Biển đã về với giấc ngủ của con...

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:00
Hồi ấy, tôi đã về học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội. Một bữa, đang lững thững đi trong sân trường, bỗng nghe tiếng gọi từ phía sau "Việt ơi" mới quay lại thì thấy đó là thầy Phạm Văn Thanh, phụ trách tổ chức khoa văn: "Này, lúc nào qua mình có tý việc nhé". "Vâng ạ". Tôi trả lời thế nhưng cũng hơi chờn chợn. Làm hay học ở đâu cũng vậy, cứ bỗng nhiên được tổ chức gọi lên là thấy phiền rồi! Mới về kể lại cho bọn cùng phòng nghe, mỗi thằng đoán định một kiểu, có thằng còn quả quyết có nhẽ tôi bị con bé P. kiện lên khoa bởi vừa dứt tình với nó… Rách việc quá!

Hôm sau cắn răng lên gặp thầy. Thì thật bất ngờ, ông tổ chức này mặt tươi như hoa, niềm nở đun nước, pha trà, bóc thuốc "đầu lọc" mời. Rồi thầy mới e lệ tâm sự với tôi về tình yêu thi ca của thầy, tự thuở thầy còn ở quê Thái Bình, rồi đi học Cao đẳng Sư phạm, rồi làm lính đặc công...

"Mình muốn gặp Việt, đọc cho Việt nghe mấy bài mình mới sáng tác, rồi nhờ Việt góp ý cho mình, cứ thẳng thắn góp ý chứ đừng câu nệ, ngại ngùng gì nhé". Thế là thầy ra khép cửa phòng, đeo kính vào đọc, đọc suốt một đêm hôm ấy, cứ sau mỗi bài lại thẫn thờ nhìn tôi chờ lắng nghe ý kiến, rồi lại đọc, có bài vừa đọc vừa sụt sịt, nói thật ra lúc ấy không biết vì tôi được thơ thầy truyền cảm hay vì điều gì mà cũng thấy nổi da gà... Trạng thái lắm…

Theo nguyện vọng của thầy, tôi giới thiệu thầy - một người lính đặc công, một cán bộ tổ chức, một người yêu thơ ca như lẽ sống của đời với một số nhà thơ, nhà văn quen biết. Thoạt đầu là ông anh yêu quý Trung Đông làm biên tập ở Báo Nhân dân. Thế rồi bài thơ "Đi tự màu xanh": "Đất nước say sưa trong khúc hát hòa bình/ Vụ gặt đầu xuân mẩy hồng bếp lửa/ Đâu dễ quên những ngày ngụy trang chống Mỹ/ Làng kháng chiến rồi đứng dậy tự màu xanh" của thầy được in Báo Nhân dân, khiến thầy hạnh phúc vô biên.

Sau đó, tôi lại giới thiệu thầy với anh Phạm Tiến Duật. Anh Duật khen tư cách thầy lắm: "Nó tốt chú ạ. Giá nó cứ làm tổ chức khéo vừa uy quyền lại vừa giàu có, không đâu lại đâm sầm vào thơ ca thế này. Con đường thơ ca nó gian truân, nó khổ ải lắm". Cứ ngồi uống bia là anh Duật lại gật gù thế, làm thầy Thanh ngồi bên mặt cứ đờ đẫn đi vì sung sướng. Từ đó anh Duật rất thân với thầy, và thường đem thơ của thầy về Báo Văn nghệ để đăng…

Cũng từ anh Duật mà một "chiếu thơ sư phạm" hình thành, bao gồm anh Phạm Tiến Duật - sinh viên cũ của trường, thầy Phạm Văn Thanh - nhà thơ trẻ, rồi anh chị Bế Kiến Quốc - Đỗ Bạch Mai, rồi Trần Hòa Bình…

Sau này tôi ra trường, lên Tây Nguyên, vào thành phố Hồ Chí Minh. Có năm ra Hà Nội dự hội trường, mới hỏi về thầy thì mọi người đều lắc đầu bảo: "Thầy thôi làm tổ chức, nghỉ hưu từ lâu rồi, nay ở đâu cũng chẳng ai được rõ". Bâng khuâng quá, mà cũng chẳng biết hỏi ai, vì các anh cùng "chiếu thơ" với thầy ngày ấy (Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Trần Hoà Bình…) đều đã mất…

Tôi đành cậy nhờ đến trang web của nhà thơ Trần Nhương, một ông anh thân thiết với tôi từ ngày ở quân đội, phóng một cái tin tìm thầy. Ai dè đâu chỉ 30 phút sau, người mà mình tìm bao năm không được, đã có ngay "tung tích" từ hồi âm của nhà văn Đức Hậu - nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Thái Bình. Anh Đức Hậu cho hay có biết nhà thơ Phạm Văn Thanh, nay đang ở Thái Thụy, Thái Hưng, Thái Bình. Mừng quá, tôi vội rủ Lê Huy Hòa, Nguyễn Đức Quang cũng là bạn học... về Thái Bình tìm thầy (chứng kiến cảnh này, nhà văn Đức Hậu xúc động nói: Đời tôi được biết hai cuộc tìm thầy đầy xúc động, một là của một ông Tổng thống Pháp, hai là của các ông". Nay thuật lại chuyện này, xin một lần nữa cảm ơn anh Trần Nhương và anh Đức Hậu).

