Hướng tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cây cọ cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ Ba, 06/05/2014, 08:00
Vài năm trở lại đây, nhất là từ đầu năm 2014, dư luận một số nước phương Tây đặc biệt chú ý đến cuốn nhật ký chiến tranh viết về Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Người có công đầu phát hiện và đưa cuốn nhật ký này ra với thế giới là nữ nhà báo Sherry Buchanan, một cây bút chủ lực của Nhật báo phố Uôn (Wall Street) và Diễn đàn dự báo Quốc tế (International Herad Tribune).

Sau gần 2 năm đi về, gặp gỡ trò chuyện với họa sĩ Phạm Thanh Tâm, nữ ký giả đã dịch cuốn nhật ký này ra tiếng Anh và được NXB Asia Ink, London ấn hành năm 2005 với tựa đề "Drawing under Fire" (Vẽ dưới lửa đạn). Tiếp đó, cuốn nhật ký được dịch ra tiếng Pháp "Carnet de Guerre  D'un Jeune Viet-minh à Dien  Bien Phu" (Cuốn sổ chiến tranh của một thanh niên Việt Minh ở Điện Biên Phủ) dày 188 trang, do NXB Armand Colin của Pháp ấn hành tháng 2/1911.

Tờ báo Le Ponit (Pháp) cho biết đã có hàng trăm, hàng ngàn cuốn sách nói về chiến tranh Đông Dương với kết thúc là thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, song đại đa số những cuốn sách này đều do các cựu binh Pháp viết và hầu hết mang nặng tâm lý của kẻ bại trận. Nhưng đến cuốn nhật ký của Phạm Thanh Tâm, bạn đọc có thể hiểu thêm về cuộc chiến Đông Dương và thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ dưới một góc nhìn "không hề thù hận của một người lính Việt Minh".

Với vài cuốn vở tập, một cây bút và lọ mực Waterman, khi đó vừa tròn 22 tuổi, Phạm Thanh Tâm đã ghi lại những điều quan sát được tại mặt trận. Tác giả cuốn nhật ký đã lý giải vì sao và bằng cách nào mà những người lính của Tướng Giáp đã khiến người Pháp bị bất ngờ và phải thua trận.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm tuổi Nhâm Thân (1932). Quê gốc ở Nam Định, nhưng ông được sinh ra ở Hải Phòng và hiện cư ngụ tại Tp HCM. Cuối tháng 12-1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo gia đình tản cư. Do thân phụ đang làm việc trong Ban Tuyên truyền Chiến khu 3 nên Phạm Thanh Tâm xin được một chân liên lạc, hằng tuần ông đạp xe đưa bài xuống nhà in để in báo.

Về sau, Ban Tuyên truyền Chiến khu 3 chuyển thành Sở Thông tin Liên khu 3. Phát hiện thấy chàng trai trẻ có năng khiếu và đam mê cầm cọ, họa sĩ Mai Văn Nam đã riêng kèm dạy vẽ. Đây chính là "người thầy đầu tiên" của Phạm Thanh Tâm. Năng khiếu nảy nở, ông được giới thiệu về dự lớp hội họa kháng chiến do họa sĩ Lương Xuân Nhị làm Hiệu trưởng. Giáo viên gồm các họa sĩ như: Bùi Xuân Phái, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Nam. Trong số hơn 20 học viên, có Phạm Thanh Tâm, Trịnh Quốc Thụ, Trịnh Thiệp, Văn Đa, Xuân Phương… Lớp học được mở ngay tại đình Phù Lưu Chanh, gần chợ Dầu (Bắc Ninh). 

Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan triển lãm tranh về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1975).

Học vẽ xong về lại Liên khu 3, vừa tròn 18 tuổi, Phạm Thanh Tâm được giới thiệu xuống Ty Thông tin Hưng Yên công tác. Tại đây, ông khoác tay nải về huyện Yên Mỹ vẽ tranh cổ động lên các bức tường để tuyên truyền cho kháng chiến. Nơi vẽ thường rất gần đồn địch, mặc dù luôn có một du kích theo hộ tống, nhưng có lần Tây càn vào làng, ông suýt bị chúng bắt. Đói cơm, rách áo nhưng người họa sĩ trẻ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với tất cả niềm hăm hở, đam mê.

Đến năm 1950, Phạm Thanh Tâm xung phong vào bộ đội. Ông được phân công về Ban Chính trị Trung đoàn 34 làm tờ báo Tất Thắng. Về sau, trung đoàn này trực thuộc Đại đoàn 351 công pháo, Phạm Thanh Tâm được điều lên làm Báo Quyết Thắng của Đại đoàn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tờ Quyết Thắng được in và phát hành ngay tại mặt trận. Ngoài các bài viết hấp dẫn, báo còn có tranh vui, tranh đả kích rất sinh động, kịp thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội.

