Ấn tượng về hình ảnh và lời nói của Bác Hồ

Thứ Năm, 16/07/2020, 13:45
Bốn lần được được nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện là những kỷ niệm sâu sắc nhất của đời tôi.  Lời Bác dạy, sẽ còn là bài học mãi mãi cho tôi, mặc dầu năm nay tôi đã bước vào cái tuổi “bát thập” – tuổi khá hiếm của cuộc đời một nhạc sĩ, một nhà khoa học...

Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng những lần gặp Bác, nghe Bác nói chuyện vẫn đọng lại mãi trong tôi.

Năm 1949, sau Chiến dịch Biên giới, giữa Việt Nam và Trung Quốc biên giới thông thương, không còn ngăn cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ ngay đến chuyện phải đào tạo các giáo viên cho nền giáo dục nước nhà, ngay sau ngày giải phóng Thủ đô. 

Chính vì vậy, Bác đề nghị Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giúp cho cơ sở vật chất để thành lập Khu học xá tại Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) với tên là DỤC TÀI HỌC HIỆU. 

Nhà nước ta đã điều những nhà giáo có tiếng sang làm giáo viên giảng dạy như: Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lân, Nguyễn Khang, Lê Khả Kế, Ngô Thúc Lanh, Trần Văn Giáp.... Các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Tuyên, họa sĩ Nguyễn Khang... Thế là tôi cùng cả gia đình đều được đến Khu học xá từ năm 1951. Bên cạnh các anh chị em giáo sinh, còn có lớp học sinh nhỏ tuổi của chúng tôi.

Bác Hồ với học sinh, sinh viên Việt Nam - Ảnh tư liệu.

Tôi nhớ như in, sáng 24 tháng 12 năm 1957, loa phóng thanh của Nhà trường vang lên: “Các em học sinh chú ý, nửa giờ nữa tất cả các em ăn mặc quần áo chỉnh tề, tới tập trung trước cửa đại lễ đường để đón tiếp 1 vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”. 

Tôi hồi hộp vô cùng, vì cuối tháng 7 năm 1954, khi Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi dự Hội nghị Genève (Giơnevơ) về đã ghé qua thăm Khu học xá, tôi là 1 trong 2 thiếu niên được chọn để lên tặng hoa và ngồi ngay cạnh Phó Thủ tướng suốt buổi mít tinh... Chẳng nhẽ lần này lại là Bác Đồng?

Chúng tôi đứng đợi khoảng nửa giờ thì thấy mấy bạn kêu lên: “Đến rồi! Đến rồi .. .”. Từ xa tôi đã nhìn thấy Bác Hồ trong bộ quần áo ka ki màu vàng nhạt, bước xuống xe. “Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch... Bác Hồ muôn năm...”. Tiếng hô vang.. Chẳng còn hàng ngũ nguyên vẹn nữa. 

Tôi người nhỏ bé nên cố lách lên hàng trên và thật may đã quệt được tay mình vào vạt áo dưới của Bác, khi Bác đi ngang qua... Trước đại lễ đường, Bác đứng trên cao nói chuyện với chúng tôi. Thầy Dương Xuân Nghiên, lúc đó là Giám đốc Khu học xá Trung ương cùng ban lãnh đạo nhà trường đứng kế bên.

Sau mấy câu thăm hỏi đầu tiên, Bác quay ra hỏi Giám đốc Dương Xuân Nghiên:

- Trường chúng ta ở đây có bao nhiêu cháu nữ?

Thấy thầy Nghiên lúng túng, Bác phê bình luôn: “Thế là không được. Các cháu nữ có những sinh hoạt riêng của phụ nữ, nên làm lãnh đạo phải quan tâm để giúp đỡ chứ”. Bác còn hỏi thăm và động viên chúng tôi rất nhiều, nhắc nhở chúng tôi phấn đấu học tập, rèn luyện để trở về giúp ích cho đất nước.

64 năm đã trôi qua, nhưng lần đầu tiên được gặp Bác ấy đã để lại trong tôi - một cậu bé 15 tuổi những ấn tượng thật sâu sắc, khó quên... Năm 1958, tôi về nước và học tại Trường phổ thông cấp III Chu Văn An. Lớp chúng tôi là lớp 8G – tập trung các học sinh từ Khu học xá trở về Hà Nội. 

