Nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên:

Chiến tranh được nhìn từ hai phía

Thứ Hai, 11/05/2015, 08:03
Bộ phim tài liệu "Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía" của nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta đang được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

- Thưa nhà văn, lý do gì khiến ông làm bộ phim tài liệu này?

+ Tôi là một người lính từng tham gia vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước nên tôi hiểu những đau thương, mất mát của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh này. Làm phim về cuộc chiến này thì nhiều, nhưng ít có bộ phim nào nói về phía bên kia. Do vậy, tôi muốn làm một bộ phim về cuộc chiến này với cách nhìn từ hai phía của bên thắng trận và bên thua trận. Trong đó tôi muốn thể hiện các nhân chứng đưa ra các góc nhìn khác nhau về cuộc chiến này, nhìn cuộc chiến này đầy đủ hơn, khách quan hơn. Nhưng tất cả cũng để tôn vinh ý nghĩa của cuộc chiến chống Mỹ của ta. Đó là cuộc chiến tranh giành tự do, độc lập, thống nhất và hòa bình cho dân tộc.

Cách đây 3 năm, tôi nảy ra ý tưởng làm bộ phim này và đã tiến hành quay được một số phân đoạn. Ngày 12/6 đến ngày 4/7/2014, tôi cùng hai nhà văn Đình Kính, Trần Nhương được mời dự hội thảo về văn học chống chiến tranh ở Mỹ. Trong thời gian này, tôi được phía bạn tạo điều kiện gặp gỡ 100 cựu binh Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam và các chuyên gia để nghe họ nói về cuộc chiến này.

Tôi đã dành hơn 3 năm ấp ủ kịch bản với những cuộc hành trình xuôi ngược Bắc - Trung - Nam - nơi ghi dấu các chiến trường xưa, và xuyên qua 5 tiểu bang nước Mỹ, thực hiện hàng trăm cuộc gặp gỡ, đối thoại, phỏng vấn với các nhân vật ở cả hai phía với gần 200 ý kiến của các học giả, nhà nghiên cứu, cựu binh, quan chức Mỹ và tướng lĩnh dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa; tham khảo hàng ngàn thước phim tư liệu, với sự cố vấn của các tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy và tham chiến các chiến trường: Đại tướng Lê Văn Dũng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Điều hấp dẫn ở bộ phim tài liệu này là các trận đánh được cả 2 phía nhìn nhận, đánh giá kết quả một cách xác thực hơn. Đại tướng Lê Văn Dũng - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - nói: "Trên chiến trường mình cũng chịu tổn thất lớn, nhưng chúng ta đánh bại ý chí xâm lược của quân Mỹ". Đối phương cũng thừa nhận những thất bại của họ một cách công bằng, như ý kiến của tướng Lê Minh Đảo (Quân đội Việt Nam Cộng hòa)..., hay của cựu binh Mỹ Preton Wood (tiểu bang Maine): "Bên cạnh thành công, Quân giải phóng cũng mắc sai lầm trong kế hoạch tác chiến. Họ đánh giá không đúng tình hình, nhận định thấp về đối phương, không lường hết sức mạnh của vũ khí mới…".

- Nội dung bộ phim "Ký ức chiến tranh- nhìn từ hai phía" có gì mới và khác hơn so với những bộ phim cùng chủ đề, thưa ông?

+ Bộ phim này dài 25 tập, mỗi tập dài 15 phút, trong phim này chúng tôi sử dụng nhiều hình ảnh tư liệu do người Mỹ quay tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn đó. Chúng tôi cũng sử dụng hình ảnh tư liệu của phía chế độ Việt Nam Cộng hòa. Thông qua từng trận đánh, chúng tôi xâu chuỗi lại thành câu chuyện dài về cuộc chiến đấu của người Việt đương đầu với một thế lực lớn, hùng mạnh về mọi mặt từ quân sự, kinh tế… và đã chiến thắng. Bộ phim muốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng thông qua chỉ đạo của Đảng và quân đội, tinh thần chiến đấu của quân giải phóng và nhân dân Việt Nam…

Tập đầu tiên "Vượt nửa vòng trái đất, người Mỹ đến Việt Nam" hay "Mưu đồ người Mỹ" bắt đầu từ cuộc tham quan Dinh Độc Lập của đoàn cựu chiến binh Mỹ. Cựu binh cả hai phía nhìn ngược lại ký ức chiến tranh, những năm tháng khốc liệt, đau thương và tội ác…, với những cảm xúc khác nhau, song đều hướng về một hiện thực: Cả hai phía cùng khép lại cuộc chiến, nhìn đến tương lai để trân trọng cuộc sống hòa bình. Tập phim đầu tiên cũng là tập giới thiệu sự có mặt của người Mỹ ở Việt Nam với những hình ảnh lính Mỹ tại chiến trường tràn ngập, đi kèm theo đó là những trận chiến tàn sát sự sống bằng mọi thứ vũ khí của Mỹ…

Tiếp theo là các tập: "Vượt nửa vòng trái đất, người Mỹ đến Việt Nam", "Mặt trận trên bầu trời, Lam Sơn - Những cuộc hành quân không đích đến", "Chiến sự Tây Nguyên - từ Dốc Miếu - Cồn Tiên đến chiến dịch "Trâu rừng", "Hồi ức cựu chiến binh Mỹ"… Tất cả như một hồi ức chiến tranh.

