Che Guevara với thi ca

Thứ Năm, 21/07/2005, 07:12

“Tôi rất thích tình yêu kiểu thủy thủ. Sau cái hôn cháy bỏng lại tất bật lên đường…” -  Đó là câu thơ trích từ bài “Dã từ” của Pablo Neruda, nhà thơ Chile. Đây là bài thơ Che Guevara thích nhất.

“Jesus - Đức Chúa trời, tôi yêu Người, bởi Người cho tôi hiểu: con người có máu hồng, có nước mắt, có khổ đau cùng chìa khóa và kìm búa, để mở toang cánh cửa ánh sáng bị khóa chặt. Đúng quá, Người chỉ dẫn chúng ta, rằng chính con người mới là thượng đế…”. Đây là một bài thơ mà Thượng úy Gali Plado khi kiểm tra các di vật của Che Guevara đã phát hiện thấy. Bài thơ được chép trong một quyển sổ nhật ký cũ nát. Thoạt đầu người ta ngờ là bài thơ do chính Che Guevara viết, thực ra đây là một bài thơ của Leon Filippe, nhà thơ Tây Ban Nha.

Che Guevara đam mê hoạt động cách mạng và cũng rất yêu thích thi ca. Bà Kalman Corvado, em họ của ông nhớ và kể lại, ngay từ nhỏ ông đã học thuộc nhiều tác phẩm của các nhà thơ danh tiếng như Garcia Lokal, Migael Hernansd, Antonio machado, v.v... có thể đọc thuộc làu từ bài đầu tới bài cuối cùng trong tập “20 bài thơ tình và một bài thơ tuyệt vọng” của Pablo Neruda.

Pablo Neruda khi nhớ lại quang cảnh lúc gặp và trò chuyện với Che Guevara đã kể: “Ông nói thao thao về toàn tập thi ca” của tôi. Ông còn khoe hồi ở đội du kích hoạt động trong dãy núi Maestra, buổi tối rỗi rãi ông thường đọc thơ tôi”.

Che Guevara, người anh hùng đầy ắp màu sắc huyền thoại này, ở mỗi thời kỳ lịch sử của mình, thi ca luôn cổ vũ tình cảm mạnh mẽ của ông.

Năm 1952, chàng sinh viên 24 tuổi Che Guevara đã cùng một người bạn thân của mình là Albeto Granado đèo nhau trên một chiếc môtô kiểu cũ Hercules, men theo dãy núi Andes bắt đầu cuộc du lịch bằng môtô kéo dài tới tám tháng.

Trong cuốn “Nhật ký rừng già Nam Mỹ” của mình, Che Guevara đã viết: “Men theo lãnh thổ dài hẹp của đất nước Chile, tôi ước vọng tới tương lai, miệng lẩm nhẩm đọc những vần thơ của Otero Sival”.

“Khi ngồi nhờ trên thùng xe tải, tôi cuộn tròn trong chiếc khăn chiên du lịch, phóng tầm mắt nhìn ra phong cảnh chung quanh, miệng luôn ngâm to hết bài thơ nọ đến bài thơ kia, hòa trong tiếng động cơ xe ầm ì”.

Mục đích của chuyến lữ hành đường dài này vốn nhằm khảo sát bệnh cùi (leprosy) và bệnh nhiệt đới. Nhưng, trong chuyến đi Che Guevara bỗng phát hiện mình đã “đứng về phía nhân dân”, bên tai ông vang vọng những câu thơ của Otero Sival, nhà thơ Venezuela: “Tôi nghe thấy tiếng mái chèo bổ nước của những phu thuyền nghèo khổ chân trần, khuôn mặt vàng vọt tiều tụy vì đói khát của họ luôn hiển hiện trong mắt tôi”.

Ngày 7/7/1953, tại ga xe lửa Buenos Aires (Argentina); chàng sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đã viết một bức thư gửi về bố mẹ, trong đó có câu: “Một lính chiến châu Mỹ cáo biệt bố mẹ và mọi người!”, và từ đó mắt đầu cuộc đời cách mạng “chiến đấu cho lý tưởng và tự do” của ông.

