Bùi Phan Thảo: Nhận về bao dung

Thứ Năm, 23/07/2020, 09:19
Trong con người Bùi Phan Thảo, cái chất Quảng Trị đậm đặc, dù anh cũng nhiều lần phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để lưu lạc và từ năm 17 tuổi trở đi thì xa hẳn làng quê. Nhưng giọng nói, tố chất và dòng máu của người Quảng Trị thì vẫn luân lưu, vẫn làm nên cái tính cách Quảng Trị chân thật, yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn trong hành xử.


Một giọng thơ lạ, đầy nội lực

Khi đón đoàn nhà văn TP. Hồ Chí Minh lên thực tế sáng tác ở Tây Nguyên, vừa gặp lại Bùi Phan Thảo, nhà thơ Đặng Bá Tiến, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, đã nhận ra đây là chàng nhà thơ trẻ, biên tập viên trẻ ngày nào của tạp chí Văn nghệ Đắk Lắk. 

Vùng đất cao nguyên này là nơi Bùi Phan Thảo đã sống và làm việc một thời tuổi trẻ. Sau đó, năm 1990, anh vào TP Hồ Chí Minh làm việc ở một tờ báo lớn. Dù phải tạm quên con người văn chương một thời gian dài, song thỉnh thoảng anh vẫn sáng tác và 10 năm gần đây mới viết nhiều trở lại, chuyên tâm theo nghiệp văn chương, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh.Một giọng thơ lạ, đầy nội lực

Anh trở lại văn đàn với một số tác phẩm khá đầy đặn, nhiều thể loại, song thơ vẫn là chủ lực. Những tập thơ của anh, như "Lao xao hồn phố", "Không chờ những giấc mơ" được chú ý nhiều vì giọng thơ khá lạ, vừa có nội lực của một cây bút làm chủ kỹ thuật với bút pháp có nhiều tìm tòi, làm mới trang thơ, song vẫn gần gũi và gợi mở nhiều tâm cảm.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo.

Có thể xem Bùi Phan Thảo là nhà thơ của đời sống đô thị hiện đại, nơi tất cả những buồn vui sướng khổ của cư dân được phơi bày với đủ cung bậc. Đó là những tranh giành va đập trong lúc bon chen, bươn bả mỗi ngày (hơn thua nửa vòng bánh xe cái miệng thôi xinh); với cảnh ngập nước kẹt xe "ông giáo sư khả kính cũng phải chạy xe leo lề"; là những người đến nhà máy, công sở làm việc quần quật "như chiếc chong chóng lá dứa dại ngày ở quê, xoay tít và đến chiều héo rũ"…, cùng bộn bề nỗi đời đã trải.

Anh dành nhiều tình cảm cho những người nghèo. Họ tần tảo mưu sinh trên phố, giống nhau ở dáng vẻ bên ngoài và lo toan bên trong. Sau những bóng dáng đó là cả hiện tại và tương lai:

Sau những dáng người tất tả kia
là bóng những chàng trai, cô gái trên giảng đường đại học
lớn lên từ lam lũ của mẹ cha
mơ một ngày nghèo khó sẽ lùi xa
tiếng rao đêm của mẹ thành ký ức
vòng bánh xích lô của cha lăn qua nỗi buồn quánh đặc
vỡ ra thành giọt nước mắt lúc con nên người…

(Sau những dáng người)

Bùi Phan Thảo sống nhiều năm ở các đô thị, từ thị xã Quảng Trị ngày thơ ấu, các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, rồi Buôn Ma Thuột và riêng với Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, gần 40 năm. Anh đi nhiều và sống tận hiến. Ngòi bút báo chí và văn chương của anh hòa quyện, đặc tả từng góc phố, dắt đưa người đọc về một thời thật xa, ai cũng nhìn ra nỗi buồn mênh mang của chính mình qua hồi ức:

Một trăm năm trước góc phố này có chàng trai đứng đợi
bây giờ chàng trai ấy đã thành cát bụi
hèn chi đôi mắt đèn đường biết cay
Hãy dịu lòng đi
khi còn thấy căn biệt thự cũ mèm nơi ngã tư kia
không lâu nữa sẽ được đại gia hóa kiếp thành cao ốc
không còn tiếng cười ngủ thiếp trên ngói vỡ
không còn hoa khế rụng đầy trước cổng già nua

(Còn có ngày mai)

Một người từng trải, dấu chân đi khắp mọi miền, đời nhiều bão giông nhưng vẫn không thiếu lòng khoan dung trong những xử sự đời sống thường ngày và trên những trang thơ. Bạn bè thân thiết đều nhận xét Bùi Phan Thảo hiền lành, luôn sống nhân hậu, có trước có sau, hết lòng với bạn bè, quan tâm tới những người thân quý. Anh thấu hiểu, sẻ chia bằng tấm chân tình.

