Boók Núp

Thứ Ba, 17/10/2006, 16:00

Cái đặc biệt nhất của Anh hùng Núp là sự giản dị hồn nhiên như lá, như hoa, như trái của núi rừng. Và cũng chính vì có vẻ đẹp hồn nhiên đó mà ông trở nên gần gũi thân thiết với không chỉ bà con Bah Nar mà còn đối với bà con tất cả các dân tộc ở Tây Nguyên.

Sự ra đi giản dị của Anh hùng Núp theo đúng quy luật tự nhiên sinh-lão-bệnh-tử không tạo nên những cú sốc lớn trong đời sống tinh thần của cộng đồng bà con các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng cũng chính vì có nó mà lần đầu tiên thành phố trẻ Plei-ku, thủ phủ của Gia Lai được chứng kiến một cuộc xuống đường vĩ đại, biểu thị tình cảm sâu nặng của người dân đối với vị anh hùng thân yêu của mình.

Mấy năm rồi mà trong lòng tôi vẫn lưu giữ nguyên lành cái cảm giác của hôm ấy... Vâng, cái cảm giác xao xuyến khi cả thành phố dường như chợt sững lại trong giây lát rồi cùng lúc bừng tỉnh. Người ta lũ lượt kéo nhau tới hội trường 2-9, nơi quàn linh cữu boók Núp (cách gọi thân mật đối với các già làng Tây Nguyên) với một vẻ mặt đầy lưu luyến và trang nghiêm, nhưng không hề bi lụy. Tất cả hương hoa của thành phố hôm ấy dành hết cho cuộc đưa tiễn boók Núp với một nghi lễ vừa trang nghiêm và trọng thể, lại vừa hết sức dân dã khiến cho mọi thành viên của cộng đồng đều trở nên gần gũi thân thiện với nhau. Boók Núp chính là biểu tượng của tình đoàn kết giữa các dân tộc. Boók không chỉ là người con ưu tú của dân tộc Bah Nar, mà còn là người con ưu tú của cả dân tộc Việt Nam.

Tôi có cái may mắn là sớm được gặp Anh hùng Núp, hơn thế, lại còn được ở chung với ông mấy năm giữa thời trai trẻ. Cái thời mà những người anh hùng, chiến sĩ thi đua là thần tượng, là lý tưởng, là niềm khát khao phấn đấu của tuổi trẻ. Mỗi lần có ai đó nhắc tới Anh hùng Núp thì bà con Bah Nar thường gọi ông một cách thân thiện là đe nhâng Núp. Đe nhâng Núp có nghĩa là “ông anh”, cũng có thể dịch là “liền anh” hoặc “người anh”. Cả ba cách dịch đều chỉ biểu thị được một phần tình cảm của người gọi đối với người được gọi. Nó gần như không đủ sức bao trùm, hàm chứa tình yêu thương tôn kính và ngưỡng mộ, thành thử hễ cứ mỗi lần có ai đó nhắc: “Đe nhâng Núp bò ma” nghĩa là anh Núp nói, tức thì ai nấy cũng đều nhận ngay ra rằng, cái điều ấy chính là nguyện vọng, là tình cảm chung của bà con dân làng.

Đe nhâng Núp, ấy là đồng chí Núp thời tôi gặp vừa làm Bí thư Huyện ủy Khu 10 (huyện 10), kiêm Chính trị viên Huyện đội. Cánh lính huyện đội người miền Bắc như tôi thời đó hiếm lắm, đa phần là những anh “có được học văn hóa nhiều nhiều”, đe nhâng Núp thường tổ chức gặp gỡ anh em, vừa để động viên vừa để nhắc nhở chúng tôi quan tâm đến vấn đề phong tục tập quán, ngăn ngừa những hiểu lầm đáng tiếc.

Về phía chúng tôi thì mỗi anh đều đã có sẵn trong lòng mình một Anh hùng Núp huyền thoại thời anh cùng bà con làng Kông Hoa tổ chức đánh cho thằng Pháp chảy máu. Một anh Núp hồn nhiên, trong sáng nhưng quyết liệt. Hình tượng Anh hùng Núp mà chúng tôi yêu mến và hâm mộ từ trong tiểu thuyết  “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, giờ đây càng trở nên sống động khi tiếp xúc với ông, một đe nhâng Núp bằng xương, bằng thịt, không hề có vẻ gì của một người anh hùng. Với dáng đi hơi chúi về phía trước nhưng không phải dáng đi của người vội vã, bận rộn. Hình như mọi việc đối với ông đều quá bình thường.

Tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” được dựng thành phim. Chúng ta lại có thêm một hình tượng đe nhâng Núp nữa. Một đe nhâng Núp điện ảnh. Nhưng không vì thế mà boók Núp có gì thay đổi. Boók Núp vẫn y nguyên như boók Núp ngày nào. Lối sống của boók không vì có nhiều chức vụ quan trọng mà trở nên khác đi. Càng không phải vì quá nổi tiếng mà boók trở thành diễn viên đóng vai người nổi tiếng. Cuộc sống của boók vẫn giản đơn đến mức nhiều người vì quá ngưỡng mộ khi tới nhà cũng như tới thăm boók ở bệnh viện, cứ thắc mắc hoài là chẳng hiểu vì sao không thấy boók được hưởng một chế độ gì đặc biệt. Tôi muốn nói ngay rằng, boók chưa bao giờ đặc biệt. Có lẽ cái đặc biệt nhất của Anh hùng Núp là sự giản dị hồn nhiên như lá, như hoa, như trái của núi rừng. Và cũng chính vì có vẻ đẹp hồn nhiên đó mà ông trở nên gần gũi thân thiết với không chỉ bà con Bah Nar mà còn đối với bà con tất cả các dân tộc ở Tây Nguyên.

Hồi còn trong rừng đánh Mỹ, tôi thường được huyện đội cử xuống buôn làng tuyển quân. Mỗi lần có tân binh về, thế nào đe nhâng Núp cũng sang nói chuyện với anh em. Đe nhâng Núp – Bí thư Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội, miệng không rời tẩu thuốc, tay không rời con rựa, tức con dao quắm, bên hông một bộ thắt lưng Mỹ đủ một cơ số nào biđông, ống cóng; nào lựu đạn, dao găm, băng đạn, võng dù, vắt cơm... Nghĩa là người lính kỳ cựu nhất của huyện đội có cái gì thì ông cũng trang bị cho mình đủ các thứ ấy. Đe nhâng Núp có phong cách nói chuyện chậm rãi và kiệm lời, với đôi mắt nheo nheo lúc nào cũng như cười, toát lên cái vẻ vừa gần gũi thân tình lại vừa cởi mở.

Đe nhâng Núp nói tiếng Bah Nar với anh em tân binh người Bah Nar. Nói tiếng Jrai với anh chị em người Jrai. Và nói tiếng Kinh với anh em người Kinh. Cả ba thứ tiếng đe nhâng Núp đều thành thạo, đều có thể diễn đạt hết ý, cạn từ, nhưng cùng chung một phong thái bình dị, tự nhiên như thể cha đang nói chuyện với con, anh đang hướng dẫn em, bạn bè tâm sự với bạn bè. --PageBreak--

Lại nói về tài vận động quần chúng của đe nhâng Núp sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ấy là những ngày sôi nổi và lãng mạn trong công cuộc chuyển mình dựng xây lại quê hương. Chính sách định canh, định cư như là chìa khóa mở ra một tương lai mới đầy hứa hẹn. Những vùng thung lũng hoang sơ bao năm nay sẽ được khai khẩn thành những cánh đồng lúa nước trù phú. Bà con các dân tộc Tây Nguyên sẽ không còn phải canh tác theo lối cũ: phát, đốt, choọc, trỉa. Rừng già sẽ được quy hoạch và khai thác. Rừng non cũng sẽ được quy hoạch và bảo tồn. Những chương trình phát triển kinh tế mới liên tiếp được phát động thành những phong trào thi đua yêu nước. Quê hương của Anh hùng Núp cũng được chọn là một trong những cụm kinh tế mới điển hình.

