Bi kịch của một gia đình nghệ sĩ

Thứ Ba, 12/09/2017, 10:41
Tên tuổi của họ mãi mãi gắn bó với nhau bởi một trong những bài thơ hay nhất thế kỷ XX  "Đợi anh về". Năm 1941, khi sáng tác bài thơ này, Konstantin Simonov (1915-1979) ghi lời đề tặng "Cho Valentina Vasilyevna Serova". Lúc bấy giờ nữ diễn viên chỉ mới 22 tuổi, và phụ danh của bà trong lời đề tặng này càng nhấn mạnh tình yêu và sự tôn trọng mà tác giả dành cho nàng thơ của mình.


58 bông hồng đỏ

Tuy nhiên, thời gian trôi qua và Simonov rút ngắn lời đề tặng này xuống chỉ còn hai chữ viết tắt "V.S.", còn trong những bài thơ khác dành tặng Serova và đem vinh quang về cho ông, ông hoàn toàn không nhắc tới tên bà - thậm chí cả trong tập thơ trữ tình "Có em và không em" viết vào giai đoạn ông tha thiết ngỏ lời cầu hôn với nữ diễn viên.

Chính Simonov nói rằng, tình cảm đối với Serova ông đã nói hết trong thơ; trong những câu thơ được cả đất nước rộng mênh mông say sưa đọc, được chép tay, được nhớ thuộc lòng; những câu thơ tôn vinh ông, nhà văn trẻ và phóng viên mặt trận. Thế nhưng những dòng cuối cùng của Simonov gửi cho Valentina Serova lại hoàn toàn khác: "Anh không thể làm thơ cho em, cả con người mà em vốn có, cả con người mà em đã trở thành", "đơn giản là anh không còn yêu em nữa…".

Simonov không đến dự đám tang của Serova, chỉ gửi tới đặt bên mộ bà 58 bông hồng đỏ, bằng số tuổi của nữ nghệ sĩ. Mặc dù, trên thực tế, nữ nghệ sĩ còn ít tuổi hơn, chỉ 56 tuổi. Vâng, trong hộ chiếu của Valentina Serova ghi năm sinh là 1917, tuy nhiên, sau đó người ta giải thích rằng bà sinh năm 1919, nhưng đã khai tăng tuổi để được nhận vào trường sân khấu.

Nhà Thơ Simonov và nữ diễn viên Valentina Serova thời còn mặn nồng.

Ngôi sao điện ảnh và góa phụ của người Anh hùng

Thông thường, các nữ diễn viên thích giảm bớt tuổi của mình. Còn Serova thì ngược lại, cả trong những mối quan hệ khác, bà là một "ngôi sao" không điển hình. Không có một bức ảnh hay thước phim thời sự nào ghi lại bà mặc váy dài buổi tối. Bà không mặc áo hở vai, không đeo vòng kim cương. Bao giờ cũng nghiêm nghị, trang phục kín mít. Bà không "đầu cơ" ngoại hình hấp dẫn của mình. Không thích sự xa hoa. Mặc dù bà có căn hộ nằm ở trung tâm Moskva, xe hơi Mỹ mui trần do bà tự lái.

Serova là họ người chồng thứ nhất của bà, Anh hùng Liên Xô, phi công thử nghiệm Anatoly Serov, nhiều hơn bà gần 10 tuổi. Với tên họ này bà đã đi vào lịch sử của nền điện ảnh Xôviết. Đó là một mối tình sét đánh. Anatoly gặp nữ diễn viên trẻ tại nhà một người bạn phi công trong một dạ hội và mời nàng khiêu vũ.

Ba ngày sau, anh ngỏ lời cầu hôn, còn một tuần sau, ngày 11 tháng 5 năm 1938, họ chính thức làm lễ cưới. Đôi vợ chồng trẻ dọn đến sống tại một căn hộ rộng ở trung tâm Moskva. Anatoly bế người vợ 19 tuổi trên tay. Thật khó hình dung về Valya, người đang mang thai đứa con trong bụng, cảm thấy điều gì khi nghe tin chồng tử nạn trong một chuyến bay thử. Điều đó xảy ra vào dịp kỷ niệm một năm ngày cưới của họ, ngày 11 tháng 5 năm 1939.

