Chợ tỉnh Thanh, ngày ấy...

Thứ Sáu, 06/09/2013, 08:00
Ngôi Chợ Tỉnh ở ngay trước nhà của gia đình tôi, nay không còn dấu vết gì nữa vì cũng đã được tiêu thổ để kháng chiến. Nhiều thế hệ con dân Thanh Hóa sau này không còn nhớ và không biết đến ngôi Chợ này, mặc dầu có những gia đình, người dân của khu phố mới (Đinh Công Tráng kéo dài) hiện đang hàng ngày sinh sống trên nền ngôi chợ cũ… Không thể quên được hình ảnh cùng những kỉ niệm thân thương, những con người, những địa phương, những đóng góp quan trọng và đặc biệt của thành phố, của tỉnh ta trong một thời điểm lịch sử quan trọng và đặc biệt...

Khu phố mà ngôi nhà của cha mẹ tôi ở đó từ trước Cách mạng Tháng Tám có đặc điểm là chứa toàn bộ chợ của Tỉnh (Thanh Hóa) nên từ đó còn có tên gọi là Phố Chợ... Chợ Tỉnh Thanh tuy không  to  lắm,  như chợ Sắt Hải Phòng, chợ Đồng Xuân Hà Nội hay chợ Rồng Nam Định… nhưng cũng là một ngôi chợ không nhỏ. Chiều dài của nó chạy từ đầu đến cuối phố, ước độ gần một cây số; chiều rộng gần nửa cây số. Xung quanh chợ bao bọc bởi một hàng rào xi măng đúc thoáng, bên ngoài nhìn rõ bên trong chợ. Chợ có hai cổng lớn, một ở đầu phố. Dãy phố nhà tôi có hai trụ đỡ tấm biển hình vòng cung đề hàng chữ lớn "Marché de Thanh Hóa" (Chợ tỉnh Thanh Hóa), một ở phía đối diện, đi ra đường phố phía sau… Nhà tôi nhìn thẳng sang chợ. Chợ ở bên kia đường nhựa. Bên trong chợ có hai dãy quán chạy dài quanh chu vi chợ, trên mái lợp ngói tây, xung quanh để trống không xây tường che kín; một hệ thống cột trụ lớn xi măng cốt sắt ở vị trí hiên để chống đỡ hệ thống mái, đồng thời cũng là các mốc chia khu quán Chợ chạy dài thông nhau đó ra thành từng ô, từng gian...ứng với các khu bày bán các loại hàng hoá khác nhau. Xung quanh, sát nền quán chợ là hệ thống cống rãnh lát xi măng khá sâu…Hệ thống quán chợ có mái che, nền xi măng, được dành cho các khu, gian hàng như hàng tấm (bán vải), hàng xén, đồ sứ, hàng thực phẩm, rau quả, gạo, muối, hàng bún phở, cháo lòng, bánh cuốn, hàng cơm… v.v... Khu giữa chợ - một bãi đất rải đá răm, đôi chỗ cỏ lún phún mọc…khá rộng, không mái che, cũng được bày hàng bán buôn bán lẻ nhưng là các mặt hàng cồng kềnh như: củi đuốc, cây que, chum vại, nồi đất, hoặc các súc vật như chó, mèo, gà, vịt, lợn…v.v... trừ trâu bò có chợ buôn bán riêng ở khu phố gần bên (chợ trâu, bò). Chợ chỉ họp ban ngày, không họp đêm. Đến đêm, mọi người, hàng hóa đều ra khỏi chợ. Chợ vắng tanh cho đến sáng sớm, chỉ còn lại những người quét chợ, liên tục quét dọn thu gom rác, thông cống rãnh... và những người ăn mày không nhà cửa lấy quán chợ, nền xi măng làm chỗ trú ngụ ban đêm. Để tiết kiệm điện và cũng không cần đến ánh sáng để buôn bán, đồng thời để tránh máy bay Mỹ thuộc phe "Đồng minh" thỉnh thoảng tới oanh tạc các vùng phụ cận, trong chợ chỉ lờ mờ ít ngọn đèn công suất thấp.   

Một cảnh chợ xưa (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ).

