Các nhà văn nữ và kỷ lục ở giải Nobel

Thứ Tư, 04/11/2009, 13:00
Như chúng ta đã biết, trái với dự đoán của nhiều người, giải thưởng Nobel Văn học 2009 - một giải được xem là nặng yếu tố chính trị hơn là học thuật -  đã thuộc về nữ văn sĩ người Đức Herta Muller, một người mà tên tuổi chưa phải đã phổ biến và được đông đảo bạn đọc trên thế giới "tâm phục khẩu phục". Như vậy, đây là nữ văn sĩ thứ 12 đoạt giải Nobel Văn học trong hơn 100 năm tồn tại của giải thưởng này, và cách nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học vừa chẵn…100 năm.

Điều có thể thấy là tuy số tác giả nữ đoạt giải Nobel Văn học chỉ chiếm tỉ lệ chưa bằng 1/7 so với các đấng mày râu, song bản thân họ lại lập nên những kỷ lục đáng nhớ.

Với giải thưởng Nobel Văn học 1909, nữ văn sĩ Selma Lagerlof đã trở thành nữ văn sĩ đầu tiên trên thế giới dành được giải thưởng cao quý này. Không những vậy, bà còn lập được kỷ lục "đúp" khi đồng thời là tác giả người Thụy Điển đầu tiên đoạt giải Nobel. Điều này cực kỳ có ý nghĩa bởi dẫu gì thì Thụy Điển cũng là quê hương của nhà bác học Alfred Nobel, người sáng lập nên giải thưởng nói trên, và là nơi mà Ban giám khảo giải Nobel đặt "đại bản doanh".

Theo quy định mà Hội đồng bình xét giải thưởng Nobel đặt ra thì một tác giả phải có tên trong danh sách 5 ứng cử viên cuối cùng ít nhất 2 năm liền mới có khả năng đoạt giải. Quy định này bắt đầu từ năm 1938 sau khi giải Nobel Văn học năm đó được trao cho nữ văn sĩ người Mỹ Pearl Buck, người mà ngay lần đầu tiên có mặt trong danh sách 5 người đã trúng giải (trong khi có những người phải trở đi trở lại trong danh sách này tới mấy chục lần mà vẫn không đoạt giải). Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử hơn 100 năm tồn tại giải thưởng Nobel và sẽ không có ai "theo gót" được Pearl Buck ở mặt này vì qui chế xét giải kể từ lần đó đã được cải tiến nhằm giúp cho việc xét giải được "chặt chẽ, kỹ càng hơn".

Với giải thưởng Nobel Văn học 1945, nữ thi sĩ người Chile Gabriel Mistral không chỉ có vinh dự là người đầu tiên đem về cho Tổ quốc danh hiệu cao quý, mà bà còn là nhà văn đầu tiên của khu vực Mỹ Latinh nhận được giải thưởng danh giá này. Cũng vậy, chủ nhân của giải thưởng Nobel Văn học 2004 - nữ văn sĩ Elfried Jelinek - mặc dù được xem là một tác giả còn gây nhiều tranh cãi, song vượt lên bao đấng mày râu, bà là người đầu tiên đem về cho nước Áo - một trong những cái nôi văn hóa của châu Âu - giải Nobel Văn học.

Theo một phép tính đưa ra gần đây thì tuổi trung bình của các nhà văn khi được nhận giải thưởng Nobel Văn học là 64. Với việc hai nữ văn sĩ: Pearl Buck (Mỹ) và Sigrid Undset (Na Uy) đều đoạt giải khi mới 46 tuổi, họ đã nghiễm nhiên nằm trong danh sách 5 nhà văn trẻ nhất đoạt giải Nobel văn học. Nếu so với tỉ lệ chưa đầy 1/7 (so với các nhà văn nam), ta có thể thấy, các tác giả nữ trẻ đoạt giải chiếm tỉ lệ cao hơn. Sự thật thì tuổi bình quân của các nhà văn nam khi nhận giải Nobel là 65, còn các nhà văn nữ là 59.

Nói vậy song các nhà văn nữ cũng lập được một kỷ lục mà khó có nhà văn nam giới nào… sánh nổi. Với việc giành được giải thưởng Nobel Văn học (2007) khi đã bước vào tuổi 88, không nghi ngờ gì nữa, nữ văn sĩ người Anh Doris Lessing hiện đã trở thành tác giả cao tuổi nhất dành được giải thưởng này (tuổi bà cao gấp hơn 2 lần so với nhà văn đồng hương của bà là Rydyara Kipling. Ông này khi đoạt giải Nobel văn học mới 42 tuổi). Không biết có phải khi đã quá "gần đất xa trời" mới đoạt giả nên một viên thư ký Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nhận xét về trường hợp của Doris Lessing: "Có thể nói rằng, trong lịch sử của giải, đây là Nobel được cân nhắc kỹ lưỡng nhất"

Trịnh Duy Mạnh
.
.