11 năm sau, lúc đã là vợ của Simonov, cũng vào ngày này, đứa con gái Masha của họ ra đời. Theo lời kể của Maria Simonova,  sinh nhật của chị bao giờ cũng bắt đầu với việc cùng mẹ đến bức tường điện Kremli, nơi thi hài của Anatoly Serov yên nghỉ.

Đứa con trai của họ sinh cuối năm 1939 mang tên người bố đã hy sinh - Anatoly. Số phận Anatoly trở nên bi thảm, anh qua đời ở tuổi 34.

Người tình cuồng nhiệt

Năm 1939, Serova vừa gánh chịu nỗi đau riêng vừa được công nhận trong nghề nghiệp. Gần như cùng thời điểm người chồng hy sinh, trên màn ảnh của đất nước xuất hiện bộ phim "Cô gái có cá tính" do Serova sắm vai chính. Serova trở thành đối tượng ái mộ của toàn dân. Giờ đây tên bà được nhắc tới trong mỗi gia đình. Nữ diễn viên tiếp tục cả sự nghiệp sân khấu, bà diễn kịch tại Nhà hát Lenkom, nơi lần đầu tiên nhà thơ trẻ và nhà văn Konstantin Simonov nhìn thấy bà. Ông 25 tuổi, vào thời điểm đó chuẩn bị ly hôn lần thứ hai và là bố của một cậu con trai nhỏ, nên điều này không ngăn cản ông dâng hiến cho tình cảm mới. Simonov tìm mọi cách gần gũi nữ nghệ sĩ, ông không bỏ sót một buổi biểu diễn nào của bà, bao giờ cũng ngồi ở hàng ghế đầu tiên, tay cầm một bó hoa.

Ông viết thư, chuyển cho bà những mẩu thư con từ sau cánh gà. Đồng thời chuẩn bị chia tay với vợ.

Simonov "bao vây" nữ diễn viên trẻ như bao vây một pháo đài. Và bà, rốt cuộc, đã buông… "cờ trắng". Bài thơ "Đợi anh về" của ông đóng một vai trò quan trọng trong "chiến thắng" này. Năm 1943, họ tổ chức một đám cưới giản dị, sau đó Simonov ra tiền tuyến và trở thành phóng viên mặt trận. Cũng trong năm này, bộ phim "Đợi anh về" do Valentina Serova đóng vai chính dựa theo môtip bài thơ nổi tiếng xuất hiện trên màn ảnh.

Lại chia tay

Tưởng như sau ngày Chiến thắng, Valentina Serova và Konstantin Simonov rốt cuộc có thể tận hưởng hạnh phúc gia đình một cách trọn vẹn. Thế nhưng, giữa thời bình họ vẫn phải sống xa cách không ít hơn trước đây. Con đường hoạn lộ của nhà thơ tài năng và nhà báo Simonov không ngừng đi lên. Ông thường đi công tác, kể cả đi nước ngoài.

Hàng tuần, hàng tháng bà lại chờ đợi ông. Liệu ông có thể ít tham gia những chuyến đi này hơn không? Liệu ông có thể từ chối chúng để ở bên cạnh người phụ nữ mà ông đã dành tặng những bài thơ trữ tình sâu sắc nhất của mình không? Trong các tác phẩm của Simonov, không có câu trả lời. Nhưng không hiểu sao, nếu ở vào vị trí của ông, Serova có thể sẽ lựa chọn tình cảm. Bà để lại ấn tượng một con người sống bằng trái tim.

Có một thời bà tin rằng Simonov cần bà như không khí, một phần cũng nhờ những bài thơ của ông. Nhưng hiện thực hóa ra tẻ nhạt hơn. Liệu bà có thể chấp nhận điều đó không? Tiếc thay, chúng ta biết quá ít về thế giới nội tâm của nữ diễn viên Valentina Serova. Không có những bộ phim thời sự, nơi bà đã trả lời phỏng vấn. Không có những trang nhật ký được công bố để có thể đọc và hiểu người phụ nữ này đã sống như thế nào.

