Chủ bút báo Phụ nữ Tân Văn rất “nghiêm” với phụ nữ

Thứ Tư, 19/11/2008, 16:00
Sinh thời, nhà văn Phan Khôi (1887 - 1959) từng làm chủ bút báo Phụ nữ tân văn - tờ báo ít nhiều gây được sự chú ý trong công luận nước ta những năm đầu thập niên ba mươi (của thế kỷ XX) với những bài viết sắc sảo bênh vực nữ quyền.

Bản thân Phan Khôi đã có lúc viết tới 5, 6 kỳ báo liên tiếp nhằm khẳng định một thực tế ngang trái "Đàn bà đối với xã hội không kém đàn ông, nhưng quyền lợi không bằng đàn ông".

Tuy nhiên, có một điều hẳn không ít người lấy làm lạ, ấy là, nhận thức thì nhận thức vậy, song trong thực tế cuộc sống - như nhận xét của chính con gái ông, bà Phan Thị Mỹ Khanh - "bản thân ông, ông cũng không giải quyết được sự chênh lệch phi lý ấy cho phụ nữ là người thân của mình" (xem "Nhớ cha tôi Phan Khôi" - NXB Đà Nẵng, 2001).

Phan Khôi mồ côi mẹ từ tấm bé. Suốt tuổi ấu thơ, ông sống gắn bó với người cha từng là tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông cụ là một người kỹ tính, hay xét nét, và mặc dù đã từ quan từ khi chưa đầy 40 tuổi, song trong cách xử sự, ăn uống, ông vẫn giữ nếp "quan cách".

Điều này khiến cho bà vợ cả của Phan Khôi, khi thực hiện chức phận làm dâu đã phải rất khó khăn, tủi cực trong việc phục vụ các sở thích, nhất là trong ăn uống của cha chồng. Thời kỳ này, Phan Khôi hết xuôi Nam lại ngược Bắc để lo công việc.

Biết vợ rất nhọc nhằn trong việc chăm sóc cha mình và nuôi dạy con cái, thậm chí còn bị ông cụ mắng oan, song Phan Khôi cũng chỉ tìm cách động viên vợ chứ không dám ho he nói lại một lời với cha mình.

Biết vợ thường phải vay thêm tiền bà con hàng xóm để bù vào số tiền cơm nước mà ông cụ đưa rất nhỏ giọt, song hễ có tiền mang về, bao giờ Phan Khôi cũng chỉ trực tiếp đưa cho cha mình chứ không đưa cho vợ. Chỉ đến khi cụ qua đời rồi, ông mới gửi tiền trực tiếp cho bà.

Trong một bài báo có tên gọi "Tôi thân oan cho Võ hậu", cũng chính Phan Khôi đã nêu đại ý về sự thiệt thòi của phụ nữ: Trong khi những "vua đàn ông" có tới hàng trăm cung tần mỹ nữ, ngoài Hoàng hậu còn Thứ phi - tất cả đều được thiên hạ thừa nhận, thì "vua đàn bà", dù là giỏi trị vì thiên hạ như Võ hậu (nữ Hoàng đế Trung Quốc Võ Tắc Thiên), nhưng bởi quan hệ với nhiều đàn ông nên lại bị lên án là hoang dâm.

Đây là cách đặt vấn đề rất mới mẻ trên báo chí thời ấy, và nhận được không ít ý kiến… phản đối. Phan Khôi mũ ni che tai bất chấp tất cả. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong thực tế, những việc làm của ông cũng không vượt qua được những điều ông từng lên tiếng phê phán.

Vẫn theo bà Phan Thị Mỹ Khanh cho biết, khoảng cuối năm 1932, nhà văn Phan Khôi từ Sài Gòn đã viết thư cho cha mình, xin phép được lấy vợ bé. Lý do ông đưa ra là cần có người giúp việc ở những chốn xa nhà.

