"Cảm ơn"... đại dịch!!!
Ngụ ngôn trào phúng cổ phương Đông kể: có mươi nhà sư trẻ tu hành trên núi cao. Vì được học hành giáo lý từ nhỏ nên sư phụ nghĩ họ đã gần đạt đến độ “đắc đạo”. Một hôm trời đẹp, sư phụ bèn cho họ xuống núi để xem chúng sinh trần gian chịu kiếp nạn đau khổ thế nào. Cũng là dịp để thử thách xem trò đã vượt qua được những sự mê muội trần tục hay chưa.
Lần đầu tiên các nhà sư nhìn thấy những bóng hồng trần gian. Trời ơi đầy sự rạo rực, đầy sự đam mê, đầy sự thôi thúc, đầy sự cựa quậy... Những cái nhìn chằm chằm đam mê... sư phụ thấy thế bèn giục đi vội và nói “Cọp đấy!”. Trời tối mà cả đám học trò chẳng muốn về...
Một tác phẩm dịch sang tiếng Anh! |
Trở lại chốn thiền môn, “kiểm tra” đám học trò “ngộ” được gì qua chuyến “vi hành”, sư phụ mới hỏi: “Các con xuống núi thích nhất điều gì?”. Cả đám đồng thanh: “Bạch sư phụ, Cọp ạ!”.
Câu chuyện kết thúc đột ngột nhưng để mở ra nhiều triết lý: Một là, có cố tình đánh tráo khái niệm thì chỉ thay được cái vỏ còn bản chất nội dung thì vẫn giữ nguyên. Vị sư phụ đã “đánh tráo” khái niệm các cô gái đẹp như tiên kia thành “cọp” tức là một loài thú dữ, ăn thịt người, thì với đám học trò mới lớn, họ vẫn thích “cọp”!
Hai là, cái bản năng con người, nhất là bản năng về giới tính, về tình dục, tình yêu thật lớn, rất khó thay đổi. Dù có học hành trau dồi gì gì từ bé nhưng lớn lên cái bản năng ấy vẫn còn. Và người ta không phủ định được nó. Ba là, chốn trần gian, dù có khổ sở đến đâu vẫn là nơi hấp dẫn nhất...
Thì ra tên gọi chỉ là một ký hiệu mà con người quy ước với nhau. Giả sử quy ước gọi lại các cô gái đẹp là “cọp”, thì... nửa nhân loại thích “cọp”!!!
Không chỉ ở phương Đông, mà có ở cả phương Tây, cách nay đã rất xa. Đấy là một câu chuyện của một tác giả lớn, tạm gọi là “Những con chim cái”...
Sau cái chết của người vợ hiền, một người đàn ông có tên Filip Banđuyxi quyết tâm xa rời thế tục, cùng đứa con trai bé nhỏ xin dốc lòng thờ phụng Đức Chúa trời. Ông đưa con mình lên núi cao để toàn tâm toàn ý... Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến một ngày, người cha tin rằng đứa con đã lớn có thể “đắc đạo”, mới cho con theo mình xuống núi.
Từ bé đến giờ, chàng ta mới gặp những cô gái đẹp đến choáng váng. Chàng như mê đi, như mụ đi và tất nhiên quên hết những giáo huấn của cha đáng kính. Nhận ra sự ngỡ ngàng thảng thốt của con, Filip cha vừa nói vừa dọa rằng, đó là “những con chim cái”, tức một thứ biểu tượng cho mọi điều xấu xa, đáng ghét, đáng xa lánh.
Đứa con ngoan ngoãn thật thà mà nói: “Con chưa thấy hình vẽ nào đẹp và thích thú bằng những vật ấy. Chúng đẹp hơn tranh thiên thần mà cha đã nhiều lần cho con xem”. Trước khi về núi, chàng một mực van nài cha đem một trong những con “chim cái” kia theo cùng...
Đến đây bạn đọc nhận ra ngay đó là một chi tiết trong “Truyện mười ngày” nổi tiếng thế giới!
Bcaccio Giovanni(1313 - 1375) là nhà văn Ý thời Phục Hưng có tác phẩm nổi tiếng nhất có tên “Decamerone” (tiếng Hy Lạp) tức “mười ngày”, về sau nhân loại gọi đầy đủ là “Truyện mười ngày”. Truyện hay đến mức đến tận nửa cuối thế kỷ XX, một nhà lý luận văn học (Todorov) tài năng dưới ánh sáng của tự sự học hiện đại viết hẳn một chuyên luận có tên “Ngữ pháp của Truyện mười ngày”. Ngay ở thời Phục hưng, với tác phẩm này ông được coi là “Người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn xuôi Ý và mở đầu cho truyền thống truyện ngắn hiện thực châu Âu”.
Tập truyện có bối cảnh, theo tác giả là “thực”: Năm 1348, bệnh dịch hạch hoành hành, 10 thanh niên thượng lưu (bảy nam, ba nữ) bèn đi lánh nạn ở một biệt thự nông thôn. Mười tâm hồn yêu văn chương quyết định mỗi người mỗi ngày kể một câu chuyện cho nhau nghe. Đúng ra họ ở lại đó 14 ngày (trùng với ngày cách ly dịch Covid hôm nay!), vì trong hai tuần, mỗi tuần có hai ngày (thứ sáu và thứ bảy) ngừng kể vì lý do tôn giáo.
Mỗi ngày họ sẽ lần lượt thay nhau làm Hoàng Hậu hay Vua để tổ chức một chủ đề chung cho truyện kể ngày đó. Ở ngày thứ nhất có sự tham gia của chính nhà văn phác thảo ra một bức tranh rùng rợn bởi bệnh dịch hạch lan tràn và hình ảnh thần chết giương lưỡi hái. Ý đồ nghệ thuật này đã làm nổi bật lên hình ảnh tương phản sự vui vẻ vô tư, đầy sức sống của những người đi lánh nạn với thực tế chết chóc đang diễn ra. Thế là thành quyển sách chia làm mười chương, mỗi chương một truyện.
