Chu du gió hạc mây ngàn

Thứ Ba, 24/07/2018, 08:37
Dù đã đi qua bao thế hệ, có một hồn thơ vẫn mãi làm say đắm lòng người, lời thơ thanh tao, trang nhã, khúc triết, tròn đầy mà sâu lắng và cũng không kém bi thương, đó chính là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.


Tác phẩm tiêu biểu bà để lại cho hậu thế là hai áng thơ “Chinh phụ ngâm” dịch của Đặng Trần Côn và “Truyền kỳ tân phả”. Dường như hồn thơ, chất thơ trong “Chinh phụ ngâm” nói hộ nỗi lòng sầu cảm của bà với mối tình dang dở, chậm muộn cùng Tiến sĩ, Phó Đô Ngự Sử - Nguyễn Kiều.

Cuộc sống chồng vợ ngắn ngủi, thoảng như gió thổi, nhẹ tựa mây bay, mà dài rộng hơn núi sông trời bể. Mối tình đó đã tốn không ít giấy mực của hậu bối sau này.

Làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ giờ đã khác xưa rất nhiều, phố xá đông vui nhộn nhịp, cửa nhà san sát, đây đó những toà chung cư cao tầng mọc lên mà trước đây bãi đất đó là cỏ lau ngút ngàn, ao chuôm đồng ruộng một màu giản dị thôn quê.

Phần mộ của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tại làng Phú Xá, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Con đường làng giờ cũng trải nhựa bóng loáng, vài năm trở lại đây làng được quy hoạch tổng thể mô hình như một khu đô thị mới, hiện đại. Tôi dừng lại hỏi thăm mộ của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm và Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Ông cụ bán hàng nước bảo: “Cô vừa đi qua rồi đó. Mộ của các cụ ở chỗ có mấy cây hoa đỏ kia kìa”. Quay xe lại chừng ba chục mét nhìn thấy những cây đại hoa đỏ bừng nở dưới nắng hè. Những cây đại mọc quây lại trên nền đất khoảng bảy chục mét vuông, ở bên dưới là một hàng rào song sắt chạy xung quanh, cửa khoá then cài. Bên trong là hai ngôi mộ trát xi măng có hai tấm bia đặt trên mộ.

 Chỉ cần nhìn từ xa cũng biết mộ bên phải thờ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, mộ bên trái là của cụ Nguyễn Kiều, chả là nữ sĩ được an táng tại đây đã lâu, bia mộ hẳn bị mờ bởi nắng mưa sương gió của thời gian, còn mộ cụ Nguyễn Kiều mới được quy tập về đây từ năm 2011 nên tấm bia trên mộ vẫn rất mới. Người trông nom phần mộ của hai danh nhân văn hoá đất Việt là bà Nguyễn Thị Sơn, cháu chín đời của cụ Nguyễn Kiều.

Nhà bà Sơn cách mộ của hai cụ chừng dăm chục mét. Bà cầm chìa khoá đi ra chỗ hai cụ yên nghỉ, mở cửa cho tôi vào thắp hương cho hai cụ. Ở giữa hai ngôi mộ là một cái miếu nhỏ, thờ chung hai cụ. Ở trong khu đất rộng chừng trên 70 mét vuông là một chốn nhỏ bé, tĩnh lặng, râm mát được che phủ bởi vườn cây cối.

Bà bảo: “Chỗ cái miếu trước đây là một cây si rất to nhưng năm 2011 quy tập mộ cụ ông về đây, đất ít quá nên buộc phải chặt bỏ cây si để còn lấy chỗ đi. Bà cũng kể từ ngày xây miếu có nhà phong thuỷ đến bảo miếu trông thẳng ra cửa như thế này là không nên, dễ thoát khí nên đề nghị với gia đình xây lại cửa ra vào, tránh cửa ra vào đối diện thẳng với miếu. Nhưng nhìn quanh khu di tích nhỏ quá, nếu xây chếch về bên trái lại vướng ngôi mộ cụ ông, nếu mở về bên tay phải lại vướng vào mộ cụ bà.

Tính đi tính lại cũng không xong, nên cái cửa chính cứ nằm vẹn nguyên như vậy cho đến hiện giờ. Nhìn lên tấm bia trên mộ của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm thấy có dòng chữ mờ Hiền Tổ Tỉ, bà Sơn bảo: Nhiều người lầm tưởng mộ của cụ bà Đoàn Thị Điểm chỉ có hài cốt của mình bà thôi, nhưng thực chất dưới tấm bia kia là ba ngôi mộ nhỏ nằm sát nhau của ba cụ bà, cụ Hằng, cụ Đoan, cụ Điểm. Và trên tấm bia mộ kia ghi ngày mất của nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm là: “14-5” không giống như sách sử và gia phả của dòng họ Nguyễn, họ Đoàn chép lại bà mất vào ngày 11 tháng 9.

