Bác Hồ với sự nghiệp “trồng người”

Chủ Nhật, 25/01/2009, 10:22
Sinh thời, Bác Hồ thường xuyên chăm lo việc "trồng người". Lời căn dặn của Bác "Vì lợi ích mười năm, trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, trồng người" đã được trưng trang trọng trong các trường học, như một định hướng phấn đấu của ngành Giáo dục. Thật ra, lời căn dặn này Bác không dành riêng cho ngành nào, mà là cho tất cả những người có trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Theo hồi ký "Bác Hồ viết Di chúc" của đồng chí Vũ Kỳ thì một tháng trước khi Bác mất, nhân buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương về phong trào "Người tốt, việc tốt", Bác bảo: "Việc đào tạo con người là vấn đề chiến lược, ta phải làm thường xuyên", và phong trào "Người tốt, việc tốt" chính là "một biện pháp quan trọng của chiến lược con người đó".

Như vậy, cho tới những tháng cuối cùng của cuộc đời, mặc dù sức khỏe đã giảm sút nhiều, song Bác vẫn rất quan tâm đến vấn đề "trồng người", bởi, như Người đã viết trong di chúc "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".

Hiện nay, Đảng ta đang phát động phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cũng có nghĩa là Đảng đã thấy được tính cấp thiết của việc "trồng người" đối với tiền đồ dân tộc. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của tôi, việc làm này không chỉ là trách nhiệm của Đảng, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, trong đó có những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật.

Phải nghiêm khắc nhìn nhận: Trong những năm trở lại đây, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, vấn đề giáo dục con người đã bị xem nhẹ. Thậm chí, có người còn xem cách đặt vấn đề đó là một sự khiên cưỡng, là một cách áp đặt lỗi thời. Theo quan điểm của họ, hãy để con người được hoàn toàn tự do lựa chọn các món ăn tinh thần cho mình. Nhiệm vụ của các tác giả, các đơn vị xuất bản, biểu diễn nghệ thuật là làm sao đáp ứng được thật nhiều những đòi hỏi hoàn toàn "tự nhiên" và mang tính cá nhân ấy.

Bởi vậy mới có chuyện các loại sách "dạy làm quan" với các mưu mô tàn bạo, các sách hướng dẫn "kỹ thuật làm tình" đầy lắt léo, các sách ca ngợi cuộc sống vị kỷ, với các thú ăn chơi hưởng lạc bốc giời, các loại truyện tranh dành cho trẻ em mà đầy hình ảnh lõa lồ, hở hang,... được thỏa sức tung hoành, có lúc gần như lũng đoạn thị trường xuất bản.

Nếu như trước đây, từng có không ít các bạn trẻ xung phong ra chiến trường hoặc đến với các công trường xây dựng là từ những trang sách mà họ đã đọc, từ những nhân vật họ yêu mến, thì nay, thật đáng buồn là con người đang ngày càng có xu hướng thực dụng và các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng phần nào (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) cổ vũ cho lối sống ấy.

Tôi có một anh bạn rất ham đọc sách. Anh cho biết anh cảm thấy thất vọng khi nhiều tác phẩm ưu tú của các nhà văn Nga - Xôviết trước đây nay rất hiếm nơi chịu in lại. Anh bảo, đọc tác phẩm của các nhà văn này nó "làm cho con người sống đẹp hơn lên", trong khi, đọc nhiều cuốn sách "thời thượng" của các nhà văn Âu, Mỹ, kể cả một số tác giả đương đại Trung Quốc đang được dịch in tơi tới ở ta, anh thấy nó đa phần chỉ dạy con người "sống khôn hơn", "sống thực dụng hơn". Tiếc thay, theo lãnh đạo một số đơn vị xuất bản thì những loại sách này lại đang "ăn khách".

Vậy là dường như trong lĩnh vực này chúng ta đã hoàn toàn "khoán trắng" cho thị trường. Công chúng của văn học nghệ thuật vì thế cũng ít được định hướng trong việc lựa chọn các sản phẩm tinh thần hữu ích cho mình. Tình cảnh đúng như đồng chí Phùng Hữu Phú, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận định trong phát biểu tổng kết cuộc Hội thảo "Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập", đó là: "Chạy theo nhu cầu giải trí, văn học nghệ thuật rơi vào tình trạng lạc đường, bỏ rơi tính giáo dục và tính định hướng".

Năm 2009 này là vừa chẵn 40 năm Bác Hồ đi xa, vừa chẵn 40 năm chúng ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Hơn lúc nào hết, việc "trồng người" càng phải trở thành vấn đề trọng tâm và bức thiết, bởi, như Bác Hồ đã dạy: "Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN"

Phạm Nhật Linh
.
.