Mỗi ngày kể một câu chuyện, mô típ này không mới vì nhân loại đã có “Ngàn lẻ một đêm” cực kỳ vĩ đại rồi. Mỗi đêm cô gái xinh đẹp kể cho vua nghe một câu chuyện thật hay, mà các chuyện lại cứ móc vào nhau nên kể đến đêm “ngàn lẻ một” mới hết... Bộ sách nói lên một ý nghĩa kinh điển là văn chương thật sự có thể thu phục, thuyết phục, cảm hóa được cả cái ác.
Nhưng bộ sách ấy chỉ có “một giọng” kể là của cô gái. Còn ở “Truyện mười ngày” là 10 giọng kể, 10 chủ đề khác nhau nên đa giọng điệu, đa màu sắc, đa kết cấu, khi thì châm biếm hài hước, khi thì hiện thực tàn nhẫn, khi lại tình cảm thanh tao, quý phái, vương giả, khi bi xen lẫn hài... Một sự tập hợp các lối kể chuyện rất có duyên, tự nhiên, sống động, tâm lý nhân vật được xây dựng sinh động, có hồn. Dưới góc nhìn lý thuyết tiếp nhận hiện đại, các truyện này như không đáy, càng đọc càng hấp dẫn, càng tìm ra những triết lý mới. Dù đề tài khác nhau, nhưng nổi lên vẫn là tình yêu cùng những khát khao bản năng rất thật.
Như ở truyện tạm gọi là “Những con chim cái” kia, giống như ngụ ngôn trào phúng phương Đông nọ, nó đề cao bản năng tự nhiên của con người, coi đó là một phần tất yếu của cuộc sống, không nên cấm đoán (tôn giáo là một sự cấm đoán!). Kết truyện là một lời bình sâu sắc mà kín kẽ của người kể: “ông bố hiểu rằng, thiên nhiên đã mạnh hơn những tính toán thông thái của ông”.
Nói sâu sắc vì câu chuyện mang một chủ đề chống lại sự bảo thủ, đòi cho con người được sống đích thực với bản năng người của họ. Kín kẽ ở chỗ chống Giáo hội mà không ai bắt bẻ được. “Thiên nhiên” tức là quy luật tự nhiên, “tính toán thông thái” là ám chỉ Giáo hội, (hồi đó “Giáo hội” tự coi mình là “thông thái vạn năng”). Truyện toát ra ý nghĩa phổ quát: bản năng như con ngựa hoang chưa thuần hóa, con người phải làm chủ nó, hướng nó vào mục đích, hành động tốt đẹp!
Tập truyện là cả một thế giới tình yêu từ lãng mạn trong trắng ngây thơ đến khoái cảm dục vọng; từ hồn nhiên đến lợi dụng, cơ hội; từ gian díu lăng nhăng đến vàng son sắt đá; từ tế nhị đến thô bạo…Và rất nhiều cung bậc, sắc thái, từ thương nhớ đến giận dỗi, từ đợi chờ với bao phập phồng hy vọng đến oán giận hờn ghen, từ trách móc đay đả đến khát khao vồ vập... Nó như một “từ điển” về tình yêu!
Giá trị nhân văn của “Truyện mười ngày” tập trung khắc họa hình ảnh người phụ nữ với thái độ trân trọng, yêu thương. Vì sống bên lề xã hội, dưới sự cấm đoán khắt khe của Giáo hội nên họ bị hành hạ, bị coi thường. Điểm tựa nâng đỡ họ, không gì khác ngoài tình yêu. Trong tập truyện có bao cảnh đời những người phụ nữ như những tấm gương soi về tình yêu chung thủy, về lòng dũng cảm dám sống với chính bản năng mình...
Lại có chuyện huyền ảo rùng rợn, một cô gái chôn đầu người yêu (bị giết oan) vào một chậu cây, rồi ngày ngày cô tưới cây bằng nước mắt... Có chủ đề chống phong kiến bảo thủ và lễ giáo hà khắc mang giá trị nhân đạo khá đặc sắc, với cái nhìn “liên văn hóa” hiện đại và văn học so sánh chúng ta sẽ thấy tập truyện có những điểm tương đồng khá thú vị với tinh thần phản phong của văn học dân gian Việt Nam. Nhưng đấy là một đề tài khác...!!!
Ý nghĩa tập truyện có mối liên hệ gì với “đại dịch” hôm qua và hôm nay mà nhân loại đã và đang phải gánh chịu?
Một là, con người phải luôn biết vượt qua nghịch cảnh, làm chủ và chế ngự nghịch cảnh. Phải biến điều không may (đại dịch) thành cơ hội. Nhờ đại dịch mà mười người nọ mới gặp gỡ nhau để thành những “nhà văn”!
Hai là, bất luận trong hoàn cảnh nào, văn chương cũng phải bám sát vào vấn đề trung tâm của đời sống, nói lên khát vọng nhân bản, nhân văn nhất của con người.
Ba là, tác phẩm luôn là sự thống nhất hữu cơ trong một cơ thể nghệ thuật, dù nhiều chủ đề, nhiều giọng điệu nhưng đều có mối liên hệ mật thiết để làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng!
Bảy trăm năm trước, đối diện với đại dịch, văn học Ý có tác phẩm để đời cho nhân loại. Ở ngày hôm nay, chung hoàn cảnh, văn học ta sẽ có tác phẩm tương tự!?