Câu thơ nối được hồn ta, hồn người

Thứ Hai, 09/04/2018, 08:29
Tiến sỹ Lê Quốc Hán nổi tiếng về toán không chỉ ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, nơi nhiều năm anh làm cán bộ giảng dạy. TS toán học Lê Quốc Hán còn được sinh viên nhiều nơi biết đến. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ nói chuyện thơ, thơ Lê Quốc Hán, quan điểm về thơ của nhà thơ Lê Quốc Hán.


Nhớ lần tôi được mời nói chuyện ở một trường đại học, giờ nghỉ giải lao, nhiều sinh viên vây quanh tôi trò chuyện, họ hỏi tôi có biết thầy Lê Quốc Hán không vì nghe nói tôi cùng quê. Tôi nói có biết và đọc cho họ nghe hai câu thơ của nhà thơ Lê Quốc Hán:

 Ngu ngơ chạm phải ao làng
 Sen chưa kịp hái, đã tàn trên tay

Đọc xong, tôi bảo, thầy Lê Quốc Hán là người như vậy đấy. Thì ra, họ là những sinh viên khoa toán, thường xuyên đọc và giải các bài toán trên báo Toán học và tuổi trẻ, nơi mà TS, nhà thơ, Nhà giáo ưu tú Lê Quốc Hán thường tham gia ra đề hay giải những bài toán khó.

Thời học phổ thông ở Trường cấp III Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Lê Quốc Hán học sau tôi một năm, học giỏi cả toán lẫn văn. Tôi biết, ở xứ mình có nhiều thầy giáo dạy toán, nhiều người học toán, giỏi toán, họ cũng là những nhà thơ như cố nhà thơ Xuân Hoài, nhà thơ Thạch Quỳ, Vương Trọng...

Nhưng, nhà thơ Lê Quốc Hán lại có ý thức rất rõ về sự liên hệ mật thiết giữa toán học và thơ ca: “Từ ngàn xưa, toán học và thi ca đều có điểm xuất phát chung là hiện thực cuộc sống trên trái đất, nhờ đôi cánh tưởng tượng mà bay lên trời cao của sự sáng tạo ...” (trích bài “Toán học và thi ca” trong cuốn “Giao cảm thơ”).

Tiến sỹ Lê Quốc Hán nổi tiếng về toán không chỉ ở Trường Đại học Sư phạm Vinh, nơi nhiều năm anh làm cán bộ giảng dạy. TS toán học Lê Quốc Hán còn được sinh viên nhiều nơi biết đến. Nhưng trong bài viết này, tôi chỉ nói chuyện thơ, thơ Lê Quốc Hán, quan điểm về thơ của nhà thơ Lê Quốc Hán.

"Chập chờn đợi phút thăng hoa/ Câu thơ nối được hồn ta, hồn người" - Đó là hai câu in ở trang đầu cuốn “Giao cảm thơ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Tôi tâm đắc với hai câu này, bởi chỉ hai câu nhưng đã nói lên được bản chất thực sự của thơ - ấy là sự giao cảm của thơ đối với con người. Một nhà thơ lớn ở nước ta đã từng nói rằng: "Thơ là điệu tâm hồn đến với những tâm hồn đồng điệu". Dẫu tôi biết định nghĩa về thơ thì nhiều lắm.

Tiến sỹ toán học, nhà thơ, Nhà giáo ưu tú Lê Quốc Hán.

Octavio Paz cho rằng: “Thơ là ký ức hoang tưởng, là cơn buồn nôn, là tiếng nước chảy trong đêm, là minh triết, là tâm thần, là nổi loạn, là sự sợ hãi, là bất lực, là chết, là mê sảng, là sự thú tội...”. Còn nhà văn nổi tiếng Ấn Độ Frem Chânđơ thì viết: “Những điều ngự trị trong trí tưởng tượng của thi nhân là nước mắt trào ra từ những hy vọng không thành, những ký ức quên lãng, những trái tim tan vỡ...”.

Nói gì thì nói tôi vẫn cho rằng thơ chính là sự giao cảm giữa “hồn ta, hồn người” và người làm thơ không phải là người ngồi “nặn” ra chữ nghĩa mà chính là “chập chờn” ... “đợi phút thăng hoa” như nhà thơ Lê Quốc Hán đã viết. Bởi vậy tôi mới mượn câu thơ của tác giả “Câu thơ nối được hồn ta hồn người” để làm tiêu đề cho bài viết này.

