Cha, con và "Cô Sao"

Thứ Hai, 03/12/2012, 08:00

Sau 36 năm, "Cô Sao" - vở nhạc kịch được ghi nhận là đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam sẽ xuất hiện lần thứ 3 vào hai đêm 24 và 25-11 tại Nhà hát lớn Hà Nội, với sự tham gia của 3 đơn vị nghệ thuật là: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, được phát trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam. Sự trở lại lần này của "Cô Sao" mang đến nhiều xúc cảm cho những người từng biết đến tác phẩm "vang bóng một thời"...

1. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khởi viết vở nhạc kịch "Cô Sao" từ năm 1960, lúc đó ông mới bước vào tuổi 38. Phải tới 3 năm sau, "Cô Sao" mới cơ bản hoàn thành.

Ở tuổi 77, đang điều trị bệnh tim, nhưng đạo diễn opera Văn Hà khi thấy nói sắp tới nhạc kịch "Cô Sao" được phục dựng và công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, đã rất vui. Ông đã dành nguyên một buổi sáng để nói chuyện về bản diễn "Cô Sao" lần thứ 2 (1976). Hồi đó, ông làm đạo diễn đã rút gọn màn 3 vở nhạc kịch "cho bớt tản mạn, gọn gàng hơn" và trao đổi với nhạc sĩ Đỗ Nhuận để đổi tên vở kịch thành "A Sao". Ông tâm sự: "Tôi có may mắn được cộng tác với nhạc sĩ Đỗ Nhuận trên 20 năm trong lĩnh vực nhạc kịch và kịch hát. Mặc dù tôi ít tuổi hơn ông tới một con giáp nhưng ông đã coi tôi như một người cộng tác, một người bạn vong niên thân thiết. Đỗ Nhuận là người rất tài hoa và đào hoa. Chúng ta biết rằng, trên thế giới, nhạc kịch và kịch hát đã có từ nhiều thế kỷ, nhưng hầu hết các kịch bản (còn được gọi là libretto) của những vở opéra đều là sản phẩm của những nhà văn, nhà thơ tên tuổi chứ không phải của nhà soạn nhạc. Nhưng tài năng hiếm thấy ở nhạc sĩ Đỗ Nhuận là ngoài việc đóng vai trò nhà soạn nhạc, ông còn là tác giả kịch bản của hầu hết các vở nhạc kịch của mình. Cùng với các ca từ mang đậm nhân văn, một tâm hồn thuần Việt được thấm nhuần trong các tác phẩm của ông. Cùng với "Cô Sao", các vở nhạc kịch của Đỗ Nhuận viết sau này như "Người tạc tượng", "Nguyễn Trãi" đã tạo nên một thời hoàng kim cho nền sâu khấu nhạc kịch nước ta".

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một người ở thế hệ sau, từng có may mắn tiếp xúc với nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho biết: "Đỗ Nhuận xứng đáng là nhạc sĩ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Vở nhạc kịch đầu tay của Đỗ Nhuận có thể so sánh với các tác phẩm nhạc kịch của thế giới".

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I) - sinh tại làng Vạc, xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Sáng tác đầu tay của Đỗ Nhuận là bản "Trưng Vương", viết năm 17 tuổi. Đỗ Nhuận cũng là nhạc sĩ đầu tiên trong thế hệ của ông được đào tạo bài bản. Ông được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky (1959-1962). Chính Đỗ Nhuận là một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch (opéra) Việt Nam. Nhưng tên tuổi ông vẫn gắn bó với những ca khúc nổi tiếng qua các thời kỳ như: "Hận Sơn La", "Du kích ca", "Tiếng súng Nam Bộ", "Du kích Sông Thao", "Hành quân xa", "Chiến thắng Điện Biên", "Việt Nam quê hương tôi",…

2. Những ngày giữa tháng 9, dù đang sốt 40 độ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam - vẫn miệt mài làm việc, giải quyết từng việc dù nhỏ nhất liên quan đến nhạc kịch "Cô Sao". Anh đã làm việc quên ốm đau, vì một niềm hy vọng, ở đâu đó cha anh sẽ ngậm cười. Bởi lẽ sau hai lần được dựng (1965 và 1976), "Cô Sao" đã… biến mất, chỉ nằm trong ký ức một vài thế hệ. Khi đề cập tới sự "ngắt quãng khó hiểu" này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân than thở rằng công tác lưu trữ không tốt nên bản tổng phổ "Cô Sao" đã thất lạc, việc phục dựng gần như là bất khả thi khi những di sản còn lại chỉ là các băng ghi âm từng trích đoạn, các bản aria mà những ca sĩ từng thể hiện vở nhạc kịch như: Ngọc Dậu, Lê Dung còn lưu giữ. Để "Cô Sao" tái xuất trên sân khấu lần này là nhờ một may mắn khi gia đình tìm được bản chép tay của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bằng bút chì, từ năm 1960. Hơn một năm trời với rất nhiều tra cứu, so sánh, cuối cùng 1.000 trang tổng phổ "Cô Sao" đã được phục dựng, chỉnh lý đúng với tinh thần nhạc sĩ Đỗ Nhuận gửi gắm.

