Chiếc quạt mo cau của mạ

Thứ Ba, 18/10/2016, 08:03
Khộ! Dân miềng không phát âm đúng từ khổ. Chẳng sao cả, khộ cũng được, không dấu hỏi thì dấu nặng, có can chi mô hè. Từ khộ này, chắc chắn có liên quan tới món quà của mạ gửi từ Quảng Trị ra cho tôi rồi. Chiếc quạt mo cau...


Tôi cầm món quà Quảng Trị trên tay, cảm thấy như vừa nhẹ vừa nặng, vừa xa vừa gần, vừa hở vừa kín. Phất phất quạt, từng cơn gió nhỏ nhoi phả mát lên mặt, lùa mát vào lòng. Cơn gió mo cau như hồi niệm lùa về, cái thời ai cũng khộ, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc, lấy đâu ra quạt máy, phòng điều hòa nhiệt độ như bây giờ.

Mình khộ một thì mạ khộ mười. Lớp người như mạ phải chịu hai cuộc chiến tranh bi tráng không kể xiết. Chín năm chống giặc Pháp. Hai mươi năm chống giặc Mỹ. Thuở chín năm, Quảng Trị có chiến khu Cùa, chiến khu Ba Lòng… "Đò em lên xuống Ba Lòng/ Đưa người cán bộ qua vùng chiến khu/ Ngày đông sóng cả nước to/ Mong trời thuận gió lên cho kịp về…". 

Chắc nhiều người biết đấy là thơ Lương An, bài này đã được đưa vào sách giáo khoa, thời tôi đi học còn đọc thuộc lòng. May mà thơ ca còn lặng thầm lưu giữ lại cho đời sau những đêm mưa mù mịt khó chèo thuở chín năm ấy, khi mạ còn là cô gái chưa chồng đã biết bới cơm cho cán bộ bí mật nằm rừng, cận kề dấu tích căn cứ Tân Sở được xây đắp nên từ thời vua Hàm Nghi trước trào Cần Vương. 

Lòng yêu nước không của riêng ai, không phân chia đẳng cấp, tầng lớp. Giá trị lòng yêu Tổ quốc của một ông vua ghét giặc xâm lăng và mạ, một thôn nữ sinh ra giữa thung lũng Cùa, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, vốn liếng văn hóa chỉ có dăm ba chữ bình dân học vụ là như nhau, hoàn toàn giống nhau. 

Tượng đài Thành cổ Quảng Trị hôm nay.

Thời chống Mỹ, Quảng Trị luôn được nhắc đến với nỗi đau chia cắt non sông mang tên cầu Hiền Lương sông Bến Hải. Tại sao thời đoạn Ngày Bắc đêm Nam ấy lại xuất hiện nhiều ca khúc da diết và thẳm sâu đến vậy. Một "Câu hò bên bờ Hiền Lương", một "Xa khơi"... lấy cảm hứng từ sông Bến Hải, biển Cửa Tùng đã vượt qua hết thảy những mục đích tuyên truyền chính trị của một thời để tình người thao thiết lắng đọng đến bao đời, không hề cỗi cằn, nhàm chán. 

Hèn chi, không ít văn nghệ sĩ khi nhắc tới Quảng Trị lòng rưng rưng bổi hổi bồi hồi như nói về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Sau câu thơ quá đỗi lung linh "Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị" của nhà thơ Tế Hanh ta lại biết tới bài "Đêm Quảng Trị" đầy chất hùng ca trữ tình của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh: "Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe/ Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở/ Ta cúi hôn từng cụm lá chua me/ Chung thủy với cha ta mười năm gian khổ/ Ơi ngọn núi vắt con đường nho nhỏ/ Lối mòn xưa đưa cán bộ lên Cùa/ Gạo Triệu- Hải đò nằm ngang sóng vỗ/ Vượt Trấm rồi rộn rã mái chèo khua…". 

