Bi kịch gia đình của các bậc tài danh

Thứ Bảy, 23/08/2014, 08:00
Các nhà văn, nhà thơ, dù sau này có được hậu thế suy tôn là thiên tài, thì lúc sinh thời, như bất kì một công dân nào trên thế giới, họ đều không thể tách khỏi cái đại gia đình mà họ đã sinh ra. Và niềm vui, nỗi buồn nhiều khi cũng bắt nguồn từ đây. Thực tế đã cho thấy có không ít nhà văn, nhà thơ từng phải chịu nỗi đau đớn, giày vò bởi chính những ông bố, bà mẹ, người vợ, thậm chí là những đứa con của mình.

Thi hào Nga Aleksandr Pushkin (1799-1837)

Mặc dù sinh ra trong một gia đình thuộc dạng quyền quý, song suốt những năm dài tuổi thơ, Pushkin dường như không mấy được sống trong vòng tay âu yếm của bố mẹ. Chính vì lẽ đó mà người ta nhận thấy hình ảnh người mẹ đã "vắng bóng" trong thơ ông. Trường hợp người bố của Pushkin lại còn "ngán ngẩm" hơn. Chính Pushkin đã viết rằng: Tính tình cáu gắt và thái độ hống hách của bố ông là nguyên nhân khiến hai bố con không thể nào ngồi nói chuyện với nhau được lâu. Có thời kỳ, bố của nhà thơ được chính quyền địa phương giao cho nhiệm vụ "giám sát" các hoạt động của con trai mình. Và trong một lần bị kích động, lợi dụng không có người làm chứng, ông này đã chạy từ trong nhà ra ngoài sân mà la lên rằng, chính Pushkin "thằng con trai bất hiếu" đã đánh ông, đã "cố tình đánh cho ông chết". Không ít lần ông ta nói với mọi người rằng Pushkin là "đứa con quái dị", là "thằng con suy đốn".

Thi hào Anh Gordon Byron (1788-1824)

Sự tình xảy ra thật vô lý. Bẩm sinh, Byron có một cẳng chân bị teo. Đây là điều làm ông rất đau khổ, nhất là khi bị chúng bạn chế giễu. Ấy thế mà, hòa đồng cùng những kẻ chế giễu đó lại có cả... mẹ ông, người đã sinh ra đứa con khuyết tật kia! Điều này đã in sâu trong ký ức Byron, khiến sự mặc cảm và nỗi phẫn uất trong ông luôn chan chứa. Byron - trong suốt cuộc đời mình - đã viết hàng ngàn trang thơ, nhưng ta khó có thể đọc thấy ở đó những vần thơ ông thể hiện tình cảm của mình với mẹ.

Văn hào Nga Ivan Turgenev (1818-1883)

Trường hợp của văn hào Nga Ivan Turgenev cũng bi đát không kém. Bà mẹ ông, do mâu thuẫn với các con, đã có những quyết định "trừng phạt" rất tai nghiệt. Vốn khá giả, là chủ của những trang trại lớn, nhưng khi các con bà rất lễ độ đề nghị bà trích cho họ một khoản thu nhập nhỏ bé nào đó để họ khỏi quấy rầy bà vì những chuyện vặt vãnh, bà này đã "bỏ ngoài tai". Thái độ "độc đoán và chuyên quyền" của bà đã khiến Turgenev mất tự chủ. Ông giận thay cho người anh cả và thẳng thừng nói với bà mẹ rằng, việc bà đưa một người đã có vợ có con phải chịu nhiều thiệt thòi khó khăn (ý nói gia đình người anh trai) vào một tấn hài kịch như vậy là rất tàn nhẫn. Bà này không những không thay đổi mà còn ngày càng có những hành xử quái đản hơn. Theo Turgenev, mục tiêu duy nhất của mẹ ông là làm thế nào cho các con trai bị phá sản. Chính vì lẽ đó, trong bức thư cuối cùng gửi cho viên quản gia ở trang ấp của mình (viết trước khi mất) bà này đã ra lệnh cho viên quản gia phải bán toàn bộ dinh cơ đó "với một giá thật rẻ mạt hoặc thậm chí đốt nó đi nếu cần". Quả là cách "trừng phạt" con cái thật tàn nhẫn.

Văn hào Đức Jacob Grimm (1785-1863)

Tên đầy đủ của ông là Jacob Ludwig Karl Grimm. Ông sinh tại Hanau, một thành phố nhỏ thuộc bang Hessen. Bố mẹ ông sinh hạ được 9 người con. Năm Jacob lên 11 tuổi thì bố ông bố - ông Phillipp Wilhelm Grimm - qua đời. Cả gia đình của Jacob phải chuyển từ làng quê yên bình lên một căn hộ chật hẹp ở thành phố. Cái chết của ông Phillipp khi đó đã để lại một khoảng trống vắng lớn lao trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của ông và người em trai Wilhelm Grimm. Đọc "Truyện cổ Grimm", ta thấy hình ảnh người bố thường hiện lên với vẻ nhân từ, vị tha, trong khi quyền lực thực sự trong gia đình thường rơi vào tay các bà mẹ kế độc ác (như mẹ kế của nàng Bạch Tuyết hay mẹ kế của cô bé Lọ Lem). Theo các nhà tâm lý, điều này có căn nguyên từ hoàn cảnh riêng của anh em nhà Grimm - những người phải chịu cảnh thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi bố từ quá sớm. 

