Chìm nổi cùng hương thời gian

Chủ Nhật, 21/01/2018, 08:48
Trong giới sáng tác, thường thì cái tên tác giả nổi lên hay chìm đi phụ thuộc ở sức thuyết phục, chất lượng, giá trị tác phẩm của họ. Nhưng lại có những người tên thì nổi như cồn mà công chúng tìm kiếm mãi vẫn không thấy được tác phẩm nào khả dĩ. Ngược lại, có người còn xa lạ với số đông công chúng nhưng đã có được một vài tác phẩm có tiếng vang. Người nhạc sỹ tôi nhắc đến trong bài viết này ở vào trường hợp cuối cùng.


Ông là Mặc Hy, có tên khai sinh là Lê Mạnh Chí, sinh năm 1927, mất năm 2009, hưởng thọ 82 tuổi, quê gốc ở thành phố Thanh Hóa, nhưng sớm rời quê hương đi hoạt động cách mạng. Những người từng sống thời kháng chiến chống thực dân Pháp, lại yêu thích âm nhạc không thể không biết hai bài hát rất nổi tiếng thời bấy giờ là "Lúa vàng" và "Gặp nhau dưới trăng".

Tôi khi ấy là một chú nhí thích ca hát nhưng lại hay tìm đến những bài của người lớn. Và lúc lên 6 - 7 tuổi đã nhập tâm: "Lúa vàng! Lúa vàng trên cánh đồng làng tang tình tang lúa ơi… Từng nhánh lúa thơm rơi…". (Lúa vàng) và "Đêm qua tát nước sau đình, ra về anh bỏ quên chiếc áo vắt trên cành hoa sen…". (Gặp nhau dưới trăng). Cả hai bài đều mang phong cách dân gian rõ rệt.

Bài "Lúa vàng" vẽ nên được bức tranh đẹp, sinh động bằng âm thanh về đồng quê đang vào vụ gặt thật vui tươi, dạt dào tình quê. Tôi nhớ một thời bài hát này rất được phổ biến từ vùng tự do đến vùng địch tạm chiếm. Nông dân đâu đâu cũng hát rất hào hứng. Bài này Mặc Hy sáng tác năm 1949 không chỉ vượt thời gian mà còn vượt cả không gian, băng qua vĩ tuyến 17 là giới tuyến chia cắt tạm thời hai miền Nam, Bắc nước ta đến với đồng bào miền Nam khi ấy. Bài hát còn được bà con Việt Kiều ở Pháp, Mỹ thu đĩa và trình diễn trên sân khấu các đại nhạc hội.

Sau năm 1975, một lần Mặc Hy có dịp trở lại thăm Huế - chiến trường xưa của ông - đã vô cùng xúc động khi chứng kiến một dàn đồng ca chừng 20 chị ở tuổi 50 đồng ca "Lúa vàng". Họ đã hát đi hát lại rất nhiều lần khiến tác giả xúc động rơi nước mắt.

Nhạc sỹ Mặc Hy những năm cuối đời.

Nhạc sỹ nói với tôi rằng, trong đời ông rất ít khi khóc. Lớn lên, cảm động đến đâu, ông cũng chỉ thấy mắt cay cay. Nhưng lần ấy thì ông khóc thực sự, nước mắt tuôn lã chã. Ông cũng cho biết lần ấy các chị đều xin chữ ký và ảnh của ông làm kỷ niệm, nhưng ông chỉ có thể ký mà không có ảnh. Thế là tất cả đã cùng ông chụp ảnh chung làm kỷ niệm. Sau này, không hiểu dọn nhà cửa thế nào, ông đã để thất lạc tấm ảnh này. Ông nói đó là một nỗi tiếc vô cùng lớn trong đời vì gắn với một kỷ niệm thật đẹp, không bao giờ có thể quên.

Bài "Gặp nhau dưới trăng" là một thành công đáng kể của Mặc Hy. Mới nghe, ai cũng nghĩ ông phổ bài thơ dân gian nổi tiếng "Tát nước đầu đình". Nhưng nghe đến hết bài thì thấy không phải, mà tác giả chỉ dùng hai câu ca dao đầu tiên ("Đêm qua tát nước sau đình/ Ra về bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen") rồi sáng tạo thêm ca từ. Những năm sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc (1954), bài hát này rất được phổ biến.

Tôi còn nhớ Hà Nội khi ấy có nhiều rạp chiếu bóng, tối nào cũng chiếu 2 "ca" như Tháng 8, Long Biên, Đại Đồng, Bắc Đô, Kinh Đô, Mê Linh, Dân Chủ và mấy rạp hát như Kim Phụng, Chuông Vàng, Lạc Việt chuyên diễn cải lương và chèo, tuồng. Trước giờ chiếu phim hoặc biểu diễn, bao giờ rạp cũng mở máy hát các bài quen biết, trong đó có "Gặp nhau dưới trăng" do hai chị em ruột là NSND Thương Huyền và NSƯT Văn Hanh song ca.

Bài hát quá quen biết là thế mà mãi về sau này, một đoàn ca múa ở Hà Nội dàn dựng chương trình dự thi Hội diễn toàn quốc giành Huy chương Bạc với bài hát này nhưng giới thiệu nhầm là của nhạc sỹ Văn Chung. Một lần tôi hỏi Mặc Hy có biết việc này không. Ông chỉ cười mà rằng: "Cái số mình long đong, lận đận, bị thiệt thòi nhiều, chứ chi tiết ấy có đáng gì mà thắc mắc. Càng không phản ứng họ làm gì".

