Bí thư Tỉnh uỷ và viên công sứ

Thứ Ba, 17/02/2009, 16:00

Đúng hẹn, ông Định đến, viên quan cai trị người Pháp lật tay xem đồng hồ, nói: - “Anh đến sớm vài giây. Thế là tốt”. Ngồi chưa yên vị, viên công sứ nói: "Đà Nẵng". Tài Định cho xe nổ máy. Nhìn lướt gương hậu, anh thấy viên công sứ  miết tay lên kính xe, có lẽ có ít bụi bám. Hắn nhíu mày:
- Làm cho tôi anh không được ở bẩn, nghe không!

Tài Định buông tay lái, quay lại rút khăn mùi xoa lau nhanh kính xe.

Ra khỏi Hội An, dường như muốn dẹp sự im lặng có phần căng thẳng với lái xe, người phục vụ có quan hệ đến sự an nguy của mình, viên công sứ bắt chuyện:

- Anh bao nhiêu tuổi? Hai lăm à? Trẻ quá, còn kém tuổi cô Hêlen. Đẹp giai khoẻ mạnh thế này chắc lắm cô mê? Anh nói sõi tiếng Pháp chứ? Tốt. Đi với tôi đến Câu lạc bộ Pháp có thể có nhiều cô đầm mê đấy. Họ thích của lạ Phương Đông mà... Phải không Hêlen? - Hắn cười châm chọc - Nhưng cẩn thận đấy. Để tôi bị xúc phạm, tôi sẽ nghiền nát anh ra!

Im lặng làm cho hắn bị hẫng hụt. Đi một quãng, hắn đổi giọng:

- Ngoài Đà Nẵng, đám dân đen khố rách đang làm loạn dữ lắm, anh biết không? Chỉ nghe nói thôi à? Một người thông minh như anh chắc có chân trong tổ chức Cách mạng Thanh niên gì đó chứ? - Hắn cao giọng đe dọa - Anh mà ăn phải bả của bọn Đỏ chống lại người Pháp thì... thì...

Biết là hắn bắt nọn, phủ đầu, tài Định nhả ga cho xe dừng và tắt máy. Anh quay lại nhìn vào bộ mặt béo phị đang ngạc nhiên của viên công sứ, bình tĩnh nói:

- Nếu ông nghĩ như thế, tôi xin giả tay lái cho ông. Tôi không thể làm việc trong tâm trạng bất ổn vì sự nghi ngờ. Ông "chỉ hỏi vậy" thôi ư? Tôi nói thật, vì miếng cơm manh áo và nhờ uy thế của ông, tôi muốn được những người có chức quyền ở địa phương nể trọng. Nếu tôi làm cách mạng thì dại gì vào nơi kín cổng cao tường, ra vào canh gác, lính tráng mật thám kè kè xét nét suốt ngày đêm?

Tài Định mở cửa xe bước ra ngoài. Viên công sứ thản nhiên, cười cười mở cửa sau đi lên ngồi vào sau tay lái. Quay ra nhìn Tài Định đứng bên cạnh lề đường, hắn nói:

- Anh xuống ngồi sau nơi bà Hêlen. Anh không còn giữ được bình tĩnh để cầm lái rồi - Hắn cười vẻ khoái chí.

Tài Định vừa yên chỗ, viên công sứ mở máy cho xe chạy. Hắn vừa cười vừa nói:

- Tốt lắm. Tôi nói thử chơi, anh đừng tự ái. Anh là một người có tư chất. Tôi hài lòng!

Tài Định ngồi im lặng, lòng cuộn lên bao suy nghĩ về những việc đang làm, những lời vừa nói của viên công sứ và bao dự định thầm kín.

Phan Văn Định là một thanh niên yêu nước được sinh ra trong một gia đình khoa bảng bề thế ở làng Đông Thái, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông nội anh là Tiến sĩ Phan Nhật Tĩnh từng là Tế Tựu Quốc Tử giám, rồi Tổng đốc Hải Dương. Bác ruột anh là Tiến sĩ Phan Trọng Mưu. Một người bác ruột nữa là Phan Cát Tưu đã cùng cha anh là Phan Trọng Nghị đỗ đồng khoa cử nhân. Cả hai người này cùng tham gia phong trào Văn Thân chống Pháp của Phan Đình Phùng. Người bác Phan Cát Tưu bị tử trận, cha anh bị bắt và bị quản thúc, làm huấn đạo ở địa phương.

