Chú Cảnh
Tôi gọi ông bằng chú mặc dù ông hơn bố tôi hai tuổi. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở trên một cánh rừng Tây Bắc. Hồi đó tôi là một cậu lính tân binh Sư đoàn 391 đóng quân ở Thuận Châu (Sơn La). Sư đoàn được giao nhiệm vụ mở con đường chiến lược 279 vì tình hình biên giới phía Bắc lúc ấy đang diễn biến phức tạp. Do có chút năng khiếu về văn chương nên cán bộ quân lực sư đoàn rút tôi về ban sáng tác của đội tuyên văn.
Một sớm, chúng tôi được đón đoàn nhà văn tạp chí Văn nghệ Quân đội đi thực tế. Trong đoàn có một người thấp đậm, vầng trán rộng và đặc biệt là đôi mắt mở to tinh anh đầy cá tính với giọng nói đặc sệt miền Trung pha chút giọng Bắc nhưng tác phong lại rất giản dị, cởi mở và hóm hỉnh. Đó là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ôi, chú Cảnh đó ư? Người mà tôi đã thuộc lòng nhiều bài thơ của ông khi còn đi học phổ thông. Tôi nhớ trước lúc lên đường nhập ngũ có mấy câu thơ của ông gây ấn tượng trong bài thơ "Mẹ". Chỉ mấy câu thơ ngắn mà gói trọn cả ba tâm trạng như một tình huống kịch trên sân khấu.
"Ăn đi con, nào đưa cho mẹ xới/ Mẹ vẫn giấu con chuyện này xóm dưới/ À thôi, chẳng vội để mai sau/ Giặc tan rồi nắng đỏ chín buồng cau". Lại biết nhà thơ quê ở Hà Tĩnh nên mấy ngày đó tôi quấn quýt bên ông. Hai chú cháu đồng hương dắt nhau ra suối. Con suối Tây Bắc thật trong chạy lượn lờ dưới những tán cây gạo đỏ tháng ba. Tôi ngập ngừng gửi cho ông mấy bài thơ ngắn. Sau đó về Hà Nội ông chọn bài thơ "Múa nón ở Mường Giàng" gửi cho nhà thơ Vũ Từ Trang in ở trang văn nghệ báo Thương nghiệp và nhận nhuận bút mua mấy tập thơ hay gửi lên cho tôi.
Trong lúc vui chuyện ông kể cho tôi nghe quê ông ở Đại Nài (Thành phố Hà Tĩnh). Một xóm nhỏ mà có đến bốn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Viện sĩ Hoàng Trinh, nhà văn Văn Linh - tác giả của "Mùa hoa dẻ" nổi tiếng, nhà thơ Cẩm Lai với tập thơ "Tơ tằm. Chồi biếc" in chung với thi sĩ Xuân Quỳnh và ông. Rú Nài cũng là địa danh cả nước biết đến với trận đánh bắn rơi 12 máy bay Mỹ ngày 26 tháng 3 năm 1965. Ông có người bạn rất thân thuở thiếu thời, sau này là Thượng tướng Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương. Trung đoàn 103 của bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã tiếp nhận ông lúc mới 13 tuổi (1947) thành cậu liên lạc Vệ quốc đoàn. Cha ông hồi đó là anh nuôi của trung đoàn này. Tôi cứ ngạc nhiên không hiểu vì sao nhập ngũ sớm như thế, việc học hành bị gián đoạn mà nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại có vốn văn hóa khá đầy đặn, sâu sắc. Hóa ra ông tự học và say mê đọc sách. Khi gặp ông ở Sư đoàn 391, tôi thấy ông đang đọc tập thơ "Lá cỏ" của nhà thơ Mỹ Oan Uýtman bằng nguyên bản tiếng Anh. Chữ ông viết rất đẹp. Bao giờ gửi thư cho tôi, ông cũng đề: "Phú thân yêu" và cuối thư là một chữ ký "Chú Cảnh" thật phóng khoáng, sang trọng và bay bổng.
