Ba bài hát sớm nhất ngợi ca Bác Hồ
- Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lực lượng Công an Nhân dân
- 70 năm làm theo lời dạy của Người
- Đoàn đại biểu điển hình tiên tiến tiêu biểu CAND vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sự thực là bài hát này ra đời năm 1948, trong khi trước đó, đã có ba bài hát viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đều rất được mọi người ưa thích và lưu truyền rộng rãi. Nhưng cho đến hôm nay, những người ở tuổi dưới 75 đã không biết bởi hầu như không được vang lên ở đâu nữa, ngay cả những dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Bác thì cũng được thay thế bằng những bài hát ra đời sau này.
Bác Hồ của chúng ta trước ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà(2-9-1945) khiến cả dân tộc trầm trồ, đồn đại về một vị anh linh sắp sửa cứu giống nòi thoát khỏi ách cai trị tàn độc của đế quốc, phong kiến, Người như một huyền thoại với cái tên quen thuộc là Nguyễn Ái Quốc.
Văn bản bài hát của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ có chữ ký của Hồ Chủ tịch. |
Danh xưng Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện từ giây phút Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình. Khi ấy, tất thảy mọi người mới hay Người chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Ngay từ những giờ phút đầu tiên, vị lãnh tụ vĩ đại đã rất gần gũi với nhân dân từ câu Người hỏi bà con đến dự buổi mít tinh ở quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945: "Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?".
Sở dĩ Người hỏi vậy vì nghĩ mình nói tiếng Nghệ An, sợ nhân dân Hà Nội nghe không rõ. Và sau đó là tiếng đồng thanh vang dậy: "Rõ ạ!". Chi tiết này đã khiến nhạc sỹ Lưu Bách Thụ có mặt tại buổi mít tinh rất xúc động.
Ngay sau đó, ông sáng tác bài "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh"(Dân Nam ơi biết ơn Cụ Hồ là người bao nhiêu năm sống trong nguy nan điêu linh…). Bài hát được viết ở thểca khúc quần chúng (chanson populaire), có giai điệu tha thiết, ngọt ngào với lời lẽ hàm súc, giản dị. Cuối năm 1945, bài này được một dàn đồng ca rất hoành tráng hát lần đầu tiên tại rạp Sán Nhiên Đài ở phố Đào Duy Từ (Hà Nội) trong Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ an ninh, trật tự những ngày đầu cách mạng mới thành công của Công an Đồn Hàng Trống.
Tiếp theo đó, tại Hội nghị gặp gỡ những người có công với cách mạng do UBHC Hà Nội tổ chức tại Nhà hát lớn, bài hát này lại được biểu diễn chào mừng, nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của các đại biểu. Từ đó, bài hát đã lan rộng suốt từ Bắc chí Nam qua con đường truyền miệng.
Cho mãi đến sau ngày lập lại hòa bình trên miền Bắc (1954), bài hát mới chính thức được dàn dựng, thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca khúc này có đời sống lâu bền suốt từ trong kháng chiến chống thực dân Pháp cho mãi tới về sau, thi thoảng vẫn được phát lại trong các chương trình ca nhạc mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Bác.
Có một chi tiết không nhiều người biết. Đó là ngày11-1-1946, Lưu Bách Thụ cho xuất bản bài hát với bút danh Thụ Trang. Sau đó, nhạc sỹ xin phép Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền lúc đó là Trần Huy Liệu được gửi lên kính tặng Hồ Chủ tịch. Đến ngày 30/1 năm đó, Bác ký tên vào góc trên bên trái văn bản bài hát rồi gửi lại cho tác giả.
Người cũng chuyển lời qua Bộ trưởng Trần Huy Liệu chào tác giả và căn dặn tác giả cùng giới nhạc sỹ hãy tiếp tục sáng tác nhiều bài hát hay hơn nữa để phục vụ công nông binh, động viên toàn dân đẩy mạnh cuộc kháng chiến mau chóng thắng lợi.
Lưu Bách Thụ rất vui và vinh dự, đã cuộn tròn bản nhạc có chữ ký của vị lãnh tụ kính yêucho vào ống nứa, mang theo bên mình suốt 9 năm kháng chiến. Mãi tới khi về tiếp quản Thủ đô, ông vẫn còn lưu giữ đến ngày qua đời. Trước khi nhắm mắt, ông không quên dặn người nhà hãy gìn giữ kỷ vật thiêng liêng đó.
Ngày 6-1-1946 là một ngày lịch sử không thể quên trong tâm khảm người dân Việt Nam khi ấy. Đó là ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hà Nội sáng hôm đórợp một rừng cờ đỏ sao vàng và những âm thanh sôi động, náo nức của những đám đông dân chúng với chỉ một khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm!" .
Lời hô không dứt tại 5 cửa ô và vang vọng khắp các phố phường, ngõ ngách. Có một nhà giáo rất giỏi nhạc tên Minh Tâm, lúc này mới 21 tuổi cũng hòa vào dòng người đi bỏ phiếu. Cảnh tượng ngày hôm đó đã khiến trái tim chàng trai trẻ rung lên những tình cảm tha thiết, thành kính nhất đối với vị lãnh tụ kính yêu vừa dẫn dắt toàn dân tộc giành độc lập, tự do.