Lớp 8G nằm ngay tầng dưới cùng của tòa nhà chính 3 tầng có cửa sổ nhìn ra hồ Tây lộng gió. Buồn ngủ quá, tôi đưa mắt nhìn ra phía Hồ Tây thì chợt thấy bóng Bác lướt nhanh qua cửa sổ, tôi kêu vội: “Bác Hồ, Bác Hồ”... Rồi các lớp bên cạnh cũng reo lên. Ngay sau đó, toàn trường tập trung để thầy trò chúng tôi nghe Bác nói chuyện. 

Tôi cứ thắc mắc mãi sao Bác không đi thẳng vào cửa chính, qua sân mà lại đi vòng qua lớp học để ra sân trường? Sau này tôi mới biết, Bác đến bất ngờ, không báo trước và công việc đầu tiên là đi kiểm tra khu vệ sinh của Nhà trường. Hôm đó là ngày 31 tháng 12 năm 1958. Bác đã ghi lại trong sổ lưu niệm của Nhà trường:

Các Thầy zạy bảo tốt,
Các Cháu học tập tốt,
Mọi người lao động tốt,
Cả trường đoàn kết tốt

Có lẽ, nhờ lời huấn thị của Bác về nguyên lý giáo dục của nhà trường Xã hội Chủ nghĩa, mà Trường trung học phổ thông Chu Văn An đến nay vẫn là 1 trong những trường tiên tiến của Thủ đô.

Đó là lần thứ hai tôi được nhìn thấy Bác.

Vì nhà tôi ở tận 22 Yết Kiêu – hằng ngày phải đi bộ quá xa mới tới được Trường Chu Văn An, nên năm 1959, tôi chuyển về học tại Trường Phổ thông 3A (47 Lý Thường Kiệt), mà sau này đổi tên thành Trường cấp 3 Việt – Đức. 

Vì học nhạc ngay từ bên Trung Quốc, nên tôi được Ban Giám hiệu nhà trường cử xây dựng và chỉ huy dàn hợp xướng của trường tới hơn trăm học sinh và dàn nhạc 30 em – vốn là học sinh Trường Âm nhạc Việt Nam -  học văn hóa buổi sáng, còn buổi chiều thì lại về phố Hào Nam để học nhạc. Nhiều bạn trong số đó sau này trở thành những nhạc sĩ có tiếng như: Phú Quang, Trần Đức Lợi, Vũ Thiện Cơ, Nguyễn Thiện Hà... 

Vào khoảng cuối tháng 8 năm 1960, Ban giám hiệu yêu cầu tôi chọn một số bạn trong đội hợp xướng hát hay nhất để đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Mấy ngày sau tôi mới được biết là phải cho các bạn tập hát trước các ca khúc: “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Lá cờ Tháng Tám”... để cùng học sinh lớp 10, sinh viên của các trường khác và một số thanh niên tham gia dàn hợp xướng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại vườn Bách thảo Hà Nội.

Tối mùng 3 tháng 9 – trước ngày khai mạc đại hội 2 ngày (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960), chúng tôi tập trung tại vườn Bách thảo để tham dự buổi lễ của Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc. 

Lên đến nơi, tôi trố mắt ngạc nhiên khi thấy bục bằng gỗ cho dàn hợp xướng quá lớn, dành cho 800 người đứng, dựng ngay trên sân cỏ trong vườn bách thảo. Đây là đội hợp xướng có quân số lớn nhất chưa từng thấy ở Việt Nam, tính đến năm 1960. Phía trước chúng tôi là dàn nhạc giao hưởng với 114 nhạc công mới được thành lập chưa đến 1 năm, mà người chỉ huy là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – người đã dạy nhạc cho tôi từ năm 1951 tại Khu học xá Nam Ninh.

Tôi nhớ chúng tôi tập được với dàn nhạc vài lần bài “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam”,“Ca ngợi Hồ Chủ tịch”... thì bỗng nhiên tiếng vỗ tay rào rào vang lên, xen lẫn tiếng reo: “Bác Hồ, Bác Hồ...”. Bác đi ra từ hướng Phủ Chủ tịch, theo sau là các vị lãnh đạo khác và khách quốc tế sang dự Đại hội Đảng của ta. Mọi người reo hò, hoan hô ầm ĩ. Bác giơ hai tay lên cao rồi hạ xuống như để ra hiệu mọi người im lặng. 