Mặc Hy tự ngẫm mình không sai. Và nhiều bạn bè, anh em đồng nghiệp đều thấy như vậy. Hai bài hát "vang bóng một thời" đủ xếp tên ông sánh ngang với những nhạc sỹ nổi tiếng nhất cùng thời lúc ấy - lúc hai bài nổi như cồn. Năm 1957, trong số những nhạc sỹ hàng đầu làng nhạc có chân trong Hội Nhạc sỹ Việt Nam khi vừa thành lập, người ta thấy có Mặc Hy là thành viên, bên cạnh những tên tuổi sáng giá khác như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Lê Yên, Lê Lôi, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác, Văn Chung…

Cũng từ năm 1957, Mặc Hy tham gia giảng dạy bộ môn âm nhạc cổ truyền ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Về thành tích hoạt động cho cách mạng, kháng chiến thì Mặc Hy cũng có lý do để tự hào, yên tâm là mình không phải một văn nghệ sỹ vô dụng giữa thời cuộc.

Xuất thân trong một gia đình nhà giáo ở Thanh Hóa, ông rời trường Collège ở thị xã này là bước chân ngay vào con đường hoạt động cách mạng, cụ thể là ca hát, đánh đàn, phục vụ văn nghệ, tuyên truyền kháng chiến. Ông từng công tác trong nhiều cơ quan: Ty Công an Thanh Hóa, Đội Võ trang tuyên truyền mặt trận Tây Tiến, Đội Tuyên truyền Trung đoàn 77 ở mặt trận Trung Lào, Bình Trị Thiên…

Trong cuộc sống, có những điều tưởng là may mắn, đem lại niềm vui cho ta nhưng liền sau đó lại kéo theo sự rủi ro. Bài hát "Lúa vàng" của Mặc Hy được xuất bản ở thành phố Huế tạm chiếm đã trở thành một "nghi án" về chuyện "dinh-tê" của ông ("dinh tê": Rời bỏ kháng chiến để về sống an thân ở vùng địch tạm chiếm). Dạo đó, hành vi này bị coi là có tội với đất nước, thậm chí như là phản quốc. Nghi án này khiến Mặc Hy bị thiệt thòi từ đó. Ông gần như bị bỏ rơi, mặc dù đã có chân trong Hội Nhạc sỹ Việt Nam ngay từ ngày đầu mới thành lập (năm 1957).

Kể thì cũng dễ hiểu. Trong lúc cả dân tộc lao vào khó khăn, gian khổ để kháng chiến giành độc lập mà lại có cán bộ, văn nghệ sỹ nỡ từ bỏ đội ngũ để an thân thì cũng khó chấp nhận. Nhưng với Mặc Hy là sự hiểu lầm, ngộ nhận. Cũng chẳng có ai có trách nhiệm đứng ra tìm hiểu cho ngã ngũ, rành rọt việc này để minh oan cho ông. Ông giống như trường hợp NSND Trần Khánh sau năm 1954 bị Công an của ta bắt oan vì nghi là gián điệp do Pháp gài lại khi trong người ông vẫn còn giấy tờ của phòng Nhì Pháp cấp khi hoạt động phản gián trong lòng địch trước đó. Trần Khánh rơi vào "tình ngay nhưng lý gian". Còn Mặc Hy thì hoàn toàn là sự nghi ngờ, suy đoán chủ quan.

Khi ông còn sống, có lần tôi hỏi ông: "Sao trước nghi án ấy, anh không có đơn chính thức đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xác minh rồi kết luận cho rõ để khỏi phải chịu thiệt đến tận bây giờ?". Mặc Hy trả lời: "Có ai kết luận mình dinh-tê đâu mà đề nghị? Làm vậy chẳng hóa mình "tự kỷ ám thị" à?

Không biết có phải vì cái nghi án này không mà năm 1959, đang là giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam, Mặc Hy bỗng trở thành nhân viên của Sở Ăn uống Hà Nội. Tôi còn nghe dư luận đồn thổi là ông có "phi vụ" gì đó thuộc phạm trù sinh hoạt khi trái tim rung lên trước một bóng hồng.

Việc này thì ông chỉ cười rồi đọc cho tôi nghe hai câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: "Cho hay là giống hữu tình/ Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong". Nhưng ngày ấy, người ta không cho đó là sinh hoạt mà là đạo đức, nên ai vướng phải "mối tơ mành" sẽ bị nghiêm trị. Thường thì nhẹ cũng là cảnh cáo. Nặng thì khai trừ khỏi Đảng, Đoàn, hoặc đuổi việc hay chuyển công tác (khi tôi chưa có vợ, lúc đó là giảng viên một trường đại học, chỉ ngồi ghế đá với một cô sinh viên ở ngoài sân trường đại học cũng bị làm bản kiểm điểm và cắt lao động tiên tiến!).

Một ông già râu bạc phơ, dài như râu của đại văn hào Nga Lép Tônxtôi, tóc luôn búi tó như phụ nữ có quá khứ khá khá oanh liệt trong sáng tác lẫn hoạt động, công tác cho kháng chiến, cuối đời chỉ còn biết vui với việc dạy nhạc và đi khắp nơi ca hát (không cát-sê, không sân khấu, chỉ cho vui, cho thỏa máu xê dịch, giang hồ). Ông luôn tự gọi mình là người hát xẩm không cần tiền.

Cuối đời, Mặc Hy có tập hợp các sáng tác, các bài viết của mình và bè bạn viết về mình để in thành 3 tập sách mang tên "Hương thời gian". Ông đã ra đi được gần một thập niên. Nhưng hương thời gian của ông thì vẫn còn tỏa ngát từ cuộc đời chìm nổi, không dễ phai nhòa. 
Nguyễn Đình San
.
.