Bến phà hóa thân cùng lịch sử

Thứ Ba, 03/05/2016, 08:00
Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc đã đi qua hơn bốn thập niên, nhưng bến phà Địa Lợi ở Hà Tĩnh hừng hực, hiên ngang chọi cùng bom đạn để dẫn hàng trăm chuyến xe vượt Trường Sơn "bon bon ra chiến trường" vẫn còn neo mãi với thời gian. Neo mãi với thời gian những hành động phi thường, bất chấp gian khổ, sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần của những đội quân cảm tử.


Phà ta cứ sang xe ta cứ vượt:

Từ ngã ba Đồng Lộc những đoàn xe vận tải nối nhau trên con đường 15A vượt đại ngàn Trường Sơn ra chiến trường. Xe vượt qua bao thác, bao ngầm, nhưng những anh lái xe hồi ấy không bao giờ quên được, dù chỉ một lần thôi qua bến phà Địa Lợi sông Ngàn Sâu. Tôi đã nghe không ít  câu chuyện huyền thoại về con phà này.

Khi  đang loay hoay tìm lại "đội hình cựu thanh niên xung phong" bám phà Địa Lợi hồi ấy, tôi may mắn gặp ngay ông Trần Xuân Thi (một trong những nhân chứng cũ), đang phụ hồ trát vữa, xây nhà mới cho đứa con trai cạnh chân cầu Địa Lợi.

Theo ông Thi kể:  Bến phà Địa Lợi hồi xưa thực dân Pháp xây. Vật liệu tạo nên chỉ bằng gỗ lim và tre ngà thôi, nhưng kiên cố lắm. Dẫu xe có trọng tải lớn vẫn không hề bị hư, bị lún. Trong chiến tranh phà được cải tiến bằng cầu phao, bên dưới được đỡ bằng thùng phao, phía trên lát gỗ 12 nhịp. Chiều dài toàn cầu từ bờ Bắc sang bờ Nam gần 500 mét, rộng hơn 4 mét. Vào thời điểm năm 1965- 1968, tại bến phà Địa Lợi đơn vị C8, binh đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn được cấp trên giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý. Sứ mệnh lịch sử đặt trên vai người lính bảo đảm an toàn thông suốt, kịp thời cho xe ra chiến trường. Những chuyến xe xuyên suốt dặm dài, đầy ắp lương thực, vũ khí, thuốc men.

Bến phà Địa Lợi năm xưa.

Để cắt đứt mạch "huyết quản" này, không lực Hoa Kỳ đã dùng đủ mọi thứ "cánh cụp, cánh xòe" ném xuống bến Phà Địa Lợi đủ các loại bom từ trường, bom bi, thủy lôi...". Túi bom Địa Lợi" càng khủng, sức bám trụ của hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong… càng gan dạ, dẻo dai, với khẩu hiểu "Một tấc không đi, một ly không rời". Ban ngày các phương tiện sử dụng trên bến phà được dịch chuyển vào nơi bí mật, ban đêm lại ra làm nhiệm vụ cho xe và hàng qua sông.

Ông Thi giơ bàn tay răn reo chỉ về phía hữu ngạn, hiện hữu một cồn đất hình mai rùa nổi lên, lơ phơ cây hoang dại:

"Chỗ đó không biết có bom nằm dưới đất hay không, chứ hồi đó hàng loạt bụi tre bị bom cắt nát ngọn, nhiều khóm cháy sém đen. Nhìn mô cũng thấy hai bên bờ bến phà hố bom sâu hoắm, làng mạc tiêu điều. Nhưng kỳ lạ chẳng ai sợ chết cả".

