Cạnh “phố Phái” trầm mặc, có “phố Xương” thanh bình

Thứ Năm, 04/10/2018, 07:05
Nhắc đến dòng tranh về Hà Nội, người ta nhớ ngay đến tranh Bùi Xuân Phái với những ngõ nhỏ, phố nhỏ thâm trầm, cổ kính. Ông gần như chiếm vị trí độc tôn, hình thành nên khái niệm "phố Phái". Ít người biết rằng, trước Bùi Xuân Phái, có một họa sĩ cũng khá thành công với dòng tranh về Hà Nội, làm nên "phố Xương" riêng biệt.


Họa sĩ Bùi Xuân Phái và Lê Văn Xương sống cùng thời với nhau. Lê Văn Xương sinh năm 1917, hơn Bùi Xuân Phái 3 tuổi và mất cùng năm với Bùi Xuân Phái (1988). Sinh thời, hai ông kết giao bằng hữu, thường đi thưởng ngoạn phong cảnh Hà Nội và cùng nhau vẽ. Mỗi người một phong cách. Nếu "phố Phái" ít xuất hiện con người, "phố Xương" lại đông người.

Nếu "phố Phái" mang nhiều gam màu nâu trầm gợi không gian u buồn, bâng khuâng, man mác thì "phố Xương" lại thanh thản, hào hoa và lãng đãng như những áng văn trữ tình của Thạch Lam, Nguyễn Tuân… So mốc thời gian, Lê Văn Xương vẽ Hà Nội trước Bùi Xuân Phái một, hai thập niên. Ông bắt đầu vẽ từ thập niên 40 của thế kỷ trước. Dù vẽ bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước... nhưng ông thành công nhất với bột màu và phấn tiên.

Họa sĩ Lê Văn Xương thời trẻ.


Vì nhiều nguyên do, Lê Văn Xương lại ít được thế hệ công chúng sau này biết đến dẫu trước 1954, ông rất nổi tiếng. Thời điểm ấy, hiếm có họa sĩ nào tại Việt Nam tổ chức đến 4 triển lãm cá nhân đình đám như Lê Văn Xương. Năm 1941, Lê Văn Xương mở triển lãm tranh cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1949, ông triển lãm tại phòng tranh riêng ở Hà Nội. Năm 1951 là triển lãm ở Đà Lạt.

Triển lãm nào cũng bán được tranh, nhất là dòng tranh về Hà Nội. Đặc biệt, triển lãm "Hà Nội 36 phố phường" tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1953 của Lê Văn Xương không chỉ gây sửng sốt cho làng mỹ thuật mà còn thu hút cả giới  quan chức, thương nhân...

Triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm, 9 tác phẩm nhanh chóng có người mua. Đến dự khai mạc triển lãm này, họa sĩ Bùi Xuân Phái thán phục người bạn: "Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác". Năm 1958, Lê Văn Xương và Diệp Minh Châu là hai đại diện Việt Nam vừa có tranh, vừa có tượng tham gia triển lãm của 12 nước xã hội chủ nghĩa được tổ chức tại Liên Xô (cũ).

Khi Lê Văn Xương tạ thế, tranh ông ít xuất hiện, các tài liệu thông tin về ông cũng cực kỳ hiếm. Năm 1997, gia đình ông tổ chức triển lãm để tưởng niệm ngày mất nhưng chỉ trong khuôn khổ tư gia nên ít người biết đến. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ của ông một bức tranh bột màu vẽ bờ biển nắng vàng theo phong cách ấn tượng.

Cuốn "Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại" in năm 2009 vỏn vẹn vài dòng về tiểu sử, các tác phẩm chính và giải thưởng của Lê Văn Xương như: "Du kích Tây Nguyên" (phấn màu), "Dân chài xã Vĩnh Trà" (phấn màu), "Chân dung họa sĩ Tề Bạch Thạch" (tượng), Huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam năm 1997. Năm 2012, trong bản tin về triển lãm bộ sưu tập của Tira Vanichtheeranont tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm "Kéo pháo lên đồi" vẽ năm 1961 của Lê Văn Xương được giới thiệu. Đây cũng là dịp hiếm hoi tác phẩm của ông được trưng bày.

Một năm sau,  nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cung cấp thêm chút thông tin trong bài báo "Một chặng đường của dân tộc và đời người": "Cuộc kháng chiến chống Mỹ và miền Bắc thời chiến tranh cũng đã trở thành hình ảnh sinh động cho những họa sĩ vẽ trước năm 1975 và tất nhiên sau đó là thời hậu chiến nhọc nhằn.

Những ký họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lê Văn Xương, Nguyễn Văn Thiện, Phan Thông, Nguyễn Cao Thương, Nguyễn Thụ, Mai Long, Mai Văn Hiến, Phạm Viết Song, Phạm Lực… vẽ trong những giai đoạn đó. Họ đi cùng đất nước, gian khổ, đau khổ, đói nghèo, yêu thương như một người bình thường, chỉ khác mỗi việc cầm bút vẽ ra và may mắn lưu lại được phần nào công việc".

Cuối năm 2016, cái tên Lê Văn Xương lại khiến người ta chú ý khi bức tranh lụa "Thiếu nữ" được nhà đấu giá Lý Thị bán thành công với giá 22.500 USD tại một phiên đấu thương mại ở TP Hồ Chí Minh. Điều này càng khiến giới yêu mỹ thuật và công chúng dấy lên câu hỏi: họa sĩ Lê Văn Xương là ai?