Theo ý ông thì người vợ hiện tại phải ở nhà trông nom cha chồng, con cái cùng hương hỏa tổ tiên, không thể đáp ứng được việc này. Người cha ưng thuận. Trong thư riêng gửi cho vợ, Phan Khôi yêu cầu bà khi tìm vợ bé cho ông, phải nhớ người này "hình thức cũng dễ coi, và phải là người tốt".

Sự việc không thành vì người đàn bà được chọn nói trên, sau khi ở với Phan Khôi ít hôm đã phải trốn về quê vì biết "ông chồng" không thích. Ông chê cô người thô kệch, quê mùa, môi thì dày, da lại đen. Thế rồi 3 năm sau, ông tự tìm hiểu và kết hôn với người vợ thứ hai bấy giờ đang sống ở Hà Nội.

Phan Khôi từng có bài viết luận bàn về "trinh tiết của phụ nữ", với những quan điểm khác quan điểm của Tống Nho, và khá gần với quan niệm của giới trẻ phương Tây lúc bấy giờ.

Thế nhưng, trong thực tế, với con gái lớn, ông lại "quản" rất chặt. Bà Mỹ Khanh kể rằng, ngay trong lễ ăn hỏi bà, ông đã nghiêm khắc dặn con gái và con rể tương lai: "Hai đứa bay muốn chuyện trò gì thì cứ ngồi giữa nhà đây, không được lén lút gặp nhau nơi này nơi khác".

Việc hai người thư từ qua lại, ông cũng tuyệt đối… cấm! Bà Mỹ Khanh từng bị ông cật vấn khi ông phát hiện ra việc hai người lén lút trao đổi thư từ. Ông vặn hỏi con: "Ai gởi trước?" và "Gởi mấy cái rồi? Nói những gì trong đó?".

Nếu bà Mỹ Khanh không kể lại những câu chuyện trên, hẳn bạn đọc ngày nay thật khó hình dung ra thái độ hà khắc, rất "phong kiến" ấy của con người từng viết nên thi phẩm "Tình già" - một bài thơ hiện được xem là khai mở cho phong trào Thơ Mới. Bởi trong bài thơ, ta thấy nội dung cổ vũ cho một lối sống không thể nói là không phóng túng:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ

Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng

Mà lấy nhau hẳn là không đặng…

Mặc dù trong việc cưới xin của con gái, Phan Khôi tỏ ra tương đối… thoáng: Ông chỉ chú trọng xem phía nhà trai có sống nề nếp, hiền thảo không, còn thì về tiền bạc, công danh ông không đoái hoài. Song về phía con gái mình, ông lại đòi hỏi phải thật chịu thương chịu khó để toàn tâm toàn ý phục vụ nhà chồng.

Đã có lần, đang đêm yên giấc, bà Mỹ Khanh đã bị cha đánh thức dậy. Khi ấy ông lên cơn suyễn. Ông bảo con: "Dậy con, dậy tập làm dâu làm con, ra nhổ cho thầy ít nén (hành tăm) đem vào đây". Không chỉ một lần, trong đêm đó, ông đã đánh thức con gái trở dậy thêm mấy lần nữa.

Trước những câu chuyện trên, hẳn bạn đọc sẽ thấy có điều gì mâu thuẫn ở bậc danh sĩ này. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong bài báo viết về Phan Khôi thời kỳ trước cách mạng đã có cách lý giải: "Ông Phan Khôi cắt tóc búi tó, hay mặc bộ đồ Tây, ông Phan Khôi vẫn là một nhà nho đặc biệt. Ông say mê văn minh Âu Mỹ, ông cũng không thể đổi được ông.

Cái tinh thần Nho học ấy, ông đã có từ trong máu". Còn bà Mỹ Khanh xét từ khía cạnh đời thường thì nhận định rằng "Tuy ông là một nhà Nho tiến bộ trong trào lưu mới, đã hưởng ứng xóa bỏ những luật phong kiến kìm kẹp con người, nhưng trong gia đình, ông còn giữ ít nhiều quyền lực gia trưởng".

Thế mới biết, từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình mà không phải ai cũng dễ dàng vượt qua được

Tường Duy
.
.