Bốn nhà văn xoay quanh…một chữ

Thứ Ba, 29/07/2008, 17:30
Nhà văn Phan Hồng Giang đã dịch rất hay tiểu thuyết du ký "Ngày phán xử cuối cùng" của nhà thơ Bungari Blaga Đimitrôva. Đến một đoạn gặp một từ, Phan Hồng Giang cứ băn khoăn cân nhắc mãi nên dịch thế nào.

Ấy là cái từ trong đoạn văn Blaga Đimitrôva thuật lại buổi nữ nhà thơ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngôi nhà sàn của Người tại Hà Nội. Trong đoạn văn này, bốn lần tác giả viết về nét mặt và đôi mắt Bác Hồ, mà theo dịch giả Phan Hồng Giang, nếu dịch cho sát nghĩa nguyên bản thì rõ ràng phải chọn từ buồn: "Một ngôi nhà nhỏ nằm dưới bóng râm lặng lẽ.

Những chén nước chè ướp hoa sen. Một ông già dong dỏng cao, có lẽ là người cao nhất mà tôi đã được gặp ở Việt Nam. Vẻ mặt buồn. Sau bao nhiêu nụ cười, đó là người Việt Nam duy nhất buồn - Chủ tịch Hồ Chí Minh", "Tôi từ biệt Người.

Trên ngưỡng cửa, một ông già dong dỏng cao đứng trông theo, chân đi dép cao su, vận bộ đồ vải thô màu nâu. Với đôi mắt buồn. Niềm hy vọng thường ẩn mình trong đôi mắt buồn"…

Phan Hồng Giang băn khoăn về cái từ buồn này, e dịch sát nghĩa như vậy, tác phẩm in ra trong thời điểm ấy sẽ sinh hiểu lầm rắc rối, nên sau khi cân nhắc, ông muốn thay nó bằng từ ưu tư.

Một buổi ngồi trò chuyện tại trụ sở Cơ quan Hội Nhà văn (nơi hồi đó Phan Hồng Giang công tác) với nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Xuân Diệu, Phan Hồng Giang vui chuyện nói về nỗi băn khoăn cùng sự lựa chọn của mình như trên.

Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đều nghĩ như Phan Hồng Giang, dịch sát đúng nhất và hay nhất phải dùng từ buồn - nhưng thôi, phải chọn từ khác thôi. Và bốn nhà văn, nhà thơ này, sau một hồi ngẫm nghĩ trao đổi ý kiến, trong số đến mươi từ được nêu ra (phiền muộn, đau đáu, buồn buồn, tư lự, trầm tư, lo âu…) đều đồng tình với đề xuất của Nguyễn Tuân chọn từ đăm chiêu

Nguyễn Trung Thu
.
.