Các tác giả “ăn theo” những cuốn sách nổi tiếng
- Người "nhà quê" viết truyện quê nhà
- Người viết truyện "Bác Ba Phi"
- Khi nữ nhà báo viết truyện tình yêu
Xin trân trong giới thiệu cùng bạn đọc một số kiệt tác văn học thế giới được viết tiếp bởi các tác giả khác.
Alonso Fernández de Avellaneda: "Phần hai của “Hiệp sĩ Don Quijote xứ La Mancha"" (1614)
Miguel de Cervantes không phải là nhà văn đầu tiên có tác phẩm khiến các tác giả khác nảy ra ý tưởng “ăn theo”: trong lịch sử văn học thế giới, một số phần tiếp theo của tiểu thuyết kiếm hiệp đã từng xuất hiện, kể cả trong tủ sách của chính Don Quijote. Thông thường, những cuốn sách như vậy chỉ được xuất bản sau khi tác giả "chính" qua đời.
Tuy nhiên, mùa hè năm 1614, một kẻ nào đó ở Tây Ban Nha, ẩn dưới bút danh Alonso Fernández de Avellaneda, đã phá vỡ thông lệ tốt đẹp này. Ông ta đã xuất bản cái gọi là phần hai của “Don Quijote”, nhại lại nguyên tác và chế giễu các nhân vật lẫn tác giả của cuốn sách.
Tất nhiên, sau khi Miguel de Cervantes công bố tập hai của “Don Quijote” (1615), cuốn sách của Avellaneda trở nên lu mờ, nhưng vào thế kỷ XVIII, nó đã thu hút sự chú ý của tiểu thuyết gia Pháp Alain-René Lesage. Ông ta đã phóng tác cuốn sách của Avellaneda theo phong cách của mình và xuất bản bằng tiếng Pháp. Một trong những nhà phê bình thời đó thậm chí còn thích cuốn sách của Avellaneda hơn “Don Quijote” của Cervantes!
Alexandra Ripley: “Scarlett” (1991)
Có ý kiến cho rằng sau khi xuất bản tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió”, hoặc nữ văn sĩ Margaret Mitchell hoặc nữ diễn viên Vivien Leigh tuyên bố rằng Scarlett O'Hara “rốt cuộc đã hội ngộ” với Rhett Butler, bất chấp sự ra đi của nhân vật này vào những trang cuối của cuốn sách.
Bản thân Margaret Mitchell không hề muốn viết cuốn câu chuyện này, vì vậy nữ văn sĩ Mỹ Alexandra Ripley quyết định viết cuốn "Scarlett" (xuất bản năm 1991).
Theo các nhà phê bình văn học, từ hình tượng tiêu biểu Scarlett hầu như không có gì còn lại, Rhett đột nhiên trở thành “cậu ấm”, còn các nhân vật mới chỉ là nhân vật cũ được cải biên. Mặc dù vậy, cuốn sách của Alexandra Ripley vẫn được chuyển thể thành phim với sự tham gia của diễn viên Anh nổi tiếng Timothy Dalton, và câu chuyện của Scarlett và Rhett vẫn được nhiều tác giả khác viết tiếp.
Sebastian Faulkes: “Ác quỷ không thích chờ đợi” (2008)
Nhà văn Sebastian Faulkes. |
Những cuốn sách cuối cùng của nhà văn trinh thám Ian Fleming về điệp viên 007 là “Người đeo súng lục vàng” và tập truyện ngắn “Con bạch tuộc và những tia lửa trong mắt”. Điều này không ngăn cản các nhà điện ảnh tiếp tục làm phim về Bond trong nửa thế kỷ tiếp theo, tuy nhiên, các nhà xuất bản cũng không chịu đánh mất miếng bánh của mình.
Được sự đồng ý của bà góa phụ của nhà văn, hai chục cuốn tiểu thuyết về chàng điệp viên huyền thoại đã xuất hiện: tuy nhiên, tất cả đều viết về những năm tháng tuổi trẻ của Bond.
Đáng chú ý nhất trong số đó là cuốn “Ác quỷ không thích chờ đợi” của nhà văn Anh Sebastian Faulks. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về một nhân vật có tên Julius Horner, người muốn nhấn chìm châu Âu trong ma túy rẻ tiền và dàn xếp một vụ khiêu khích nhằm chống lại Liên Xô (câu chuyện của cuốn tiểu thuyết diễn ra trong những năm 60 của thế kỷ trước).
Thành công của cuốn sách nằm ngoài mọi sự mong đợi. Cả các nhà phê bình lẫn độc giả đều ca ngợi “Ác quỷ không thích chờ đợi” và cuốn sách đã trở thành sách bán chạy nhất ở Anh, chỉ đứng sau “Harry Potter” về tốc độ phát hành.
Tuy nhiên, Sebastian Faulkes khẳng định rằng cuốn sách của ông là tác phẩm duy nhất được viết nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của của "cha đẻ" 007, và kể từ đó, ông không viết thêm cuốn tiểu thuyết mới nào nữa về James Bond.
Sebastian Faulks: “Jeeves và tiếng chuông lễ thành hôn” (2013)
Năm 2013, cũng chính Sebastian Faulkes đã động bút vào một tác phẩm khác của văn học Anh – bộ tiểu thuyết của nhà văn P. G. Wodehouse về nhân vật Jeeves và Worcester nổi tiếng, đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuốn sách này.
