vị, không chức tước, ông đã âm thầm, kiên trì lao động sáng tạo nên những giá trị quý giá cho sân khấu học, nghệ thuật học dân tộc. Từ lâu, tên tuổi của ông đã được đồng nghiệp trong nước, quốc tế vinh danh. Được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh không chỉ là vinh dự của ông và gia đình mà còn là niềm vui lớn của đồng nghiệp hâm mộ ông, và là lời khẳng định những công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang có giá trị khoa học, là cơ sở lý luận cho bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Trong không khí ấm áp, thân tình, những bó hoa tươi thắm của bạn bè đồng nghiệp, học trò và con cháu chúc mừng nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang như hòa cùng những thước phim của "Bản giao hưởng mùa xuân dân tộc tuyệt vời" về một học giả lớn có tâm hồn trong trẻo.
Thực tiễn nghiên cứu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân tộc hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức xúc trong việc bảo tồn và phát huy vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Trong tình hình đó, những công trình nghiên cứu và sáng tác của nhà nghiên cứu, soạn giả Mịch Quang càng thêm có ý nghĩa và vẫn giữ nguyên giá trị thời sự.