Từ nhà tôi, nhất là ngồi trên gác hai nhìn qua các ô cửa sổ mở ra đường hoặc đứng trên ban công, nhìn sang chợ thấy rất rõ. Ban ngày chợ họp, tiếng ồn vọng sang nhưng chúng tôi không chú ý vì đã quen tai, nhưng đến ngày phiên chợ ... thì chao ôi, người tứ phương đổ về mua bán, phần lớn là bà con nông dân các vùng phụ cận, có khi từ các huyện xa… Họ quần nâu, áo vải, đem các sản vật làm ra hoặc kiếm được ra mua bán, đổi chác. Họ từ khắp các miền đổ về, mang theo đủ cả thúng mủng giần sàng, quang sọt, bồ cót, chổi sể, đăng lờ. Họ gánh gánh, gồng gồng, những gánh to tướng, lút cả người... Có người dùng xe cút kít một bánh gỗ tròn phía trước, hai càng, đẩy một chú lợn to tướng nằm ềnh trên ván để hàng. Bánh xe gỗ nghiến trục gỗ kêu cút kít cộng với tiếng eng éc của con lợn bị nhốt trong rọ hoặc trói trần ườn ưỡn trên xe, phát ra chói tai vô cùng suốt dọc đường. Đường cái đông, trong chợ càng đông nghịt những người đi lại, tiếng ầm ầm, "ồn như họp chợ" vang vọng sang nhà chúng tôi từ sáng sớm, lúc mặt trời còn chưa ló cho đến quá trưa, xế chiều mới vãn... Đó là những ấn tượng tôi còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Ngồi trên gác, nhìn sang chợ, cảnh tượng người nông dân chân đất, quần nâu, áo vải, nước da ngăm ngăm, dáng vẻ tất bật nặng nhọc oằn lưng dưới chiếc đòn gánh hàng, hoặc tay cắp hoặc đầu đội thúng mủng đựng chút ít sản vật đem đi bán để mua về các nhu yếu phẩm cho cuộc sống: chai dầu, thước vải… v.v... tôi thấy dấy lên trong lòng một nỗi "ái ngại" cho họ - tuy lúc đó tôi còn bé chưa hiểu gì về giai cấp, cách mạng… như sau này! Có người đi chợ chỉ là một dịp ra Tỉnh, ăn một bữa bánh đúc chấm mắm tôm, húp một bát bún ốc, bún riêu, xách về một xâu bánh đa cho trẻ. Ngồi ngắm cảnh chợ, nhìn người đi lại, tôi chợt liên hệ đến bản thân và gia đình, tự cảm thấy mình và gia đình thật là may mắn: Có nhà cao cửa rộng, có điện thắp sáng, không chịu cảnh lam lũ như những người đang đi lại như những con kiến trước mắt...

Tuy nhiên cuộc đời thật công bằng. Sau Toàn quốc Kháng chiến (19/12/1946), thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tiêu thổ kháng chiến, gia đình tôi cùng nhân dân thị xã đã tự nguyện phá dỡ toàn bộ nhà cửa, tản cư về các vùng nông thôn để đi học, đi làm, tham gia kháng chiến…Không mảy may hối tiếc! Và suốt gần 9 năm trời, chính những người nông dân ấy đã đùm bọc chúng tôi, họ nhường nhà cửa cho chúng tôi ở nhờ…, cho phép họ sử dụng các đình chùa rộng rãi, tôn nghiêm làm các lớp học ban đêm, ban ngày - từ bậc trung học lên tới đại học.

Năm Ất Dậu (1945), từ tháng hai, ba âm lịch trở đi, chợ và vỉa hè phố tôi đầy những dân lành, những người nông dân từ Thái Bình, Nam Định…, từng chịu ách áp bức, bóc lột tàn bạo của Pháp, Nhật, của bọn cường hào ác bá…. Họ phải bỏ quê hương ra đi tha phương cầu thực. Họ đói lả không còn đủ hơi để nói lời xin cơm, gạo. Xác chết la liệt mỗi ngày, thị xã phải cho xe ba gác đi nhặt đem chôn, thật thương tâm!