Che Guevara rất thích ngâm thơ và chép những bài thơ tâm đắc vào sổ tay, bản thân ông thỉnh thoảng cũng nổi thi hứng. Ông từ biệt bố mẹ sau khi tới Guatemala, trong một bài thơ vô đề, ông đã viết: “Con bước lên con đường dài hơn so với ký ức, theo cùng con là sự cô đơn của kẻ hành hương về đất Thánh…”.

Tháng 7/1956, trong trại giam của Cục Di dân Mexico, người chiến sĩ quân viễn chinh Cuba Che Guevara còn làm một bài thơ “Gửi tặng Fidel” nhờ vợ gửi tới tận tay Fidel Castro chiến hữu cách mạng của ông: “Tiến lên, hỡi nhà tiên tri nhiệt tình dự báo rằng bình minh đang tới gần, giải phóng con cá sấu xanh (bản đồ Cuba trông giống hình một con cá sấu). Khi nổ phát súng đầu tiên anh sẽ thấy, chúng tôi đứng ngay bên cạnh…”.

Che Guevara là một chiến sĩ, một nhà cách mạn lãng mạn chủ nghĩa có khí chất của một thi nhân. Trong nhật ký, thư từ, luận văn và trả lời các nhà báo của ông, cũng thường dào dạt tình cảm mạnh mẽ của một thi nhân tràn đầy lạc quan cách mạng.

Trong bài tựa đề “Chủ nghĩa xã hội và con người Cuba” phát biểu trên tờ tuần báo “Cành ô liu xanh” ông chỉ rõ: “Tự do của chúng ta và bánh mỳ chúng ta ăn mang theo màu máu, thấm đẫm máu đào của những người đã hy sinh!”.

Tháng 4/1965, khi Che Guevara quyết định từ bỏ mọi chức vụ trong Chính phủ Cuba để sang Congo, châu Phi, gieo trồng hạt giống cách mạng, trong lá thư gửi về cho song thân, ông viết: “Gót chân con lại một lần nữa thúc mạnh vào sườn con tuấn mã “Thiên lý”. Con thay chiếc khiên mới, lại bước lên con đường vạn dặm…”.

Ngày 9/10/1967, ở trận chiến đấu cuối cùng của ông trong thung lũng Raigra, Bolivia, khi tên đao phủ hỏi ông hiện đang nghĩ gì, Che Guevara đã để lại trên thế gian này một câu nói cuối cùng: “Ta đang nghĩ: Cách mạng là bất tử”.

Che Guevara là một chiến sĩ cách mạng bất tử. Và cho tới ngày nay, Che Guevara vẫn là thần tượng tôn thờ của tuổi trẻ toàn thế giới. Tên ông là từ thay thế cho lý tưởng, chính nghĩa, mạnh mẽ, dũng cảm, hy sinh. Bức ảnh mang tên “Đội viên du kích anh hùng” của ông, giống như ngọn cờ chói lọi tung bay trước gió, thường xuất hiện trên các tờ quảng cáo của ban nhạc rock, trên bìa các album âm nhạc, in trên cốc đựng bia trong quá bar, trên những chiếc áo T-shirt…

“Ernesto” Che Guevara - một cái tên làm rung động trái tim toàn thế giới, các bạn chiến đấu thân thiết đã quen gọi ông là “Che” - “Che” trong tiếng Argentina mang nghĩa như “Này, người anh em vui tính”, còn các nhà sử học thì gọi ông là “Robin Hood đỏ”, “Tanzimat của chủ nghĩa cộng sản” (Tazimat - tiếng Thổ Nhĩ Kỳ hàm nghĩa “đổi mới”, “làm cho tốt đẹp thêm lên” - chỉ phong trào chủ nghĩa cải lương của giai cấp tư sản Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ năm 1839 và chấm dứt năm 1870 - ND). Các nhà văn thì gọi ông là “Chúa trời nơi trần thế”, “Thần Prometheus phục sinh”, “Faust của Mỹ Latinh”… Ông cũng xứng danh được chúng ta tôn vinh là “Thi nhân hiệp sĩ lãng du”: Cuộc đời ông, sự nghiệp cách mạng vô sản của ông sao mà giống bản sử thi “Trường ca Đam San” đầy tính lãng mạn và bi tráng

Bùi Hữu Cường (Lược dịch theo tạp chí World View)
.
.