Xét về mặt này, rất có giá trị là ý kiến của nhà báo Galina Dolmatovskaya, người đã tiến hành nghiên cứu thư từ riêng của nữ nghệ sĩ. "Tôi rất kinh ngạc khi thấy bà giữ gìn cẩn thận từng mẩu thư, từng bức điện báo của bạn bè, những bức thư của những người lính gửi về từ mặt trận. Thật xúc động trước những trang nhật ký của bà viết về con gái. Không thể hình dung được rằng người phụ nữ xinh đẹp tóc vàng này chép lại các vai diễn mà bà muốn diễn xuất. Đối chiếu các bản dịch "Hamlet" khác nhau, trên một trang giấy riêng bà chép ra một câu văn nào đó với những cách đọc khác nhau".

Những bức thư bị đốt

Maria Simonova, con gái của họ, nói rằng Valentina Serova cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời đã gìn giữ những bức thư của Simonov gửi từ mặt trận như một báu vật. Sau khi mẹ qua đời, con gái đã mang đi tất cả những bức thư này từ căn hộ của nữ nghệ sĩ.

Nhưng sau đó chị đã thực hiện ý nguyện của người cha Konstantin Simonov - trả lại tất cả những bức thư cho ông. Chị đã trả lại và hiểu rất rõ rằng ông muốn hủy chúng. Simonov sống lâu hơn Serova mấy năm. Không lâu trước lúc qua đời, ông đã tự tay đốt những bức thư con gái mang tới tại bệnh viện. Tuy nhiên, trước khi mang những bức thư cho bố, Maria đã kịp chép lại một số bức. Chị biết rằng mẹ rất quý chúng. Chị không có ý định công bố những bức thư này, nhưng sự việc lại diễn ra theo cách khác. Không được sự đồng ý của chị, 6 bức thư đã được đăng tải.

Sau đây là nội dung một trong những bức thư do Simonov viết vào tháng 5 năm 1945, hai ngày trước khi chiến tranh kết thúc: "Chúng ta có thể mang lại nhiều hạnh phúc cho nhau khi chúng ta ghì chặt nhau, khi chúng ta ở bên nhau, khi em là của anh mà không bị những lời thóa mạ. Ôi, anh nhớ em biết bao nhiêu, nhớ thân thể em. Anh yêu em, và hôm nay anh không muốn viết gì thêm cho em nữa. Lúc này trời hãy còn sớm - vừa mới hửng sáng, anh sắp phải ra mặt trận hai ngày… còn bây giờ anh có cảm giác như đang ôm em trong vòng tay và âu yếu em đến nghẹt thở vì hạnh phúc, anh không muốn nói về bất cứ điều gì khác, em có hiểu anh không…".

Họ chính thức ly hôn năm 1957, khi con gái Maria của họ mới 7 tuổi. Người ta nói và viết rằng ông không thể chịu nổi chứng nghiện rượu của bà. Nhưng người ta cũng nói và viết rằng, chứng nghiện rượu này phát sinh ở bà chính trong những năm họ chung sống với nhau. Cuộc chia tay của họ là bí mật riêng của họ. Cả Simonov lẫn Serova đều không bình luận gì về điều đó.

Đám tang của Serova diễn ra vào tháng 12 năm 1975, trong số những người tham dự lễ cầu siêu không thấy ai phát biểu gì. Một sự im lặng nặng nề kéo dài bên quan tài nữ "ngôi sao" được cả nước mến mộ. Thấy vậy, một bạn gái của Serova, người luôn luôn ở bên cạnh bà cho đến giây phút cuối cùng đã mở bài hát trong phim "Đợi anh về" do chính Serova thể hiện. Cứ thế, người ta khiêng quan tài bà đi. Một trong những người tham dự đám tang nhớ lại rằng người bạn gái nọ đi ba tiếng đồng hồ trên đường phố Moskva và khóc nức nở.

Sau khi chia tay với Serova, trong các đêm thơ của mình, Simonov tránh đọc bài thơ "Đợi anh về". Nhưng đôi khi ông buộc phải đọc vì có nhiều khán giả yêu cầu. Chúng ta không biết được ông suy nghĩ và cảm thấy điều gì trong giờ phút ấy. Chỉ biết những lời ông nói trước lúc qua đời với con gái Maria: "…những gì bố đã trải qua với mẹ của con là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời bố… và cũng là nỗi đau lớn nhất".

PV
.
.