Tôi tâm đắc nhất hai tập "Trận đánh không cân sức", "Những anh hùng ở lại Khâm Đức". Những hình ảnh khốc liệt ở chiến trường Khâm Đức (Quảng Nam) được tái hiện qua những thước phim do Christopher Jensen - cựu binh Mỹ, cũng là nhà báo - thực hiện. Tuy nhiên, đạo diễn đã phải cắt đi nhiều hình ảnh đẫm máu...

- Những người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và không tham gia cuộc chiến này mà ông gặp, họ nói gì về cuộc chiến tranh này?

+ Những người lính Mỹ tham gia cuộc chiến ở Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc bày tỏ hai quan điểm về cuộc chiến này. Quan điểm thứ nhất cho rằng họ sang Việt Nam chiến đấu là vì danh dự của Tổ quốc họ và danh dự của tuổi trẻ, đó là trách nhiệm phục vụ đất nước, nhiệm vụ cao cả. Nhưng hầu hết những cựu binh Mỹ đều cho rằng chính phủ Mỹ đã lừa dối họ, khi tuyên truyền và thuyết phục họ tham chiến với lý do giúp nhân dân Việt Nam chống lại chủ nghĩa Cộng sản, chống lại làn sóng bành trướng của chủ nghĩa này xuống vùng Đông Nam Á.

Thời điểm đó, giới lãnh đạo nước Mỹ tin rằng đây là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng Tư bản và Cộng sản và phải ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản phát triển. Khi nhận ra bản chất của cuộc chiến tranh này là xâm lược, nhiều lính Mỹ đã đào ngũ bỏ về nước, tổ chức thành lập các phong trào và tổ chức phản chiến, đòi chính phủ Mỹ rút quân về nước. Nhân dân Mỹ cũng phản đối cuộc chiến này rất mạnh mẽ. Trong làn sóng phản chiến thời đó ở Mỹ, có 8 người tự thiêu, 250 ngàn người Mỹ trốn quân dịch sang các nước khác sinh sống…

Nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên (bên trái) đang phỏng vấn cho phim "Ký ức chiến tranh - nhìn từ hai phía" ở Mỹ.

- Những cựu binh Mỹ mà ông gặp đánh giá như thế nào về người lính của chúng ta?

+ Họ nói rằng những người lính đó rất can đảm. Có những trận đánh giữa quân ta với quân đội Mỹ mà chúng ta chỉ có rất ít người đã dám đương đầu với một lực lượng kẻ thù rất hùng mạnh với vũ khí tối tân nên những cựu binh Mỹ nói rằng phải có một tinh thần dũng cảm mới làm được như thế.

- Khi làm bộ phim này, ông có gặp trở ngại gì không?

- Khi chúng tôi qua Mỹ làm phim đã được sự giúp đỡ nhiệt tình từ họ. Có những cựu binh đi hàng trăm cây số để gặp chúng tôi, mang tư liệu cho chúng tôi, cho chúng tôi phỏng vấn, có cả phiên dịch nữa. Còn ở Việt Nam thì chúng tôi quay làm nhiều đợt, cách đây 3 năm, trước khi qua Mỹ, tôi từng gặp hơn 100 vị tướng và các cựu chiến binh Việt Nam cùng các nhân chứng khác để làm việc và quay một số cảnh là địa danh của các trận đánh như: trận Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khâm Đức. Khi từ Mỹ trở về, chúng tôi tiếp tục quay thêm một số hình ảnh về một số trận đánh danh tiếng thời chống Mỹ như: Ấp Bắc, Bình Giã, Buôn Ma Thuột…

- Cá nhân ông rút ra bài học gì từ cuộc chiến tranh này?

+ Hiện có nhiều quan điểm về cuộc chiến này. Có quan điểm cho rằng đây là cuộc chiến không nên xảy ra. Nhưng theo tôi, đây là cuộc chiến tranh không thể tránh được, và không chỉ có chúng ta phải trả cái giá rất lớn mà còn cả nước Mỹ cũng phải trả giá về cuộc chiến này, như "hội chứng chiến tranh Việt Nam". Nhưng là một người dân Việt Nam, người dân của đất nước bị xâm lược, tôi sẵn sàng cầm súng và xem đó là danh dự, trách nhiệm của mình với đất nước, dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Trong 10 năm làm phim tài liệu, nhà văn Minh Chuyên từng đoạt nhiều giải thưởng. Năm 2006, Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng với bộ phim "Cha con người lính" do ông viết kịch bản và làm đạo diễn đoạt giải vàng. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm -2007 tại TP HCM, bộ phim "Tôi và anh ai cộng sản hơn" nói về "nhà tư sản đỏ" Lê Minh Ngọc của ông đoạt giải vàng.

Là một người lính, ông dành tình cảm đặc biệt cho các nạn nhân chất độc da cam.

Năm 1976, Minh Chuyên viết bút ký "Đứa con màu da thú" như là bút ký đầu tiên viết về nạn nhân chất độc da cam. Nhiều người đồng cảm với bút ký này nhưng cũng có nhiều người phản ứng dữ dội cho rằng ông bịa và có thể vì sĩ diện. Mấy chục năm sau, công luận mới công nhận chuyện này.

Nguyễn Thịnh (thực hiện)
.
.