Nhà báo-nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến :

Báo chí xưa là nguồn tư liệu quý giá

Thứ Năm, 25/06/2020, 14:35
Thành công với những cuốn biên khảo “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Me Tư Hồng”, và gần đây là “Chuyện quanh quanh Dâm Đàm”, nhà báo - nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, báo chí xưa là nguồn tư liệu quý giá không thua kém gì sách. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo - nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến.


- Thưa, ông đến với nghề báo như thế nào? Và đến thời điểm nào ông bắt đầu quan tâm đến những trang báo, tờ báo của những thập niên trước?

+ Tôi bắt đầu viết báo từ khi còn là sinh viên năm thứ 3 Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Bài báo đầu tiên tôi viết về chân dung đạo diễn Xuân Huyền đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Bài thứ 2 đăng trên Hà Nội mới có tiêu đề “Nghệ thuật và quảng cáo xưa” do tôi tự gửi đến tòa soạn. Bài thứ 3 đăng trên Đại Đoàn Kết không phải là báo, mà là truyện ngắn… Vì học ở trường Sân khấu – Điện ảnh nên hầu hết các bài báo của tôi về văn hóa  nghệ thuật.

Có lẽ nghề báo của tôi bắt đầu từ đây. Năm 1990, tôi vào Sài Gòn làm bài tốt nghiệp, để có tiền sống, tôi viết báo. Người giúp đỡ tôi rất nhiệt tình là nhà báo Phạm Thanh Vân, khi đó anh là phóng viên  báo Tuổi Trẻ. Anh cho vé tôi đi xem phim, cải lương, kịch nói, hát bội. Rồi anh bảo tôi “cầy” bài gửi cho anh và anh kiếm ảnh gửi cho các báo Long An cuối tuần, Khánh Hòa chủ nhật, Tây Ninh… nhờ đó tôi có tiền chi tiêu trong 4 tháng ở Sài Gòn. Bảo vệ luận văn tốt nghiệp tháng 6-1990, 2 tháng sau tôi về báo Hà Nội mới…

Vì luận văn của tôi là “Lịch sử cải lương miền Nam trước giải phóng” nên tôi buộc phải tìm đến các báo xuất bản từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1975. Cũng nhờ anh Phạm Thanh Vân, tôi có cơ hội tiếp cận với thư viện của báo Tuổi Trẻ, ăm ắp sách báo. Để thêm tài liệu, tôi vào thư viện Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đọc các báo mà thư viện báo Tuổi Trẻ không có.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

Giai đoạn này cứ chép 1 trang tài  liệu, thư viện bắt trả 2 kg gạo (qui ra tiền) nên tôi phải nhờ  ông Trương Bỉnh Tòng khi đó là Phó giám đốc sở Văn hóa TP Hồ Chí Minh can thiệp nên được miễn. Để có có thể so sánh với cải lương miền Bắc, tôi phải quay ra Hà Nội vào Thư viện Quốc gia đọc các báo xuất bản trước năm 1954 ở miền  Bắc. Với tôi, báo chí xưa là nguồn tư liệu quý giá không thua kém gì sách.

 - Lật lại những tờ báo cũ của Hà Nội, ông thường có những cảm xúc như thế nào?

+ Khá là tò mò vì muốn biết các nhà báo xưa viết gì, cách viết như thế nào. Cũng rất háo hức vì cảm giác mình được sờ, được chạm vào quá khứ.   

- Qua đi cảm xúc ấy là yếu tố đi tìm tư liệu. Những tư liệu về Hà Nội ông thường bắt gặp trong những tờ báo nào?

+ Hầu như báo nào cũng có bài viết, tư liệu về Thăng Long-Hà Nội, tuy nhiên có số báo có, có số lại không có gì. Từ những tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên như Đông Dương tạp chí đến Phong hóa, Thực Nghiệp, Hà Thành ngọ báo rồi trong thập niên 30 là các báo Phụ nữ Thời đàm, Ngày nay, Hà Nội báo, Hà Nội hàng ngày, Trung Bắc tân văn…

Sở dĩ đề tài Hà Nội được khai thác vì nhiều tòa soạn các báo chủ yếu ở Hà Nội, mặt khác xưa các báo cũng ít người nên không thể thường xuyên cử phóng viên đi các tỉnh được, chỉ khi nào các tỉnh có chuyện thì chủ bút mới cử phóng viên đi. Xưa viết báo chủ yếu là các nhà văn nên họ đi từ nhà đến tòa soạn cũng có thể viết được một bài báo. Tuy nhiên không phải tư liệu nào cũng có thể sử dụng được nên càng phải đọc nhiều.

Có một nguồn tư liệu về Hà Nội khác rất hữu ích đó là ở các báo chữ Pháp. Đôi khi các nhận định, đánh giá của họ theo góc nhìn của người phương Tây nên cũng khá thú vị.

- Có “nghiệp vụ” làm báo nào mà ông đã học được của các bậc làm báo tiền bối?

