Chàng ngư phủ Kù Kao Khải: Mải mê kể chuyện quê mình

Thứ Bảy, 28/09/2019, 08:22
Trong số các tác giả điêu khắc thế hệ thứ 3, Kù Kao Khải khác lạ như nhành lúa còn sót lại sau vụ gặt giữa ngôi làng ven biển yên bình. Mới gặp, ai cũng có cảm giác Khải có tướng mạo khá “dữ dằn”... cái vóc dáng của Khải đi đường khối kẻ e ngại, nhưng khi chuyện trò, đã quen thuộc thì đều thấy đó là một người hiền lành, mộc mạc... như một ngư phủ thục thụ. 


Với Khải, những lúc rảnh rỗi ngao du trong rừng ngập mặn, hay thong thả trên bãi cát ven biển là lúc những ý tưởng sáng tạo được nảy sinh. Những trải nghiệm thơ ấu, theo chân cha đi biển, cùng mẹ cấy lúa đã dần dần tích lại trong sâu thẳm chàng trai “quê” này một “lẫm” đầy chặt những vốn sống, những xúc cảm đủ để thỏa mãn những ý tưởng sáng tạo của anh trên suốt con đường nghệ thuật của mình.

Kù Kao Khải kể lại: "Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương (năm 2001), mấy năm bươn chải với những thực tế khắc nghiệt, cho dù tôi đã từng là người thiết kế mỹ thuật cho lò gốm nổi tiếng của nghệ nhân Trần Độ, nhưng vẫn là cảnh “ráo mồ hôi là hết tiền”. Cảnh cơm hàng cháo chợ ở nơi phồn hoa chỉ làm thui chột những hoài bão sáng tạo mà anh luôn ấp ủ trong lòng tôi. Những câu thơ ở đâu đó mà tôi chỉ nhớ đôi câu:

“...Thôi ta về lại bến quê.
Khói thơm mái lá bờ tre rì rào.
 Bỏ đi những nỗi khát khao.
Quay lưng với chốn cồn cào bon chen...”

Những câu thơ này đã giúp tôi thức tỉnh… và cả  tình  yêu thuở học trò  nữa, như một phép mầu giúp tôi thoát khỏi cái vòng mưu sinh nơi phố thị để về quê, về với biển...”. Về quê, ở nơi mặn mòi vị biển đó, Khải  có một  miếng  đất  gần một  “mẫu” đất, với một xưởng vẽ rộng rãi, cây xanh rợp mắt. Về quê, Khải đi dạy học rồi lấy vợ, sinh con  như bao người quê khác, rồi Khải theo học tiếp Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (tốt nghiệp năm 2008).

Tưởng rằng Khải sẽ theo nếp quê cứ lẳng lặng mà sống, nhưng ký ức của một tuổi thơ oằn lưng kéo lưới trong trái tim Khải lại dâng trào mỗi lần vác lưới ra khơi.  Và nó như tự “chuyển hóa” từ trái tim xuống đôi tay nghệ sĩ… Những đàn cá tràn lên mặt toan, những con tôm bật sóng như còn hơi thở gấp gáp qua nét vẽ của anh. Còn nữa, trên mặt toan Kù Kao Khải dụ những đàn chim trở về tránh rét, trải lên những cánh rừng ngăn mặn xanh tươi… Mười năm trở lại làm người quê, mười năm trở lại sống với người quê Khải đã trải nghiệm, đã hun đúc, đã lọc đãi để cho ra đời những tác phẩm của chính anh.

Từ “Câu chuyện quê” đầu tiên mà Khải  kể là tác phẩm “Động vật ở biển” tại Festival Huế năm 2011 - gồm những cụm sắp đặt vừa được đục, đẽo bằng gỗ, hoặc chắp ghép vật liệu tận dụng bất kỳ và có sơn màu  tạo ấn tượng thị giác.