 Poster vở nhạc kịch "Cô Sao" 2012.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ: "Khi tìm được bản nháp, tôi vô cùng vui mừng, nhưng lại không dám kỳ vọng nhiều vì bản nháp là bản không hoàn chỉnh, còn nhiều thay đổi khi chép nhạc, rồi khi đưa ra cho dàn nhạc tập. Bên cạnh đó, các nét bút chì theo thời gian nhiều chỗ không còn đọc rõ. May mắn là sau đó tôi tiếp tục tìm thấy bản rút gọn viết cho đàn piano, nhờ thế có hướng đi, đoán được sự phát triển của các câu nhạc".

Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho biết, bản tổng phổ mới không trung thành với nguyên gốc chép tay. Nhiều chỗ ở bản gốc chuyển đoạn không hợp lý, những nốt nhạc chưa hay, hay đoạn kết còn lê thê, dài dòng theo phản ánh của những người đã được xem bản dựng đầu tiên năm 1965 được Đỗ Hồng Quân chỉnh lý, biên tập lại cho súc tích hơn. Một số đoạn được phối khí mới, phát triển mở rộng cho phù hợp với hơi thở thời đại hiện nay. Anh tâm sự: "Tôi thấy mình rất hạnh phúc và may mắn, vì bên cạnh trách nhiệm với công việc chung, chúng tôi có dịp được thể hiện tình cảm với cha mình. Quá trình phục dựng lại "Cô Sao" rất khó khăn, có những việc nếu không phải là những người con trong gia đình thì sẽ không thể thực hiện được. Tôi thấy mừng vì đi theo con đường âm nhạc của cha tôi, cũng có đủ kiến thức và trình độ để gìn giữ và bảo vệ những gì tâm huyết mà ông đã để lại".

3. "Cô Sao" được ghi nhận là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, kể câu chuyện về cuộc đời của một cô gái Thái xinh đẹp như cây măng rừng, nhà nghèo, mồ côi cha mẹ bị các quan lang nhòm ngó, sống trong lo lắng sợ hãi về thân phận nghèo hèn, đối đầu với bao tai ương nghiệt ngã và bất công nơi rừng núi Sơn La âm u. Cách mạng về đã thay đổi cuộc sống và thân phận của cô Sao. Với vốn kiến thức văn hóa sâu rộng cộng với tài năng của mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thổi vào vở nhạc kịch chất liệu dân ca Việt - Thái tạo hiệu ứng nghệ thuật mạnh mẽ. Đỗ Nhuận đã tập trung viết vở nhạc kịch này với chủ đề "cách mạng giải phóng con người". Ông đã khởi nguồn dòng cảm xúc mạnh mẽ của mình từ câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/ Cay đắng chi bằng mất tự do".

Với bản diễn mới được phục dựng và sắp công diễn, nhiều người cũng đặt ra sự lo ngại, liệu rằng có giữ được đúng tinh thần mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã gửi gắm? Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, việc điều chỉnh trong khi hoàn thiện 1.000 trang tổng phổ mới từ bản chép tay bút chì như một cách thức đồng sáng tạo của con với tác phẩm của cha, giúp nâng tác phẩm lên, nhưng vẫn tôn trọng tuyệt đối những đường nét chính của nguyên bản.

Ngoài ra, khi thấy êkíp dựng "Cô Sao" lần này có nhiều gương mặt trẻ như đạo diễn Huyền Nga mới ra trường, diễn viên vào vai cô Sao cũng là một gương mặt ca sĩ trẻ Hà Phạm Thăng Long, ca sĩ Mạnh Dũng vai người tù chính trị Hồng Hà… nhiều người cũng lo ngại cho chất lượng bản diễn sau 36 năm vắng bóng, sau 47 năm kể từ lần diễn đầu tiên.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trấn an: "Tôi nghĩ rằng êkíp trẻ có sự may mắn, có sự quyết đoán và có cả sự phiêu lưu nữa". Anh nói thêm: "Tôi khâm phục với êkíp làm việc này. Bởi ngoài những gương mặt trẻ, còn nhạc trưởng Nhật Bản Tetsuji Honna chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Mạnh Chung chỉ huy dàn hợp xướng, NSND Nguyễn Anh Phương biên đạo múa... Ở Việt Nam, những người nghệ sĩ opéra đã bị nhạc thị trường gạt ra ngoại vi của đời sống âm nhạc, nhưng giờ vẫn quyết bám trụ, vẫn giữ được tình cảm, nhiệt tình và có thể thổi bùng ngọn lửa opéra. Điều đó khiến tôi tin chắc rằng đây là lựa chọn tốt nhất cho việc phục dựng và công diễn "Cô Sao" lần này".

Còn đại diện cho êkíp sáng tạo, ông Tetsuji Honna - Giám đốc âm nhạc và chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam - cam kết: "Tôi sẽ chỉ huy tác phẩm này một cách đầy trân trọng và cố gắng biểu đạt đúng tinh thần của nó".

Lo lắng vào một bản diễn "Cô Sao" mới, làm sao để xứng tầm một tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam - di sản của dân tộc để có thể tự hào với thế giới - là rất cần thiết. Bởi sự xuất hiện trở lại của "Cô Sao" sau 36 năm, nếu làm tốt, xứng đáng trở thành sự kiện âm nhạc của năm 2012, xứng đáng là hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận và 55 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Nguyễn Thanh Bình
.
.