Bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam ra đời như thế nào?

Thứ Hai, 03/06/2019, 07:55
Bộ sách nông học đầu tiên của Việt Nam  hoàn thành năm Kỉ Tị 1749, tên sách là "Minh nông chiêm phả" (MNCP) tác giả là Trần Cảnh.

Trần Cảnh (1684 - 1758) người làng Điền Trì, xã Hộ Xá, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, đạo Hải Dương, nay là làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là cháu nội Hàn lâm viện Thừa chỉ, Dụ Phái hầu Trần Phúc, con Tiến sĩ, Tham tụng Hình bộ Thượng thư, Triều liệt đại phu, Trụ quốc, Phương Trì hầu Trần Thọ; cha Tiến sĩ, Phó đô Ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Sách Huân bá Trần Tiến; ông nội Lại bộ Ngoại lang, Trợ giáo Thái tử Trần Trợ (tên khai sinh là Trần Quí - Trần Quí Nha). Mấy thế hệ liền, các nhân vật này đều là các Danh sĩ của Xứ Đông, có công trạng và trước tác lưu lại trong nền văn hóa Việt Nam, mà giá trị của nó vẫn được đánh giá cao đến tận hôm nay.

Theo Niên phả lục (NPL) của Phó đô Ngự sử Trần Tiến, hoàn thành năm 1764, Nguyễn Đăng Na dịch đầy đủ, Nhà xuất bản Văn học in và phát hành năm 2003, Trần Cảnh đỗ tiến sĩ năm 1718, lần lượt làm Giám sát Ngự sử đạo An Quảng (Quảng Ninh ngày nay), Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam (bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hà Đông, Nam Định, Hà Nam hiện nay), Giám sát Ngự sử đạo Nghệ An, Hiến sát xứ Hưng Hóa, Hiến sát xứ Thanh Hoa.

Năm 1731 được phong Đông các đại học sĩ,  Hàn Lâm viện Thị giảng, rồi làm Đốc đồng xứ Thái Nguyên. Năm 1734 được thăng Thượng Bảo tự khanh rồi làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Sau đó lần lượt làm Thượng thư 4 bộ là Bộ Công, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Lễ, tước Diệu Quận công, Triều liệt đại phu, Thượng Trụ quốc, 2 lần giữ chức Tham tụng, lần đầu năm 1741, lần sau năm 1749.

Tượng thờ Tham tụng Thượng thư, nhà nông học Trần Cảnh tại Văn chỉ Linh Khê (Hải Dương).

Đóng góp lớn nhất của Trần Cảnh là đương chức Tể tướng, ông xin về hưu cho bằng được, “để dành chỗ cho kẻ hiền tài”, như tờ khải ông dâng vua Lê Hiển Tông, hiện vẫn còn ghi trong NPL năm 1748. Sau khi dâng khải, Trần Cảnh gửi thư cho quan Đốc xuất Hải Quận công Phạm Đình Trọng, người luôn bên cạnh vua, nhờ ông hết sức nói xấu mình với vua“ kém cỏi, già yếu - không thể đảm đương được công việc” để vua cho mình nghỉ hưu. Nếu Phạm Đình Trọng làm được việc ấy, thì ông xin “nguyện khắc cốt ghi xương, cao bằng non Thái, không gì lớn hơn” (NPL, tr. 149).

Nếu bây giờ không đọc bức thư tâm huyết này còn ghi trong NPL,  thì ta khó lòng mà tin rằng đó là sự thật. Ông lập tức đi các nơi, chiêu mộ dân lưu tán sau các cuộc khởi nghĩa thất bại, khai hoang lập ấp dọc triền sông Thái Bình và Kinh Thày, thuộc 2 phủ là Nam Sách và Kinh Môn, lúc ấy đã gọi tắt là Kinh Nam, thuộc đạo Hải Dương. Vua Lê phong ông chức Hải Dương khuyến nông sứ. Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy, ông soạn bộ sách MNCP dâng vua Lê Hiển Tông năm 1749, được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta.

Theo Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nxb Sử học, 1960, tập I, chương Dư địa chí, tr. 105 -  108, phủ Nam Sách có 4 huyện, trong đó có huyện Thanh Lâm, gồm cả một phần huyện Lang Tài và Quế Võ (Bắc Ninh) và huyện Chí Linh, gồm huyện Chí Linh và một nửa phía Bắc của huyện Nam Sách hiện nay, còn phủ Kinh Môn có 7 huyện, trong đó có huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và huyện Thủy Đường tức Thủy Nguyên (Hải Phòng) hiện nay, trải dài một phần ven sông Thái Bình và dọc hai bên bờ sông Kinh Thày.  Trang 104 NPL ghi tiếp: “Năm ngoái ngài đã… viết MNCP”.

Từ đó, ta có thể hiểu: bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta, Trần Cảnh hoàn thành trong 2 năm 1748 - 1749. Đến tháng 4 năm Giáp Tuất, 71 tuổi (1754), Trần Cảnh  lại “vâng mệnh làm Khuyến nông sứ Nam Sách và Kinh Môn” lần thứ 2 (NPL,  tr. 112) cho đến khi mất năm 1758, đúng như Địa chí Hải Dương (ĐCHD), Nxb Chính trị quốc gia, tập II, tr. 533 đã ghi: “Khi đang giữ chức Tể tướng, ông xin về nghỉ hưu, để chiêu tập dân li tán, khai hoang lập ấp ở ven sông Thái Bình và Kinh Thày. Vua Lê phong ông chức Khuyến nông sứ”. Trên cơ sở đó, “Ông viết tác phẩm MNCP.