Còn nhớ, hồi tôi về học ở Đại học Kỹ thuật quân sự trên Vĩnh Yên, ông mừng lắm. Nhưng rồi lại cười, tiếng cười hết sức sảng khoái: "Ta tin rằng rồi đây cháu lại bỏ cuộc kỹ thuật như ta đã từng bỏ nghề văn công để đi với thơ trọn đời". Ông vốn là diễn viên đoàn văn công quân khu Trị Thiên tham gia cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 và viết: "Năm Mậu Thân tôi có về/ Bắn mươi băng đạn rồi nghe em hò" của tiểu đội mười cô gái sông Hương. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là thế. Không lấy gì làm quan trọng hóa, mọi thứ cứ tưng tửng, chơi chơi mà thật nghiêm túc trong lao lực với những con chữ. Ông thường hay dùng đại từ "Ta". Như "Ta thường nghĩ", "Ta vừa...", nó bao hàm cả mối quan hệ rộng rãi chân thành của ông với mọi tầng lớp trong xã hội nhưng cũng đầy cá tính chất "gàn" của xứ Nghệ pha vào đó tính lịch lãm, uyển chuyển thông tuệ của kẻ sĩ Bắc Hà. Ông không bao giờ cố chấp, bảo thủ. Nhưng cương trực thì có, cương trực đến cùng để bảo vệ lẽ phải. Ông từng là diễn viên đóng vai "Trung úy Phương" của vở kịch "Nổi gió", nổi tiếng đến nỗi gặp ông họ chào: Trung úy Phương. Bố ông vì quý con đã treo bức ảnh "Trung úy Phương - Phạm Ngọc Cảnh" trong nhà đến nỗi mấy anh bộ đội ghé qua và nghỉ tạm để hành quân vào Nam đã không dám ở vì cứ tưởng đây là nhà...Trung úy Phương. Và Trung úy Phạm Ngọc Cảnh sau tập thơ "Đêm Quảng Trị": "Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh/ Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe" đã dứt khoát từ giã phông màn sân khấu mà như ông nói: "Nếu đi với sân khấu chắc chắn bây giờ ta bét nhất cũng có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú" để về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngôi nhà số 4 từng có một thế hệ vàng các nhà văn.
Tôi nhớ, hồi đó nhà chú Cảnh là ngôi nhà cấp 4 ở trong khu tập thể Cầu Đuống nhưng lại ở cuối con đường. Trong căn phòng làm việc của ông xếp rất nhiều sách. Trước bàn làm việc là tấm ảnh của văn hào Ðốtxtôiépxki đang nhìn xuống tư lự. Không biết giữa ông và văn hào Nga của những tác phẩm nổi tiếng như "Tội ác và trừng phạt" có mối liên hệ gì không? Cửa sổ của bàn viết nhìn ra cánh đồng xanh thảm mạ tít tắp. Một sự sống non tơ run rẩy ùa vào trang viết. Hồi đó kinh tế còn quá nhiều khó khăn nhưng những lần nhảy tàu từ ga Vĩnh Yên về ga Yên Viên - Cầu Đuống bao giờ ông và cô Tỵ đều giữ tôi ở lại chơi, ăn cơm có khi vài ba ngày. Cô Tỵ vốn là diễn viên múa của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Cô quê ở Làng Bưởi, dáng người rất đẹp và nấu ăn rất ngon, đúng chất hào hoa thanh lịch của người đất Tràng An. Vì thế lúc chú Cảnh vào miền Nam lấy bút danh Vũ Ngàn Chi chính là họ của cô. Cô Tỵ hồi đó đã ra quân và làm cán bộ tổ chức của nhà máy gỗ cầu Đuống. Cô chú có hai cậu con trai là Bảo và Quang. Chú Cảnh nói vui: "Ta có hai cậu con trai mang tên hai Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn là Đặng Quốc Bảo và Vũ Quang. Ta thèm có một cô con gái để đặt tên là Mão - Vũ Mão". Trong những lần gặp gỡ ở nhà chú khi biết tôi nóng lòng muốn chuyển về hoạt động văn học nghệ thuật vì