Tôi đọc thơ Lê Quốc Hán từ lâu, từ những bài thơ tác giả gửi cho tôi cuối thập niên 80 của thế kỷ trước để đăng trên báo Tiền Phong, rồi những bài thơ tác giả dự thi và đoạt giải cao cuộc thi sáng tác văn học Tầm nhìn Thế kỷ (do báo Tiền Phong tổ chức đầu những năm 1990).

Cố nhà thơ Trinh Đường - một người sống chết vì thơ, cũng là một nhà biên tập (ở Báo Văn Nghệ trước đây) rất công tâm và tinh tế, sinh thời chúng tôi mời ông chấm thơ vòng chung khảo cho cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh và Tầm nhìn Thế kỷ, có lần ông bảo tôi: Thơ Dương Kỳ Anh và Lê Quốc Hán đều có nét riêng. Dương Kỳ Anh là cảm thức về thời gian, là nhành mai vàng thời gian, còn Lê Quốc Hán là cảm thức về tâm linh và vũ trụ. Sau này tôi mới biết trong một bài đăng trên báo Văn Nghệ (số 11 năm 1998) nhà thơ Trinh Đường đã viết “...Lê Quốc Hán biệt lập một cách viết, như núi hai vai quê anh, một vai gánh nặng nỗi mình và nỗi đời, một vai gánh nặng vũ trụ và tâm linh…”.

Theo như tôi biết, nhà thơ Lê Quốc Hán đã xuất bản bốn tập thơ: “Lời khấn nguyện”; “Bến vô cùng”; “Mạc khải”; “Bất biến”, đã được nhiều giải thưởng về thơ. Và, mới hôm qua nhà thơ còn gọi điện cho tôi nói đang chuẩn bị cho ra mắt một tập thơ mới. Ngay tên các tập thơ cũng như những bài thơ mà tôi đã đọc nhiều năm qua, nhà thơ Lê Quốc Hán luôn trung thành với quan điểm về thơ của mình, ấy là “Câu thơ nối được hồn ta hồn người”, luôn là “Một vai gánh nặng nỗi đời, nỗi mình, một vai gánh nặng vũ trụ và tâm linh” như cố nhà thơ Trinh Đường đã viết.

Bây giờ có rất nhiều quan niệm về thơ, có nhiều nhà thơ tìm tòi khác lạ, nhưng tôi thiển nghĩ cuối cùng đồng cảm, đồng điệu và nói như người xưa ý tại ngôn ngoại, lời ít, ý nhiều vẫn là cốt lõi của thơ. Và nhà thơ Lê Quốc Hán đã thể hiện thành công điều cốt lõi này:

Lâu đài đổ bóng/ Sông trôi/ Nghìn thu thu lại trong đôi mắt gầy" (Nét thu);  “Ngu ngơ chạm phải ao làng/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay/ Trái đất ơi ngược vòng quay/ Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên” (Bài thơ thời gian)... Chỉ mấy câu thơ mà gợi mở bao nhiêu điều, vũ trụ, thời gian, đời người...

Tôi thường ngâm ngợi những câu thơ của Lê Quốc Hán mà nhiều khi cũng không nhớ ở bài thơ nào, tập thơ nào, xuất bản khi nào...

Lửa phượng thời thơ tàn lụi hết
Cành bàng uể oải thả phong thư
Giật mình một tiếng chìa vôi hót
Trong khóm cúc vàng lốm đốm thu

Hoặc: “Nhắm mắt, nhìn xuyên ba cõi/ Mở ra bụi thế mù lòa”;  “Thời gian như rìu sắt/ Đẽo bạc cả đầu xanh"; "Thiên đường và địa ngục/ Muôn đời còn giao tranh”; “Con đường lên dạo cung trăng/ Xưa là hư ảo, nay gần tấc gang/ Sao đường ở giữa thế gian/ Người không mở được lối sang với người”; “Mai sau thịt nát, tình còn/ Sá chi hạt bụi cứa mòn gót chân”...

Trong một bài viết về thơ Lê Quốc Hán, nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình văn học Hà Quảng cũng là người thầy dạy chúng tôi thời phổ thông đã nhận định: “Thơ Lê Quốc Hán thuộc dòng thơ hướng nội giầu sắc thái tâm linh, anh giải bày tâm sự nhờ vào ngoại cảnh hay sự kiện. Một không khí hư ảo trùm lên tập thơ...”.

