Câu chuyện cuộc đời bằng thơ của NSND Ngọc Lan

Thứ Sáu, 15/05/2020, 08:36
Nếu như được kể một câu chuyện về cuộc đời bằng thơ thì NSND Ngọc Lan đã thành công khi bà sử dụng các bài thơ của mình kể về những năm tháng buồn vui của đời người trong tập thơ mới xuất bản mang tên “Nặng tình” (NXB Văn học, 2020).


Từ một cô gái sinh ra ở miền Kinh Bắc, lớn lên lấy chồng, sinh con, rồi tuổi lên cụ được ẵm bồng cháu, chắt nội ngoại trong niềm hạnh phúc. Những vần thơ nói lên câu chuyện cuộc đời và biết chắc chắn rằng, giấc mơ của bà từ thuở ấu thơ nay đã trở thành hiện thực. Giấc mơ ấy ấm êm, đầy tiếng cười và sự viên mãn của một người diễn viên đã dành trọn cuộc đời để yêu thương và chia sẻ!

Nhiều người biết đến NSND Ngọc Lan vì bà là một diễn viên kỳ cựu đã để lại nhiều dấu ấn trong nền điện ảnh nước nhà. Bà đã vào vai trong nhiều bộ phim về chiến tranh như vai cô Nhàn trong “Lửa trung tuyến” (đạo diễn Phạm Văn Khoa), vai Y Mai trong “Lửa rừng” (đạo diễn Phạm Văn Khoa); vợ Bí thư Đảng ủy trong phim “Biển gọi” (đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Trung); người phụ trách bến phà trong phim “Một chiến công” (đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc), chị Dự trong “Quê nhà”; vợ Nghị Hách trong “Giông tố”; thím thằng Cuội trong “Thằng Cuội”; chị Lý trong “Mùa lá rụng trong vườn”; người mẹ trong phim truyền hình 30 tập “Gió qua miền tối sáng”...

Vợ chồng NSND Ngọc Lan và NSND Ngô Mạnh Lân.

Khi chia sẻ về những kỷ niệm trong đời làm phim của mình, bà đã viết: “Hôm nay về với Cửu Cao/ Nhớ bao kỷ niệm dạt dào năm xưa/ Bốn mươi năm đã có thừa/ Thăm ngôi nhà cũ, gường tre tôi nằm/ ... Quê nhà ký ức còn nguyên/ Rặng phi lao đã lớn lên từng ngày/ Bếp cơm tập thể còn đây/ Đoàn phim sum họp khi quay trở về/ Bốn mươi năm đã trôi qua/ Tôi về thăm lại “quê nhà” hôm nay...”.

NSND Ngọc Lan cho biết, đời người diễn viên bôn ba khắp chốn đi theo đoàn làm phim nay đây, mai đó. Nơi lưu giữ những kỷ niệm và ký ức, có khi chính là nơi mà bối cảnh của những bộ phim suốt thời gian dài. Có những nơi đã trở thành một “quê hương” thứ hai, bởi tình cảm bà đã dành cho những vùng đất ấy là những dấu ấn không thể nào quên. Bài thơ này bà viết cũng là dành cho một nơi chốn đầm ấm nhiều kỷ niệm ấy.

NSND Ngọc Lan sinh năm 1942 tại Bắc Giang. Ngày đó, thời mà phim ảnh còn hiếm hoi, ở vùng quê của bà chiếu bộ phim “Chung một dòng sông” (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân), bộ phim xoay quanh mối tình của hai nhân vật Hoài (do diễn viên Phi Nga đóng) và Vận, khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến tạm thời phân chia hai miền Nam - Bắc sau Hiệp định Geneve năm 1954.

Hai nhân vật Hoài và Vận ở hai bên bờ sông Bến Hải. Mối tình của họ bị chia cắt bởi chiến tranh. Vì quá hâm mộ diễn viên Phi Nga nên cô bé Ngọc Lan hồi ấy đã ấp ủ mai này cũng trở thành diễn viên. Hồi đó bà nói với bạn bè: “Nhất định mình sẽ làm được như chị Phi Nga mà xem”.

Rồi ước mơ dần trở thành hiện thực khi một lần tình cờ, có người bạn học ở cách xa nhà 40 cây số gửi cho bà một quyển sách kèm mảnh báo nhỏ thông báo thi tuyển lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam tại số 7 Trần Phú – Hà Nội. Ngay lúc đó, dù chưa biết có đỗ hay không, nhưng bà đã làm hồ sơ đăng ký thi tuyển. May mắn có người chú ruột của bà làm việc tại Báo Quân đội nhân dân nên bà đã tìm đường về nhà chú ở nhờ. Chú bận việc nên người dẫn bà đi thi hôm đó là cậu em trai 7 tuổi, con trai của chú. Nhà ngay đường Lý Nam Đế nên cậu em thuộc đường ra Trần Phú. Đến bây giờ, những kỷ niệm ấy bà vẫn còn nhớ mãi. Buổi trưa hai chị em ra vườn hoa ngồi chờ kết quả, nhặt sấu chín ăn rồi chia nhau cái bánh mì lót dạ. Tuyển diễn viên 4 vòng cực kỳ khắt khe và ngặt nghèo.

Năm 1959, NSND Ngọc Lan chính thức được gia nhập lớp đầu tiên, được đào tạo chính quy của điện ảnh cách mạng Việt Nam gồm 18 đạo diễn và 35 diễn viên cùng những tên tuổi như Trà Giang, Lâm Tới, Huy Thành, Hải Ninh, Long Vân, Bạch Diệp, Thanh Thủy, Thúy Vinh...