Phong trào Cần Vương thất bại, lớp trẻ lớn lên mỗi người mỗi ngả tìm đường cứu nước. Tài Định mơ ước theo gương nhà Cần Vương Cao Thắng, bỏ chữ Nho theo Âu học, tìm thi vào trường Bách công ở Huế, mong thành người chế súng đúc đạn. Nhưng trường kỹ nghệ người Pháp mở chỉ có nghề thợ máy, nghề lái xe. Tài Định không có tiền trở về quê, đành chịu trở thành lái xe, mong được đi đây đi đó tìm cơ hội cứu nước.

Lái xe cho bác sĩ người Pháp ở nhà thương Đà Nẵng là Tácđiơ. Không bao lâu anh đã có nhiều người bạn tốt. Trong đó có những trí thức tiến bộ như các anh Lê Văn Hiến, Nguyễn Tường, Nguyễn Sơn Trà... làm ở nhà dây thép. Các anh này có điều kiện để nhận được sách báo tiến bộ từ Hà Nội, Sài Gòn và cả ở Pháp gửi về. Mỗi lần có báo "Tân Thế kỷ”, "Hồi trống tự do", "Việt Nam hồn", hoặc sách của Víchto Huygô, Hăngri Bácbuýt, Điđơrô... Tài Định rất mừng, đọc ngấu nghiến. Nhờ vậy tầm nhìn, cách suy nghĩ của anh được mở rộng nhiều.

Dần dà các anh hình thành được một nhóm tin cậy cùng chí hướng. Giữa năm 1925, có một thanh niên 18 tuổi quê ở Quảng Trị mới đỗ Pơrime, tham gia phong trào học sinh bãi khóa, bị đuổi học, tìm đến làm quen. Anh có đôi mắt nhỏ, sắc, da ngăm đen, nét cương nghị toát ra từ vẻ mặt đến cử chỉ, lời nói. Đó là đồng chí Lê Duẩn. Ít lâu sau đồng chí Lê Duẩn xin được chân soát vé ở nhà ga. Với bản chất sôi nổi, thông minh, đồng chí Lê Duẩn đã tiếp lửa cho nhóm Tài Định hoạt động hăng say.

Sau khi bị Pháp xử án không thành, cụ Phan Bội Châu vào Đà Nẵng sống ở nhà dược sĩ Phạm Doãn Điềm. Nhóm thanh niên của Tài Định đến thăm cụ. Nhìn đám trẻ, cụ Phan rầu rầu nói: "Anh em đây đều là người có học, giỏi giang đấy. Nhưng tất cả đều là nô lệ. Phải làm sao đem chí trai tài trẻ ra mà cứu mình, cứu nước thoát ách nô lệ!".

Những buổi bàn luận tìm phương hướng của anh em vì thế càng sôi nổi thêm. Những tài liệu nói đến Liên bang Xôviết tuy không nhiều nhưng có sức thu hút tâm trí anh em rất mạnh.

Tháng 6 năm 1925, thân sinh đồng chí Lê Duẩn ở Quảng Trị vào thăm. Qua vài lần trò chuyện với đám trẻ, cụ rất cảm kích. Trước khi từ biệt, cụ đọc tặng anh em mấy câu:

Nghệ, Tĩnh, Thanh, Đà với Trị, Thiên
Tâm tư tình cảm hướng Xô Liên
Phất kiếm tỏ ra người khẳng khái
Ngàn thu âu hẳn những Bình Nguyên(1)

Đầu năm 1926, các anh lập "Hội ái hữu lái xe Trung Kỳ". Sau đó các hội ái hữu lan ra các ngành nghề khác. Khi cụ Phan Chu Trinh mất, các hội ái hữu tham gia lễ truy điệu rất trọng thể, rất khí thế.

Nhóm Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Trợ, Tài Định bàn nhau cần tổ chức những cuộc đấu tranh bãi công đòi chủ Pháp không được chửi mắng khinh miệt người Việt Nam; không đánh đập, không bắt làm quá giờ, không kiếm cớ cúp lương...

Năm 1927, cuộc đấu tranh đầu tiên nổ ra ở xưởng Xcata. Cuộc đình công bẩy ngày làm chấn động cả thành phố Đà Nẵng. Bọn Pháp phải chấp nhận yêu sách của công nhân.

Nhiều cuộc đấu tranh tiếp theo. Có những cách vận động tuyên truyền rất linh hoạt như lập hội bóng đá Rạng Đông, đội kịch Rạng Đông, lò tập võ... được nhiều người hưởng ứng.

