"Bà đầm thép" Margaret Thatcher: Trên chính trường và trong đời thường

Thứ Tư, 01/05/2013, 08:00
"Chúng ta đã mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại, một thủ tướng vĩ đại và một người Anh vĩ đại" - Thủ tướng Anh David Cameron đã phát biểu như vậy ngay khi được tin cựu Thủ tướng Margaret Thatcher từ trần sau một cú đột quị vào sáng ngày 8 tháng tư vừa qua.

Nhiều người đã biết, cả ông Cameron và bà Thatcher cùng là người của đảng Bảo thủ, và ông Cameron là thành viên đảng Bảo thủ kế tiếp sau ông John Major giữ vị trí Thủ tướng nước Anh sau khi ông này từ nhiệm 13 năm. Tất nhiên, không phải vì vậy mà ông Cameron có những đánh giá "ưu ái" dành cho bà Thatcher. Trong thực tế, bà Thatcher xứng đáng được người dân xứ sở sương mù tôn vinh bởi những đóng góp không thể phủ nhận. Là Thủ tướng Anh trong suốt 11 năm (từ 1979 đến 1990), Margaret Thatcher là người phụ nữ duy nhất ở Anh giữ cương vị này và là người đứng chân ở vị trí đó lâu nhất so với các Thủ tướng Anh trong thế kỷ XX. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc bình chọn do BBC thực hiện năm 2002, bà được xếp vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại.

1.Không biết từ bao giờ và từ đâu người ta đặt cho cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher biệt danh "Bà đầm thép" (có nguồn tin cho rằng nó xuất phát từ Liên Xô). Có lẽ bởi vẻ rắn rỏi toát lên từ gương mặt, cử chỉ, lời nói và đặc biệt là hành động của bà. Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev từng nhận xét bà Thatcher là một chính trị gia mà lời nói "rất có sức mạnh".  Ngay từ nhỏ, khác với những bạn bè đồng trang lứa, Margaret đã nổi bật không chỉ bởi sự thông minh mà còn bởi tính khí cứng cỏi, già dặn trước tuổi của mình. Chuyện kể rằng, lần ấy Margaret chiến thắng trong một kỳ thi thơ, khi cô giáo trao thưởng cho cô với lời nhận xét: "Em thật may mắn, Margaret", Margaret đã ngay lập tức có phản ứng: "Tại sao lại là may mắn? Em xứng đáng được như vậy".

Năm Margaret 19 tuổi, cô bắt đầu "để mắt" tới một người đàn ông. Đó là con trai của một vị bá tước nổi tiếng phong lưu. Đã có lúc cô phải biếng ăn biếng ngủ, tâm hồn nặng trĩu ưu tư vì chàng trai này. Tuy nhiên, tính tự ái trong con người Margaret dường như chế ngự tất cả. Càng cảm mến chàng trai bao nhiêu thì Margaret lại càng căm phẫn trước thái độ lạnh nhạt với mình của bà mẹ chàng bấy nhiêu. Chỉ sau một lần gặp gỡ với bà ta thôi, Margaret đã quyết định phải cắt đứt mọi mối quan hệ với gia đình đó. Mối tình đầu (có thể được coi như vậy) của Margaret đã chấm dứt một cách chóng vánh như thế, đến độ sau này khi nhắc lại, Margaret dường như chẳng thèm đoái hoài đến tên người tình.

"Nếu bạn muốn nói về điều gì đó, hãy hỏi một người đàn ông. Nếu bạn muốn một vấn đề được giải quyết, hãy hỏi một người phụ nữ" - Lời phát biểu của Margaret Thatcher tại một đại hội Phụ nữ đã thể hiện đầy đủ quan điểm và cá tính của bà.

Bà Margaret Thatcher cùng chồng - ông Denis Thatcher.

Theo một hồ sơ đã được chính phủ Anh giải mật cách đây 4 năm, tháng 6/1979, tân Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tới Thủ đô Tokyo của Nhật Bản dự một hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Để bày tỏ sự lịch thiệp với một nữ chính khách, trước chuyến đi của bà Thatcher, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị được cử một đội nữ vệ sĩ gồm 20 cô gái rất giỏi karate - môn võ truyền thống của Nhật Bản - để phục vụ nhà lãnh đạo Anh. Ý chủ nhà muốn cử nữ vệ sĩ bảo vệ bà Thatcher vì cho rằng, dẫu gì thì nữ làm việc với nữ cũng dễ hơn. Nhưng sáng kiến đầy thiện chí trên của Tokyo đã khiến bà Thatcher… phật lòng. Văn phòng của bà Thatcher đã gửi tới Chính phủ Nhật một công hàm, nêu rõ: Bà Thatcher tới dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách Thủ tướng chứ không phải với tư cách một phụ nữ! Công hàm còn cho biết, nếu các vị lãnh đạo khác được bố trí bảo vệ bằng "20 quý ông karate" thì nữ Thủ tướng Thatcher cũng sẵn sàng ưng thuận phương thức bảo vệ như vậy, chứ bà không muốn mình bị "phân biệt" so với các nam Thủ tướng khác.

