Cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám mới Nhật Bản

Thứ Sáu, 14/02/2020, 08:16
Shimada Sôji, một trong những nhà văn trinh thám đương đại nổi tiếng nhất của Nhật Bản, được mệnh danh là "cha đẻ của tiểu thuyết trinh thám mới". Hai tác phẩm của ông: "Tokyo Hoàng đạo án" và "Ngôi nhà có những bức tường cong" đã được dịch và bán rất chạy ở Nga. Mới đây, ông đến thăm nước Nga và có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên "Báo Nga". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


- Xin ông cho biết vì sao vào đầu những năm 1980, ông lại quyết định hồi sinh thể loại "tiểu thuyết trinh thám mới"?

+ Nửa sau của thế kỷ XX là thời kỳ của tiểu thuyết trinh thám hành động, vì vậy khó có thể viết những tác phẩm nào đó vượt ra ngoài thể loại này. Tuy nhiên, thể loại hành động có một đặc điểm là trong đó nhà văn không quan tâm lắm tới cốt truyện. Còn cái thể loại mà tôi viết: Shin-honkaku - tiểu thuyết trinh thám mới Nhật Bản - là một nỗ lực để trở về với tiểu thuyết trinh thám cổ điển, trong đó điều chủ yếu là tội ác, cốt truyện phức tạp và trò chơi trí tuệ với bạn đọc. Cách tiếp cận này ngụ ý một cái kết thú vị và cốt truyện thu hút sự chú ý.

Nếu như cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi "Tokyo Hoàng đạo án" thực chất là sự kết hợp truyện trinh thám và yếu tố thần bí, thì trong "Ngôi nhà có những bức tường cong", tôi cố gắng viết theo các nguyên tắc của tiểu thuyết trinh thám cổ điển, được nhà văn Mỹ Willard  Wright, nổi tiếng với bút danh S. S. Van Dine, xây dựng vào cuối những năm 1920. Sau này, nhà văn Nhật Bản Yukito Ayatsuji cũng rất quan tâm đến các nguyên tắc của Van Dine, và ông đã viết tác phẩm "Án mạng trong ngôi nhà thập giác" vào năm 1987.

Thực ra, hai tác phẩm "Ngôi nhà có những bức tường cong" và "Án mạng trong ngôi nhà thập giác" đánh dấu sự khởi đầu của thể loại honkaku (truyện trinh thám trong phòng kín) ở Nhật Bản. Tôi phải nói rằng trong khi trên thế giới, người ta vẫn tiếp tục viết tiểu thuyết trinh thám hành động, thì Nhật Bản đã chuyển sang giai đoạn sau - nỗ lực trở lại với tiểu thuyết trinh thám cổ điển, có thắt nút và mở nút. Hóa ra, trên thế giới độc giả vẫn có nhu cầu đọc các tác phẩm đó. Chúng được dịch ở nhiều nước, và bây giờ xuất hiện ở Nga.

Nhà văn trinh thám Nhật Bản Shimada Sôji.

- Nước Nga xuất hiện trong tác phẩm "Đôi giày kim cương của Thánh Nikolay" của ông, nhưng nói chung, ông có thường xuyên sử dụng đề tài nước Nga không?

+ Không thường xuyên. "Đôi giày kim cương của Thánh Nikolay" có lẽ là tác phẩm duy nhất. Nó được viết theo thể loại "yurey", nghĩa là trong đó xuất hiện những hồn ma. Cuốn sách này được xây dựng xung quanh một bí ẩn liên quan tới Anastasia, con gái của Sa hoàng Nikolay II. Tôi đã nghiên cứu các tài liệu về Anastasia và kết luận rằng bà không bị hành quyết cùng với gia đình Sa hoàng Nikolay II năm 1918. Tôi tin rằng Anna Manakhan-Anderson, người từng sống ở Mỹ và qua đời năm 1984 chính là công chúa Anastasia.

- Xin ông cho biết, văn học Nga hiện nay có được ưa chuộng ở Nhật Bản không?

+ Tại Nhật Bản, văn học, âm nhạc và sân khấu Nga trước đây được biết đến rộng rãi. Nhưng nếu âm nhạc và sân khấu Nga vẫn phổ biến như xưa, thì văn học đã phần nào bị rơi xuống hàng thứ yếu. Nhưng tôi nghĩ rằng ở nước Nga, những tài năng thực sự sẽ xuất hiện và viết những cuốn tiểu thuyết trinh thám Nga theo phong cách honkaku. Tôi nóng lòng chờ đợi họ xuất hiện, chính vì vậy mà lần này tôi đến Moskva, và sẽ còn đến nữa.

- Trong các cuộc gặp gỡ ở Nga, độc giả Nga đặt ra cho ông những câu hỏi gì thú vị?

+ Có một số câu hỏi thú vị, ví dụ, về việc Nga và Nhật Bản có dân số tương đương (Nhật Bản khoảng 126 triệu, Nga khoảng 145,5 triệu người), thế nhưng nước Nga chỉ có gần 3.000 hiệu sách, trong khi Nhật Bản hiện có 14.000 và cách đây không lâu có gần 30.000. Tôi rất hài lòng vì mặc dù số lượng hiệu sách không nhiều lắm, nhưng cuốn "Tokyo Hoàng đạo án" của tôi in 35.000 bản đã được bán hết trong vài tháng. Ngoài ra, độc giả Nga nói với tôi rằng cuốn sách này đã được phát hành với một số lượng rất lớn ở Nga.

Mặc dù đối với Nhật Bản 35.000 bản in không quá nhiều, ở đây tổng số bản in thường lên tới 100.000 bản. Tôi hy vọng rằng mọi người đọc sách của tôi vì họ thấy một cái gì mới mẻ trong đó. Và tôi muốn tin rằng điều này sẽ làm xuất hiện những tên tuổi mới trong thể loại tiểu thuyết trinh thám ở Nga.