Người mặc chiếc áo lụa màu vàng nhạt, chiếc quần lụa nâu thắt dải rút bình dị và chân đi đôi dép cao su đen quen thuộc. Bác ngồi phệt xuống cỏ xem chúng tôi biểu diễn. Tôi không thể quên được hình ảnh các vị khách nước ngoài thấy Bác ngồi xuống để khỏi che lấp bà con đứng ở phía sau, nên họ cũng phải ngồi xuống theo, chỉ tội nghiệp cho mấy đại biểu nữ nước ngoài, mặc váy bó nên cứ lúng ta lúng túng, nửa ngồi, nửa quỳ...

Nghe chúng tôi biểu diễn xong, Bác đứng dậy, nhận chiếc que chỉ huy từ tay nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu và quay lại phía dàn hợp xướng. Bác hỏi rất dõng dạc: “Bây giờ Bác sẽ chỉ huy để Bác cháu ta hát chung một bài nhé. Bài gì nào?”. Chúng tôi gân cổ gào thật to: “Bài Kết đoàn ạ”. 

Cả dàn hợp xướng hát theo: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh, kết đoàn chúng ta là sắt gang. Đoàn kết ta bền vững. Dù sắt hay là gang, mà thép với gang còn kém bền vững. Chúng ta thề phá tan quân thù thực dân, đế quốc sài lang với phe phản động ta đập tan hoang. Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo, vờn trong ánh dương xây đời mới cho dân chủ mới”. Số khách quốc tế thì vỗ tay theo nhịp bài hát. 

Tôi nhớ mãi chỉ hát được đoạn đầu vì Bác đánh đúng nhịp, đoạn sau Bác phấn khởi vung tay nhanh quá bị chệch nhịp của cả dàn giao hưởng và hợp xướng. Thế là Bác, cháu và cả các vị khác quốc tế ồ lên vỗ tay cười vui vẻ. Ngay sau đó Bác và các vị đại biểu đi sang xem các khu vực khác.

60 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm lần thứ ba gặp Bác, cứ in đậm mãi trong lòng tôi. Ngày nay mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh Bác chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng của cố nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long, tôi lại thấy hình ảnh của Bác hiện về. 

Một kỷ niệm không thể quên được, mặc dầu nhìn vào bức ảnh, những nhạc công ngồi phía trước như các anh: Phan Phúc, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Sắc... là rõ mặt nhất, còn chúng tôi đứng phía xa chỉ là những chấm đen mờ ảo...

Cũng cần phải nói thêm về bức ảnh này.  Tác giả Ngọc Minh có bài báo “Kể thêm bức ảnh Bác Hồ làm nhạc trưởng” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 20 tháng 5 năm 2010. Tác giả viết: “Ngay sau ngày bế mạc đại hội, nhân dân Hà Nội tổ chức nhiều cuộc dạ hội liên hoan văn nghệ chào mừng thắng lợi. Tối 11-9-1960, có một cuộc dạ hội mở ở vườn hoa Bách Thảo”... Viết như vậy là sai mà phải là 3 tháng 9. Chính vì vậy mà sau này, từ năm 2010, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn ngày 3/9 là Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Ngày 10 tháng 5 năm 1963, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ thăm chính thức Việt Nam và được Bác ra tận sân bay đón tiếp. Sau đó tại buổi mít tinh tổ chức ở Quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi đã được nhìn thấy Bác lần thứ tư. 

Tôi nhớ mãi câu nói bình dị và rất Việt Nam của Bác khi giới thiệu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ với nhân dân rồi Bác nói tiếp: “Những ngày ở thăm Trung Quốc, tôi đã được bác Kỳ gái … tự tay nấu cơm cho ăn”. Bác không dùng chữ “Phu nhân của Chủ tịch” mà dùng chữ “Bác Kỳ gái”. Thật tuyệt vời... vừa dân dã, vừa thân mật, gần gũi, mà lại rất Việt Nam...

Bốn lần được được nhìn thấy Bác, nghe Bác nói chuyện là những kỷ niệm sâu sắc nhất của đời tôi. Lời Bác dạy, sẽ còn là bài học mãi mãi cho tôi, mặc dầu năm nay tôi đã bước vào cái tuổi “bát thập” – tuổi khá hiếm của cuộc đời một nhạc sĩ, một nhà khoa học...

PGS.TS.Nhạc sĩ Lân Cường
.
.