những ngày ở Đại học Kỹ thuật quân sự trên bàn học của tôi luôn có hai trang vở: Một ghi nhận những bài giảng kỹ thuật khô cứng với những bản vẽ chi tiết máy đòi hỏi chính xác, một bên là trang thơ ghi vội những cảm xúc chợt đến. Một tâm trạng giằng co rất đồng điệu với chú như khi chú Cảnh thập thò bên cánh gà chờ đến vai diễn của mình thì tứ thơ ập đến. Chú bảo: "Giá như bây giờ cháu có một trường ca thật hay thì ta sẵn sàng lên trường xin cho cháu chuyển ngay". Trường ca - trường ca, mấy tiếng đó như một điệp khúc réo rắt thúc giục tôi. Vì thế khi về học ở Đại học Viết văn Nguyễn Du, đầu thi vào của tôi là trường ca "Đám mây màu vảy cá" và sau này thể loại thơ tôi thích nhất vẫn là trường ca. Chú Cảnh không viết trường ca nhưng có một bài thơ dài mang âm hưởng của trường ca khá độc đáo, đó là: "Lý Ngựa Ô ở hai vùng đất". Bài thơ viết năm 1976 còn âm vang chiến thắng, niềm tự hào về Tổ quốc thẳm sâu tình yêu quê hương đôi lứa. Nhịp điệu hội tụ văn hóa ba miền Bắc, Trung, Nam hòa quyện cảm hứng lịch sử và con người cá nhân, thực và ảo, bay bổng dạt dào mang âm hưởng dân ca và bóng dáng huyền thoại, truyền thuyết. Đặc biệt tôi rất thích nhịp luyến láy rất mới mẻ ít thấy trong thơ Việt Nam: "Hóa vô tận bao điều mơ tưởng ấy/ Bao câu hát ông cha mình gửi lại/ Sao em thương câu lý ngựa ô này/ Sao anh nghe đến lần nào cũng vậy/ Sao chỉ thấy riêng mình em đứng đấy/ Chỉ riêng mình em hát với anh đây".
Đọc thơ ông tôi cứ hình dung nhịp điệu sân khấu ùa vào, hình dung ông đang đọc thơ với cái lắc lư gập ghềnh vó ngựa với phong thái hào sảng thi sĩ và cũng không ít những quặn thắt nén lòng của một Phạm Ngọc Cảnh tài hoa nhưng đường đời lận đận. Có một Phạm Ngọc Cảnh của thơ lục bát rất riêng để tả những tâm trạng ông muốn khát khao chia sẻ. Thơ lục bát của ông thường ngắn đi từng cặp một. Câu 6 và câu 8 nâng dìu nhau, nhiều ẩn dụ khép mở, tỏ mờ như bài viết về xe ôm: "May còn thức một vòng lăn/ Người cơ cực nhặt miếng ăn cuối ngày".
Lục bát trong thơ ông không mượt mà trôi chảy với những tính từ đèm đẹp mà luôn có những đảo phách động từ với độ nén, độ văng, độ keo như muốn dính kết vào tâm trí người đọc. Ví như trong bài "Lục bát để dành" ông viết: "Bắt con Tép mại làm vua/ Con Cáy làm giặc, con Cua làm hề/ Bắt con sông Mã lôi về/ Câu huầy dô ướt dầm dề trước sân" và trong cuộc đời thường không phải ông "Bắt con sông Mã lôi về" mà chính "Con sông Mã" với tình yêu của cô Giáng Hương - một người yêu thơ ông với sự chờ đợi hai mươi năm đã "bắt" ông về Thanh Hóa sau khi ông hơn mười năm chăm sóc cô Tỵ bị tai biến nằm liệt tại giường và khi cô Tỵ mất thì ông mới trở lại với tình yêu đơn phương của người con gái xứ Thanh. Nhưng oái oăm thay số phận không chiều người khi ông lại bị tai biến. Và người con gái xứ Thanh ít hơn ông ¼ thế kỉ ấy lại chăm sóc ông cuối đời.
Chú Cảnh ơi, cháu viết những dòng này như một nén tâm nhang kính mong linh hồn chú siêu thoát - Người đã từng ở trong Hội đồng biên tập đầu tiên của tạp chí Hồng Lĩnh khi mới tách tỉnh - Và cao hơn hết chú là một nhà thơ - Đúng nghĩa một nhà thơ mặc áo lính trọn đời.
Hà Tĩnh, ngày 25/10/2014