Trong số những họa sĩ đầu tiên khoác ba lô và giá vẽ lên Điện Biên Phủ, phải kể đến Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích. Giữa đợt 2 của chiến dịch, hai ông được giao sáng tác huy hiệu "Chiến sĩ Điên Biên Phủ" để làm quà tặng của Bác Hồ cho bộ đội. Ở một hướng khác, còn có thêm danh họa Tô Ngọc Vân cùng các họa sĩ: Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc, Lưu Công Nhân….

Là họa sĩ kiêm phóng viên chiến tranh, Phạm Thanh Tâm có điều kiện đến được nhiều nơi, cả bộ binh, công binh và pháo binh để lấy tư liệu và vẽ. Bức tranh "Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ" được ông vẽ ngay trong hầm pháo của Đại đội 806 (Đại đoàn 351) là đơn vị nã những loạt đạn đầu tiên vào trung tâm đề kháng của Pháp tại Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Họa sĩ còn lưu giữ được tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận này (ngày 10/3/1954), đăng toàn văn Lời kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ quyết tâm diệt giặc của Đại tướng Tổng tư lệnh. Đây là một tư liệu quý, cuối tháng 12 năm 2013, họa sĩ đã gửi tặng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bài báo này cùng bức tranh "Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ". 

Bức tranh "Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ" của họa sĩ Phạm Thanh Tâm.

Hòa bình lập lại (1954), Phạm Thanh Tâm về công tác tại Phòng Thư ký tòa soạn báo Quân đội nhân dân. Sau khi được nhận giải thưởng mỹ thuật toàn quốc với bức tranh lụa "Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ", cùng nhiều tranh bột màu và ký họa khác, ông được cử đi học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Trọn đời gắn bó với quân ngũ, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có một khối lượng tác phẩm gồm hàng nghìn bức ký họa, hàng trăm bức tranh với nhiều chất liệu phản ánh sinh động hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Đến nay, ông đã có 4 triển lãm cá nhân tại Hà Nội, 7 triển lãm cá nhân tại Tp HCM, có hàng trăm bức tranh và ký họa trong các sưu tập của nước ngoài. Trong đó đáng chú ý là triển lãm nghệ thuật riêng về Điện Biên Phủ, ông có nhiều tranh đẹp về Điện Biên được lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Tp HCM, trong bộ sưu tập tranh của nhiều người nước ngoài…

Mảng ký họa của Phạm Thanh Tâm khá đặc sắcá. Ông phác họa chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyên Hồng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Sách, Tào Mạt, Huỳnh Văn Gấm, Triệu Đại… rất sinh động. Đặc biệt, ông chứng kiến và ghi lại được khoảnh khắc xuất thần của nhạc sĩ Hoàng Việt đang ngồi trước cây đàn pianô sáng tác bản "Tình ca" bất hủ.

Trong đời mình, họa sĩ Phạm Thanh Tâm vinh dự hai lần được gặp và báo cáo với Bác Hồ tại các cuộc triển lãm tranh về đề tài lực lượng vũ trang. Năm 1969, ngay sau khi Bác Hồ mất, Phạm Thanh Tâm đã có tranh áp phích "Bác vẫn đang cùng chúng cháu hành quân"… kịp thời cổ vũ toàn quân, toàn dân ta học tập và làm theo Di chúc thiêng liêng của Người.

Mười năm liền trên cương vị Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quân đội, Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào mỹ thuật toàn quân phát triển sâu rộng. Ông là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam (1957), từng có thời kỳ là Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam.

 Trong số các cây cọ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ngoại trừ danh họa Tô Ngọc Vân hy sinh ngay tại mặt trận, bốn người khác đã lần lượt ra đi (Sỹ Ngọc - 1990, Nguyễn Văn Tỵ - 1992, Mai Văn Hiến - 2006, Lưu Công Nhân -2007), Phạm Thanh Tâm là người cuối cùng còn sót lại. Ngoài cầm cọ, ông còn cộng tác với nhiều tờ báo, với những bài viết ngắn gọn, dí dỏm. Đến nay, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã xuất bản được một số đầu sách. Đầu năm 2011, NXB Văn hóa - Thông tin đã tuyển chọn và cho ra mắt bạn đọc tập "Tranh ký họa kháng chiến chống thực dân Pháp" khổ lớn của họa sĩ Phạm Thanh Tâm

Nguyễn Minh Ngọc
.
.