Tại sao có chuyện sai khác như trên, số là Tiến sĩ Nguyễn Kiều sinh năm 1695 trong một gia đình nhà Nho dạy học. Năm 18 tuổi ông thi đỗ hương nguyên, năm 21 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi 1715 (ông là một trong các tác giả hệ thống văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám). Được ban sắc giữ chức Cẩn sự tá lang Hiệu uý Hàn Lâm Viện. Với tuổi trẻ tài cao nên Tiến sĩ Nguyễn Kiều được quan Thượng thư Lê Anh Tuấn yêu mến gả con gái là Lê Thị Hằng.

Cuộc sống vợ chồng vừa mới bắt đầu thì không may bà Hằng qua đời khi tuổi vừa mới đôi mươi. Ít lâu sau quan Thượng thư Nguyễn Quý Đức gả con gái là Nguyễn Thị Đoan, cuộc hôn nhân này mang đến cho Tiến sĩ Nguyễn Kiều hai người con trai và một người con gái. Loan phòng chưa được lâu, đến năm bà 30 tuổi thì bà qua đời, Tiến sĩ Nguyễn Kiều sống trong cảnh phòng không giá lạnh đến năm 1742 nhận được  ấn tín của triều đình đi sứ sang Trung Quốc, trước khi lên đường Tiến sĩ đã nên duyên chồng vợ với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Lúc đấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều 47 tuổi còn  Hồng Hà nữ sĩ bước sang tuổi 37. Thực chất, Hồng Hà nữ sĩ là một người nhan sắc, tài đức công dung ngôn hạnh vẹn toàn. Trước đây đã có nhiều đám danh giá đến hỏi bà, trong đó có cả Đặng Trần Côn, tác giả của “Chinh phụ ngâm” bằng tiếng Hán, nhưng bà đều không đồng ý, rồi như duyên nợ, bà nên duyên cùng Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Lấy vợ chưa đầy tháng thì Tiến sĩ Nguyễn Kiều phải đi xứ nhà Thanh, Trung Quốc.

Trên đường đi ông làm nhiều bài thơ. Hồng Hà Đoàn Thị Điểm lúc này ở nhà chăm mẹ già, các con chồng như máu mủ tình thân. Tâm trạng của người có chồng đi sứ trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn rất hợp cảnh, hợp tình với Hồng Hà nữ sĩ, vì thế bà đã dịch bản này ra chữ Nôm nói hộ tâm trạng của bà: “Mặt ngậm ngùi nhiều năm xa cách/ Chàng trượng phu quê khách một mình/ Chàng chốn nào ngựa len mây ruổi/ Chốn thiếp ngồi rên nỗi thềm hoa/ Thềm hoa xuân đã rầu qua/ Tiếc thời tiếc ấy thật là xót xa”. Sau ba năm đi sứ, năm 1745 Tiến sĩ Nguyễn Kiều về nước, đoàn tụ với vợ chưa được bao lâu, đến năm 1748, ông được triều đình cử Trấn Sở Nghệ An.

Phần mộ của Tiến sĩ Nguyễn Kiều.

Lần đi này ông tha thiết mời bà đi cùng ông vào nơi ông nhậm chức. Trong gia phả của dòng họ ghi lại cảnh đi này: “Họ cùng nhau buông thuyền vượt hàng nghìn dặm. Khi đêm ngắm trăng tỏ, khi ngày trông núi nhấp nhô. Quán rượu lầu trà dựng bên sông, gươm giáo quạt cờ dàn trên bến. Khi sương thu lạnh, khi nắng thu nồng. Cảnh trí rất đẹp, tâm tình rất hoà. Thuyền qua đâu, vợ chồng cùng nhau xướng hoạ”. 

Cuộc vui chưa được tày gang, thì một đêm khuya thanh vắng thuyền đậu trên bến đền Sòng Thanh Hoá, gió mát thổi hiu hiu, bà thiếp đi bỗng dưng thấy trên trời có tiếng khánh từ xa vang vọng tới gần, một mùi thơm lạ sực nức trên thuyền. Bỗng thấy mình bước lên xe. Chợt tỉnh giấc, bà biết ngay là điềm xấu, ngày sau bà bị cảm hàn. Sau 5 ngày đi thuyền đến Nghệ An, bệnh tình ngày càng xấu.