Cái nhìn ấm áp và dịu dàng

Trong bài thơ "Bên cây hoài nghi", ta thấy rõ điều đó. Mặc cây hoài nghi mọc lên, anh không đốn, để bên những đóa hoa chân thật cứ lặng lẽ tỏa hương, anh không trải lòng ra lót đường cho những bàn chân hãnh tiến. Trong đời sống thường ngày, anh thấu rõ tâm địa của những kẻ xu nịnh, cơ hội, anh chứng kiến đủ các tấn tuồng trên sàn diễn cuộc đời, nên anh coi khinh lũ ti tiện, bỏ qua mà bước; để dành cái nhìn ấm áp và dịu dàng cho những gì anh yêu thương, trân quý.

Và tôi vin vào sự bao dung
với ý nghĩ có thể đánh đổi cánh rừng nghi ngại lấy một nụ mầm yêu thương vừa hé
đời mất mát hư hao, đời đẫm lệ
vẫn đáng sống cho nhau khi mặt trời lên

(Bên cây hoài nghi)

Có thể nói, trong con người Bùi Phan Thảo, cái chất Quảng Trị đậm đặc, dù anh cũng nhiều lần phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn để lưu lạc và từ năm 17 tuổi trở đi thì xa hẳn làng quê. Nhưng giọng nói, tố chất và dòng máu của người Quảng Trị thì vẫn luân lưu, vẫn làm nên cái tính cách Quảng Trị chân thật, yêu ghét rõ ràng, thẳng thắn trong hành xử. 

Đối với những người quê gốc Quảng Trị mà cứ chối bỏ quê nhà, mượn quê xứ khác để "làm sang", thì trong mắt anh càng "lùn" thêm cái phông văn hóa đã thấp và cách xử sự tầm thường. Anh cực kỳ tự hào đã được sinh ra, làm con dân Quảng Trị, yêu quê đến rát lòng. Hiểu lòng anh nên suốt 20 năm qua, năm nào báo Xuân Quảng Trị cũng dành "đất" cho anh với những bài tùy bút mềm mại, da diết yêu thương.

Trong những ồn ã của đời sống, những lao xao thường ngày, Bùi Phan Thảo lặng lẽ chọn cho mình một "khoảng lặng". Trong "khoảng lặng" này, theo nhạc sĩ -  nhà báo Nguyễn Thanh Bình, không phải để Bùi Phan Thảo "nhìn ngắm" đời sống, mà để anh âm thầm viết những dòng thơ nghiệm sinh trữ tình như một hành động tinh lọc tâm hồn mình, tự giải phóng mình ra khỏi những thói quen, những cám cảnh của cuộc ngày, để tự trả lời cho mình nhiều câu hỏi riết róng được diễn đạt bằng một ngôn ngữ trữ tình rất riêng.

Ẩn hiện suy tưởng và siêu thực

Theo nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, chất thơ của Bùi Phan Thảo ẩn hiện suy tưởng và siêu thực. Siêu thực là sự phát triển ở tầm cao của hiện thực. Nếu hiện thực là gốc rễ thì siêu thực là phấn hương… Thơ Bùi Phan Thảo có nhiều bài hài hòa được hai mặt này. Bên cạnh đó, thủ pháp nghệ thuật cụ thể hóa cái trừu tượng và ngược lại cùng những kết hợp từ mới lạ độc đáo thường được Bùi Phan Thảo sử dụng khá nhiều và tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ thú vị. 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cho rằng: "Đọc thơ Bùi Phan Thảo hơi mệt, có cảm giác như lạc vào khu rừng thâm u, nhiều khi hoang mang không biết đâu là lối chính lối phụ, rất dễ lạc đường. Bù lại đôi khi gặp những bất ngờ thú vị, đó là những câu thơ, đoạn thơ hay, bỗng dưng cái sự "mệt" kia tan biến ngay. Hình như thơ đương đại, hậu hiện đại bây giờ có chung dạng thức như vậy"!

Còn với nhà thơ - nhà nghiên cứu- phê bình Nhật Chiêu thì Bùi Phan Thảo đã hướng tìm một thứ chân chất của thơ. Là bao dung. "Thơ nói rằng mọi chia chẻ chỉ là bề ngoài, chỉ là lầm lỡ trong cái nhìn mù sương. Thơ bao dung nên thơ là tiếng nói của tương thôi...  Thơ đã thôi thúc Bùi Phan Thảo như một con ong thôi thúc những bông hoa, những phù dung đời.Vì thôi thúc ấy mà Thảo viết. Viết - để thôi thúc những nụ vô hình. Vì thơ ca, như tôi hình dung, là mặt đất của những nụ vô hình".