Càng nhắc lại ký ức cũ, ông Thi như bị thôi miên trong những dòng ký ức. Tất cả các hình ảnh một thời sống dậy trong tâm thức ông. Ông nhớ như in anh Thìn, anh Đạt, anh Hường, anh Thanh trước lúc đi rà phá thủy lôi trên sông, đơn vị đã tổ chức làm lễ truy điệu trước. Trong những người cảm tử quân này, đang đối mặt với cái chết, sẽ có người vĩnh viễn nằm lại, nhưng tuyệt đối không ai khóc. Ôm nhau, chia tay nhau bằng nụ cười chiến thắng.

Hồi ấy bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân tình cảm thương yêu nhau như khúc ruột mềm. Ngày chẳng sợ bom ném, bà con dân Hương Thủy sớm lại chiều vẫn đều đặn gánh nước chè xanh cho những người trực chiến uống. Có bao nhiêu chuối, mít, bưởi, cam chín trong vườn đều dành "khao" bộ đội và thanh niên xung phong.

Ông còn nhớ một  bà mẹ ở Hương Thủy đứng cầm đòn gánh mồ hôi ướt nhẫy, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu: "Con tôi hai đứa đương ở chiến trường xa, bữa ni được đưa mít chín trong vườn ra mời các chú ăn, tôi thấy như được gặp con tôi rồi".

Đêm ở bến phà Địa Lợi, các đội hình chiến đấu đều thức trắng đêm. Thức canh chừng máy bay Mỹ tới, thức để hướng dẫn các mật hiệu cho xe thông phà. Một hôm có xe ba chiếc xe chở đầy lương thực, vừa dừng bánh phía bờ bắc thì đột ngột mười chiếc máy bay từ xa tới. Chúng tung pháo sáng rực trời, soi rõ được cả từng con dơi đang ngủ trên tàu lá cọ. Bom sát thương ném xuống dòng sông, kêu xé tai nhức óc. Rồi tiếp đến bom bi nổ lục bục, những cột nước trắng dựng lên cao ngất trong âm thanh chát chúa.

Thế nhưng cả đại đội TNXP, người nọ nối tiếp người kia cõng trên vai mình từng bao gạo đem giấu vào hầm trú ẩn, có bao giấu kín trong vườn dân, cách xa mục tiêu ngót gần một cây số. Một lát sau, bom ngừng nổ, tất cả anh chị em TNXP lại gùi số gạo giấu đó xếp gọn gàng, đủ đầy lên xe… Nhưng mạo hiểm nhất, dịch chuyển bom từ trường để bộ đội công binh kịp thời làm nhiệm vụ phá bom… Chính ông Thi đã từng đau đớn chứng kiến cảnh đồng đội mình xác không còn nguyên vẹn, khi quả bom từ trường đột ngột phát nổ.

Người anh hùng thuở ấy:

Cho tới hôm nay không ít những người bám trụ phà Địa Lợi cách đây bốn thập kỷ đã thành người thiên cổ. Nhưng tên tuổi của họ vẫn được lưu danh tới muôn đời. Họ chính là hạt nhân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một trong những người có trái tim thép và sự mưu trí dũng cảm, phá hủy 280 quả bom các loại, đảm bảo cho phà Địa Lợi thông tuyến an toàn đó là ông Hồ Văn Minh (quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê).

Bà Võ thị Xanh cựu TNXP, một thời chia lửa cùng đồng đội nhắc lại những hành động phi thường của ông Minh đầy tự hào: "Nếu kể đến Huân chương, huy hiệu gài lên ngực ông có thể phủ kín áo. Nào Huân chương chiến công phá bom, nào huân chương bắt sống phi công Mỹ.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm. Bữa đó đúng vào giữa trưa tháng 5 năm 1968. Xứ sở  Hương Khê thì chú chẳng lạ gì, nắng nóng khô người, cháy cỏ. Hôm đó ông Hồ Văn Minh được giao nhiệm vụ trực chiến tại bến phà, tôi được phân công nấu ăn cho tổ trực chiến. Sau khi hai chiếc máy bay Mỹ sà thấp ném bom, khẩu đội pháo của ta giăng lưới lửa lên trời bủa vây. Tôi bỗng nghe có tiếng reo lớn: "Cháy rồi. Máy bay hắn cháy rồi".