Đây là công trình khoa học nông nghiệp đầu tiên  của nước ta về kỹ thuật cấy lúa nước”. ĐCHD viết tiếp: “Khi còn sống, nhân dân xã Khương Tự huyện Siêu Loại, trấn Kinh Bắc đã thờ ông tại chùa làng. Khi mất, ông được đặt tượng thờ ở Văn chỉ phủ Nam Sách, làng Linh Khê” (tr.534). Về điều này, Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, 1987, tr. 335, cũng ghi: “Trần Cảnh… là nhà nông học. Ông viết MNCP để nói về thời tiết và việc chiêm nghiệm đối với nghề nông”.

Hiện nay, sách MNCP của  Trần Cảnh đã thất lạc, chỉ còn một số chương đoạn chép rải rác trong một số tập sách. Ông Phùng Thành Chủng, hậu duệ Phùng Khắc Khoan, trong một bài báo viết rất công phu đăng Văn nghệ Trẻ, xác nhận rằng, một số chương đoạn của MNCP hiện còn trong thư tịch của dòng họ Phùng mà ông đã đọc. Rất may, trong NPL từ  trang 140 đến trang 143, vẫn còn nguyên vẹn “Bài Tựa cho sách MNCP”, Trần Cảnh viết ngày Chính Cốc năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), có thể làm ta hình dung được một phần nào tầm vóc và giá trị của tập sách: “Trên từ cái lớn lao của thiên thời, nhật nguyệt và tinh tú, dưới từ cái nhỏ bé của chim muông, côn trùng, thảo mộc…

Tất cả đều ghi chép cực kì đầy đủ và gọt rũa những chữ rườm rà” (NPL, tr.141). Ông tự coi mình là “lão nông” và “người phủ chính, sách này” - tức người xác nhận giá trị của nó, là “bạn của lão nông” - tức là những người làm ruộng đã có nhiều kinh nghiệm: “Ông ta tặc lưỡi mà rằng: “Sách này của Ngài vừa khổ công, vừa sâu rộng. Chỉ một con chim của núi rừng cũng đủ biết  mùa xuân, huống chi cả một đàn” (NPL, tr. 142). 

Sách Nhân vật lịch sử Hải Dương  do Đinh Xuân Quyện chủ biên, Thư viện tỉnh Hải Dương xuất bản năm 2006 theo GPXB của Sở VHTT tỉnh Hải Dương, trang 211, ghi: “Sau hồi loạn lạc ở Hải Dương, vào năm Kỉ Tị, 1749, Trần Cảnh người địa phương, xin triều đình về quê mình, chiêu phủ dân lưu tán về an cư lạc nghiệp.

Nhân đó ông biên soạn sách MNCP, để dạy cho nhân dân. Sách này nội dung nói về thời tiết và việc chiêm nghiệm đối với nghề nông, một cuốn sách về nông nghiệp cổ rất có giá trị. Sách này hiện nay đã thất lạc, chỉ thấy chép trong Minh đô sử”. Những ghi nhận đó, chứng tỏ giá trị lớn lao của công trình nông học đầu tiên của Việt Nam.

Trần Cảnh rất quan tâm đến đời sống của nông dân. Ngay lúc nhậm chức Tham tụng lần thứ 2, năm 1749, ông nói với vua Lê và chúa Trịnh: “Nay bắt đinh tráng đắp thành đất, dùng sức dân đã nặng, mà người thừa hành lại làm phiền nhiễu, thêm mất lòng dân, triều đình tuy có lòng thương dân, nhưng đối với dân như thế, e rằng không giữ được điều tín nghĩa” (Việt sử Thông giám Cương mục, tập XVIII, Chính biên, quyển thứ 40,  Nxb Sử học, 1960, tr. 51).

Trước mặt vua, ông xin “Bãi bỏ việc binh, tha việc tăng thuế để khoan sức dân”, “xin cho giảm xuất đinh ở Kinh Nam (Kinh Môn Nam Sách) để cứu dân lành” (NPL, tr.126). “Khi làm Điền Chánh sứ, ông lấy ruộng của nhà giầu chia cho dân nghèo” (NPL. tr, 113),  vì thế “những kẻ cùng đinh thân oan đội ơn, còn bọn cường hào thì phần nhiều không bằng lòng” (NPL. tr. 114).

Trần Cảnh mất ngày 5/6 năm Mậu Dần 1758, nhà nước tổ chức Quốc tang, triều đình vua Lê và phủ chúa Trịnh nghỉ việc 3 ngày, vua phong ông tước Thái Bảo, tước cao nhất của triều đình,  tặng ông tên thụy là Trung Nhã.

Vua viết điều văn, sai quan Tham tụng, Lại bộ Thượng thư Bảo Lĩnh hầu Trần Danh Ninh khâm mệnh đọc trước linh cữu. Toàn văn “Dụ tế của Hoàng thượng”  còn ghi trong NPL ( tr. 205). Mở đầu, nhà vua viết: “Ông là bậc huân cựu của quốc gia. Sống thì ta ban tước lộc, chết thì ta xót thương…”. Khi còn sống, ông đã được thờ tại chùa Dâu, Bắc Ninh, sau khi chết, năm 1770, ông được tạc tượng thờ tại Văn chỉ Linh Khê, Hải Dương cùng với Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng. Gần đây, TP Hải Dương đã có đường phố mang tên ông tại phường Cẩm Thịnh, ghi nhận những đóng góp lớn lao của nhà nông học với đất nước.

Trần Nhuận Minh
.
.