“Tôi không có ý định sao chép phong cách của Woodhouse, vì thế nào điều đó cũng sẽ nông cạn và thô thiển. Tôi cũng không muốn sa vào một tác phẩm giễu nhại. Đối với những người chưa đọc Woodhouse, tôi cố gắng giúp họ hình dung được những cuốn sách về Jeeves, còn với những người đã biết rõ về chúng, tôi đưa ra một khúc biến tấu mang tính hoài cổ về đề tài yêu thích”, - tác giả phát biểu.
Phải nói rằng nhà văn đã thành công - tất nhiên, khó có thể tái hiện được phong cách của Woodhouse, nhưng một cuộc gặp gỡ mới với những nhân vật yêu thích sẽ mang lại nhiều niềm vui ngay cả với những độc giả khó tính nhất và giúp họ nhìn thấy những nhân vật yêu thích của mình từ một góc độ bất ngờ.
Anthony Horowitz: “Nhà tơ lụa” (2011)
Sherlock Holmes từ lâu đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness với tư cách là nhân vật được chuyển thể thành phim nhiều nhất mọi thời đại: số lượng phim về Sherlock Holmes cũng tương đương với số lượng sách viết về ông xuất bản sau khi Conan Doyle qua đời. Ngay cả con trai của nhà văn là Adrian Conan Doyle cũng tỏ lòng kính trọng vị thám tử lừng danh này và đã viết một chùm truyện ngắn dựa trên tư liệu về những vụ án được nhắc tới trong các bản ghi chép của bác sĩ Watson.
Tuy nhiên, cho đến nay, cuốn sách thành công duy nhất (hay nói đúng hơn là phần bổ sung) về thám tử lừng danh Sherlock Holmes là cuốn tiểu thuyết của nhà văn trình thám Anh Anthony Horowitz “The House of Silk” (tạm dịch “Nhà tơ lụa”). Tác phẩm này nói về hoạt động của nhóm khủng bố “Mũ lưỡi trai” Ireland khét tiếng ở Boston.
Horowitz hoàn toàn không phải là lính mới trong thể loại tiểu thuyết trinh thám: những người đã đọc cuốn sách thừa nhận rằng câu chuyện được trình bày khá li kì, và trên những trang sách lại xuất hiện bọn nghiện hút và giáo sư Moriarty không kém phần nổi tiếng. Liệu Horowitz có chuyển tải được tinh thần các cuốn sách của Doyle hay không? Câu trả lời dành cho các độc giả của nó.
Anthony Horowitz: “Project One”
Năm 2014, nhà xuất bản Ian Fleming và tổ chức quản lý di sản của nhà văn Ian Flemingmời Anthony Horowitz viết cuốn tiểu thuyết mới về James Bond. Tác phẩm này có tên gọi là “Project One” (tạm dịch “Dự án số Một”).
Theo bà Jessie Grimond (cháu gái của Ian Fleming), trong những năm 1950, Ian Fleming đã viết đề cương cho một số tập phim truyền hình về James Bond, nhưng chưa bao giờ được dựng phim. “Project One” lấy bối cảnh những năm 1950, trong đó tác giả Anthony Horowitz sử dụng những tư liệu Ian Fleming chưa công bố.
Nói về tác phẩm này, nhà văn Anthony Horowitz chia sẻ: "Đây là mộtthử thách lớn, nhưng những tài liệu chưa công bố của Ian Fleming đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi".
Karel Vanek: "Những cuộc phiêu lưu của anh lính dũng cảm Svejk trong nhà tù Nga" (1923)
Nhà văn Séc Jaroslav Hasek, tác giả cuốn sách “Quãng đời phiêu bạt của anh lính dũng cảm Svejk”, qua đời năm 1923, chưa kịp hoàn thành tác phẩm của mình. Tất nhiên, điều này khiến chủ xuất bản không hài lòng.
Câu chuyện về Švejk được tiếp tục bởi nhà văn Karel Vanek, ông viết về những cuộc phiêu lưu tiếp theo của anh lính dũng cảm trên cơ sở những trải nghiệm của bản thân trong thời gian bị bắt làm tù binh chiến tranh. Và mặc dù dưới hình thức này, cuốn sách trở nên hoàn thiện hơn, nhưng vẫn không thu được thành công lớn.
Các nhà phê bình cho rằng Vanek không duy trì được sự cân bằng vốn đặc trưng cho Jaroslav Hašek giữa tính hài hước và sự tục tĩu, hơn nữa bút pháp của Karel Vanek cũng khác xa so với nguyên bản.
Vasily Staroy: “Pierre và Natasha” (1996)
Trong thời kỳ hậu cải tổ, các nhà văn Liên Xô bất ngờ bị thất nghiệp xoay xở kiếm sống bằng mọi cách có thể: người thì viết kịch bản phim, kẻ thì viết tiểu thuyết ba xu, lại có người chuyển sang viết tiếp câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng: các nhân vật của Mikhail Sholokhov và Lev Tolstoy đã rơi vào “tầm ngắm” của họ.
Cuốn tiểu thuyết "Pierre và Natasha" của Larisa Vasilyeva và A. Starostin viết chung với bút danh Vasily Staroy ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Cuốn sách phát triển ý tưởng phần kết của tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy, trong đó Pierre trở thành chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Chạp ở Nga năm 1825.
Tất nhiên, việc tác giả sử dụng nhân vật của văn học cổ điển khiến các nhà phê bình chú ý. Một số người quả quyết “Pierre và Natasha” không phải là phần tiếp theo của “Chiến tranh và hòa bình”, mà là khúc phóng túng về đề tài "Chiến tranh và hòa bình". Số khác cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử về cuộc khởi nghĩa tháng Chạp ở nước Nga năm 1825, nơi các nhân vật của Lev Tolstoy cùng tham gia với các nhân vật lịch sử có thật.