Làm việc cho Tòa sứ có nhiều ràng buộc rất bất tiện, nhưng vốn tháo vát và dũng cảm, Tài Định nhanh chóng biến nơi sào huyệt kín cổng cao tường của thực dân thành nơi che giấu kín đáo cho Tổ chức. Lợi dụng xe của Tòa sứ và những chuyến đi cùng Khâm sứ, Tài Định đã chuyển đưa tài liệu, liên lạc với các cơ sở ở các huyện, thị. Truyền đơn, cờ búa liềm và cả tờ báo "Lưỡi cày" của Cách mạng, đã được bí mật in trong nhà xe tòa sứ.

Tháng 3 năm 1929, Tỉnh bộ "Thanh niên cách mạng đồng chí hội" của Quảng Nam được thành lập. Tài Định được cử làm Bí thư. Tháng 3 năm 1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc từ Hà Nội vào truyền đạt nội dung hội nghị Hương Cảng ngày 3/2/1930 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã thống nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Tài Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Viên công sứ Côlôngbông về nước, viên công sứ Labócđơ đến thay. Đây là một tên thực dân cáo già, dày dạn kinh nghiệm "chống Cộng".

Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra. Thực dân Pháp và tay sai ra sức đàn áp phong trào yêu nước ở khắp nơi. Chỉ vài tháng ở Tòa sứ, Labócđơ đã để mắt đến những người Việt làm trong tòa sứ. Một hôm hắn bất ngờ xộc vào gara ôtô để kiểm tra. Lúc này, tài liệu tuyên truyền và báo "Lưỡi cày" in xong chưa kịp phát tán hết đang để đầy một hòm. Vừa mở từng cái hòm, cái tủ cho hắn xem, Tài Định vừa nấn ná tìm cách che giấu, nhưng xem ra khó lắm. Đang lúc nguy khẩn, vừa may có một con quạ của một nhân viên tòa sứ nuôi bay vào. Con quạ biết nói, nó há mỏ kêu "Qua đói", "Qua đói". Tài Định lấy miếng bánh mỳ bẻ cho nó ăn. Viên công sứ thích thú giành lấy miếng bánh, tự tay cho quạ ăn và chơi với quạ. Tài Định nhanh tay đánh tráo cái hòm tài liệu.

Thoát hiểm nhưng Tài Định hiểu anh đã bị nghi ngờ.

Tháng 10 năm 1930, nhiều đảng viên và cả Bí thư Huyện ủy ở Duy Xuyên bị bắt. Cơ quan Tỉnh ủy bí mật bị lục soát.

Tình thế cấp bách, Tài Định cử liên lạc ra Đà Nẵng báo cáo với Xứ ủy. Ngay trong đêm đó, anh thông báo cho các đảng viên phải nhanh chóng cất giấu, phi tang tài liệu mật. Ai bị bắt không được khai báo. Nếu bị khai xuất phải chối đến cùng. Ai có thể lánh đi thì đi ngay, sau sẽ liên lạc.

Hôm sau, ngày 22 tháng 10 năm 1930, viên công sứ Labócđơ gọi Tài Định chở hắn đi Đà Nẵng. Tài Định gợi chuyện, hỏi hắn về tình hình bắt bớ ở Hội An. Viên công sứ tỉnh bơ, nhìn ra ngoài không nói gì. Sau khi gặp Tổng đốc Ngô Đình Khôi, hắn bảo quay xe về Hội An.

Đi được vài cây số, hắn bảo dừng xe lại và xua tay ra hiệu bảo anh ngồi sang phía bên cạnh. Khi hắn ngồi vào sau tay lái, hắn quay sang nói với Tài Định:

- Từ trước tới giờ, Bí thư Tỉnh ủy lái xe cho Công sứ. Bây giờ Công sứ lái xe cho Bí thư Tỉnh ủy! (2)

Tài Định nóng ran mặt. Hiểu hết cơ sự nhưng anh trấn tĩnh thản nhiên hỏi:

- Bây giờ chúng ta đi...

- Vào đồn Khố xanh! - Viên Công sứ cướp lời, hằn học - Tôi buộc phải giam giữ anh!

Tài Định hiểu, cuộc đấu tranh gian khổ đã bắt đầu, Anh rất tự tin và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của Cánh mạng vô sản ở Việt Nam. Dù bản thân anh có thể hy sinh, anh quyết chấp nhận đương đầu. l

(Theo tư liệu của Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng và gia đình ông Phan Văn Định.)

 (1)  Bình Nguyên: Bình Nguyên quân thời Chiến quốc, ý nói là những người tài cứu nước.

(2)  Ông Phan Văn Định -  Nguyên Bí thư đầu tiên của tỉnh ủy Quảng Nam.

Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và được đặt tên cho một đường phố ở thành phố Đà Nẵng

Văn Phan
.
.