Châu về hợp phố

Chủ Nhật, 09/02/2020, 17:28
Có một bài hát mỗi khi vang lên, ai nghe cũng thấy xốn xang, yêu làng quê Việt Nam tha thiết, nhất là những người sống xa Tổ quốc. Bài hát hay về nông thôn Việt Nam không ít. Nhưng bài này thì lại nói riêng về ngày mùa, về vụ gặt ở những làng quê: “Trời xanh xanh bao la. Mây trắng trắng trắng xóa. Tia nắng đang bừng chiếu trên đồng lúa vàng…”.


Ngôn ngữ âm nhạc rất dân tộc, đậm đặc phong cách dân gian. Ca từ như những đường nét thanh tao của một bức tranh thủy mạc, đúng với tên bài hát là “Bức họa đồng quê”. Tác giả là Văn Phụng (1930 -1999) - Ông là nhạc sỹ rất được bà con Việt kiều ở hải ngoại mến mộ bởi những sáng tác luôn khơi gợi nỗi nhớ quê hương, Tổ quốc.

Công chúng yêu âm nhạc sống ở các tỉnh phía Nam cũng không ai không biết và yêu thích những ca khúc của người nhạc sỹ này. Tất cả các sáng tác của ông hầu như chỉ xoay quanh hai đề tài: Tình yêu lứa đôi và quê hương đất nước: “Bức họa đồng quê”, “Ô mê ly”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Xuân họp mặt”, “Mưa”, “Yêu”. “Trăng sơn cước”, “Trăng sáng vườn chè”…

Văn Phụng có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Phụng, sinh ra ở Hà Nội. Sớm phát lộ năng khiếu âm nhạc nên ngay từ nhỏ, ông được gia đình cho học đàn pi-a-nô. Năm 15 tuổi, trong một kỳ thi đàn này tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cậu bé Phụng đọat giải Nhất với bản “La Prière dun Vierge”.

Cố nhạc sỹ Văn Phụng.

Nhưng năm 16 tuổi, sau khi học xong tú tài (tương đương với hết THPT bây giờ), gia đình bắt cậu thi vào trường Y để về sau trở thành bác sỹ. Và Phụng đã thi đỗ. Nhưng chỉ học được một năm, Văn Phụng thấy chán, bèn tự ý bỏ học. Bị bố, mẹ đánh mắng, cậu vẫn nhất định không chịu trở lại học để miệt mài lao vào học âm nhạc. Cuối cùng, hai bậc song thân đành phải chịu “thua” cậu con trai quá đam mê âm nhạc mà để cậu tự ý lựa chọn nghề nghiệp.

Sau năm 1954, Văn Phụng theo cha mẹ vào cư trú ở Sài Gòn. Biết ông giỏi nhạc, lại từng nổi danh qua đợt thi pi-a-nô ở Hà Nội khi mới 15 tuổi đã đọat giải Nhất như đã nói, người ta mời ông phụ trách các chương trình ca nhạc trên Đài phát thanh Sài Gòn khi ấy. Đến năm 1978, do có người nhà sống ở Malaysia, ông quyết định đưa vợ, con cùng sang sinh sống. Mấy năm sau, ông lại sang định cư ở Indonesia và qua đời tại đây vào ngày 17/12/1999, hưởng thọ 70 tuổi.

Nhắc đến Văn Phụng, người ta nghĩ ngay đến một nhạc sỹ tài hoa với những ngón đàn pi-a-nô điệu nghệ, những ca khúc ướt át, lãng mạn ngợi ca ái tình mộng ước làm say đắm lòng người . Và đặc biệt là một người đàn ông đào hoa, có sức lôi cuốn phái tóc dài. Chuyện rằng vào năm 1948, lúc này Văn Phụng mới 18 tuổi, đã say mê một cô gái xinh đẹp người Hải Phòng có tên Châu Hà.