+ Nghiệp vụ mà tôi học được cho đến nay tôi vẫn áp dụng trong các bài viết là viết báo có hơi văn. Ngôn ngữ văn chương thường chứa đựng ngầm ý khiến người đọc phải suy nghĩ về nó, do vậy mà bài báo có thể sống lâu hơn. 

- Ngày nay báo chí - chỉ xét ở báo in - đã có nhiều thay đổi. Nhưng theo ông, có “mẹo nghề, mẹo nghiệp” nào có thể học hỏi, cải tiến, ứng dụng vào báo chí hiện nay?

+ Thực tế làm báo hiện cho thấy có những đề tài rất hay nhưng “nhạy cảm”, viết thật sẽ rất khó được dùng nên có thể bắt chước các cụ viết kiểu “lấy xưa nói nay”.

Người Hà Nội đọc báo.

- Một trong những hấp dẫn của báo chí là chuyên mục. Theo khảo sát của ông, chuyên mục báo chí nào hấp dẫn ông nhất?

+ Thực ra một chuyên mục tự nó không hề hấp dẫn, hấp dẫn là do người viết. Báo nào thu hút được những cây bút  luôn phát hiện ra các vấn đề có tính xã hội rộng lớn hay độc giả quan tâm; cây bút có  giọng điệu riêng; có khả năng khái quát và sắc sảo thì chuyên mục ở báo đó chắc chắc thu hút nhiều bạn đọc. Thật khó để nhận định chuyên mục của báo nào hấp dẫn nhất vì nó phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người.

- Điều khiến ông cảm thấy thú vị khi mở lại trang báo cũ, đó là khi gặp những chuyên mục, hình ảnh gì?

+ Thú vị nhất chính là các tranh minh họa, nó vừa sâu sắc, vừa hài hước, ví dụ như những minh họa về nhân vật Lý Toét với nét vẽ phóng đại mô tả sự cổ hủ khi ông trố mắt nhìn thấy chiếc ôtô hay tranh Nhảy đầm trong đó các quý bà, quý cô uốn éo ở tư thế kỳ dị. Khi đọc tờ trào phúng Vịt đực, tôi  không thể không cười với sự “thâm nho” của nhà thơ Tú Mỡ. Ông vẽ hình ảnh cô Hồ Ngọc đa tình, chủ quán giải khát ở Bờ Hồ lúc nào cũng có cánh đàn ông xúm xít vây quanh tán tỉnh chỉ bằng hai câu:

Hồ tù ngán mãi con rồng lộn
Ngọc vết thương tình lắm kẻ đeo.

- Để hoàn thành những cuốn biên khảo về Hà Nội của mình, hẳn ông đã đi khắp các thư viện lớn ở Hà Nội? Đâu là những tờ báo cho ông được nguồn tư liệu tốt? Đâu là những tờ báo ông đang tìm mà chưa thấy?

+ Tư liệu là vô cùng quan trọng đối với người biên khảo, ngoài sách, công báo, còn có báo chí qua các thời kỳ. Tôi mòn đít ở Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội, Trung tâm lưu trữ quốc gia 1. Vì không thể biết báo nào có nhiều tư liệu về Thăng Long - Hà Nội nên tôi đọc hết tờ này đến tờ khác. Tìm tài liệu cũng như đi câu, may thì vớ được tài liệu quý, hiếm, có khi cũng chẳng được gì. Thú thực tôi cũng không biết còn tờ báo xưa nào mà tôi chưa đụng đến.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác lưu trữ báo chí hiện nay và cách phục vụ độc giả muốn tra cứu báo chí xưa của các thư viện lớn ở Hà Nội?

+ Trong mấy chục năm qua công tác bảo quản, lưu trữ báo chí ở các thư viện trên địa bàn Hà Nội có nhiều hạn chế vì thiếu thốn trang thiết bị như điều hòa máy hút ẩm; lại chuyển kho vì chiến tranh dẫn đến báo bị mục, mối, rách nên nhiều tờ báo bị khuyết nhiều số.

Từ ngày đổi mới, công tác bảo quản sách báo tốt hơn rất nhiều. Hiện tại, việc đọc báo xuất bản trước 1954 cũng dễ dàng hơn trước rất thuận tiện cho những ai muốn tìm hiểu, lấy tài liệu.

- Còn các nhà sưu tập báo tư nhân, ông có thể chia sẻ những “ông chủ lớn” đang lưu giữ những bộ báo cũ đồ sộ, nhiều giá trị?

+ Tôi biết ở Hà Nội hiện có khá nhiều người sưu tập báo. Người chuyên sưu tập báo xuất bản trước 1954. Trong đó có người chỉ chuyên sưu tập Trung Bắc tân văn hay của Tư lực văn đoàn. Lại có người không thiếu một số báo báo Thể thao và Văn hóa in khổ A4. Thực sự tôi quí mến và trân trọng họ vì lòng yêu của họ với báo chí. Hãy tưởng tượng lưu trữ và bảo quản hàng nghìn tờ báo để nó không bị ẩm mốc, mối mọt khó biết chừng nào.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)
.
.