Tôi biết, Lê Quốc Hán đọc khá nhiều sách triết học, cũng am hiểu tương đối văn hóa Đông - Tây. Thật ra, cảm thức trong thơ Lê Quốc Hán chính là cảm thức triết học. Là cảm thức minh triết. Đúng hơn là những triết lý mà tác giả cảm nhận được từ cuộc đời vô thường này. Đó là những cảm nhận sâu xa trong sự chiêm nghiệm cuộc sống hàng ngày chứ không phải là triết lý vụn vặt như một số người làm thơ bây giờ đang theo đuổi.

Bởi “Triết học là bậc đá bước tới thi ca” (Frem Chânđơ), mà càng ngày tôi càng cảm thấy rằng triết học cũng giống thi ca. Khi tôi đọc những câu thơ của Lê Quốc Hán: “Muốn tan vào cõi vô thường/ Tiếc chưa đi hết con đường mình đi... Hoàng hôn đốt rụi chân trời/ Biết còn đến kịp chính nơi mình tìm ...” (Bất lực) ... “Tưởng rằng ta gặp mình rồi/ Tỉnh ra giấc mộng giữa đời phù du/ Thương thay một trái tim mù/ Phút giây ngộ nhận, nghìn thu vẫn còn...” (Ngộ nhận) thì tôi hiểu rằng người xưa nói thi ca là ngôi đền thiêng không phải là không có lý!

Từ đó tôi thiển nghĩ rằng xưa nay những nhà thơ lớn thường là những nhà văn hóa lớn. Đúng hơn, đó là những nhà thơ có nền tảng học thức, nền tảng văn hóa. Nhiều người đã nói đến hiện tượng làm thơ theo bản năng, nhất là ở một số người viết trẻ, họ có những sáng tác ban đầu được chú ý, sau đó thì không viết được nữa, hay viết ra những thứ gần như không phải của chính họ.

Nói về tư tưởng, triết học, nền tảng của thơ ca, hình như lâu nay chúng ta thường coi trọng những nhà triết học, những nhà tư tưởng giúp chúng ta nhận thức và cải tạo thế giới, nhưng, có những nhà triết học, những nhà tư tưởng chỉ cảm nhận thế giới như nó có, như thủa ban đầu của thời kỳ khải huyền, như là trạng thái tự nhiên, quy luật tự nhiên thì ta chưa chú trọng chăng?!.

Tôi rất thích những nhà triết học này, họ như những nhà thơ, hay chính họ là nhà thơ, những nhà văn hóa lớn? Khi tôi đọc “Bát nhã tâm kinh” của Osho hay bộ ba “Minh triết thiêng liêng” của nhà triết học người Hung Hamvas Béla (bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung,  NXB Tri Thức, 2017), cũng như Lão Tử trước đây, tôi cảm nhận như họ là những nhà thơ - văn xuôi vậy.

Có lẽ trên cảm thức này mà tôi thích và tâm đắc với Lê Quốc Hán khi nhà thơ viết: “Làm thơ đã khó, trở thành nhà thơ còn khó hơn lên trời. Thông minh, học rộng ư? Chưa đủ. Giao lưu, từng trải ư? Chưa hẳn đã thành tài. Cái chính là tâm mình phải sáng: Từ trái tim đi ra thì dễ trở vào trái tim …” (trích “Tản mạn về thơ” trong cuốn “Giao cảm thơ”). Đấy là nói về những nhà thơ thực sự, những nhà thơ đúng nhất với nghĩa của hai từ này: Nhà thơ.

Thực lòng, nhiều năm trước đây tôi những mong Lê Quốc Hán ra định cư ở Hà Nội để chúng tôi được gần nhau hơn, bởi, có được một người bạn như nhà thơ Lê Quốc Hán để đàm đạo văn chương đâu phải dễ. Nhưng Lê Quốc Hán vẫn gắn bó với quê hương Xứ Nghệ dù trong ba người con thì một người con gái và một người con trai đã ở Hà Nội.

Đến nay, Lê Quốc Hán đã lên chức ông nội, ông ngoại, hôm vừa rồi con rể lái ôtô đưa người con gái yêu và cháu ngoại cùng nhà thơ lên thăm tôi ở nhà vườn Sóc Sơn. Nhiều năm qua không gặp nhau, nhưng chúng tôi vẫn đọc thơ nhau thường xuyên và Lê Quốc Hán vẫn vậy, sâu sắc mà hiền lành, tình cảm, nhân ái, thủy chung, trước sau như một... Tự nhiên trong tôi lại ngân lên hai câu thơ của người bạn thơ Lê Quốc Hán: "Trái đất ơi ngược vòng quay/ Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên...".

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, tháng 3- 2018

Dương Kỳ Anh
.
.