Cuối tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên tác phẩm, thông tin cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Lê Văn Xương đến với giới mỹ thuật và đông đảo công chúng qua triển lãm "Điều kỳ diệu" diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Con gái ông - nhà sưu tập Lê Y Lan giới thiệu 101 bức tranh của cha mà chị cất công sưu tập gần 20 năm qua. Ngoài những bức chân dung tự họa, chân dung người thân, đáng chú ý nhất tại triển lãm là dòng tranh về phố phường Hà Nội thập niên 40-50.

Theo tư liệu gia đình, suốt cuộc đời mình, Lê Văn Xương vẽ khoảng 1.000 bức tranh, trong đó hơn 100 bức vẽ về Hà Nội. Đó là con đường, góc phố, di tích, phong cảnh thanh lịch của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ngắm tranh ông mà ngỡ như lạc vào câu văn Thạch Lam trong "Hà Nội băm sáu phố phường": "Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những hy vọng và mong ước khác bây giờ dường như đang hiển hiện trong khung cảnh ấy". Có những bức ông vẽ khi đang sống tại Hà Nội, nhưng cũng có những bức ông vẽ khi đã chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Hà Nội trở thành miền ký ức lung linh, vương màu hoài niệm mà ông nâng niu, lưu giữ trên từng nét cọ.

Bức "Chợ Đồng Xuân", tranh bột màu của họa sĩ Lê Văn Xương.

Nhà nghiên cứu Quang Việt cho rằng họa sĩ Lê Văn Xương vẽ phố Hà Nội không như phố Hà Nội thực tế mà vẽ theo ý niệm nghệ sĩ. Ai cũng biết phố ồn ào, chật chội nhưng trong tranh Lê Văn Xương, Hà Nội lại vô cùng quang đãng, êm đềm và rất thanh bình.

Đặc biệt, Hà Nội trong tranh hiện lên rất mát mẻ dù đây là xứ nóng. Có cảm giác ông nghiêng về mùa xuân, mùa thu, mùa đông và chú ý đến sinh hoạt của con người trong lòng phố. "So với Bùi Xuân Phái, họa sĩ Văn Xương vẽ Hà Nội ở một cảm xúc khác:  đầy sinh khí, tươi vui, trong sáng mà cũng không kém phần thâm trầm. Vẽ về Hà Nội trong những tháng năm khốn khó, lửa đạn nhưng tranh Văn Xương luôn lãng mạn, đậm chất thơ. Đây là điều hiếm có" - ông đánh giá.

Đến dự triển lãm, ông Terrance Teis, người biên soạn vựng tập về hội họa tại Mỹ cảm nhận: "Lê Văn Xương đã đạt tới một trình độ độc đáo và có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử khi pha trộn các phong cách, kỹ thuật và cách sử dụng chất liệu của châu Âu và châu Á. Tôi rất thích thú với cách thức ông sử dụng các miêu tả hiện thực đối với không gian, phối cảnh và chuyển động. Đối với những nhân vật đang bước trên phố, ông nắm bắt được sự tương tác ánh sáng, chuyển động và chất liệu của y phục bằng cách sử dụng một cách sáng tạo các lớp màu trong mờ, kết hợp giữa nghệ thuật Tây phương và Đông phương".

Cũng từ triển lãm, chân dung họa sĩ tài hoa Lê Văn Xương được hé mở. Ông xuất thân trong một gia đình khá giả làm đồ gỗ ở Nam Định. 12 tuổi, Văn Xương lên Hà Nội học hội họa. Ông giao du mật thiết với các họa sĩ như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Thọ, Mạnh Quỳnh, Hoàng Lập Ngôn... Dù là họa sĩ thành danh, có nhiều tranh được đánh giá cao, nhất là ở mảng tranh bột màu với kỹ thuật lão luyện nhưng Lê Văn Xương không phải là sinh viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Ông tự học hoặc mời thầy về dạy. Năm 1937, ông mời người bạn đang học Trường Mỹ Thuật Đông Dương là Nhan Chí (1920-1967) - nổi tiếng vẽ chân dung bằng phấn tiên - làm thầy dạy vẽ nâng cao cho mình.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi lý giải: "Bên cạnh sở trường về hội họa, họa sĩ Văn Xương còn là một nghệ sĩ lãng tử đa tài, chơi thông thạo nhiều loại nhạc cụ như violin, piano, accordion, mandolin và guitar Hawaii. Đặc biệt ông còn từng là một hiện tượng trong thể thao với không ít giải thưởng bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn... Phải chăng, với tính tình lãng tử, phóng khoáng, năng động, Lê Văn Xương không chịu được những gò bó khắt khe của ngôi trường mỹ thuật danh giá nhất Đông Dương thuở ấy?".

Giới yêu mỹ thuật mong muốn "phố Xương" sẽ sớm có dịp tái ngộ Hà Nội. Bởi nơi đây là cảm hứng, là mạch nguồn để bức tranh thành hình. Và chính người Hà Nội mới có thể chạm tới trái tim và tấm lòng mà họa sĩ Lê Văn Xương trọn một đời gửi gắm như bức thư tình nồng nàn ông dành tặng chốn kiều thơm. "Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người Hà Nội chúng ta yêu mến Hà Nội hơn" - Thạch Lam.

Mai Quỳnh Nga
.
.