Khi ấy, bố của Văn Phụng thuê nhà của bố Châu Hà để ở. Văn Phụng không sống cùng bố. Một lần, ông đến thăm cha mình, bỗng nghe từ trên gác vọng xuống tiếng đàn pi-a-nô thánh thót đang đánh một bản nhạc quen thuộc. Nghe tiếng đàn rất mềm mại, có hồn, khá quyến rũ, chàng trai hỏi cha xem ai chơi đàn trên gác thì được biết đó là cô con gái ông chủ nhà. Văn Phụng bèn lên gác để khám phá cho thỏa chí tò mò.

Tất nhiên là chàng bước lên khá dè dặt và không khỏi nổi lên những tiếng trống đập thình thịch nơi trái tim. Khi ông vừa lên tới gác hai thì nhìn thấy một người con gái chỉ 16 -17 tuổi có tấm lưng rất thon thả đúng là “thắt đáy lưng ong” và đặc biệt là mái tóc mượt mà, lượn làn sóng, dài quét đất. Ông bất giác kêu lên: “Ôi! Một suối tóc”. Và sững sờ, cứ đứng như trời trồng để ngắm nhìn thân hình quá đẹp của người con gái.

Như linh cảm có người ở sau lưng mình, cô gái quay lại nhìn người lạ thì Văn Phụng sửng sốt thấy trước mắt mình là một trang tuyệt thế giai nhân với làn da mỏng mịn, trắng muốt, nõn nà và một gương mặt thanh tú, đầy sức cuốn hút. Chàng cất lời: “Xin chào cô! Tôi là con trai ông…thuê nhà cô. Cô đánh đàn hay quá. Cô có thể cho phép tôi thử đánh một chút được không?”.

Cô gái vui vẻ đồng ý, nhẹ nhàng đứng lên nhường cho chàng thanh niên xa lạ ngồi vào đàn. Không biết có phải muốn trổ tài với người đẹp hay không mà anh chàng lướt đôi tay trên bàn phím như mưa như gió. Và Văn Phụng chơi đúng bản nhạc cô gái vừa chơi. Cô gái vô cùng nể phục, ngưỡng mộ ngón đàn của Văn Phụng. Nàng bất giác thốt lên: “Ôi! Em đã múa rìu qua mắt thợ”.

Đôi trai tài, gái sắc quen nhau từ đó. Nàng tên là Châu Hà. Ngoài biết đánh đàn pi-a-nô, cô còn có giọng hát hay. Thấy vậy, Văn Phụng đã sáng tác ca khúc “Suối tóc” tặng nàng: “Tìm cho thấy liễu xanh xanh lả lơi. Hãy đi tìm dòng suối tóc trên vai. Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai. Tôi thấy em một đêm thu êm ái…”.

Đây chính là lời tỏ tình bằng âm nhạc của chàng nhạc sỹ đa tình dành cho người đẹp Châu Hà. Từ đó, mối tình đầu đẹp như mơ của hai người chính thức diễn ra. Nhưng bố của Văn Phụng không đồng ý cho con trai lấy cô gái tuy xinh đẹp nhưng đàn hát bởi quan niệm “xướng ca vô loài”. Ngày xưa, bố mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy nên Văn Phụng đã không cưỡng lại được ý của cha.

Cố nhạc sỹ Văn Phụng hạnh phúc cùng vợ - ca sỹ Châu Hà.

Sau đó, ông lấy vợ cũng là một cô gái có nhan sắc và nết na, lại con nhà giàu sang. Tuy nhiên, không có tình yêu vì trái tim chàng nhạc sỹ trẻ đã hoàn toàn thuộc về người con gái của mối tình đầu với Châu Hà. Do tình yêu này quá say đắm và sâu nặng nên dẫu Văn Phụng đã cố gắng quên để vun vén cho gia đình hiện tại nhưng càng làm vậy, chàng lại càng không quên được người yêu cũ.

Quá đau khổ vì tình yêu không dẫn được đến hôn nhân, Châu Hà quyết định bỏ vào Sài Gòn sinh sống để rời xa mảnh đất phương Bắc, hy vọng “năm tháng sẽ nguôi dần chuyện xót đau” khi không bao giờ còn nhìn thấy Văn Phụng. Nhưng…

Như đã nói, sau năm 1954, Văn Phụng đưa vợ, con vào cư trú tại miền Nam và được nhận vào phụ trách phần âm nhạc của Đài Phát thanh Sài Gòn. Và ông đã tình cờ gặp lại người tình xưa khi Châu Hà vẫn đến hát thu thanh cho đài này.

