Cậu biệt động nhỏ và nhà tình báo lớn

Thứ Hai, 25/05/2015, 08:15
Ngô Văn Thiều bị cảnh sát bắt tại chỗ. Đặng Quốc Tuấn lợi dụng cảnh hỗn loạn đã chạy thoát về điểm hẹn tại nhà của Ngô Văn Thiều. Rủi thay, có một tên cảnh sát sống gần đã nhận ra "thằng nhóc" chạy hốt hoảng về, báo ngay cho cảnh sát huy động lực lượng đến bao vây. Đặng Quốc Tuấn bị bắt cùng 3 quả lựu đạn tự chế trong nhà chưa sử dụng...

Trong bộ phim "Biệt động Sài Gòn" nổi tiếng trên màn ảnh Việt Nam một thời, trong tập 5 của bộ phim, với tựa "Trời xanh qua kẽ lá" có nhân vật cậu học sinh tên Thường ném lựu đạn ám sát Trung tá  Tiểu khu trưởng, kiêm Tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim) nhưng rất may là lựu đạn lép không nổ…Nhân vật "học sinh biệt động Bến Tre" ấy là Đặng Quốc Tuấn (Sáu Tuấn) - từng là Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Bến Tre (đã nghỉ hưu).

Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định: "Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta". Trong cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo", nhà sử học người Mỹ Larry Berman đã dẫn lời điệp viên Phạm Xuân Ẩn: "Nhiệm vụ được giao cho Phạm Ngọc Thảo khác với nhiệm vụ của tôi... Nhiệm vụ của ông Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn nhiệm vụ của tôi rất nhiều". Suýt nữa, ông đã mất mạng với hai quả lựu đạn ám sát từ đội thiếu niên biệt động Bến Tre vào năm 1961. 

Ông Đặng Quốc Tuấn thời là “học sinh biệt động''.

Sáng mùa thu 26/10/1961, lễ Quốc khánh của chế độ Ngô Đình Diệm tổ chức tại quảng trường An Hội, thị xã Bến Tre. Hàng ngàn người dân, binh lính, công chức và học sinh được huy động đến dự lễ do Tiểu khu trưởng, kiêm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, Trung tá Phạm Ngọc Thảo chủ trì. Đoàn học sinh của Trường Công lập Kiến Hòa (nay là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP Bến Tre) tham dự rất đông. Không ai để ý hai học sinh Đặng Quốc Tuấn và Ngô Văn Thiều bỗng tách khỏi đoàn, trà trộn vào nhóm những người đại diện "Cần lao nhân vị" đứng gần lễ đài.

Đến phần diễu hành, tất cả đứng dậy vẫy tay chào. Bỗng trong đám đông "Cần lao nhân vị", một quả lựu đạn từ tay học sinh Đặng Quốc Tuấn bay lên lễ đài cách tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo khoảng 1 mét. Giữa bốn bề hỗn loạn và tiếng la thất thanh "lựu đạn…lựu đạn…", Trung tá Phạm Ngọc Thảo nhanh như chớp, chộp lấy quả lựu đạn, bóp chặt trong tay. Quả lựu đạn thứ hai của Ngô Văn Thiều tung lên cách tỉnh trưởng Kiến Hòa gần 10 mét nhưng... vẫn không nổ. Những người xung quanh thót tim. Vợ chồng Tỉnh trưởng Kiến Hòa hú hồn, định thần nhìn kỹ thì ra hai quả lựu đạn đều bị lép.

Ngô Văn Thiều bị cảnh sát bắt tại chỗ. Đặng Quốc Tuấn lợi dụng cảnh hỗn loạn đã chạy thoát về điểm hẹn tại nhà của Ngô Văn Thiều. Rủi thay, có một tên cảnh sát sống gần đã nhận ra "thằng nhóc" chạy hốt hoảng về, báo ngay cho cảnh sát huy động lực lượng đến bao vây. Đặng Quốc Tuấn bị bắt cùng 3 quả lựu đạn tự chế trong nhà chưa sử dụng.

Ngày hôm sau, báo chí Sài Gòn rầm rộ giật tít, đăng tin khá đậm về vụ ném lựu đạn ám sát Tỉnh trưởng Kiến Hòa Trung tá Phạm Ngọc Thảo, một nhân vật nổi tiếng trong giới chóp bu quân đội Sài Gòn lúc bấy giờ, do hai học sinh lớp 10 thực hiện và bị bắt ngay tại chỗ. Báo giới cũng loan tin, trước ngày xét xử vụ án, cảnh sát Kiến Hoà đã "phát hiện và ngăn chặn" một kế hoạch của "biệt động Bến Tre" tổ chức đánh úp tại phiên toà với âm mưu giải cứu cho hai học sinh là đội viên biệt động Bến Tre, nhưng bất thành.

Một tuần sau, Phạm Ngọc Thảo có gặp hai thủ phạm nhí trong lần bị cố vấn Mỹ thẩm vấn, và chính ông làm phiên dịch. "Tại sao là học sinh mà đi ám sát tỉnh trưởng ngay tại ngày Quốc khánh? Có phải cộng sản giao việc không? Ai là người giao việc?". Sáu Tuấn trả lời: "Do chính quyền độc ác, đàn áp ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới cộng sản, không có ai giao việc cả". Ông Thảo dịch như thế nào ông Sáu Tuấn không biết. Rồi ông nói với hai thủ phạm: "Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm".

Trung tá Phạm Ngọc Thảo cùng phu nhân chụp ảnh với diễn viên Sandra Dee tại Mỹ năm 1962 . 

