Cặp vợ chồng “ăn ý” của sân khấu tuồng Bình Định

Thứ Sáu, 22/09/2017, 08:00
Ở Bình Định, những ai quan tâm đến nghệ thuật tuồng và đã từng có dịp hỏi chuyện nghề hoặc xem vợ chồng NSND Xuân Hợi - NSƯT Tuyết Mai biểu diễn, đều có ấn tượng sâu sắc về họ. Bởi trên sân khấu, cách diễn của họ thật cuốn hút; còn trong công việc, sự am hiểu, sắc sảo trong phân tích lý luận sân khấu tuồng ở đôi vợ chồng nghệ sĩ này cũng hiếm ai bằng.


Xuất thân trong một gia đình có cha và anh ruột đều là nhạc công tuồng ở làng tuồng Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), Xuân Hợi sớm tiếp xúc và bộc lộ năng khiếu nghệ thuật tuồng bẩm sinh. Anh  được NSƯT Hoàng Chinh - người đứng đầu trong "Tứ đại danh ca hát bội Bình Định" nhận làm con nuôi, hết lòng dạy bảo. Nhờ vậy, anh càng có điều kiện để trui rèn, tiến bộ nhanh chóng và sớm trở thành kép quan trọng của gánh tuồng Đồng Ấu ở địa phương.

Năm 1978, Xuân Hợi là một trong số ít diễn viên trẻ từ phong trào tuồng không chuyên được rút về bổ sung lực lượng cho Nhà hát tuồng Đào Tấn. Anh vừa tham gia biểu diễn vừa học thêm nghề của các nghệ sĩ bậc thầy đi trước, đặc biệt là từ NSND Võ Sỹ Thừa - người thầy đáng kính về sau trở thành cha vợ của anh. Bắt đầu từ những vai phụ, chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã là kép chính, thủ hầu hết các loại vai trong chương trình kịch mục của Nhà hát tuồng Đào Tấn.

NSND Xuân Hợi (bên trái) trong vai Lưu Phước Trung (vở "Đêm sáng phương Nam").

Giống như người bạn đời của mình, Tuyết Mai sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật: Cha là cố NSND Võ Sỹ Thừa - một trong những cánh chim đầu đàn của nghệ thuật tuồng cả nước, mẹ là NSƯT Bích Hải, hai cậu ruột là NSND Đinh Quả và NSƯT Đinh Thái Sơn, là những nghệ sĩ nổi tiếng trong nghệ thuật tuồng. Thừa hưởng cái "gen" của "con nhà tông" là điều kiện hết sức thuận lợi để Tuyết Mai nuôi dưỡng lòng yêu nghề.

 NSƯT Tuyết Mai sở hữu khả năng thiên bẩm, hoạt bát, nhanh nhạy tiếp thu ý đồ của đạo diễn và có trí nhớ tốt. Vì thế, thỉnh thoảng chị được đạo diễn tin tưởng giao các vai thay thế đột xuất hoặc cần tập luyện trong thời gian ngắn. Chị nhớ lại: "Tại Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc năm 1977, tôi đã được giao vai Trưng Trắc trong tuồng "Trưng Trắc đề cờ" rất đột xuất. Chiều đưa kịch bản, tối diễn. Vậy mà, tôi đã hát đúng không sai một câu. Sau khi diễn xong, tác giả Tống Phước Phổ đã khen ngợi và thưởng tôi 50.000 đồng. Hồi đó, tôi mới ra trường và chưa được học vai lần nào".

NSƯT Tuyết Mai đa năng, có thể vào vai đào chiến, đào bi hay đào lẳng và cả các vai mụ. Nhưng sở trường của chị vẫn là các vai đào chiến và đào mụ. Chị luôn được công chúng mộ tuồng nồng nhiệt đón nhận và bạn bè, đồng nghiệp gần xa ngưỡng mộ, thán phục. Gần 40 năm phụng sự nghệ thuật tuồng, chị để lại những vai diễn để đời như: Đào Tam Xuân vở "Trảm Trịnh Ân", Kỷ Lan Anh vở "Hộ Sanh Đàn", Tiêu Anh Phụng vở "Tiêu Anh Phụng loạn trào", Huê thần nữ vở "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ", chị Hai vở "Sáng mãi niềm tin", Huỳnh Cúc vở "Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc"…

Nhắc lại những kỷ niệm với nghề, chị nhớ lần đầu tiên công diễn tuồng "Tiêu Anh Phụng loạn trào" chị vào vai Tiêu Anh Phụng nhưng lại bị ốm, rồi vẫn cố gắng diễn. Vai diễn thành công ngoài sức tưởng tượng. Khán giả háo hức tán thưởng cho cả rượu, trà, nước ngọt. Trẻ em chạy theo hò reo: "Tiêu Anh Phụng loạn trào! Tiêu Anh Phụng loạn trào!". Đó là niềm vui, là phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của chị đối với nghệ thuật tuồng.

Nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát tuồng Đào Tấn nhận xét: NSƯT Tuyết Mai có sức khỏe dẻo dai để đảm nhận những vai diễn chính, đòi hỏi sức bền cao. Đó là kết quả của sự khổ luyện cả về kỹ thuật biểu diễn và thể lực. Chị còn có khả năng nhớ được rất nhiều phục trang dù chưa từng trải qua nghề này. Chị cũng là người duy nhất của Nhà hát tuồng Đào Tấn hiện nay biết nấu phấn hóa trang cho diễn viên. Đây là công việc khó, đòi hỏi sự khéo léo và kỹ càng.