Ở tác phẩm này, anh  kể những câu chuyện quê giản dị thôi, loanh quanh tôm cá cua ốc, hay người đi biển, nghề làm cói… Rồi những mùa sau đó, Khải như người say chuyện… anh liên miên kể hết chuyện nọ tới chuyện kia của quê mình, nào là “Cá biển”, “Được mùa ngao”, “Mèo và cá”, “Giỏ cua”, “Đọc báo trên đảo”, “Con bướm”…

Những câu chuyện của Khải quê kiểng nhưng lại thật có duyên và lạ lẫm… Khải liên tục đoạt những giải thưởng danh giá. Nào là giải chính thức (Nhất đồng hạng) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2013, giải Nhì (không có giải Nhất) Điêu khắc toàn quốc 10 năm (năm 2013), giải chính thức (Nhất đồng hạng) Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2014, Huy chương Đồng triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015, giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và ngay mới đây thôi, ngày 13-8-2019,  Khải lại được trao giải Nhì giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019 với tác phẩm “Đám cưới chuột”.

 Sự thành công ở những tác phẩm của Khải có thể nhìn thấy đó là một lối đi độc đáo và riêng biệt của anh. Khải không đi theo lối truyền thống thuần túy như thường thấy, anh ảnh hưởng tinh thần của Điêu khắc dân gian truyền thống, nhưng ngôn ngữ nghệ thuật thì thật hiện đại. Sáng tác của Khải có những thông điệp giản dị, không hề trừu tượng. Những tác phẩm của anh thật khó đặt vào thể loại mỹ thuật thường gọi nào… Gần gần điêu khắc, gần gần sắp đặt, có cả hội họa…

Thô tháp, xù xì và góc cạnh, đó là những ấn tượng đầu tiên khi xem các tác phẩm của Khải. Nhưng đứng lâu hơn, nghĩ sâu hơn thì bỗng nhiên đâu đó những nét đẹp  bất chợt hiện ra, tỏa sáng  như mời gọi người xem - phần nào giống thứ rượu Kim Sơn đặc sản quê anh, nồng đậm, thấm say. Đó chính là ngôn ngữ nghệ thuật của sự lãng mạn tượng trưng trong các tác phẩm của Khải.

Tác phẩm “Đám cưới chuột” - Giải nhì Hội Mỹ thuật Việt Nam 2019 của họa sĩ Kù Kao Khải.

Khải tâm sự: “Chất liệu của mình lấy từ những đồ vật thân thuộc hằng ngày, bản thân chất liệu cũng gắn liền với chính câu chuyện mà nó kể. Sự truyền tải của nó trực quan và nội dung cũng rất gần gũi với cuộc sống. Người ta thấy được cái giá trị của nó khi nhìn thấy chứ không mơ hồ. Tôi mãn nguyện khi được kể câu chuyện của mình. Lúc ấy, tôi đã thực sự loại bỏ trong đầu ý nghĩ về những chất liệu truyền thống. Tôi muốn đem lại một cái nhìn khác về hội họa cho công chúng, chứ không chỉ trên giấy, trên các chất liệu quen thuộc”.

Người Phương Tây dùng từ “culture” để chỉ văn hóa - nó bắt nguồn từ chữ La tinh là “cultura” có nghĩa là vun trồng. Ta có thể hiểu vun trồng tinh thần chính là văn hóa.Với người Việt, từ khởi thủy thì làng là một không gian văn hóa, là một cộng đồng văn hóa chặt chẽ. Với nghệ thuật của Khải, thì văn hóa làng chính là sự tiếp dẫn trực tiếp cho nội lực sáng tạo của anh.

Vùng quê  Kim Sơn của Khải  là vùng đất mới, vùng đất của những người dân khao khát an bình, được doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai sinh ra từ hơn 2 thế kỷ trước. Đây là trung tâm của giáo xứ Phát Diệm. 7 xã vùng ven biển và biển đảo Kim Sơn với những giá trị đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Kim Sơn còn nổi tiếng với hơn 20 làng nghề cói mỹ nghệ truyền thống, người dân ở đây vừa trồng lúa, trồng cói, vừa đi biển, nuôi trồng thủy hải sản. Bởi vậy mà đất mẹ Kim Sơn mang trong mình trữ lượng văn hóa dân gian vô tận, nó là nguồn sinh dưỡng “vun trồng” cho tình yêu nghệ thuật của Khải, để Khải vẫn mải mê mà kể những câu chuyện quê mình.

Tô Chiêm
.
.