Văn hào Nga Lev Tolstoy cùng vợ.

Văn hào Nga Lev Tolstoy (1828-1910)

Năm 2010, nhân 100 năm ngày mất của đại văn hào Lev Tolstoy, NXB Alma Books (Nga) đã bất ngờ cho ra mắt đông đảo công chúng cuốn hồi ký của bà Sonia, vợ Tolstoy. Cứ theo nội dung của cuốn hồi ký, bạn đọc có thể thấy, bà Sonia đã tỏ ra khá thành công trong việc góp phần "hạ bệ" một Tolstoy thần tượng khi phơi trải trước mắt hậu thế chân dung một ông già "cục cằn, khó tính, không mấy đoái hoài tới gia đình và luôn miệng kêu ca phàn nàn...". Có người đã xem cuốn hồi ký của bà Sonia như một sự "trả đũa" người chồng vĩ đại của mình khi mà trước đấy, thông qua thư từ, hồi ký của chính Tolstoy, thi thoảng người đọc lại thấy bà hiện lên như một con người tham lam và... tai quái.

Các tài liệu công bố trước đây đều cho hay, những năm tháng cuối đời Tolstoy đầy bi kịch. Đỉnh điểm xung đột là khi ông soạn thảo chúc thư, trong đó có những điểm mà người thân trong gia đình ông cho rằng "bất lợi" đối với họ. Tolstoy sinh hạ được cả thảy 7 người con, trong đó có người con trai - như chính tiết lộ của Tolstoy, rất ác cảm với bố "Một việc ngạc nhiên và đáng thương - hắn đau khổ và ghen tị với tôi, và lòng ghen ấy đang chuyển sang lòng căm thù" - Tolstoy cho biết. Điều đáng ngạc nhiên là người con này cũng theo đuổi nghệ thuật. Anh ta viết văn, làm tượng và trong cuốn nhật ký của mình, anh ta nói rõ là anh ta căm ghét bố mình như thế nào.

Riêng bà Sonia thì khỏi nói, bà hành hạ chồng bằng nhiều cách. Sự thực thì không phải bà không yêu ông, song vì mối "quan tâm" của bà đối với bản chúc thư kia còn lớn hơn, nên bà đã "để mắt" tới Tolstoy một cách thật... đáng sợ, khiến ông cảm thấy cuộc sống lúc nào cũng như địa ngục. Van xin Tolstoy hủy bản chúc thư không được, bà quay sang đe dọa... tự vẫn. Khách đến chơi nhà Tolstoy thi thoảng lại chứng kiến cảnh một bà lão kêu la điên loạn. Thậm chí, không hiếm lần bà chạy ra vườn, lăn lộn trên cỏ, dọa sẽ để cho mình bị cảm lạnh, khiến người chồng già phải xấu hổ trước bàn dân thiên hạ. Không dừng ở đấy, Sonia còn ngầm cho người thân cận ghi tốc ký tất cả những chuyện cãi cọ giữa hai vợ chồng, cốt để làm bẽ mặt ông. Có những đêm, bà "khủng bố" ông bằng cách vờ tử tự bẳng khẩu súng... đồ chơi của trẻ con!

Tức nước vỡ bờ, sự chịu đựng của Tolstoy đã hết giới hạn. Ở tuổi 82, cực chẳng đã ông phải bí mật bỏ nhà ra đi, để rồi trút hơi thở cuối cùng tại phòng chờ của một nhà ga. Một trong những câu nói cuối cùng của ông mà người ta ghi lại được là: "Tôi sẽ đi đâu đó để không làm phiền ai cả. Hãy để cho tôi yên".

Văn hào Mỹ Jack London (1876-1916)

Jack London là một trong những nhà văn hiện đại Mỹ có tác phẩm được dịch in nhiều nhất đồng thời cũng là một trong số những nhà văn Mỹ được mến mộ nhất ở Việt Nam. Ông sinh ra tại San Francisco (Mỹ) trong một gia đình nghèo. Thuở nhỏ, ông bị xem là "con hoang". Mãi tới khi đã lớn, ông mới biết cha đẻ của mình chính là nhà chiêm tinh William Chaney. Ông bèn viết thư cho cha, song Chaney nhất quyết cự tuyệt. Cuộc sống vốn đã túng bấn của London vì thế càng thêm khốn khó. 

Jack London đã phải trải qua một tuổi thơ đói khát. Trong một cuốn tự truyện, ông từng kể năm lên 7 tuổi, ông đã phải ăn cắp một chiếc bánh sanwich của cô bé hàng xóm. Tới năm lên 9 tuổi, ông mới có chiếc áo sơ mi đầu tiên trong đời. Năm lên 10 tuổi, ông phải đi giao báo. "Tôi phải dậy từ lúc trời còn mờ tối để kịp giờ học đầu tiên sau khi phát hành báo xong". Mặc dù ham mê đọc sách từ nhỏ, song tới năm 14 tuổi, do hoàn cảnh, Jack phải bỏ học. Từ đây, ông bắt đầu cuộc sống phiêu bạt với đủ thứ nghề: làm công nhân nhà máy đồ hộp, nhà máy điện, nhà máy đay. Năm 17 tuổi, Jack London trở thành thủy thủ. Ông theo tàu sang Nhật Bản; đi săn hải cẩu ở Thái Bình Dương. Ông từng bị bắt vì tội… "lang thang"...

Trần Ngọc Thắng
.
.