Bi kịch gia đình của đại văn hào Victor Hugo

Thứ Năm, 23/08/2012, 08:00
Đúng là trời không cho ai tất cả. Một sự nghiệp vinh hiển, ngỡ như được trải thảm từ nhỏ với bao cuốn sách, vở kịch được xuất bản, được dàn dựng cùng những lời tụng ca ngập tràn, vậy mà nhìn lại các tình tiết liên quan đến chuyện gia đình, vợ con của đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885), ta không khỏi rùng mình vì thấy ở đó có quá nhiều bất hạnh, tưởng như không một người bình thường nào có thể đủ sức chịu đựng...

Nhân kỷ niệm 210 năm ngày sinh của Victor Hugo, xin giới thiệu một số vụ việc để bạn đọc thấy được nghị lực vượt lên số phận của ông cũng như để thấy "mặt sau của tấm huân chương"...

Trước đây, trong các sách chính thống xuất bản tại Việt Nam, khi giới thiệu tiểu sử Victor Hugo, người ta thường dùng những chữ gợi cho bạn đọc cảm tưởng ông sinh ra trong một gia đình nền nếp, danh giá, vì thế thuận lợi cho sự phát triển thiên hướng văn học. Nào là "Bố ông là một sĩ quan cao cấp thời kỳ Napoléon", nào là "Mẹ thuộc một gia đình theo chủ nghĩa quân chủ, và ngoan đạo"; "Những năm còn nhỏ, ông đã được theo bố mẹ sáng Ý, rồi Tây Ban Nha" vv và vv.  Về cơ bản thì không sai, song đi vào tiểu tiết mới thấy so với không ít đứa trẻ khác, quả thực Hugo cũng chẳng hạnh phúc gì, nếu không nói là còn khá… bất hạnh. Bố ông - ông Joseph Léopold Hugo - đúng là một vị tướng, song suốt thời thơ bé, Hugo rất hiếm khi được gặp bố. Và nếu có gặp thì luôn chứng kiến việc bố mẹ cãi cọ, chửi bới nhau. Thậm chí có lúc bố ông còn phỉ nhổ vào mặt mẹ ông.

Là một sĩ quan trong quân đội của Napoléon Đệ nhất, bố của Hugo phải "đường chinh chiến nay đây mai đó". Ông có nhân tình. Mẹ Hugo - bà Sophie Trébuchet - ở nhà cũng vậy. Ông Léopold thuộc loại nóng tính, bà Sophie thì tính khí lạnh lùng, cứng rắn, lại hơn chồng một tuổi. Trong những bức thư còn lưu lại, người ta đọc thấy những dòng ông Léopold trách cứ vợ không chịu cho ông chung chăn gối. Năm Hugo lên 9 tuổi, bố ông đòi ly dị vợ để cưới cô nhân tình. Bà vợ không chịu, gửi đơn kiện lên "thủ trưởng" của ông ta. Việc tạm dừng lại. Một thời gian ngắn sau, bố mẹ Hugo lại đưa nhau ra tòa. Ông chồng tố vợ tội ngoại tình; bà vợ đòi chồng phải chia nhà. Tòa tuyên bà Sophie không đủ tư cách giáo dục hai con nhỏ, phải giao lại cho bố chúng. Ông Léopold giao việc chăm con cái cho em gái mình, cấm tụi trẻ giao tiếp với mẹ chúng. Ở với cô ruột song anh em Hugo dường như không cảm thấy một chút tình nghĩa máu mủ nào trong cách xử sự với các cháu của người đàn bà này.

Sau khi đế chế Napoléon sụp đổ, ông Léopold Hugo không còn được chế độ mới sủng ái nữa. Lương hưu của ông bị cắt chỉ còn một nửa. Chuyện nuôi con của ông được tòa tuyên lại. Lũ trẻ được trả về với mẹ chúng. Rồi mẹ Hugo mất (bà mất khi còn rất trẻ). Bố Hugo ở nơi khác không hay biết. Chỉ có ba cậu con trai của bà Sophie cùng vài ba người bạn thân đưa thi hài bà tới nghĩa trang.

Hugo có hai người anh trai. Người anh trai thứ hai là  Eugène sớm mắc bệnh trầm cảm. Khi mối quan hệ của Hugo với cô bé Adèle Foucher (sau này là vợ ông) đang vào hồi nồng thắm thì người anh này tỏ ra rất hậm hực. Khi hai người tổ chức hôn lễ thì cơn điên của Eugène thực sự bùng phát. Cao điểm, Eugène đã dùng dao đâm người mẹ kế (tức bà vợ sau của ông Léopold). Eugène sau đó đã được đưa vào chữa trị tại một bệnh viện tâm thần và đã chết ở đây năm 1837, khi chưa tới 40 tuổi.

Chân dung Adèle Foucher, vợ của Hugo.

Về chuyện bố mẹ, anh em thì vậy, về đường con cái của Hugo cũng hết sức bất hạnh.

Vợ chồng Hugo có cả thảy 5 người con. Đứa con đầu lòng của Hugo ra đời trong tình cảnh ốm o quặt quẹo và chỉ sống được một thời gian rất ngắn. Người con thứ hai - Léopoldine (sau này người ta thường tính là con cả của Hugo) đã chết đuối cùng chồng trong một vụ lật thuyền trên sông Seine vào trưa ngày 4/9/1843, khi cô chưa đầy 20 tuổi và đang mang thai 4 tháng. Hugo chỉ biết tin con mất khi ông vô tình đọc một tờ báo ở quán cà phê nọ. Sau này, Hugo vẫn ân hận là khi con mất, ông đang đi du hý với tình nhân tại một miền đất xa.

