Bí ẩn xung quanh bức chân dung “Sĩ phu Bắc Hà”

Thứ Năm, 07/04/2005, 08:07

Ẩn ý trong bức tranh Sĩ phu Bắc Hà là gương mặt của nhân vật - cụ Cử Nguyễn Sỹ Đức - có nét đau buồn mà cương nghị với đôi mắt rực sáng. Ít ai biết rằng cụ chít khăn trắng là để tang nước mất và phong trào Đông Kinh - Nghĩa Thục bị thực dân Pháp dập tắt vào năm 1907.

Họa sĩ Nam Sơn tên thật là Nguyễn Vạn Thọ, sinh ngày 15/2/1890, mất ngày 26/1/1973. Ông là một nhà nho yêu nước, có năng khiếu hội họa, một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1923, hoạ sĩ thực hiện bức chân dung sơn dầu có tựa đề Sĩ phu Bắc Hà vẽ chân dung cụ Cử Nguyễn Sỹ Đức, người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, người thầy đáng kính đã dạy ông Hán học và cả hội họa phương Đông.

Bức tranh nổi tiếng này đã được in trên bìa cuốn sách Nho Phong của Nhất Linh năm 1926 (hiện còn lưu trữ tại Thư viện Quốc gia). Sau khi ẩn ý của bức tranh bị lộ, vì mật thám Pháp đã đánh hơi thấy, họa sĩ Nam Sơn liền cất kỹ bức tranh lên bàn thờ tổ tiên. Mãi đến 77 năm sau, kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, bức tranh Sĩ phu Bắc Hà mới được gia đình họa sĩ Nam Sơn công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam.

Có thể nói, chính bức chân dung sơn dầu Sĩ phu Bắc Hà đã làm cho họa sĩ V.Tardieu nể trọng tài năng của Nam Sơn và từ đó tin tưởng vào khả năng người Việt Nam có thể vẽ được tranh sơn dầu như người Âu châu và nhận lời thuyết phục Chính phủ Pháp qua bản đề cương xây dựng Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội do Nam Sơn đề xướng năm 1923.

Cuốn sách Paris - Hanoi - Saigon, cuộc phiêu lưu của hội họa hiện đại Việt Nam do nhà xuất bản Những bảo tàng Paris xuất bản ở Paris năm 1998 đã xác nhận: “Qua những cuộc trao đổi giữa họ (V.Tardieu và Nam Sơn) đã nảy ra ý kiến thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội… Trường được chính thức thành lập do một Nghị định của Toàn quyền Merlin. Trường này  nói cho đúng hơn là kết quả của tình bạn kỳ lạ giữa hai người (V.Tardieu và Nam Sơn)”.

Họa sĩ Nam Sơn là người tham gia giảng dạy từ khóa đầu tiên đến khóa cuối cùng ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, tất cả 18 khóa, từ 1925 - 1945 và phần thưởng lớn nhất ông đạt được là đã tham gia đào tạo hơn 120  họa sĩ, nhà điêu khắc tài năng, niềm tự hào của Mỹ thuật Việt Nam. Một số nghệ sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đã có những tác phẩm làm giới hội họa quốc tế thán phục và nhiều người ngày nay đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

Năm 1998 tại Triển lãm Mỹ thuật Mùa xuân Việt NamParis do tòa thị chính Paris hợp tác cùng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam tổ chức, 3 tác phẩm của Nam Sơn đã được giới thiệu. Tiếp đó cuốn Voyager Magazine (Paris-1998) đã giới thiệu triển lãm này và bức tranh Chân dung người nông dân của Nam Sơn với lời bình ghi ngay bên trên tác phẩm: “Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị quên lãng, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng!”. Đây cũng là niềm tự hào chung của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Điều không thể quên và khác với một số nghệ sĩ có tên tuổi thời Pháp thuộc: Nam Sơn không bao giờ vẽ chân dung những vua quan, toàn quyền, công sứ, người nhà giàu… mà ông thường vẽ phong cảnh đất nước, nhà nho, nhà sư, người lao động nghèo và cả người hành khất (như họa sĩ Tây Ban Nha Murillo).

Hơn nửa thế kỷ làm việc, vừa sáng lập trường, vừa giảng dạy, ông đã sáng tạo cần mẫn, để lại một gia tài hội họa với hơn 400 tác phẩm nhưng ít được công bố bởi tính khiêm nhường vốn có.

Với uy tín của mình, sau Cách Mạng Tháng Tám thành công, họa sĩ Nam Sơn đã được cử vào Ban phụ trách tiếp quản Trường Viễn đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam).

Từ năm 1957 đến khi qua đời (1973) ở tuổi 83, Nam Sơn đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông là một trong số ít danh họa có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003

Hoàng Kim Đáng
.
.