...Gặp thầy, nhìn mái tóc thầy đã bạc, căn bệnh dạ dày lại hành hạ, lòng chúng tôi nhói lên. Thương hơn nữa là cảnh sống của thầy, trăm sự cũng bởi tình yêu với thi ca mà ra nông nỗi này. Thầy kể: "Ngày ấy các cậu ra trường rồi, mình quyết xin thôi làm công tác tổ chức, thôi việc ở Trường Đại học Sư phạm để về quê mong muốn được thanh tịnh, yên tĩnh mà sống và làm thơ. Ngày về cũng được một cục tiền, nhưng không may lại bị một học sinh nó lừa đảo mất, thế là tay trắng về quê...".

Lúc này làng xóm ai cũng khó khăn, gia cảnh nhà nào cũng bết bát, thầy cũng như vậy vì vợ làm nông, buôn bán lặt vặt, ba con còn thơ dại học hành nheo nhóc. Thế là nhờ có chút hoa tay, nên mới mở tiệm vẽ truyền thần ở phố chợ để kiếm sống. Ai dè đầu tư cửa hàng cửa hiệu được chục hôm thì cái chợ cóc ở làng quê bị giải tán, phải đóng cửa hàng. Cuộc sống cứ bươn bả theo những vòng trượt dài nghèo khổ, lận đận...".

Cái "chết" của thầy là yêu thơ ca quá, nó mãi cứ như món nợ đời đeo bám. Gia cảnh nghèo mấy cũng chịu được, chứ tình yêu thơ ca thì không một lúc nào được phép nguôi. Trong nghèo khổ, thầy vẫn cứ chong đèn cặm cụi làm thơ, dù chẳng biết làm thơ để làm gì và làm thơ cho ai…

 Nắm tay thầy, tôi rưng rưng nói: "Thầy ơi, em ân hận lắm. Ngày ấy giá em đừng đổ thêm dầu vào lửa đừng xui dại thầy đi làm thơ, cứ để thầy yên một bề làm tổ chức, nắm sinh mệnh ngàn người, đồng ra đồng vào, thì đâu đến nỗi như ngày nay".

Nghe tôi phân bua, thầy không nói gì, chỉ nắm lấy tay tôi, nước mắt chực trào ra khỏi đôi mắt đã hằn những vết chân chim tuổi tác: "Việt ơi, lỗi này chẳng phải tại ai, chỉ tại cái số mình nó thế… Dẫu sao thì đời mình vẫn mãi mãi có thơ, mãi mãi thơ là niềm hạnh phúc của mình: "Nơi cái nắng bết vào da đỏ lịm/ Vệt bùn khô thay giọt mồ hôi/ Gương mặt người thay gương mặt biển khơi/ Niềm khao khát đẩy về phía trước…". Thơ mình dù hoàn cảnh nào cũng vẫn hy vọng Việt ạ…". Lúc chia tay thầy ra về, tôi xin thầy một bản photo những bài thơ của thầy. Ông trao cho tôi như trao một vật quý giá nhất: "Cuộc đời mình đấy Việt ạ…".

Thời gian ngắn sau, nhân Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Văn Miếu, tôi bay ra Hà Nội và cùng Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Minh Tiến… đón thầy từ Thái Bình về Hà Nội tham dự Ngày thơ. Và cũng buổi ấy, tôi trao tặng thầy tập thơ "Biển có về với giấc ngủ con không?" tôi đã xin giấy phép và in ở NXB Lao động từ những bản photo thầy trao tôi hôm nào... Cầm tập thơ trên tay, thầy kinh ngạc, bàng hoàng. Và điều hết sức "hãi hùng" cho chúng tôi, là thầy bỗng ngồi sụp xuống, hai tay chắp lại như muốn vái lạy chúng tôi: "Biết ơn… biết ơn các em đã tái sinh lại đời tôi".

Tôi hoảng quá, liền kéo tay thầy đứng lên: "Kìa, Thầy...". Ông cứ nức nở gục mặt vào cánh tay hồi lâu, như để giấu đi dòng nước mắt, rồi nói: "Tôi vẫn dặn các con rằng, khi nào bố chết, các con hãy dán lên mộ bố những bài thơ bố làm, thay vì làm bia mộ, được thế là mãn nguyện cho đời bố lắm rồi. Thế mà có ngờ đâu hôm nay tôi lại có tập thơ in thế này".

...Sau một "Ngày thơ" vui của một chuỗi đời thơ lận đận, thầy chào chúng tôi ra xe khách trở về quê Thái Bình. Thay vì những lần trước ngồi lên xe, hai tay thầy thường ôm lấy bụng vì cơn đau dạ dày hành hạ, thì lần này đôi tay thầy nâng niu ôm lấy tập thơ, và gương mặt rạng rỡ nụ cười. Có thể vì niềm vui tinh thần đã xoa dịu cho thầy nỗi đau thể xác, mà cũng có thể vì niềm vui tinh thần đã làm thầy quên hẳn đi những đau đớn, vất vả trên đường đời…

Châu La Việt
.
.