Sau đó thêm quân "tàu Tưởng" của tướng Lư Hán mặc quần áo kaki vàng, xám, đói khát, chân phù thũng, da vàng ệch cũng tràn ngập thị xã, tràn ra chợ, mua bằng tiền "quan kim" vô giá trị hay đúng hơn là cướp bánh trái của các bà bán hàng, ăn ngốn ngấu, dẫu lưng bị đấm thùm thụp vẫn không chịu nhả và không ít tên chết ngay tại chỗ vì bội thực. Cảnh tượng rất bi đát…

Một sự kiện mà tôi cũng không bao giờ quên được, đó là trận đánh diệt cái trụ sở của bọn Việt Quốc hay Việt Cách gì đó ở cuối phố nhà tôi. Hồi đó, khoảng đầu năm 1946, phố tôi bỗng thấy xuất hiện dăm bảy tên thanh niên lạ mặt, mặc đồng phục kaki vàng, đầu đội mũ calô đến chiếm nhà ông huyện Dzánh, hàng xóm với nhà tôi, cách một nhà, nhân lúc ông bà về quê ở tỉnh khác. Chúng dùng một số bao cát chất ở cổng ra vào thành ụ súng, cắt cử một tên nhăm nhăm chĩa súng mútcơtông dương lưỡi lê đứng canh gác. Bàn ghế đồ đạc trong nhà bị chúng lôi ra chất lên thành chiến lũy… Tuy bọn chúng chưa giở được trò gì ngoài việc đi lại nhởn nhơ cho có vẻ đông người khiến mọi người trong đó có bọn trẻ con chúng tôi cũng thấy hãi, không dám lại gần!

Một đêm, gần về sáng, tôi và cả nhà bỗng nhiên nghe có những phát súng nổ rất gần. Tiếng đạn rít veo véo từ phía bên kia hàng rào chợ bay tới… Rồi mấy tiếng nổ cực lớn của lựu đạn làm rung chuyển cả gian gác mà cả nhà tôi đang nấp… Sau đó mọi thứ tiếng đều im bặt. Trời vừa hửng sáng, bà con dân phố đổ đến xem, nói lao xao:  "Quân ta đêm qua đã đánh dẹp cái bốt của nợ của bọn Việt Quốc, Việt Cách gì đó… Tan rồi! Bộ đội Vệ quốc đoàn và các chiến sĩ Công an ta đã tấn công từ bên chợ sang, vượt rào tóm gọn bảy tên, đem đi rồi!". Chính mắt tôi được mục kích cảnh tan hoang của cái lô cốt bấy lâu khiến bọn trẻ chúng tôi vừa thấy hãi vừa ghét tức ấy, trong lòng thấy hả hê quá! Nghe nói ở phố Ôn Như Hầu trên Hà nội, chúng còn bắt cóc chôn người, còn định dựa vào Tây, Tàu… để đảo chính cướp chính quyền ta nữa kia, và cũng bị ta đánh cho tan hoang ngay trước mũi của bọn quan thày của chúng!

Thế rồi ngày Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1946 đã đến. Cả gia đình tôi háo hức chuẩn bị liên hoan, ăn mừng từ mấy hôm trước. Cha tôi mang từ công sở về một lá cờ đỏ sao vàng to, mới, cho người làm cán buộc chặt vào ban công căn gác hai trước nhà. Mẹ tôi và các chị gái tôi đã tính toán sẵn các món bánh trái sở trường, ưa thích cho bữa liên hoan trưa hôm đó. Cả phố rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng…và đặc biệt, từ ban công gác hai nhà tôi nhìn sang bên chợ, cũng thấy - lần đầu tiên - bóng một lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trên cột cờ mới dựng giữa bãi chợ thưa thớt người trong ngày kỉ niệm một năm Quốc khánh đầu tiên của đất nước.

Chợ phố tôi, Chợ Tỉnh Thanh là như vậy đó!

Ngôi Chợ Tỉnh ở ngay trước nhà của gia đình tôi, nay không còn dấu vết gì nữa vì cũng đã được tiêu thổ để kháng chiến. Nhiều thế hệ con dân Thanh Hóa sau này không còn nhớ và không biết đến ngôi Chợ này, mặc dầu có những gia đình, người dân của khu phố mới (Đinh Công Tráng kéo dài) hiện đang hàng ngày sinh sống trên nền ngôi chợ cũ… Không thể quên được hình ảnh cùng những kỉ niệm thân thương, những con người, những địa phương, những đóng góp quan trọng và đặc biệt của thành phố, của tỉnh ta trong một thời điểm lịch sử quan trọng và đặc biệt. Tôi xin ghi mấy dòng này để tặng bà con Khu phố, Thành phố và Tỉnh nhà, đồng thời tặng bạn đọc cả nước, để cùng nhớ về một thời bi thương, hào hùng và rất đáng nhớ ấy…

Lương Vĩnh Khang
.
.