Từ thôi thúc những nụ vô hình đó, thơ Bùi Phan Thảo mang nhiều lớp ngữ nghĩa. Anh chịu khó làm mới mình, làm mới thơ. Anh không thích những câu thơ đèm đẹp, những dối lừa rỗng tuếch, mà với anh, thơ phải luôn gần đời sống. Với anh, cần những câu thơ có "khoảng lặng giữa ngôn từ", yêu những tiếng thơ "nói bằng sự im ắng/ mà vang vọng không bờ bến". Đó là những câu thơ:

Vật vã hoài thai
con chữ rã rời
thơ thấm đẫm cuộc sinh thành đau đớn
còn mắc nợ cuộc đời
còn trời cao đất ấm
thơ tan vào lòng đất
bay lên…

(Tản mạn về thơ)

Đôi khi anh dùng những khổ thơ cổ điển nhưng ngữ nghĩa, hình ảnh chắt lọc đến tinh tế:

Đêm trở lạnh mọc bâng quơ nhánh nhớ
tóc xa người chẳng vội mướt dài thêm…
tay rất ấm và môi trầm rất lụa
rủ rê nhau chết ngộp phía Vân Hồ

(Ngổn ngang thu)

Với những bài thơ dùng thủ pháp hiện đại thì anh có sự cô đọng, tinh túy và chú ý yếu tố bất ngờ, nén để bung bật. Có những câu đọc lên bỗng giật mình:      

Những ngón tay trở về
chạm vào đâu cũng nghe tiếng rạn…
khoảng cách không đo bằng một bàn tay
tìm một bàn tay…
mặc kệ mùa đông thả một chiếc lá nhắc thầm

(Ngày mùa đông bật máu)

Còn khi đã làm thơ lục bát, Bùi Phan Thảo dặn lòng phải chọn chữ cho đắt, chọn tứ cho độc đáo:

Thì nghe buồn gọi mà đi
quảy theo một nải từ bi độ đường
gót mòn mới ngộ tha hương
ô hay, chiếc bóng thiên lương đã gầy

(Biệt khúc)

Bùi Phan Thảo là người tài hoa nhưng cuộc sống buộc anh phải chọn lựa, kể cả biết tạm quên mình đi, quên văn chương đi để dồn sức cho phận sự chính của một người làm báo. 

Nhiều người ở cơ quan Báo Người Lao Động, sau hơn 20 năm mới biết anh là một người chơi guitar vào loại cừ, rành rẽ âm nhạc, văn chương sau những biệt tài về kiến thức như rất giỏi về sử địa, thuộc lòng rất nhiều ca khúc, từ nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… đến ca khúc bolero hay nhạc miền Bắc những năm chống Mỹ, ca khúc chính trị ở TP. Hồ Chí Minh những năm 1980… 

Với anh, điều quan trọng được là chính mình, gửi hết tâm nguyện cuộc đời qua tác phẩm, lúc có thể thăng hoa trời xanh mây trắng, lúc như tiếng chim đập cánh dưới vực sâu; tất cả đều là hình ảnh, âm vọng của cuộc sống vọng lại, đậu vào trang viết. Từ đó, bên cạnh sự khoan dung, vẫn dễ nhận ra Bùi Phan Thảo với những tâm tư sâu lắng, dự cảm như nhiên.

Bỗng nhận ra sau mùi tê tái
sự ẩn nhẫn của đốm lửa
nỗi buồn của đóa hoa mãn khai
dòng suối rỉ rả đãi bôi
ngọn núi quên mình không so đo cao thấp
mộ bia nằm dưới đáy sông chờ chiếc lưới dân chài
qua cầu mừng thầm chưa ai rút ván
ngôi nhà muốn được an nhiên sao người về buồn thiu

(Ngụ ngôn bảy gánh)

Với anh, đời là khúc hát phù du, Phật nói đời là bể khổ nên "ai cũng chết chìm mà không nói ra đấy thôi". "Bởi cuộc đời quá ngắn, nên xin mơ những giấc mơ dài", bởi sẽ có một ngày hư không "về bên cội, nhận hư không, tuổi hư không"… Phải yêu cuộc đời thật nhiều mới có thể viết những câu thơ như: "Khi đời mình cũng cheo leo đồi dốc/ khi buồn vui cứ hực lên như những đóa dã quỳ" (Đà Lạt).

Trương Nam Hương
.
.