Nhà thơ Anh Ngọc đã mấy lần nói với tôi rằng: "Mình mong một ngày được trở về Quảng Trị". Đúng lắm, nhà thơ ạ, vùng đất thời bom đạn tơi bời đã cho anh phôi liệu viết nên thi phẩm "Cây xấu hổ"; "Mưa trên mái tôn"… đâu dễ lãng quên được. 

"Con nhìn ra bốn phía mưa sa/ Căn nhà nhỏ gió xô về tơi tả/ Những mái tôn trong mưa tuôn trắng xóa/ Mênh mông không một màu xanh…". Đấy là cơn mưa ở Cam Lộ những ngày mới giải phóng năm 1972. Tiếng mưa sụt sùi như tiếng nước mắt nghẹn ngào xa xót của mạ trên vùng quê vừa mới hôm qua sống trong kìm kẹp của địch. Còn có những cơn mưa mặn đắng hơn trong cái năm Nhâm Tý khốc liệt này trên một vùng đất khác không xa Cam Lộ mấy: Thành cổ Quảng Trị. 

Đã có nhiều trang viết về 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa ấy. Nhưng, có lẽ chưa ai đi hết chiều sâu thăm thẳm của "81 trang sách" Thành cổ 1972 đầm đìa máu và mồ hôi của lính, của dân. "Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm/ Ù ù gió hay hồn lính trận/ thổi trăm năm không qua được mùa hè…". 

Tôi đã cúi đầu trước hàng nghìn linh hồn liệt sĩ ở Thành cổ Quảng Trị với những câu thơ nhức buốt như thế. Cũng như đã từng nghe và thấy "Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn" ở thượng nguồn sông Bến Hải...

Chao ôi, cái khộ của Quảng Trị đã trở thành niềm thương nỗi nhớ của cả nước. Có lẽ thế. Ai nhắc đến vùng đất Quảng Trị với các địa danh Vịnh Mốc, Cồn Cỏ, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Thành cổ, Đông Hà, Cam Lộ, Khe Sanh, Cửa Việt, Đường Chín… mà chẳng chạnh lòng nghĩ tới số phận dân tộc mình, hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, giặc này vừa cuốn gói thì thù khác đã thế chân, dấu giày viễn chinh chồng lấn lên nhau, chẳng khác gì bão nối bão, lũ tiếp lũ hành hạ dân mình.

"Chiến thắng mang khuôn mặt cùng cực khổ đau", đấy là câu thơ của một thi sĩ Nga viết sau Thế chiến II mà sao vận vào số phận dân tộc Việt Nam lại trùng khít đến vậy. Hay, cái giá của mọi cuộc chiến tranh ái quốc đều thế cả, cái giá của hòa bình, của độc lập tự do đều không bao giờ rẻ khi các thế lực phi nghĩa luôn mang tham vọng vô cùng lớn và năng lượng của cái ác cũng không hề bé nhỏ.

Trận địa Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Cứ miên man như đang cùng mạ, cùng Quảng Trị đi về dĩ vãng chưa xa ngái mấy. Dĩ vãng niềm tự hào cao rộng như núi như biển và nỗi đau cũng mang tầm kích như thế. Ta đã nói nhiều tới điều này trong thời hậu chiến những hình như chưa đủ, chưa sâu. 

Chưa đi hết cái thấm thía chất náu trong trầm tích Quảng Trị. Kỳ tích và mất mát của một dải đất mỏng, neo bám vào Trường Sơn và trông ra biển cả bao la. Tôi nghĩ, Cửa Việt có một nội hàm bát ngát hơn là địa danh chỉ nơi đổ ra đại dương của một con sông không lớn của miền Trung.

Mạ của riêng tôi, mạ của nhiều người, mạ Quảng Trị chẳng hề nói dài, nói nhiều như ta đâu. Mạ nói: "Sông Hiền Lương bên bồi bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ bên thương/ Bao giờ giặc Mỹ hết phương/ Bắc Nam sum họp con đường vô ra". 