Cuộc đời làm diễn viên đã mang lại cho bà tất cả mọi thứ, trong đó điều tuyệt vời nhất chính là mối tình với NSND, họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Trong bài thơ “Trở lại Mátxcơva”, bà viết: “Nhâm nhi ký ức còn nguyên/ Là nơi gắn kết lời nguyền bên nhau/ Bụi bay vào mắt em đau/ Nhờ ai thổi hộ bắc cầu tình yêu”.

Mối tình đẹp và say đắm bên nhau đến trọn đời đã là một giấc mơ đẹp và bình yên để bà có nhiều cảm hứng sáng tác thơ. Bà thường làm thơ sau những ngày hạnh phúc, thơ bà viết tặng các con gái, con rể, con trai, các cháu chắt...

Tập thơ mới của NSND Ngọc Lan.

Mỗi áng thơ là một câu chuyện, là một lời trao gửi đầy dịu dàng của người vợ, người mẹ, người bà đầy lo lắng, quan tâm chăm sóc cho gia đình. NSND Ngọc Lan là một diễn viên xuất sắc, nhưng trong thơ ca và trong cuộc đời, bà còn là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và đầy sự lo toan trong gia đình.

Trong bài thơ tặng người con gái thứ ba “Mẹ mong chờ” nhân kỷ niệm ngày cưới của con gái, bà chia sẻ: “Tuổi già chỉ muốn gần con/ Vài ngày không gặp mẹ thường nhắc tên/ Chỉ cần một miếng rau ngon/ Một lưng mắm tép mẹ làm tự tay/ Tình yêu trong mẹ vẫn đầy/ Mẹ vui mong được hàng ngày có con”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương khi đọc thơ của NSND Ngọc Lan, đã chia sẻ: “Tôi biết diễn viên NSND Ngọc Lan hồi xem phim “Lửa trung tuyến” (1961). Khi tôi về làm ở buổi “Tiếng thơ” - Đài Tiếng nói Việt Nam mới biết chị còn là người ngâm thơ trên làn sóng. Nhiều lần tôi đi nói chuyện thơ được chị cùng đi minh họa. Trong  các nghệ sĩ tôi quen biết, ít thấy có người chịu khó như chị. Thời bao cấp, chiến tranh, cuộc sống khó khăn, chị làm đủ mọi công việc bình thường để có tiền nuôi các con ăn học.

Thực tế nhưng không mất đi phần mơ mộng, chưa bao giờ chị bỏ nghệ thuật. Tôi thầm phục chị nhưng không hề nghĩ rằng chính chị cũng làm thơ. Thơ chị đúng là thơ “nhà dùng”, chị không viết bài nào theo yêu cầu của báo chí, hoặc nói cho to chuyện, theo yêu cầu của “thời đại”. Tiếng vọng của cuộc đời vang vào tâm hồn chị qua con đường chồng, con, bạn bè, vai diễn, nỗi nhớ nhà, chuyến công tác xa...

Chị ghi lại lòng chị, chân thực, mộc mạc, cụ thể, không câu nệ thủ pháp nghệ thuật nhưng có chất thơ. Thơ chị nằm trong việc chị kể, trong cảm xúc chị giãi bày. Chị đã có được phẩm chất đầu tiên của thơ là sự rung động thật. Tập thơ đầy ắp những kỷ niệm trong gia đình, tình cảm vợ chồng, mẹ con, bà cháu. Không cao xa nhưng chân thật nên xúc động. Chị ốm, thuê xe “ôm” đi bệnh viện để các con khỏi vất vả. Chị Ngọc Lan chưa bao giờ có ý định làm nhà thơ. Tôi cũng không đọc thơ chị như đọc các nhà thơ. Tôi đọc mà như ngồi nghe chị tâm sự nhưng vui buồn sâu sắc của đời chị - đời một nghệ sĩ, một người vợ, người mẹ, người bà... Tôi mong chị cứ viết những gì chị thấy hợp, thấy thích. Hãy vui buồn thật kỹ cái cuộc đời của chính mình, mà viết nên thơ”.

Nhiều người nói rằng, thơ là điệu tâm hồn trước những niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc của đời người. Lời thơ cất cánh khi có sự thấu cảm của tri âm tri kỷ. NSND Ngọc Lan cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Nặng tình” gần 100 bài thơ vừa dịp bà và NSND Ngô Mạnh Lân tổ chức một cuộc triển lãm 200 bức tranh ký họa “Nét thời gian”, trong đó có nhiều bức ký họa ông vẽ bà và các con yêu thương.

Với niềm vui nhân đôi trong ngôi nhà ấm áp của hai ông bà, dường như thi ca và hội họa đang cùng quyện hòa bay lên trong giấc mơ cuộc đời. Một giấc mơ có thật rất đẹp của hai người NSND đã có nhau trong suốt cuộc đời yêu thương, hạnh phúc. Như lời thơ bà viết: “Em là đất, anh là cây/ Có trời có nước, có mây quanh mình/ Đàn con là nước phải không/ Là mây bay lượn, là ta mong chờ/ Là trời thì lại mộng mơ/ Trong lòng cha mẹ con ta nên người/ Một đàn cháu chắt nhà tôi/ Chúng đều vươn tới những nơi chúng cần/ Em vui có phúc có phần/ Có anh bên cạnh mười phân vẹn mười...”.

Nhật Huy
.
.