Lần thứ hai, ông Thảo đến thăm hỏi hai thủ phạm trước khi họ đưa về giam tại trại Chí Hòa, Sài Gòn. Tháng 3/1962, Tòa án quân sự đặc biệt mở phiên tòa xử theo luật 10/59. Nhờ tài biện luận của luật sư Trịnh Đình Thảo khi tranh tụng, viện dẫn lý lẽ, thân chủ còn tuổi vị thành niên, mới 15 tuổi, còn nhỏ dại, dễ nghe lời xúi giục người khác mà phạm tội, hai học sinh thoát khỏi án tử hình.

Cả hai bị kết án mỗi người 20 năm tù, đưa về Chí Hòa, sau đó đưa ra Côn Đảo, chung chuyến tàu với những người tù nổi tiếng như Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư. Ngoài Côn Đảo, hai ông đấu tranh, chống chào cờ, được kết nạp Đảng trong tù. Năm 1965, sau khi Phạm Ngọc Thảo bị sát hại, bỗng nhiên hai ông được đưa về lại Chí Hòa. Đến Chí Hòa, chúng chỉ yêu cầu chào cờ. Sáu Tuấn dứt khoát không chịu, đồng nghĩa với việc tự nhận là cộng sản. Do đó, 20 ngày sau chúng đưa trở lại Côn Đảo. Ông Thiều được trao trả năm 1973, sau giải phóng làm cán bộ Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh, qua đời năm 1984 vì bạo bệnh.

Người tù về trên xe lăn

Sau khi hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị đảo chánh và thủ tiêu, Phạm Ngọc Thảo cùng một số tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tham gia nhiều cuộc binh biến khác. Ông đã bị chính quyền Sài Gòn thủ tiêu vào ngày 17/7/1965, lúc 43 tuổi. Ông là một trong bốn nhà tình báo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam trà trộn rất sâu vào cơ quan đầu não địch (ba người kia là Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Lê Hữu Thúy) được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với quân hàm Đại tá. 

"Thủ phạm biệt động" Sáu Tuấn, quê ở ấp 4, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, kết nạp Đoàn năm 1961 lúc gia nhập đội Biệt động Thị xã. Ngày 5/5/1975, chuyến tàu đầu tiên của Hải quân chở những người tù cộng sản, kiên trung, quả cảm từ Côn Đảo về cập cảng Sao Mai - Bến Đình (Vũng Tàu), Sáu Tuấn nằm trên cáng khiêng và ngồi xe lăn. Do bị địch đánh quá tàn bạo, anh và nhiều bạn tù trong chuồng cọp số 7 không thể đứng dậy nổi.…

Ngày 5/5/1975, Sáu Tuấn về tới đất liền, thân tàn ma dại. Anh được đưa về điều trị và an dưỡng tại bệnh viện Bến Tre. Sáu Tuấn kể lại: Lúc vừa đến bệnh viện, có một người phụ nữ kính cẩn đến hỏi: "Thưa bác, bác ở Côn Đảo về, bác có biết anh Sáu Tuấn không ?". Tuấn nhận ra chị Nguyễn Thị Nhi, cô bạn học dưới anh một lớp, là đồng đội của anh trong đội biệt động thị xã Bến Tre. Lần cuối anh được nhìn thấy mẹ và Nhi là sau khi bị tòa tuyên án, áp giải lên xe đưa về trạm giam Chí Hòa. Chị không thể nhận ra anh với thân thể tàn tạ, tóc đã trắng như vôi sau 13 năm, 2 tháng bị giam cầm nơi địa ngục trần gian Côn Đảo.

Ngày trở về, người đầu tiên anh gặp lại cũng là Nhi và mẹ. Mừng vui, nghẹn ngào xúc động tràn dâng không nói nên lời. Sau nhiều tháng được các y bác sỹ tận tình điều trị, cùng với sự chăm sóc đầy tình thương của mẹ và chị Nhi, anh Tuấn lại chập chững tập bước những bước đi đầu tiên. Từ khi anh bị bắt, chị Nhi là một chiến sĩ giao liên, biệt động như con thoi đi lại khắp vùng Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại với quyết tâm chiến đấu trả thù cho đồng đội, đồng bào trong đó có người bạn trai dũng cảm. Chị từ chối nhiều mối mai cầu hôn, chung thủy đợi chờ ngày hòa bình, dù không hề ước hẹn. Sau này chị Nhi làm việc trong ngành giáo dục, là một nhà thơ nữ của Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre với bút danh Thanh Hải.

Trường Công lập Kiến Hòa, Bến Tre xưa.

Không lâu sau, một đám cưới đơn giản, ấm cúng giữa anh Đặng Quốc Tuấn và cô bạn học biệt động thủy chung. Có một dạo tình cờ Sáu Tuấn gặp diễn viên điện ảnh Nguyễn Chánh Tín. Được bạn bè giới thiệu Sáu Tuấn là "nguyên mẫu" của nhân vật đã "quăng lựu đạn ám sát Phạm Ngọc Thảo", ông diễn viên nổi tiếng đã ôm vai ông biệt động con lắc  mãi.

Không riêng Sáu Tuấn, nhiều cán bộ chỉ huy ngày đó cũng không biết tỉnh trưởng Kiến Hòa là nhà tình báo Cách mạng. Sáu Tuấn đã tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh viếng mộ nhà tình báo, liệt sĩ - Đại tá Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo. Ông nằm bên cạnh những tên tuổi lớn như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước... "Tất cả họ đều có quãng đời thanh niên dữ dội"- ông đã an ủi mình như thế. Nếu năm xưa lựu đạn nổ, ông không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra. Cũng không dám hình dung…

Hoàng Châu
.
.