Bác Hồ với vấn đề phê bình và tự phê bình

Thứ Tư, 19/01/2011, 11:41

Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại đội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh có nhắc tới một trong những việc mà trước mắt, Đảng ta cần tập trung làm. Đó là "Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, trước hết ở các tổ chức cơ sở đảng yếu kém. Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng".

Từ trước đến nay, chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề phê bình và tự phê bình. Song, thành thật mà nói, ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vấn đề này (đặc biệt là việc "tự phê bình") chưa phải đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Trong nhận thức, đây đó còn có người nghĩ, đây là việc khó làm, nhất là với những người giữ cương vị lãnh đạo, bởi mấy ai thích để lộ cho thiên hạ biết gót chân Asin của mình. Tuy nhiên, nếu ai đó có dịp đọc kỹ tất cả những thư từ, tài liệu mà sinh thời, Bác Hồ từng gửi cho các tổ chức Đảng Cộng sản (ở Việt Nam và quốc tế) cả giai đoạn trước và sau khi Đảng ta giành được chính quyền, hẳn có thể nhận thấy, Người chính là một tấm gương sáng trong việc thực hiện rất triệt để việc phê bình và tự phê bình.

Như trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản cuối tháng 7/1939, Người viết: "Các bạn thân mến. Tôi ra đi đã 9 tháng nay và đã tới nơi được 7 tháng. Nhưng tôi lấy làm khổ tâm mà báo cáo rằng tôi chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đúng là tôi đã rơi vào cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng trăm triệu con người và trên con đường di chuyển của nó, nó đã ngẫu nhiên làm đảo lộn tất cả kế hoạch của tôi. Tuy nhiên điều đó cũng không thể bào chữa cho sự bất lực của tôi. Trong bảy tháng qua, tôi đã làm gì?

Được sự giúp đỡ của một số bạn, tôi bắt tay tiến hành nghiên cứu, nhưng chẳng thu được kết quả nào. Sau đó, tôi tìm cách bắt các mối liên lạc và việc này đã đưa lại ít nhiều kết quả như sau…". Cũng trong báo cáo này, Người còn kể lại việc do đồ đạc bị thất lạc ở Diên An (Trung Quốc) nên Người chỉ có thể truyền đạt đường lối, chủ trương của Quốc tế Cộng sản cho Ban Chấp hành Trung ương (Đảng Cộng sản Đông Dương) "những điều tôi còn nhớ". Người "đề nghị các đồng chí xem có những gì sai lầm và thiếu sót lớn không". Kèm đó là bản sao nội dung sự truyền đạt nói trên (theo "Hồ Chí Minh toàn tập" - NXB Chính trị quốc gia, 2000; tập 3, trang 140-161). 

Ai cũng biết, "nhân vô thập toàn". Con người, đã làm việc, không ai là không mắc sai lầm, khuyết điểm. Vấn đề là ta phải dũng cảm nhìn nhận và công khai sai lầm đó để tổ chức biết, nhân dân biết, và kiên quyết sửa chữa. Sinh thời, Bác Hồ từng đứng ra xin lỗi nhân dân vì những sai lầm trong một số quyết sách của Đảng. Người nói: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn".

Là một lãnh tụ giữ vị trí tối cao trong Đảng, ngay trong Báo cáo Chính trị đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II diễn ra cách đây đúng 60 xuân, sau khi nhấn mạnh: "Điểm lại từ ngày thành lập đến nay, nói chung chính sách của Đảng ta đúng. Không đúng sao lập được những thành tích lớn lao như ngày nay?", Người cũng không quên chỉ ra "mấy khuyết điểm và nhược điểm lớn" mà các cán bộ, đảng viên của ta thường  mắc phải. Trong mấy khuyết điểm lớn đó, có "bệnh mệnh lệnh" và "bệnh hẹp hòi". Theo Người: "Bệnh mệnh lệnh tỏ ra ở chỗ hay dựa vào chính quyền mà bắt dân làm, ít tuyên truyền giải thích cho dân tự giác, tự động". Và bệnh hẹp hòi là "tỏ ra ở chỗ đối với người ngoài Đảng nhiều khi quá khắt khe, hoặc phớt người ta đi, không chịu bàn bạc, hỏi han ý kiến". Người cũng thừa nhận: "Dân chủ trong Đảng chưa được thực hiện rộng rãi. Phê bình và tự phê bình chưa thành nền nếp thường xuyên". Từ đó, Người đặt ra nhiệm vụ: "Phải mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan, các đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân. Phê bình và tự phê bình phải thường xuyên, thiết thực, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên. Sau hết là Đảng phải có sự kiểm tra chặt chẽ".

Chúng ta mừng rằng, tinh thần phê bình và tự phê bình đã luôn được vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc quan tâm theo sát cho tới những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời (thể hiện đậm nét trong Di chúc của Người). Và mừng rằng, tinh thần phê bình và tự phê bình ấy cũng vẫn được thể hiện đậm nét trong những bài phát biểu mà các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng vừa trình bày tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa qua

Phạm Thành Chung - VNCA Xuân 2011
.
.