Thế nhưng đi vào cụ thể thì vấp phải trăm ngàn khó khăn. Cái khó khăn lớn nhất vẫn là, làm sao cho bà con nhanh chóng tiếp thu được tập quán canh tác mới. Một tập quán mà từ đó sẽ tạo nên những bước thay đổi cơ bản hàng loạt các phong tục cổ truyền. Đe nhâng Núp lại một lần nữa lên đường. Ở làng Đê Bar, mà thực chất là cả huyện, cả vùng người ta cùng trông vào cái miệng nói lời phải trái của ông. Ông đã trở thành siêu già làng, không phải vì ông lắm chức to, nhiều quyền lớn. Không bao giờ bà con đòi hỏi đe nhâng Núp, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh phải trả lời câu hỏi này hay giải thích điều kia. Mà đơn giản chỉ vì ông là Núp.

Cái chuyện dời làng xuống núi là chuyện động trời, không thể chấp nhận được. Vậy thì phải hỏi đe nhâng Núp thôi. Vâng, đe nhâng Núp đã về làng như hàng trăm lần, hàng ngàn lần trước, vẫn ung dung, bình dị, chuyện trò trước hết với các già làng: “Núp này, dời làng xuống núi là cách làm sao? Không sợ Yàng phạt à?”. Đe Nhâng Núp nhấc tẩu thuốc ra khỏi môi, chậm rãi hỏi lại: “Cách mạng lãnh đạo nhân dân ta đánh thằng Pháp, thằng Mỹ để làm gì?” – “Để có độc lập tự do chớ để làm gì?” – “Có độc lập tự do mà đói thì có giữ được độc lập tự do không?” – “Không!” – “Vậy muốn không đói thì ta phải đánh thằng giặc đói, có trúng lỗ tai không?” – “Trúng”. Đe nhâng Núp cười vui rồi nắm tay già, nói: “Có tốt nhận thức rồi. Mình đánh thằng giặc đói không phải chuyện bình thường đâu. Cách mạng nó cho cán bộ về hướng dẫn cách làm ăn mới, không phải một ngày hai ngày mà quen ngay được. Núi cũng của mình mà đất bằng cũng của mình, mình chọn chỗ đất tốt cho bà con mình làm ăn, sao Yàng lại phạt. Yàng chỉ phạt mình để dân làng đói, càng đói sẽ càng lạc hậu. Càng lạc hậu, Yàng càng phạt nặng hung! Thế mà”.

Thế đó. Anh hùng Núp của chúng ta không phải là một nhà hùng biện. Tôi chưa bao giờ thấy ông nói dài, nhưng tất cả những điều ông nói đều mang ý nghĩa thiết thực. Chính vì thế mà chỉ một mình ông, ông đã thuyết phục được hàng trăm con người lầm lỗi đi theo bọn FULRO ở một làng nổi tiếng có nhiều kẻ chống phá cách mạng, trở về với cộng đồng. Họ trở về không phải vì sợ mà vì họ hiểu ra bấy lâu nay chính họ là những kẻ bị lừa.

Giờ đây anh Núp đã đi xa. Vẫn biết cái chuyện ấy không thể nào tránh khỏi. Mỗi lần về, tôi lại rủ mấy anh bạn văn nghệ ở Gia Lai lên đỉnh đồi nghĩa trang liệt sĩ kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình với đe nhâng Núp. Thật hiếm có người anh hùng nào lại dễ gần, dễ cảm tình đối với anh em văn nghệ như ông. Có lẽ chính vì có sự dễ gần đáng yêu ấy đã là một trong những mạch nguồn cảm hứng giúp cho nhà văn Nguyên Ngọc sáng tạo thành công một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật viết về những anh hùng, chiến sĩ thi đua. Một cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ và thấm đẫm chất anh hùng ca truyền thống của Tây Nguyên. Một cuốn tiểu thuyết mà tác giả của nó đã dựng được thời oanh liệt của đất nước trong những khoảnh khắc cam go nhất, nhưng cũng kiên cường bất khuất nhất, bằng một hệ thống ngôn ngữ, chân thành và trong trẻo, nó có tác động mạnh tới mức, hễ ai viết về Tây Nguyên đều phải lệ thuộc vào hệ thống ngôn ngữ mà nhà văn của “Đất nước đứng lên” đã tạo ra

Trung Trung Đỉnh
.
.