Với chất giọng vang, khỏe, chuẩn mực và uyển chuyển trong hát, múa, diễn, NSND Xuân Hợi không chỉ hợp với các vai chính diện mà còn thể hiện các vai phản diện, hài, lính rất thành công. Thế mạnh nhất của anh là những vai kép và lão. Các vai diễn nổi bật in đậm tài năng và dấu ấn sáng tạo của anh như: Lê Quyết vở "Trời Nam", Hàn Tín vở "Mộng bá vương", Lý Long Tường vở "Hồn Việt", Lưu Phước Trung vở "Đêm sáng phương Nam", Địch Thanh vở "Ngũ hổ bình Tây", Phàn Định Công vở "Sơn Hậu"...

Ở vai Vương Quý vở "Diễn Võ Đình" khi tham gia Liên hoan Sân khấu tuồng toàn quốc năm 2008, tác giả Lê Duy Hạnh - Trưởng Ban giám khảo nhận xét: "Trong vở tuồng "Diễn Võ Đình", nhân vật có sức thuyết phục nhất là Vương Quý, chủ yếu là do tài nghệ và bản lĩnh của người diễn viên đã thoát ra và vượt lên khỏi vở diễn đang có".

NSƯT Tuyết Mai (bên phải) có thể vào vai đào chiến, đào bi hay đào lẳng và cả các vai mụ.

Mỗi khi bước lên sân khấu, NSND Xuân Hợi đều chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả sành tuồng. Nhiều nơi mời Nhà hát tuồng Đào Tấn về biểu diễn thường kèm theo yêu cầu "phải có kép Xuân Hợi" để thủ vai tuồng cụ thể nào đó mà họ thấy đạt chuẩn, xem mãn nhãn nhất. "Với tôi, chính sự mến mộ của khán giả mới là chiếc huy chương cao quý nhất. So với việc giành nhiều danh hiệu, việc giành chỗ đứng trong trí nhớ của giới mộ tuồng gian nan hơn nhiều", anh bộc bạch.

Tuy được gia đình truyền nghề khá bài bản và kỹ lưỡng nhưng không vì thế mà đôi vợ chồng NSND Xuân Hợi - NSƯT Tuyết Mai tự hài lòng với những gì mình đang có. Đôi vợ chồng này vẫn thường bỏ công sức học thêm những "miếng nghề" hay của các thế hệ nghệ sĩ đi trước. Vì thế, họ đã tích lũy được vốn kiến thức về nghề sâu rộng. Đặc biệt là về mặt lý luận và vũ đạo tuồng chắc chắn, sắc sảo. Họ không ngần ngại phân tích, giảng giải, diễn vai mẫu cho học trò hay bạn diễn những gì chưa hiểu.

Đôi vợ chồng nghệ sĩ này được lãnh đạo Nhà hát tuồng Đào Tấn giao dạy truyền vai cho các lớp diễn viên kế cận. Cách dạy học trò của họ logic, đúng quy trình (hát - múa - vũ đạo), đi từ dễ đến khó và tùy từng đối tượng mà có cách truyền nghề khác nhau, nên học trò rất dễ tiếp thu. Họ còn dàn dựng và hướng dẫn nhiều trích đoạn tuồng cho học sinh các trường phổ thông trong chương trình Sân khấu học đường của Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Bình Định.

Nhìn vào thực tế đội ngũ diễn viên trẻ hiện tại, đôi vợ chồng nghệ sĩ Xuân Hợi nhận định, đội ngũ diễn viên trẻ hiện tại chưa đủ khả năng đảm nhận những vai chính trong chương trình kịch mục Nhà hát tuồng Đào Tấn, nhất là các vai đào bởi đặc trưng của nghề tuồng ít nhất phải qua 10 đến 15 năm đào tạo thực tế mới làm được nghề. "Vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đào tạo diễn viên trẻ, giữ được vốn nghề quý của cha ông. Tôi khẳng định là có thể truyền nghề được cho các em nhưng thế hệ bây giờ ít theo cái nghề này lắm. Nguyên nhân chính là vì bây giờ các bậc cha mẹ không muốn cho con em mình theo cái nghề lắm gian nan mà lại ít tiền này", NSƯT Tuyết Mai tâm sự.

Vợ chồng NSND Xuân Hợi - NSƯT Tuyết Mai luôn có thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, tận tuỵ, chịu khó và nghị lực. Trong cuộc sống, họ khiêm tốn, cầu thị, luôn giữ phong thái thanh đạm, hòa đồng, biết chia sẻ, trọng chữ tín, lẽ phải. Từ tài năng nghệ thuật đến phẩm chất đạo đức, lối sống… đã cùng gộp tạo hình ảnh của họ thắm đượm trong lòng đồng nghiệp và công chúng cả về "danh" lẫn "vị".

Giờ đây, đôi vợ chồng nghệ sĩ này đang ở đỉnh cao về danh hiệu. Song, họ vẫn nhận thức rằng đó chưa phải là đỉnh cao so với tầm vóc của nghệ thuật truyền thống. Họ sẽ còn nỗ lực vươn lên đóng góp nhiều hơn, tốt hơn, cao cả hơn cho sự nghiệp và để danh hiệu không chỉ là "danh xưng".

Phan Nhuận Phin
.
.