Cứng rắn đi liền với bình tĩnh. Năm 1984, một vụ đánh bom do quân đội Cộng hòa Ireland thực hiện nhằm vào tòa nhà Grand Hotel ở Brighton (địa điểm tổ chức Đại hội đảng Bảo thủ). Vụ nổ làm 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Anh Norman Tebbit. Nếu bà Thatcher bước vào phòng tắm sớm hơn một chút chắc cũng sẽ nằm trong danh sách các nạn nhân của vụ đánh bom. Vậy mà, không hề mất bình tĩnh, bà Thatcher vẫn xuất hiện đúng như kế hoạch để đọc bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ và lên tiếng phản đối những kẻ khủng bố. "Đây là ngày mà tôi không muốn thấy" - Bà Thatcher mở đầu bài phát biểu và thái độ bình tĩnh, rắn rỏi của bà đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp trong xã hội Anh. Nó thể hiện ở vị nữ Thủ tướng một ý chí sắt đá, không chịu lùi bước.

2. Là "bà đầm thép", nhưng, như một nghịch lý, cách đây ít năm, một tờ báo ở Anh đã công bố danh sách xếp hạng "10 phụ nữ Anh gợi cảm nhất thế giới" do người dân Anh bình chọn, người ta thấy có tên tuổi Margaret Thatcher. Như vậy, phải đâu trong cái vỏ "thép" ấy không chứa đựng một yếu tố gì hấp dẫn? Chuyện kể rằng, có lần, một phóng viên đã đặt thẳng câu hỏi với đức lang quân của nữ Thủ tướng Margaret Thacher - ông Denis Thatcher - rằng sống với "Bà đầm thép", ông có thấy nặng nề không? Denis đã mỉm cười mà rằng: "Nếu như các cư dân trên thế giới gọi Margaret là "Bà đầm thép" thì các con tôi đã gọi bà như chúng cần phải gọi: Mẹ. Còn tôi thì luôn gọi vợ mình bằng một biệt hiệu khác". Tất nhiên, biệt hiệu gì, ông Denis không dễ gì tiết lộ với báo giới.

Một chuyện khác: Một lần, trong lúc bà Thatcher đang dự hội nghị thì bất chợt người ta thấy bà quay sang nhìn đồng hồ đeo tay, miệng lẩm bẩm: "Vẫn còn kịp giờ. Cửa hàng chưa đóng cửa". Mọi người ngạc nhiên, hỏi bà định làm gì, thì bà giải thích: "Đến cửa hàng mua thịt hầm". Có người lên tiếng khuyên bà nên cử người giúp việc đi mua. Bà xua tay: "Không được. Chỉ có tôi mới biết được chồng tôi thích ăn loại thịt nào".

Như ở trên đã nói, Margaret Thatcher nổi tiếng là người đàn bà cứng rắn. Hiếm ai nhìn thấy bà một lần nhỏ lệ, ấy vậy mà khi ông Denis qua đời (năm 2003), mặc dù khi ấy, Margaret đã sắp bước vào tuổi 80 (bà sinh năm 1925), song nỗi đau vẫn khiến bà bật khóc trước mặt mọi người như một đứa trẻ. Thật khó có ai nhận xét về đức lang quân của mình bằng những lời lẽ trọng thị và cảm động như bà dành cho Denis: "Làm thủ tướng là một công việc cô độc... Nhưng với Denis, tôi không bao giờ cô đơn. Một người đàn ông tuyệt vời, một người chồng tuyệt vời, một người bạn tuyệt vời".

Denis Thatcher là một người đàn ông có cá tính mạnh mẽ và ưa hài hước. Ông lớn hơn vợ 10 tuổi. Không chỉ có cảm tình với con người Margaret, ông Denis còn đặc biệt thích thú được bỏ ra những khoản tiền lớn (ông Denis là một doanh nhân dầu  mỏ) để hỗ trợ cho các hoạt động chính trị của bà.

Khi bà Thatcher bước lên ngôi vị Thủ tướng, ông Denis luôn thể hiện sự đồng thuận với các chính sách mà vợ mình đưa ra, ngoại trừ việc duy trì án tử hình. Tuy nhiên, không bao giờ ông để mình lấn sâu vào con đường chính trị của vợ. Carol Thatcher - con gái chung của ông bà Thatcher từng nhận xét rằng: "Nếu hôn nhân là sự tiếp quản hoặc sát nhập, thì bố mẹ tôi thích vế sau hơn".

Bản thân bà Thatcher cũng rất đề cao sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần của ông Denis. Trong cuốn tự truyện của mình, bà thổ lộ: "Tôi sẽ không thể giữ vai trò Thủ tướng Anh trong 11 năm nếu không có Denis bên cạnh. Tôi nghĩ điều tuyệt vời ở ông ấy là luôn khiến tôi tự nguyện chia sẻ suy nghĩ. Nếu tôi buồn hoặc thấy rằng mình đã sai lầm trong một quyết định nào đó, chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau và ông ấy khiến tôi thấy đó là việc cần thiết".

Những năm cuối đời, bà Thatcher nhiều lần phải nhập viện, khi thì để phẫu thuật vì bị ngã gãy tay, khi thì phẫu thuật để cắt bỏ khối u ở bàng quang. Con gái bà Thatcher từng tiết lộ rằng, nhiều lúc cô phải nhắc mẹ rằng bố cô đã qua đời, bởi nhiều lúc, chứng mất trí nhớ đã khiến bà Thatcher vẫn nghĩ rằng ông Denis - người chồng có 52 năm gắn bó của bà - vẫn còn sống

Trần Trọng Nghĩa
.
.