Ngọn lửa tình lâu nay vẫn dồn nén, âm ỉ trong lòng nay lại bùng cháy trở lại hơn bao giờ. Hai người giờ đây lại thường xuyên làm việc với nhau mỗi khi Văn Phụng chỉ huy dàn nhạc đệm cho Châu Hà hát thu thanh.

Theo lẽ tự nhiên không thể cưỡng, họ đã trở lại với nhau mặc cho không ít lời chê bai, dị nghị bởi lúc này cả hai người đều đã có gia đình riêng. Họ đã làm lại từ đầu, háo hức và đam mê gấp bội so với trước. Gặp lại nhau để về chung sống trong một mái ấm, Châu Hà hát hay hơn, Văn Phụng cũng tuôn chảy dòng suối âm thanh như là vô tận. Ông sáng tác hàng loạt bài hay tặng Châu Hà: “Tình”, “Tôi đi giữa hoàng hôn”, “Yêu”… Lúc đầu, người ta lên án hai người nghệ sỹ đã bất chấp tình chồng vợ để có thể phá vỡ tổ ấm nhưng rồi lâu dần thấy họ trở lại với nhau, sống cực kỳ hạnh phúc, lại cống hiến cho đời nhiều sản phẩm âm nhạc giá trị, cũng trở nên thông cảm và chấp nhận.

Họ thực sự là một cặp uyên ương hiếm có trong âm nhạc. Chồng sáng tác rồi tự tay đệm pi-a-nô cho vợ hát, chắp cánh cho tiếng hát của vợ thêm bay cao, bay xa. Vợ là chất men để chồng luôn thăng hoa trong các tác phẩm. Ở trường hợp của đôi uyên ương nghệ sỹ này, người ta đã chấp nhận “Châu về Hợp Phố”.

Khi Văn Phụng chưa qua đời, một lần tôi có dịp đặt chân đến nước Mỹ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, được biết có cuộc ra mắt của cặp uyên ương đã luống tuổi này tại thủ đô Washington trong một sinh hoạt thường niên của Việt kiều tại đây. Tôi đã đến dự cuộc sinh hoạt này và được nhìn thấy cặp vợ chồng trên sân khấu, sau đó là phần trình diễn của họ.

Cho đến cuối đời, họ vẫn thể hiện rõ đang có cuộc sống rất hạnh phúc. Lần ấy, Châu Hà, ở tuổi ngoài 60 hát lại bài “Suối tóc” chồng viết tặng mình gần 50 năm trước. Bà hát vẫn còn hay, không khác là bao so với ngày xưa. Tôi chưa thấy có cặp vợ chồng âm nhạc nào lại đàn hát hòa quyện, nhuần nhuyễn, nhịp nhàng như họ. Sau khi Văn Phụng qua đời, Châu Hà sống âm thầm, lặng lẽ, luôn chìm đắm vào những kỷ niệm của dĩ vãng. Không mấy khi người ta thấy bà hát trước đám đông công chúng.

Nhưng những giai điệu của chồng vẫn luôn vang vọng trong trái tim mềm yếu, tiếc nuối của bà. Bà kể rằng khi biết mình sắp từ biệt cõi đời, ông đã kịp sáng tác tặng bà 3 bài “Vĩnh biệt Châu Hà”, “Em ở lại”, “Anh đi”.

Trong quan niệm, suy nghĩ cởi mở của chúng ta ngày hôm nay, cùng với nhiều tên tuổi nhạc sỹ khác sống tại Sài Gòn trước năm 1975, Văn Phụng là một cái tên được đông đảo công chúng yêu thích với một cuộc đời khoáng đạt và những bản tình ca lãng mạn, thắm đượm tình yêu quê hương, xứ sở. 
Nguyễn Đình San
.
.