Người con gái sau của Hugo, cô Adèle (vì trùng tên mẹ nên được gọi là Adèle II) cũng giống như anh trai thứ hai của ông, sớm bị mắc bệnh tâm thần hoang tưởng. Cô không lập gia đình. Mặc dù không đoản thọ như chị gái Léopoldine (cô này sống tới 95 tuổi) nhưng hầu hết thời gian sống là ở trong bệnh viện tâm thần.

Hugo có hai người con trai. Họ ít nhiều đi theo con đường của bố: hoặc viết văn, hoặc làm báo. Cả hai đều mất khi còn ít tuổi. Khi Charles, người con trai cả của Hugo chết đột ngột, Hugo đã đau đớn nói: "Nếu tôi không tin rằng có linh hồn, tôi không thể sống thêm một giờ nào nữa". Vậy mà chỉ hai năm sau, năm 1873, ông lại phải chứng kiến sự ra đi của Francois Victor - người con trai còn lại. 

Vậy là, ở tuổi 71, Hugo gần như trơ trọi, không còn một người con nào (ngoại trừ một cô con gái đang sống trong bệnh viện tâm thần). Niềm vui gia đình ông dồn lại nơi hai cháu nội, con của Charles (trước đấy, một cháu nội của Hugo cũng đã chết khi còn nhỏ).

Để giữ các cháu không bị mẹ của chúng đưa đi mất, Hugo rất nuông chiều cô con dâu góa. Cô này sau đã lấy chồng, tên là Edouard Lockroy. Hugo phải chấp nhận Edouard Lockroy, mặc dù biết tay này rất căm ghét mình. Không hiếm lần, gã quát tháo, nạt nộ Hugo, gọi ông là "lão già ghê tởm", "đừng tưởng ông đang ở trong nhà chứa" (Hugo có tật là mê gái, kể cả khi ông đã có tuổi). Nhiều lúc, vừa ăn gã vừa lẩm bẩm chửi rủa ông khiến cho có lần, một người bạn cũ của con trai Hugo đã phải lên tiếng nhắc nhở gã. Đứa cháu nội của Hugo cũng đã bênh ông, phản ứng lại thái độ xấc xược của bố dượng.

Về người vợ của Hugo - bà Adèle Fouche - cũng xảy ra lắm chuyện khiến nhà đại văn hào phải không ít lần phiền lòng. Nổi bật nhất là chuyện bà ngoại tình với Sainte Beuve, người sau này được coi là nhà phê bình lớn nhất nước Pháp thế kỉ XIX, bấy giờ là bạn của Hugo. Sau này, khi Hugo ngày càng bận bịu với việc sáng tác, dựng các vở diễn thì tranh thủ thời gian ấy, khi Hugo ít để ý tới chuyện gia đình, Beuve càng nhúng sâu vào mối quan hệ với vợ ông.

Điều đáng ngạc nhiên là so với Hugo, Sainte Beuve không chỉ kém tài hơn, không nổi tiếng bằng mà về ngoại hình cũng thua xa. Vậy nhưng ông ta vẫn có cái duyên nào đó khiến bà Adèle bị chinh phục và cuộc tình của họ đã diễn ra thường xuyên trên các chuyến xe ngựa, và kéo dài gần chục năm trời. Người ta tính ra rằng từ năm 1831 tới năm 1842, bà Adèle đã gửi cho Sainte Beuve cả thảy 330 lá thư. Và trong những lá thư này, bà bày tỏ sự hạnh phúc khi được ở bên nhân tình. Thậm chí, bà còn kể nỗi thất vọng của mình trong đêm tân hôn với Hugo.

Đã có lúc, khi Hugo sinh đứa con thứ tư, thể theo ý kiến của vợ ông, ông đã cho mời  Beuve đến để làm lễ rửa tội cho đứa bé với tư cách cha nuôi của nó.

Chuyện hai người vỡ lở do Beuve thú nhận với Hugo về chuyện tình cảm của mình. Tiếp đó, Adèle lấy cớ không muốn sinh thêm con để bà và Hugo không chăn gối với nhau. Điều này khiến Hugo rất đau đớn. Khi ông nói tới chuyện chia tay thì Adèle lại thoái thác. Bà bảo bà sợ làm trái ý Chúa.

Năm 1844, cuốn "Sách ái tình" tập hợp những bài thơ mà Sainte Beuve viết về mối tình giữa ông ta và vợ Hugo được xuất bản lặng lẽ từ một năm trước bỗng nhiên được một tờ báo đưa tin và bình luận. Người đọc nước Pháp qua đó càng thêm biết chuyện Hugo bị vợ "cắm sừng". Phải nén lòng lắm Hugo mới không ra lời thách đấu với Bauve.

Tất nhiên, trong suốt cuộc đời mình, Victor Hugo cũng đã dan díu với không biết bao nhiêu phụ nữ. Song điều ấy không ngăn trở ông thể hiện mối hận với Bauve và mối hận đó được ông thể hiện trong nhiều trang nhật ký, trang thơ mà sinh thời, ông không hề cho xuất bản, chỉ giấu kín như một nỗi đau tinh thần. Trong số các giấy tờ của Hugo để lại, người ta tìm thấy một bài thơ có tiêu đề "Gửi S.B" (viết tắt tên của Sainte Beuve) mà ông sáng tác vào năm 1874, nghĩa là khi Sainte Beuve đã chết. Giọng thơ đầy uất hận. Điều ấy chứng tỏ Hugo không bao giờ tha thứ cho việc ông này đã quan hệ với vợ mình. Tất nhiên, vì để bảo vệ danh dự của vợ cũng như danh dự của chính mình, sinh thời, Hugo chưa gửi in bài thơ này ở bất cứ đâu

Trần Quang Thạch
.
.