Bỏ phiếu xong, Minh Tâm về nhà lập tức ngồi vào đàn pi-a-nô gõ phím cho vang lên những nốt nhạc đầu tiên: "Đuốc gươm thiêng vung cho nước nhà khiến dân Việt Nam thoát ách xưa…". Chàng nhạc sỹ trẻ hoàn thành bài hát một mạch mau lẹ chỉ trong chừng một giờ đồng hồ. Anh đặt luôn tên cho sáng tác của mình là khẩu hiệu đã vang lên khắp nơi trong buổi sáng hôm đó: "Hồ Chí Minh muôn năm!". 5 tiếng này đồng thời cũng là điệp khúc luôn được nhắc lại nhiều lần trong bài ca.
Sáng tác xong, bài hát cũng được tác giả gửi đến Bộ trưởng Trần Huy Liệu để xin ý kiến. Ông Liệu đồng ý và chỉ thị cần triển khai tập sớm để kịp biểu diễn chào mừng các đại biểu Quốc hội khóa I vừa trúng cử. Cuộc biểu diễn này sẽ diễn ra tại sân cỏ rất rộng là khu Đông Dương học xá (nay là địa điểm Trường Đại học Bách Khoa) có sự tham dự của hơn 3 vạn người dân Hà Nội khi đó.
Trước khi khai mạc buổi lễ chính thức, Minh Tâm cùng nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên đã dành nửa giờ tập bài này cho các đoàn quần chúng hát trước. Đến khi chính thức biểu diễn bài hát trong buổi lễ, Hồ Chủ tịch đã nghe và sau đó gặp, chúc mừng chàng nhạc sỹ trẻ Minh Tâm. Người gọi chàng đến ngồi cạnh mình và mời thuốc lá(hồi đó chưa có việc không hút thuốc lá ở nơi công cộng như bây giờ). Cử chỉ thân thiện, gần gũi này của Bác khiến Minh Tâm nhớ mãi, như một kỷ niệm sâu sắc trong đời.
Cố nhạc sỹ Lưu Bách Thụ. |
Từ đó, cứ mỗi dịp có mít tinh long trọng hay hội họp gì lớn, bài hát của Minh Tâm lại được vang lên qua dàn kèn đồng do Đinh Ngọc Liên chỉ huy sau bài Quốc ca. Đến năm 1948 mới thay thế bằng bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của Lưu Hữu Phước như đã nói. Từ đó đến nay, bài này chỉ còn là một kỷ niệm đối với tác giả và những công chúng thưởng thức cùng thời mà ít có dịp vang lên ở các nơi như khi tác phẩm mới ra đời.
Trong số những nhạc sỹ thuộc dòng tân nhạc xuất hiện từ trước Cách mạng Tháng Tám, không thể không nhắc đến Nguyễn Văn Khánh. Trước nay, nhắc đến ông, người ta chỉ nghĩ tới những bài hát lãng mạn làm say đắm nhiều trái tim một thời là "Chiều vàng" và "Nỗi lòng". Nhưng ít người biết ông còn là tác giả một bài hát viết về Bác là "Nước Việt Nam có Cụ Hồ Chí Minh"cũng được nhiều người biết và hát ngay từ sau khi ra đời.
Bài này tác giả sáng tác lúc 26 tuổi, cùng thời gian với Lưu Bách Thụ viết bài "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh" như đã nói ở trên, tức ngay sau ngày 2-9-1945. Ngày 22-1-1946, Nguyễn Văn Khánh cho xuất bản bài hát tại Hà Nội. Sau năm 1954, ông ít sáng tác mà mở lớp dạy đàn ghi-ta tại nhà để sinh sống. Hồi đang là sinh viên, tôi từng học ông một thời gian và được ông tặng văn bản bài hát in từ đầu năm 1946.
Khi nhạc sỹ Lưu Bách Thụ chưa qua đời, một lần tôi hỏi ông vì sao lúc sáng tác bài "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh" vào tháng 9-1945, Bác Hồ khi ấy mới có 55 tuổi mà ông lại gọi là "Cụ". Nguyễn Văn Khánh cũng vậy, cũng gọi "Cụ" trong bài "Nước Việt Nam có Cụ Hồ Chí Minh" ra đời cùng thời điểm với bài của nhạc sỹ họ Lưu thì ông cho biết: Ngày trước, theo tập tục người Việt Nam ta, đàn ông cứ đến 50 tuổi là đã "lên lão" - một thứ bậc được mọi người cung kính, coi trọng. Thường các "cụ" ở tuổi 50 (tính theo tuổi dương là 49) được con cái, người trong nhà làm vài mâm mời họ hàng, làng xóm đến khao gọi là khao lão. Và ra đường được mọi người chào bằng "cụ".
Lúc ấy, khi cách mạng mới thành công, các vị là thành viên Chính phủ nếu tuổi trên 50 đều được mọi người tôn kính gọi bằng cụ… Hồ Chủ tịch - người đứng đầu Chính phủ cũng như vậy nên hai nhạc sỹ đã gọi bằng "cụ" trong sáng tác của mình vì lý do như thế.
Hôm nay, cả ba nhạc sỹ trên đều đã qua đời. Ba bài đều có những giá trị riêng nhưng riêng bài của Lưu Bách Thụ thì thi thoảng vẫn còn được phát trên làn sóng phát thanh. Còn hai bài của Minh Tâm và Nguyễn Văn Khánh thì chỉ còn "vang bóng một thời". Nhưng ai đã sống, chứng kiến thời khắc lịch sử đầy biến động của đất nước vào những năm 1945-1946 thì sẽ không bao giờ có thể quên ba bài hát trên.