Tôi chưa kịp nhìn lên trời thì đã thấy ông Minh, nhảy ùm xuống sông, một tay cầm con dao găm bơi một mạch sang bên kia bờ Nam. Té ra ông đã nhanh mắt phát hiện hai thằng phi công vừa nhảy dù xuống. Bọn chúng đang bước thấp, bước cao trên đám ruộng dân vừa mới cấy. Ông Minh người thấp nhỏ, hai thằng phi công cao lều khều. Thế nhưng nó chẳng chống cự ông, ngoan ngoãn để ông Minh trói tay giải về phòng giam...".

Bà Xanh gật gù: "Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho ông Hồ Văn Minh là rất xứng đáng. Bởi ông ấy không chỉ dũng cảm bắt sống giặc lái, còn mưu trí để cứu phà trong lúc gặp nạn nữa. Hôm ấy vào đầu tháng 9-1967, cả tuần trời liên tiếp đổ mưa, khi ông Minh Cùng với năm anh em khác đang vận chuyển hai chiếc xe chở đầy quân trang.

Cầu Địa Lợi hôm nay.

Con phà vừa ra đúng giữa dòng thì một tốp máy bay phản lực ập đến. Phát hiện đúng mục tiêu, chúng bắn đạn xối xả... Một viên đạn rốc két đã xuyên thủng bụng phà, nước từ sông ồng ộc chảy vào. Nhanh như cắt ông Minh vội cởi quần áo nhét vào lỗ thủng ấy… Chưa hết ông đu cả hai tay vào mạn phà, dùng toàn thân mình đè tiếp lên lỗ thủng... Một tốp máy bay khác lại tiếp tục quần thảo, xả đạn xuống như mưa.

Ông Minh bị một mảnh đạn xuyên vào mạng sườn bên trái, nhưng chuyến phà đêm hôm đó đã tới bờ Nam an toàn… Câu chuyện cứu phà trong bão đạn, đơn vị chưa kịp giục ông Hồ Văn Minh viết bản thành tích, thì hai ngày sau một phóng viên trẻ Báo Quân đội nhân dân đã lặn lội từ Hà Nội vào tìm phỏng vấn. Một tuần sau, đồng đội đã chuyền tay nhau đọc bài báo ấy.

Hạnh phúc thật bất ngờ, bài báo ấy cũng được Bác Hồ khen hay rồi ông Hồ Văn Minh được ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Khi từ thủ đô về, ông Minh đưa kẹo Hải Hà ra "khao" anh em trong đơn vị và vui sướng bảo: "Tớ được Bác ôm hôn, rồi dặn dò động viên phải cố gắng hơn nữa để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tớ được chụp ảnh chung với Bác, mọi người trong buổi gặp hôm đó ai cũng được Bác Hồ tặng huy hiệu...".

Chúng tôi đang  vui chuyện,  bỗng  nghe tiếng còi báo động huýt. Ông Minh giấu tấm ảnh đó vào đáy ba lô, tiếp tục vào đội hình chiến đấu…". Bà Xanh ngừng kể, đôi mắt đỏ hoe vì xúc động.

Tôi bỗng nhớ trong ca dao thường vẫn nhắc "Qua bến cũ, nhớ đò xưa" với những người cựu TNXP lúc này, không chỉ có bà Xanh mà bao nhiêu người  khác nữa hẳn sẽ neo mãi vào lòng khi nhắc tới địa chỉ đỏ: Bến phà Địa Lợi. Tôi cứ nghĩ một ngày nào đó, trên bên phà này tượng đài chiến thắng được dựng lên. Tượng đài ấy sẽ có những lớp trẻ hôm nay đến tri ân và đặt dưới chân tượng những bông hồng tươi thắm.                                                                                     

4- 2016

Ghi chép Phan Thế Cải
.
.