Bà mất vào ngày 11 tháng 9 năm 1748 hưởng thọ 43 tuổi. Tiến sĩ Nguyễn Kiều ướp xác rồi để quan tài vợ cả tháng trời ở Nghệ An ngày đêm khấn trời, tế đất, cúng kiếng cẩn thận. Nhưng vì bận việc quan nên ông sai gia nhân đưa quan tài bà về quê ông chôn cất, đặt cạnh hai người vợ trước của ông là bà Đoan và bà Hằng, chính là làng Phú Xá, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội bây giờ. 

Trong ba bà vợ của Phó Đô Ngự Sử - Nguyễn Kiều thì người vợ đầu là bà Hằng và người vợ thứ ba là Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm không có con, còn người vợ thứ hai là bà Đoan có con nối dõi. Sau năm đời kể từ ngày các cụ mất đi thì ba bà được giỗ chung vào một ngày 14-5 ghi như trên bia mộ.

Cụ Nguyễn Kiều sau khi xong nhiệm sở từ Nghệ An về quê nhà được vua phong đất, cấp gạch xây đình Phú Xá. Ngôi đình từ lâu đã được Nhà nước công nhận là Di tích văn hoá lịch sử. Sau khi vợ thác xuống tuyền đài được bốn năm, Tiến sĩ Nguyễn Kiều theo vợ, ông mất năm 1752, hưởng dương 57 tuổi. Mộ ông được đặt cách mộ của các cụ bà không xa, khoảng chừng cây số, do trước đó ông đã chọn phong thuỷ làm chỗ đặt mộ.

Ngày nay, do đời sống văn minh đô thị người ta cần lấy đất để xây nhà, làm xưởng sản xuất kinh doanh… nên mộ của cụ Nguyễn Kiều di dời về cạnh mộ của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và hai người vợ nữa của cụ. Năm 2002, mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử.

Bà Sơn kể: Trước ngày giải phóng đất nước, mộ của ba cụ bà nằm sát bên nhau, không có mái che, trông nhỏ, nhìn xa như lồng bàn úp. Sau mộ là con kênh nước chảy ngày đêm, ếch nhái kêu râm ran, xung quanh mộ tứ bề đồng ruộng cỏ lau ngút ngàn.

Người dân đi đánh cá ở ao, lấy tấm bia trên mộ của cụ Điểm được khắc bằng chữ Nôm chắn cho bùn dưới ao không bắn lên bờ. Năm tháng tấm bia đấy bị tha lôi các nơi xung quanh ao rồi thất lạc. Sau ngày giải phóng đến thời kì hợp tác xã, cái ao ấy bị lấp đi thì người ta lại làm thành trang trại nuôi lợn. Trải qua thời gian vào thập niên 90 và sang thế kỉ XXI này, đất Phú Thượng, Tây Hồ  ngày  càng có giá, nhà nối nhà san sát không còn thừa khoảnh trống cho cỏ, cho đồng.

Mộ của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sau ba lần trùng tu vào năm 1976, 1900, 1995 cho đến ngày nay. Nằm vỏn vẹn trong khuôn viên 70m vuông, năm 2011, UBND quận Tây Hồ và các nhà sử học Việt Nam cùng gia đình dòng họ cụ Nguyễn Kiều đã đưa cụ về trong khuôn viên nhỏ nhắn này bên cạnh mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và hai người vợ nữa của cụ.

Cụ thủ nhang đình Phú Xá và bà Nguyễn Thị Sơn cháu 9 đời của cụ Kiều kể lại rằng, ngày hôm rước cụ về mộ, có một con bướm đen rất to bay xung quanh mộ và miếu rồi bay sang đền Phú Xá. Con bướm đen ấy đậu lại trên cây roi do chính tay cụ Kiều trồng khi xây đình năm xưa. Khuôn viên di tích của Hồng Hà nữ sĩ râm mát bởi cây xanh, thi thoảng gió hè đung đưa những bông hoa đại đã già rụng từ trên cây xuống nền đất. Mộ đây, người đấy, nhưng hồn ở chốn nao?! Có lẽ các cụ đã tiêu diêu tự tại trên trời cao xanh ngắt, chu du gió hạc mây ngàn...

Trần Mỹ Hiền
.
.