- Ở Nhật, số lượng in của các tác phẩm văn học có lớn lắm không?

+ Theo truyền thống, có bốn đến năm nhà văn Nhật Bản, như tiểu thuyết gia Jiro Akagawa, có những cuốn sách được in tới 200.000 bản. Nhưng bây giờ, trong bối cảnh khủng hoảng chung của lĩnh vực kinh doanh xuất bản, số lượng in đã giảm. Đã có lúc sách của Haruki Murakami được phát hành một triệu bản ở Nhật Bản, nhưng dù sao đây là một trường hợp đặc biệt. Nói chung, cả nước chỉ có khoảng chục người được in hơn 200.000 bản. Khoảng hai chục người được in với số lượng vài chục ngàn bản. Nhưng tôi muốn lưu ý rằng thị trường Nhật Bản rất năng động, và điều này góp phần làm xuất hiện những tên tuổi mới, ít nhất là ở thể loại tiểu thuyết trinh thám.

Ví dụ, ở Nhật có nhiều giải thưởng dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Đôi khi có những người viết vô danh nhận được một giải thưởng như vậy, và sách của họ được in tới 100.000 bản. Thế nhưng, tôi thấy ở Nga và các quốc gia khác hầu như không có giải thưởng nào dành cho những tác phẩm đầu tay trong lĩnh vực tiểu thuyết  trinh thám. Quả thật, tôi nghe nói năm tới nước Nga dự định thành lập giải thưởng "Tội ác và hình phạt", và tôi hy vọng rằng tình hình sẽ thay đổi.

- Xin ông cho biết sự khác nhau giữa tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản và phương Tây?

+ Hiện nay trên thế giới, đa số các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám hành động. Và chỉ Nhật Bản đã bước sang giai đoạn tiếp theo, khi cốt truyện phức tạp được đặt lên hàng đầu, giống như trong thời kỳ hoàng kim của tiểu thuyết trinh thám, vào nửa đầu thế kỷ XX. Đây là sự khác biệt giữa Nhật Bản và các quốc gia khác. Bây giờ ở Nhật Bản có thể loại "shin-honkaku", nghĩa là "honkaku mới". Thậm chí có thể gọi nó là sự trở lại với các nguyên tắc của Van Dine như tôi đã trình bày ở trên.

- Xin ông cho biết trong tương lai, thể loại tiếu thuyết trinh thám sẽ phát triển như thế nào?

+ Có một thời, ở Nhật Bản, tiểu thuyết trinh thám thực sự biến thành một thể loại cấp thấp, dựa trên việc mô tả những thói xấu của con người, đôi khi nó không khác gì truyện khiêu dâm. Đến mức trên tàu hỏa, bạn phải che kín bìa sách truyện trinh thám để không xấu hổ với những người xung quanh. Sau đó, hiện tượng này không còn nữa, chỉ còn lại các truyện trinh thám trí tuệ honkaku.

Nhưng đồng thời chúng bị sa lầy ở trình độ khoa học của cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nghĩa là, trong đó xuất hiện nhóm máu, dấu vân tay và những thứ tương tự. Tuy nhiên, bây giờ là thế kỷ XXI, khoa học đang trên đà phát triển, đã xuất hiện các xét nghiệm DNA, di truyền học và tâm lý học. Vì vậy hiện tượng ma có thể được giải thích trên quan điểm của khoa học về não.

Ví dụ, nếu nhiều người cùng lúc nhìn thấy ma, thì điều đó có nghĩa là ở đấy có một cái gì đó. Nếu chỉ một người nhìn thấy, thì có thể nói đó là hiệu ứng tâm lý. Mặc dù, tất nhiên, phải có một  lý do nào đó khiến con người bỗng nhiên bị hiệu ứng như vậy.

Có một hiện tượng gọi là đau ảo, ví dụ, một người mất cánh tay từ lâu, nhưng lúc nào anh ta  cũng cảm thấy đau. Có lẽ, ma cũng là một loại đau ảo của ý thức. Chẳng hạn, một người mẹ mất con, bà ta phát điên vì đau buồn, và đứa con đôi khi đã mất xuất hiện trước mặt bà mẹ dưới dạng một hồn ma. Khoa học hiện đại có rất nhiều nghiên cứu thú vị. Tôi nghĩ rằng trong các tiểu thuyết trinh thám thế kỷ XXI, chúng ta cần tập trung vào các thành tựu khoa học hiện đại. Có lẽ, đây sẽ là một phương thức phát triển thể loại.

- Giống như nhân vật trong tiểu thuyết "Tokyo Hoàng đạo án", ông rất thích chiêm tinh học. Tại sao?

+  Nói một cách ngắn gọn: Tôi tin vào chiêm tinh học. Nếu chúng ta lấy một lá số tử vi bình thường, thì nó hầu như không giúp ích gì. Mặt trời có ảnh hưởng rất lớn đến con người, nhưng không chỉ riêng mặt trời. Còn nếu lập bản đồ sao, ta có thể nhận được nhiều thông tin khá tin cậy về số phận của mình. Nói riêng về số tử vi của tôi, thì tôi khá thành công với những gì liên quan đến việc xuất bản sách và xuất ngoại.

- Xin hỏi ông câu cuối cùng: Viết văn là gì đối với ông - công việc, sở thích hay một cái gì đó khác?

+ Tôi không biết. Tôi cho rằng nhiều khả năng đây là sở thích của tôi. Tôi đã làm rất nhiều việc và luôn biến sở thích thành công việc của mình.

Trần Hậu (dịch)
.
.