Mạ nói: "Bạn về không có chi đưa/ Môn khoai đang dại, mít dừa đang non". Mạ nói: "Chị em như chuối như tàu/ Tấm lành che tấm rách đừng nói nhau nặng lời". 

Tôi đã từng nghe mạ nói trong tiếng kẽo kẹt của cánh võng ru cháu ngủ trưa hè: "Chập choạng bóng trăng em xem chưa rõ/ Chập choạng bóng đèn em ngó chưa tường/ Dáng ai như dáng người thương/ Không vô đây phân giải một đôi đường cho em hay". Có lẽ, ngày xửa ngày xưa khi em còn bé tí mạ đã ru rằng: "Anh về đừng có ngó lui/ Để em ngó dọi ngùi ngùi thêm thương…".

Trong tôi đầy đặn một Quảng Trị quê hương thứ hai, quê ngoại của các con tôi; gần gũi một Quảng Trị thời trai trẻ được xác nhận bởi gió Lào, bão lũ; dấu yêu một Quảng Trị bạn bè rượu sắn lạc rang cho thơ xuôi sông Hiếu, sông Thạch Hãn rồi ra biển Việt mênh mang; thương lắm một Quảng Trị có em má lúm đồng tiền vừa làm cô giáo vừa mài bột sắn bán chợ nghèo; ân nghĩa một Quảng Trị nâng dìu tôi chập chững bước vào thơ ca để có những bài thơ định mệnh như "Bông huệ trắng", "Khát vọng Trường Sơn"…

Chiếc quạt mo cau, khộ! Một sự nhắc nhở nhẹ nhàng của mạ chăng? Ra chốn phồn hoa đô hội, lại có chút danh tiếng, biết đâu… Con người vốn dĩ hay quên, chắc mạ thầm lo thế. Mạ, đi đâu, ở đâu con vẫn mang hình bóng Quảng Trị trong lòng như mang câu ca dao xứ sở gió Lào nắng lửa: "Cây cao bóng cả chẳng ngồi/ Lại ngồi trửa nắng trách trời không dim". 

Tôi ngắm nghía chiếc mo cau của mạ, lòng bâng khuâng thấy Quảng Trị rất gần; tháng năm xưa hiện về mồn một với những thương mến chân thành mà vùng đất ấy đã dành cho tôi. Không hoàn toàn mỹ mãn, trọn vẹn nhưng những tháng năm tôi sống ở Quảng Trị là vô cùng ý nghĩa. Cả những ai đó đã ứng xử không phải với mình, tôi cũng không còn băn khoăn nữa. 

Người Quảng Trị sống chân mộc, có trước có sau, không hề cực đoan và cũng không đãi bôi là cảm nhận bao quát trong tôi. Tôi trân trọng và yêu quý điều đó.

Giữa tiết thu rất đẹp của Hà Nội, thương mến Quảng Trị đã cho tôi bài thơ bé nhỏ này: "Mo cau rụng xuống sân nhà/ Mạ ta làm quạt gửi ra Hà thành/ Cầm tay, thơm ngát hương lành/ Nghe trời Quảng Trị thẳm xanh đáy lòng". 

Tôi dùng bút dạ ghi bốn câu thơ lên chiếc quạt mo cau của mạ, sau đó chụp ảnh rồi đưa lên trang facebook của mình. Trời ạ, hàng trăm người vào like với nhiều lời bình luận rất cảm động. Tình cảm riêng tư của tôi đã được cộng hưởng mạnh mẽ vào tình cảm của bạn bè gần xa. Sự tương tác trong thế giới ảo ấy không hề lạ lẫm với đời sống nội tâm thực của con người. 

Tình yêu của tôi đối với Quảng Trị đã nhận được sự chia sẻ của không ít bè bạn. Chiếc quạt mo cau mặc nhiên trở thành biểu tượng tình cảm mạ dành cho tôi. Đơn sơ mà lắng đọng bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp, trong sáng của cuộc sống hướng thiện.

Nguyễn Hữu Quý
.
.